Trích ý kiến của ĐBQH Trần Kim Mai – Tỉnh Tiền Giang

Thứ Sáu 09:45 27-10-2006
Kính thưa Quốc hội!

Qua Báo cáo tiếp thu, giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về Luật Bình đẳng giới, tôi xin có thêm 2 ý kiến tham gia dự thảo luật.

Một, về vấn đề chung. Theo suy nghĩ của cá nhân tôi, tôi thấy từ kỳ họp thứ 9 đến kỳ họp thứ 10 Ban soạn thảo cũng như Uỷ ban được phân công thẩm tra tổ chức rất nhiều cuộc Hội thảo, toạ đàm lấy ý kiến, nhất là ý kiến của đại biểu Quốc hội Khoá XI tại kỳ họp thứ 9, cũng như ý kiến các đại biểu đã phát biểu trước tôi, càng làm rõ hơn quan điểm giới đã được Hiến pháp quy định, cũng như Công ước mà Nhà nước cộng hòa xã hội chủ nghĩa Việt Nam đã ký với Liên Hiệp Quốc về vấn đề giới là một quyền con người, giới là vấn đề xã hội, không phải giới là của chị em phụ nữ. Cho nên tất cả những quan điểm đó tôi rất nhất trí. Đồng thời tôi cũng xin được chia sẻ với nhiều ý kiến của đại biểu nam phát biểu trước tôi, thể hiện những quan điểm rất sâu sắc về vai trò của phụ nữ ngày nay. Nhưng tôi có một ý kiến xin được tranh luận với một số đại biểu đã phát biểu trước tôi đề nghị tuổi nghỉ hưu cho một bộ phận cán bộ nữ trong lĩnh vực khoa học, khoa học quản lý là ý kiến mong muốn của chị em phụ nữ ở bộ phận này. Theo tôi, chắc có lẽ chị em phụ nữ ở trong lực lượng khoa học hoặc lực lượng quản lý cũng không muốn tăng công việc của mình làm 5 năm hoặc 10 năm nữa, có chăng nữa cũng là một vấn đề cống hiến cho xã hội. Tôi nghĩ rằng bản thân của chị em phụ nữ không phải mong muốn mà đó là vấn đề xã hội, vấn đề giới là vấn đề xã hội, vấn đề cống hiến cho xã hội khi xã hội có mong muốn, có yêu cầu.

Tôi nghĩ không phải chị em mong muốn, khi làm việc thêm 5 năm nữa chị em cũng thiệt thòi là sức khỏe và nhiều vấn đề khác, đáng lẽ chị em được nghỉ, được hưởng thụ, nhưng ngược lại bây giờ yêu cầu của xã hội chị em làm việc tốt hơn, công hiến nhiều hơn, cho xã hội cái lớn hơn. Như vậy mới đúng với nhận thức, quan điểm của Hiến pháp quy định là vấn đề giới nam, hoặc giới nữ trong quá trình cống hiến cho xã hội, đó là quyền của con người và nghĩa vụ của con người cũng như quan điểm về giới là vấn đề xã hội. Còn nếu nói một bộ phận chị em mong muốn thì theo tôi nghĩ điều đó không đúng.

Một vấn đề nữa, đặc biệt trong Dự thảo Luật lần này bổ sung một điều nói về mục tiêu bình đẳng giới. Qua nghiên cứu nội dung điều này, tôi có suy nghĩ và nhận thức thêm rằng, nhận thức và thực hiện quan điểm bình đẳng giới trong thực tế là một quá trình rất dài. Điều đó càng chứng minh lời dạy của Bác Hồ khi Bác Hồ nói về bình đẳng nam nữ. Bác Hồ có nói thực hiện nam nữ bình đẳng trong sự nghiệp giải phóng phụ nữ là một sự nghiệp khó và lâu dài. Xin được phép khép lại suy nghĩ của mình ở lời dạy của Bác và cũng với vấn đề chung về bố cục cụ thể, tôi xin đề nghị nên rà soát kỹ hơn, cũng như một số ý kiến các vị đại biểu đã phát biểu trước là việc sắp xếp một số nội dung sao cho phù hợp với các chương, điều ở từng phần.
Ví dụ, ở Chương III - Các biện pháp về bảo đảm bình đẳng giới, nên chăng đưa vào các quy định chung hoặc về nội dung Chương II thì nhiều điều khoản nói về biện pháp bảo đảm bình đẳng giới ở từng lĩnh vực. Như vậy sang Chương III tiếp tục có một chương riêng về biện pháp bảo đảm bình đẳng giới thì nó không phù hợp. Hoặc ngược lại, chuyển một số khoản, một số điểm ở Chương II nhập vào Chương III về vấn đề bảo đảm bình đẳng giới thì nó sẽ khoa học hơn. Hoặc là 8 điều ở Chương V từ Điều 40 cho đến Điều 47 nói về hành vi vi phạm không thể nằm trong Chương thanh tra giám sát và xử lý vi phạm được mà có thể chuyển qua Chương III hoặc ở một chương nào đó cho nó phù hợp hơn. Theo tôi, nên rà soát lại một cách kỹ hơn hoặc một số cụm từ ở một số điều cần rà soát để bổ sung cho đủ yêu cầu nội dung kể cả chủ ngữ, vị ngữ và bổ ngữ thì nó sẽ rộng, rõ nghĩa hơn trong quá trình quy định nội dung của điều luật.

Vấn đề thứ hai, xin tham gia một số ý kiến ở các điều cụ thể như sau:

Tại Điều 4 nói về mục tiêu bình đẳng giới, tôi đề nghị nên bổ sung một số cụm từ để cho phần nội dung của mục tiêu nó được hoàn chỉnh hơn và nó hoàn thiện hơn.

Thứ nhất, nên bổ sung một cụm từ sau cụm từ về "kinh tế xã hội", vì đây là mục tiêu, nên nó phải thể hiện toàn diện. Theo tôi nên thay cụm từ "kinh tế xã hội" là cụm từ "chính trị, kinh tế xã hội, an ninh quốc phòng", như thế sẽ thể hiện được tính toàn diện ở các lĩnh vực hơn.

Thứ hai, nên bổ sung cụm từ "nhân lực" nguồn nhân lực, bổ sung cụm từ là "đặc biệt nhân tài cho đất nước", bởi vì tôi nghĩ "nhân lực" nó bao quát chung về con người trong toàn xã hội.
Thứ ba, nên bổ sung cụm từ "tăng cường hoặc mở rộng" sau cụm từ "củng cố, mở rộng quan hệ hợp tác quốc tế". Vì trong điều kiện phát triển của đất nước, mối quan hệ liên kết, liên hiệp của các giới phát triển ngày càng cao. Cho nên các nhu cầu không chỉ củng cố các mối quan hệ hợp tác quốc tế mà còn phải mở rộng hơn các mối quan hệ khác.

Điều cuối cùng ở tại Điều 4. Nên nghiên cứu, bổ sung cụm từ "những điều kiện, cơ hội cần thiết cho sự phát triển của giới" sau cụm từ "hỗ trợ", như thế nó mới có thể rõ nội dung của mục tiêu bình đẳng giới.

Thứ hai, tại Điều 6, Khoản 1 nên thay cụm từ "đời sống xã hội" bằng cụm từ "chính trị, văn hoá xã hội và gia đình", như vậy nó sẽ đầy đủ hơn. Cũng như ở Khoản 1, Điều 7 mặc dù nói về nội dung chính sách, nhưng thể hiện rất rõ và hoàn thiện nội dung của Khoản 1, Điều 7.

Khoản 5 nên bổ sung cụm từ "là những điều kiện cần thiết" sau từ "hỗ trợ" nhằm làm rõ nội dung khi cần thiết sẽ áp dụng, hỗ trợ những biện pháp để thúc đẩy mục tiêu bình đẳng giới.
Vấn đề thứ ba, tại Điều 11. Điểm a, Điểm b, Điều 11, theo tôi nên bỏ từ "thích đáng". Tôi nhất trí với giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội là chúng ta không quy định tỷ lệ vào luật, nhưng bổ sung vào từ "thích đáng" ở Điểm a, Điểm b thì theo tôi:

Một là nó không rõ nghĩa, không thể hiện được tính định lượng khi có yêu cầu cần thúc đẩy.
Thứ hai là bản thân từ "thích đáng" không nói lên được biện pháp thúc đẩy mà còn hàm chứa sự phân biệt sâu sắc hơn. Cho nên theo tôi cụm từ "bảo đảm tỷ lệ" sao cho phù hợp muc tiêu bình đẳng giới là đủ.

Thứ tư, ở Điều 13, tôi nhất trí với ý kiến của một số đại biểu trước là nên bỏ Khoản 3, vì không dẫn chiếu lại nội dung các luật khác đã quy định rồi. Hơn nữa dẫn chiếu như Khoản 3 thì không nói lên ý nghĩa gì giới trong luật này.

Tại Điều 14, theo tôi nên chuyển Khoản 4 xuống là một điểm Khoản 5, vì nội dung của Khoản 4 là biện pháp thúc đẩy bình đẳng giới trong học tập và đào tạo. Cuối cùng tại Điều 21, nói về lộ trình, Chính phủ quy định lộ trình thực hiện bình đẳng giới trong văn bản quy phạm pháp luật. Theo tôi ở Khoản 3, Điều 21 là nên bỏ, vì vấn đề thực hiện bình đẳng giới, thực hiện giới hay nói cách khác hơn là thực hiện bình đẳng nam nữ. Trước đây dù chưa có thể chế hoá bằng luật pháp thì Đảng, Nhà nước đã và đang thực hiện vấn đề thực hiện bình đẳng nam nữ từ khi Đảng ta ra đời. Hơn nữa đây không phải là thuộc vấn đề qúa phức tạp, đòi hỏi phải có một lộ trình để xây dựng các văn bản quy phạm pháp luật về bình đẳng giới. Mà nó là một vấn đề nhận thức vấn đề thực hiện, nên tôi nghĩ trong bộ máy Nhà nước, từ lập pháp, hành pháp, tư pháp với trách nhiệm của mình thì hướng dẫn, tổ chức thực hiện luật này sao cho có hiệu quả như các văn bản Luật khác.

Các văn bản liên quan