Ý kiến của ĐBQH Phạm Thị Thu Hoà – Tỉnh Thái Bình

Thứ Năm 09:41 09-11-2006
Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhất trí cần có Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa để thay thế cho Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999 nhằm điều chỉnh toàn diện các vấn đề liên quan đến công tác quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa nhằm nâng cao chất lượng sản phẩm, hàng hóa, tránh rủi ro cho các doanh nghiệp và những thiệt hại cho người sử dụng. Sau đây, tôi xin được đóng góp vào 4 vấn đề.

Một là về tên gọi, tôi đồng ý lấy tên luật là Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa, với lý do, nếu lấy tên luật là Luật chất lượng theo Nghị quyết của Quốc hội thì phạm vi điều chỉnh quá rộng cả về chất lượng sản phẩm hàng hóa, cả về dịch vụ. Riêng về dịch vụ là một lĩnh vực rất rộng và phức tạp, trong đó có nhiều loại dịch vụ lại chưa có ở nước ta. Nếu lấy tên luật là Luật chất lượng sẽ tác động đến rất nhiều lĩnh vực, cả về kinh tế, cả về văn hóa, xã hội của đất nước. Còn nếu lấy tên luật là Luật chất lượng sản phẩm, hàng hóa sẽ tập trung vào các biện pháp quản lý chất lượng sản phẩm ngay từ khâu sản xuất. Điều mà hiện nay việc quản lý chất lượng còn nhiều lỗ hổng, đồng thời vẫn tập trung quản lý được chất lượng hàng hóa trong xuất nhập khẩu và lưu thông trên thị trường.

Hai là quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa - Chương III. Quản lý chất lượng phải từ khâu sản xuất, đây là yếu tố bước đầu quyết định chất lượng và tính an toàn của hàng hóa. Nếu làm tốt từ khâu này sẽ phòng ngừa được rủi ro của sản phẩm trước khi ra thị trường và người tiêu dùng không bị tổn thất. Từ trước tới nay cử tri vẫn luôn có ý kiến rằng tình trạng quản lý chất lượng các loại vật tư nông nghiệp rất lỏng lẻo, ngày càng kém hơn. Một trong những nguyên nhân là chúng ta chưa quản lý một cách chặt chẽ từ khâu sản xuất, để tình trạng cả lô hàng lớn không đạt chất lượng tung ra thị trường, lúc đó mới tìm cách xử lý, thu hồi thì hậu quả nông dân đã phải gánh chịu rồi.

Qua kiểm tra của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn thì có tới hơn 40% lượng phân bón NPK lưu thông trên thị trường chất lượng không đảm bảo, nhất là loại phân vi sinh. Vì vậy tại Mục 1 Chương III, quản lý chất lượng trong sản xuất cần phải có vai trò quản lý của Nhà nước mặc dù Khoản 1, Điều 41 đã quy định nghĩa vụ của nhà sản xuất là phải chịu trách nhiệm về chất lượng sản phẩm do mình sản xuất, phù hợp với tiêu chuẩn đã công bố. Nhưng như thế cũng chưa đủ, vẫn phải có sự kiểm tra của các cơ quan quản lý Nhà nước về chất lượng từ khâu sản xuất. Vì vậy cần quy định thêm một số điều để cơ quan kiểm tra chất lượng và các biện pháp để kiểm tra chất lượng tại mục này. Ở mục này cũng cần quy định đối với sản phẩm hàng hoá có khả năng gây mất an toàn, hoặc sản phẩm hàng hoá mà chất lượng ảnh hưởng đến an toàn cho người sử dụng, ảnh hưởng đến an toàn cho sản xuất thì cơ quan quản lý Nhà nước phải có biện pháp kiểm tra chặt chẽ an toàn của sản phẩm hàng hoá trước khi đưa ra thị trường. Theo tôi tại mục này nên giữ lại Điều 17 cũ, các loại hình đánh giá sự phù hợp vì tại Điều 19 mới, Khoản 3 chứng nhận sự phù hợp thì nên cụ thể các loại hình đánh giá sự phù hợp để luật dễ thực thi.

