Ý kiến của ĐBQH Trần Viết Quốc – Tỉnh Quảng Trị

Thứ Sáu 09:50 27-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia một số ý kiến vào Dự thảo luật mà tôi còn thấy băn khoăn.

Vấn đề thứ nhất, tôi thấy Điều 9, nói về cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới, chúng ta đồng tình không nên thành lập một Bộ hoặc cơ quan ngang Bộ giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về bình đẳng giới để không cần phải tăng thêm biên chế bộ máy, cái đó không cần thiết. Nhưng trong khi đó thì quản lý Nhà nước về bình đẳng giới liên quan đến nhiều lĩnh vực, nhiều bộ ngành mà các cấp lãnh đạo các Bộ, ngành chịu trách nhiệm trước pháp luật, trước Quốc hội, trước Chính phủ, cho nên không thể thành lập một cơ quan quản lý. Nhưng tôi thấy trong Khoản 2, Điều 9 quy định như sau: Bộ, cơ quan ngang Bộ được Chính phủ phân công chủ trì chịu trách nhiệm trước Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về bình đẳng giới.

Tôi cho rằng hiểu như thế này có thể là người ta hiểu có thành lập ra cơ quan quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Cho nên tôi cho vấn đề này là nó thừa mà không cần thiết, không cần phải có Khoản 2, Điều 5 này. Bởi vì trong khi đó trách nhiệm của các Bộ, cơ quan ngang Bộ, điều mới cũng đã nói rõ. Điều 30 trách nhiệm của Hội liên hiệp phụ nữ, Hội liên hiệp phụ nữ thực hiện Điều 29 cũng đã nói rõ về việc quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Chúng tôi xem lại, chúng tôi thấy không cần phải có Khoản 2 này cho nó rờm rà thêm ra. Đó là ý kiến thứ nhất.

Ý thứ hai, đã nhiều đại biểu phát biểu trước tôi, nói xung quanh về Điều 13 bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động. Tôi thấy trong Khoản 3 dự thảo luật nói: Điều kiện hưởng lương hưu của cán bộ công chức và lao động nam, nữ theo quy định của Bộ luật Lao động, pháp luật về cán bộ công chức, Luật Bảo hiểm xã hội. Chúng tôi rất băn khoăn vấn đề này. Một dự án luật mà tôi cho rằng rất tiến bộ, văn minh, nhưng khi nói chỉ có một điểm nghỉ hưu thôi mà phải áp dụng cả 3 văn bản quy phạm pháp luật là hoàn toàn không thuyết phục. Tôi có quan điểm như vậy. Nếu áp dụng theo Bộ luật Lao động, pháp luật về cán bộ công chức, Luật Bảo hiểm xã hội thì không cần đưa vào Khoản 3 này làm gì, bỏ đi, việc gì phải đưa nó vào. Tôi cho rằng cái đó không cần thiết. Trong khi đó Bộ luật Lao động lần này sửa đổi thì không đề cập đến vấn đề này, Luật Bảo hiểm xã hội chúng ta vừa thông qua tại Kỳ họp thứ 9. Pháp lệnh cán bộ công chức thì chưa ai đề xướng chuyện sửa đổi gì cả, thế thôi thì không cần phải như thế.

Tôi có một suy nghĩ như thế này, cũng có những suy nghĩ trùng hợp với các ý kiến khác, tôi thấy thế này: chúng tôi tìm hiểu một số ngành, lĩnh vực, một bộ phận cử tri là cán bộ công chức, là người lao động thì còn nhiều ý kiến khác nhau vì đấy là vấn đề nhạy cảm. Đại bộ phận cử tri là cán bộ công chức, là người lao động nữ cho rằng nữ về hưu trước nam 5 tuổi, là một chính sách lớn của Đảng và Nhà nước ta đối với phụ nữ, đó là một ý kiến mà tôi thấy nhiều cử tri là cán bộ công chức nữ người ta nói như vậy. Mà nữ trực tiếp lao động, sản xuất thì đều muốn về hưu sớm, nhất là các chị lao động các công việc nặng nhọc như ngành cạo mủ cao su, ở Quảng Trị tôi cũng có, ngành xây dựng, rồi các tạp dịch, v.v... người ta rất muốn. Tôi có tiếp cận đến ngành giáo dục, các chị giáo viên mẫu giáo, bậc tiểu học, các chị không muốn tuổi 55, 56, đến 60 tuổi mà đứng trước các cháu trẻ như thế. Các cô là ngành y có nói như thế này: tuổi 50 mà nhìn cho ra ven chích thuốc là cũng vất vả rồi, mà nói đến tuổi 60 thì khó khăn lắm. Một bộ phận không nhỏ nữ được đào tạo tử tế cho rằng về hưu sớm thì các cháu có cơ hội có việc làm.

Chúng tôi nhận thấy rằng, ở một số nước tuổi về hưu của nam và nữ là như nhau. Song điều kiện kinh tế, xã hội của họ không đồng nhất như của ta đâu, vì điều kiện làm việc của họ thuận lợi hơn nhiều. Từ những vấn đề nêu trên, chúng tôi đề nghị nên chỉnh sửa lại Khoản 3, Điều 13. Tôi đề nghị tuổi về hưu của nam và nữ là như nhau, khẳng định quyền bình đẳng. Còn một số ngành nghề, lĩnh vực, nữ có thể về hưu trước tuổi, trước nam 5 tuổi nhưng phải trừ phần trăm lương hưu, cái đó do Chính phủ quy định. Như thế chúng ta thỏa mãn được là đối với cán bộ nữ có tâm huyết, có sức khỏe, có năng lực, có chất xám, nhất là cán bộ khoa học, cán bộ quản lý mà Nhà nước cần giữ lại để làm thì chúng ta vẫn giữ lại.

Như hiện nay chúng ta đang sử dụng, có nhiều đồng chí nữ là cán bộ trung ương, cán bộ tỉnh trên tuổi 60 nhưng người ta vẫn làm việc. Đồng thời, cũng thực hiện chính sách đối với nữ là khi họ có nguyện vọng về hưu sớm trước năm để có điều kiện chăm sóc gia đình, bảo vệ sức khoẻ phụ nữ, đáp ứng được nhu cầu lao động của nữ, tức là đảm bảo cho quyền lợi của phụ nữ, tôi cho rằng đây là chính sách. Tôi có tiếp cận một số đồng chí cán bộ lãnh đạo địa phương tôi, đã về hưu họ nói thế này, nữ về hưu trước tuổi nam là chính sách của Đảng và Nhà nước chứ không phải là có vấn đề gì, phụ nữ cho về hưu quách cho khuất mắt, cái đó là chính sách.

Cho nên, tôi đề nghị nên quy định vào trong luật là nó hay nhất, vì chỉ còn vướng chuyện tuổi nghỉ hưu nữa thôi, chúng ta không thông qua được, tôi cho rằng không nên. Cho nên, mở ra cách như vậy.

Về Khoản 3, Điểm 3 tôi xin tham gia như thế này, trong lĩnh vực kinh tế tôi thấy lao động nữ ở khu vực nông thôn được hỗ trợ tín dụng, khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư theo quy định của pháp luật, tôi cho rằng rất chung chung, vì khuyến nông, khuyến lâm, khuyến ngư thì lao động nào, nam, nữ các tổ chức ở nông thôn đều được hưởng cả, chứ có riêng lao động nữ đâu. Tôi cho rằng không có pháp luật nào quy định riêng cho phụ nữ được hưởng khoản này. Đó là một việc mà Ban Soạn thảo cần nói rõ ra. Hiện nay, lao động nữ ở khu vực nông thôn còn nhiều thiệt thòi. Trong khi đó, họ là một lực lượng lao động lớn. Đóng góp đáng kể trong phát triển kinh tế, xã hội và xóa đói, giảm nghèo, nhất là họ góp phần quan trọng trong việc xây dựng gia đình hạnh phúc. Tôi thì chưa có suy nghĩ được điều khoản gì đưa vào để cho nó bình đẳng quyền lợi của phụ nữ nông thôn, nhưng tôi đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội, ban Soạn thảo nghiên cứu thêm, sâu hơn về lao động nữ ở nông thôn, bởi vì trong Dự án Luật này nêu về vấn đề quyền của phụ nữ lao động nông thôn quá mờ nhạt, như thế lao động nữ sẽ thiệt thòi.

Các văn bản liên quan