Trích ý kiến của ĐBQH Đặng Thị Kim Chi – Tỉnh Phú Yên

Thứ Sáu 09:47 27-10-2006
Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin đóng góp một số điều cụ thể còn có ý kiến khác nhau của Luật Bình đẳng giới để thể hiện chính kiến của mình.

Điều 11, bình đẳng giới trong lĩnh vực chính trị ở Khoản 5 có ghi:

a) Đảm bảo tỷ lệ thích đáng nữ đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

b) Đảm bảo tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan Nhà nước, phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới.

Tôi tán thành với ý kiến các đại biểu trước tôi là dùng từ "thích đáng" ở đây nó mang rất nặng tính định tính, nó không thể hiện được thích đáng ở đây là bao nhiêu, không thể hiện được sự bình đẳng. Do đó, tôi đồng ý là trong Luật này chúng ta không nên đưa tỷ lệ nữ đại biểu dân cử vào luật, vì việc bầu ai, đại diện cho mình, đó là quyền của cử tri, nếu đưa tỷ lệ cứng vào trong luật, lỡ không đạt thì rất khó xử lý. Cho nên, không cần phải quy định tỷ lệ nữ đại biểu dân cử cụ thể trong luật.

Nhưng tôi băn khoăn là nếu như trong luật này không đưa tỷ lệ ứng cử viên là nữ thì trong văn bản hướng dẫn dưới luật cũng cần phải ghi cụ thể, bởi vì sao? Bởi vì nếu như không có tỷ lệ ứng cử viên là nữ thì sẽ không thể bầu được nhiều đại biểu Quốc hội là nữ. Đồng thời trong việc ứng cử viên là nữ thì cũng nên có quy định: ứng cử viên là nữ đó không phải gắn quá nhiều cơ cấu cho một ứng cử viên. Thường thì trong các cuộc bầu cử trước chúng ta thấy ứng cử viên nữ phải gắn cơ cấu, một là nữ, hai là trẻ, ba là phải ngoài Đảng, bốn là dân tộc thiểu số. Bởi vì gắn quá nhiều cơ cấu như thế nên khi chọn thì thường chọn trong đội ngũ giáo viên, hoặc là trong các bác sỹ, mà thường thì những người này họ chuyên làm chuyên môn, lại trẻ, lại ngoài Đảng, nên vị trí xã hội không cao, cũng như kinh nghiệm thực tế không nhiều và cơ hội tiếp cận thông tin còn ít.

Do đó nên khi đưa ra bầu họ hầu như làm đệm là chính, nếu mà lỡ có trúng thì tiếng nói của họ trong những diễn đàn Quốc hội, diễn đàn Hội đồng nhân dân không cao. Vì họ không có đủ kinh nghiệm, cũng như tri thức như những đại biểu nam khác. Trong khi đó, rõ ràng trong đại biểu nữ không phải thiếu những đại biểu đủ tài năng, đức độ, kinh nghiệm bề dày hoặc là bản lĩnh để có thể làm đại biểu dân cử. Theo tôi, trong luật hoặc là văn bản dưới luật nên lưu ý điều này để chúng ta có được những đại biểu phụ nữ xứng đáng trong các diễn đàn, các cơ quan dân cử. Như vậy, hình ảnh của đại biểu nữ trong lòng của cử tri cũng sẽ được nâng cao hơn, uy tín hơn. Trong những lần bầu cử sau tỷ lệ nữ trong các cơ quan dân cử sẽ đạt được, do dân tự nguyện bầu chứ không việc gì phải ghi tỷ lệ cụ thể.

Thứ hai, về Điểm b: "Đảm bảo tỷ lệ nữ thích đáng trong bổ nhiệm các chức danh trong cơ quan Nhà nước phù hợp với mục tiêu bình đẳng giới" Theo tôi điều này chúng ta nên quy định rõ, ví dụ như đối với đơn vị có 30% lao động nữ nên có tối thiểu 1 lãnh đạo là nữ. Nếu như chúng ta không đưa vào trong luật, lâu nay mặc dù văn bản có nhưng không thực hiện được. Cả một huyện, cả một tỉnh trong Ủy ban không có một lãnh đạo nữ, hay cả một Sở rất nhiều nữ như Sở giáo dục hay là Sở y tế không có một nữ nào trong Ban giám đốc thì làm sao đảm bảo được bình đẳng? Nói gì thì nói, khi các anh quyết định, hợp định một chính sách đối với nữ, dù các anh có hiểu nữ cho mấy thì cũng không bằng có phụ nữ trong đó. Tôi nói xin lỗi, chứ hiểu một người là vợ, con của mình còn chưa hiểu hết thì làm sao hiểu hết cả những điểm yếu, điểm mạnh của một giới. Do đó, trong lãnh đạo mà có được cả nữ thì nó cân bằng sinh thái và quyết định, hoạch định chính sách sẽ được đảm bảo được hoàn thiện hơn. Cho nên tôi nghĩ là trong Điểm b nên quy định điều này vào trong luật.

Thứ hai, về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động ở Điều 13. Ở Khoản 1, Khoản 2, theo tôi là không khả thi. Bởi vì Khoản 1 quy định nam nữ bình đẳng về bảo hiểm xã hội, về tiêu chuẩn, độ tuổi v.v... Tôi nghĩ về bảo hiểm xã hội thì làm sao mà bình đẳng được. Ví dụ, như nữ và nam cùng tham gia lao động đóng bảo hiểm xã hội ở tuổi 40, khi nghỉ hưu thì nam đủ 25 năm đóng bảo hiểm xã hội vì họ 60 tuổi mới nghỉ hưu và được hưởng lương hưu, còn nữ thì nghỉ hưu ở tuổi 55 và không đủ 25 năm đóng bảo hiểm thì làm sao có lương hưu được và như vậy là không có bình đẳng. Hoặc như Điểm 2 là về bình đẳng về tiêu chuẩn, độ tuổi khi được đề bạt, bổ nhiệm thì cũng không khả thi được. Bởi vì 55 tuổi thì nam vẫn được đề bạt, bổ nhiệm tốt, nhưng 53 - 55 tuổi nữ có thể nghỉ rồi, thì làm sao nói là bình đẳng, theo tôi 2 điểm này không khả thi. Tôi thống nhất Điểm 3 nên bỏ đi, không nên đưa vào trong luật về tuổi nghỉ hưu giống như nhắc lại Luật Lao động, Luật Bảo hiểm xã hội thôi.

Tôi muốn trao đổi lại một vài ý mà tôi thấy cũng vừa lòng lắm.

Thưa Quốc hội.

Tôi ý thức được rằng Luật Bình đẳng giới có được thông qua hay không và nó được thực thi trong cuộc sống như thế nào thì phụ thuộc phần lớn vào quyết định của các đại biểu nam. Bởi vì hiện nay và trong nhiều thập kỷ tới, việc hoạch định chính sách đất nước, trong đó có chính sách đối với lao động nữ, đối với phụ nữ phần lớn vẫn do nam giới quyết định.

Cho nên, qua ý kiến của nhiều đại biểu từ đầu giờ đến giờ, tôi thấy rất vui, vì các đại biểu như Phó Chủ tịch Quốc hội có nói là rất quan tâm đến bình đẳng giới, đến phụ nữ và có nhiều ý kiến để nhằm thúc đẩy bình đẳng giới. Nên điều này thấy rất phấn khởi và rõ ràng, các đại biểu cũng thấy rằng đây là vấn đề của xã hội, một xã hội hiện đại, chứ không phải là vấn đề của riêng chị em phụ nữ. Nhưng trong số các đại biểu nam, cũng có ý kiến cho rằng việc nghỉ hưu trước, tôi không định nói về tuổi nghỉ hưu, vì tôi thống nhất về nguyên tắc rồi. Nhưng có nhiều đại biểu nói nghỉ hưu trước 5 năm là ưu tiên. Theo tôi, tôi rất hiểu, đúng, đây là vấn đề ưu tiên. Bởi vì quy định, nhưng quy định này từ những năm 60 của Thế kỷ XX. Ngày đó phụ nữ phải lao động nặng nhọc và sinh con nhiều cho nên họ không có thời gian, điều kiện để lo cho mình, cũng như học tập để nâng cao trình độ, để cống hiến cho đất nước. Còn bây giờ điều kiện dịch vụ xã hội đã phát triển, điều kiện làm việc cũng nhẹ nhàng hơn và như nhiều đại biểu nam trước đã nói thì phụ nữ ở độ tuổi trên 50 thì đã có thể rảnh giang để chăm lo, tham gia công tác xã hội.

Như vậy việc thực hiện ưu tiên đó trong giai đoạn hiện nay có còn phù hợp nữa hay không? Tôi nghĩ là chúng ta nên xem lại, vì theo tôi về tuổi nghỉ hưu thì nên dựa trên nguyên tắc là nên để cho Chính phủ quy định tuổi nghỉ hưu của nam và nữ thì nên như nhau ở một số ngành, nghề.

Ví dụ, các ngành nghề khoa học hay quản lý thì rõ ràng cũng có nhiều lãnh đạo nữ, cán bộ khoa học nữ cũng rất giỏi và họ cần có thời gian cống hiến. Nhưng ngược lại đối với những lĩnh vực nặng nhọc, ví dụ như trong các hầm mỏ thì nam giới người ta cũng cần được nghỉ hưu sớm để bảo vệ sức khoẻ, chứ không riêng gì nữ. Cho nên, theo tôi nên dựa trên nguyên tắc là tuổi nghỉ hưu dựa trên ngành nghề do Chính phủ quy định. Cũng có quan điểm cho rằng chăm sóc gia đình là trách nhiệm của phụ nữ, giáo dục con cái, chăm lo gia đình là trách nhiệm của phụ nữ. Tôi đồng ý đó là trách nhiệm của phụ nữ nhưng như vậy không có nghĩa là nam giới không có trách nhiệm gì trong việc giáo dục con cái cũng như xây dựng một gia đình hạnh phúc, vì phụ nữ cũng chỉ là một nửa của thế giới này, cũng chỉ là một nửa của gia đình hạnh phúc đó, nếu như nam giới không có sự đồng thuận, không cùng chăm lo trách nhiệm giáo dục con cái và gia đình thì rõ ràng gia đình đó cũng không thể hạnh phúc mà một đứa bé lớn lên thì nó cần sự giáo dục của cả ông, bà, cha mẹ. Đối với phụ nữ là sự dịu dàng, sự ân cần chu đáo và đối nam giới là sự vững chãi, mạnh mẽ, chứ không phải chỉ là sự chăm sóc của người phụ nữ không. Tôi cũng muốn nói rằng ở đây chúng ta đang thảo luận về Luật Bình đẳng giới chứ không phải là phụ nữ xin xã hội, xin nam giới một cái gì mà đại biểu đề xuất ra vấn đề là nên ưu đãi bằng cách trợ cấp tiền cho phụ nữ khi sinh, khi thế này, thế khác. Ở đây, chúng tôi muốn nói là vấn đề bình đẳng xã hội để phụ nữ được có cơ hội cống hiến, được có cơ hội làm việc và được có cơ hội thụ hưởng như nam giới.

Các văn bản liên quan