Thứ ba, quản lý chất lượng hàng hoá xuất khẩu và nhập khẩu. Ở đây tôi muốn đề cập đến quản lý chất lượng hàng nhập khẩu, người nhập khẩu đóng vai trò cung cấp hàng hoá ra thị trường giống như người sản xuất, tổ chức tiêu chuẩn hoá quốc tế ISO cũng như là tổ, chức thương mại thế giới WTO, khuyến khích áp dụng hình thức kiểm tra hàng hoá nhập khẩu ngay từ nơi đi, tức là tại nơi sản xuất ở nước ngoài để phòng ngừa rủi ro cho người sử dụng như trong sản xuất. Thực tế hoạt động kiểm tra chất lượng hàng hoá nhập khẩu hiện nay chỉ thực hiện tại nơi đến, tức là tại cửa khẩu Việt Nam, kiểm tra tại nơi đến là nguyên nhân gây ách tắc hàng hoá tại cửa khẩu. Nếu hàng không đủ chất lượng nhập phải xử lý tại cửa khẩu thì rất phức tạp và sẽ gây tổn thất cho doanh nghiệp. Phương thức kiểm tra hàng hoá tại nơi đến, từ trước đến nay chỉ kiểm tra theo lô, lô hàng đạt tiêu chuẩn nhập khẩu thì sẽ được thông quan, ngoài ra còn có cả chế độ miễn kiểm tra, chế độ kiểm tra giảm và chế độ chỉ kiểm tra những lô hàng lớn còn những lô hàng nhỏ thì miễn v.v... nên đã để lọt, bỏ sót nhiều lô hàng chất lượng kém, hậu quả người sử dụng phải gánh chịu thiệt thòi. Thực tế trong thời gian qua hàng Việt Nam xuất khẩu ra nước ngoài bị kiểm soát rất chặt chẽ về hàng rào kỹ thuật, nhưng hàng nhập về Việt Nam lại kiểm soát rất lỏng lẻo. Một số hàng kém phẩm chất như giống cây con, phân bón, thuốc trừ sâu, thậm chí cả thuốc Tây vẫn vào Việt Nam một cách dễ dàng, đó là do quản lý Nhà nước về chất lượng hàng nhập khẩu chưa tốt.

Tại Điều 28 quy định nội dung và thủ tục kiểm tra chất lượng hàng hóa nhập khẩu, chủ yếu mới chỉ kiểm tra ở khâu thủ tục, giấy tờ ngay tại cửa khẩu. Thực chất có những lô hàng chỉ khi nào về sử dụng mới phát hiện được sự sai khác về chất lượng, so với lúc kiểm tra tại cửa khẩu. Vì vậy cần phải quy định thêm trách nhiệm của doanh nghiệp, của nhà nhập khẩu, cần phải kiểm tra lô hàng từ nơi sản xuất và trách nhiệm của cơ quan quản lý Nhà nước cũng phải kiểm tra các thủ tục, chất lượng cả từ nơi sản xuất ở nước ngoài một cách chặt chẽ, chứ không chỉ tại cửa khẩu để tránh sự đã rồi.

Thứ tư trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm hàng hóa Chương VII, tôi nhất trí cần phải có một cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về chất lượng trong phạm vi cả nước. Cơ quan này có trách nhiệm chủ trì, phối hợp với các Bộ ngành quản lý chất lượng sản phẩm, hàng hóa thuộc lĩnh vực các Bộ ngành được phân công quản lý Nhà nước. Bởi vì hiện nay bộ máy tổ chức quản lý Nhà nước về chất lượng rất phân tán, chồng chéo. Ví dụ phân bón khi sản xuất thì thuộc Bộ Công nghiệp quản lý, nhưng khi phân bón được lưu thông trên thị trường thì vật tư nông nghiệp này lại thuộc lĩnh vực quản lý của Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn. Cơ chế phối hợp, việc kiểm tra liên ngành còn bất cập, không hiệu quả. Vì vậy, cần có 1 cơ quan đầu mối chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước về chất lượng trong phạm vi cả nước và cơ quan này nên giao cho Bộ Khoa học và Công nghệ. Trách nhiệm quản lý Nhà nước về chất lượng sản phẩm, hàng hoá, theo tôi cần tăng cường phân cấp trách nhiệm quản lý Nhà nước cho các cấp ở địa phương, đặc biệt là cấp huyện, xã, phường.

Thực tế việc lưu thông hàng hoá hiện nay như những loại hàng hoá có khả năng ảnh hưởng đến an toàn cho người sử dụng. Như sản xuất như phân bón, thuộc trừ sâu v.v... được bán ở khắp ngõ xóm, làng quê, không chỉ là các doanh nghiệp, các đại lý nơi có các cửa hàng, thậm chí cả những người bán hàng rong cũng bán những mặt hàng này. Như vậy công tác quản lý chất lượng trên thị trường chủ yếu diễn ra trên địa bàn cơ sở, việc quy định trách nhiệm củ Uỷ ban nhân dân các cấp như Điều 65 là hoàn toàn hợp lý. Tuy vậy, theo tôi cần quy định rõ thêm trách nhiệm của Uỷ ban nhân dân cấp xã. Uỷ ban nhân dân cấp xã không chỉ phối hợp với các cơ quan Nhà nước có thẩm quyền trong việc thẩm tra, thanh tra và xử lý vi phạm pháp luật về chất lượng sản phẩm, hàng hoá trên địa bàn, mà còn phải chủ động phát hiện những vi phạm pháp luật về chất lượng, sản phẩm hàng hoá, vì cấp xã, phường là nơi sát với người sử dụng, nên dễ dàng phát hiện ra những vi phạm về chất lượng sản phẩm hàng hoá.

Cuối cùng, tôi đề nghị cần quy định rõ thêm việc tạo điều kiện cho các cấp ở địa phương khi kiểm tra, thanh tra vụ việc như những công cụ, những phương tiện, kho tàng v.v... vì nhiều khi phát hiện, thu giữ những hàng hoá kém chất lượng nhưng lại không biết cất giữ, bảo quản ở đâu nên đành chỉ lập biên bản, rồi lại để lại đó. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan