Trích ý kiến của ĐBQH Trần Tiến Cảnh – Tỉnh Hà Nam

Thứ Sáu 09:22 27-10-2006

Kính thưa Đoàn Chủ toạ,

Kinh thưa Quốc hội,

Tôi xin tham gia vào dự án Luật bình đẳng giới, tôi xin tham gia hai nội dung:

Nội dung thứ nhất là vấn đề chung.

Nội dung thứ hai là vấn đề cụ thể.

Một, về phạm vi điều chỉnh. Tôi đồng ý với phạm vi điều chỉnh của dự thảo luật, chỉ quy định các nguyên tắc bình đẳng giới trong các lĩnh vực của đời sống xã hội và gia đình, đồng thời tập trung vào một số vấn đề mà pháp luật hiện hành chưa có quy định, hoặc đã có quy định nhưng chưa cụ thể, đó là các biện pháp bảo đảm bình đẳng giới, trách nhiệm của các cơ quan, tổ chức, gia đình và cá nhân, đặc biệt là trách nhiệm liên quan trực tiếp đến bình đẳng giới, các hành vi xâm phạm đến bình đẳng giới trong từng lĩnh vực và việc xử lý các hành vi vi phạm đó.
Về tên gọi cuả luật, tôi cũng đã nghiên cứu kỹ giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội về tên luật là Luật bình đẳng giới. Tuy nhiên, để phù hợp với Hiến pháp và để đại đa số nhân dân dễ hiểu hơn, tôi đề nghị lấy tên gọi của luật là Luật bình đẳng nam nữ. Tôi đưa ra ba lý do như sau:

Thứ nhất, giới là một khái niệm rộng. Giới theo cách hiểu chung từ trước tới nay không chỉ là giới nam và giới nữ, mà còn được hiểu là giới tri thức, giới doanh nhân, giới tăng lữ, giới tu hành, v.v... Lý do thứ hai lấy tên Luật là Luật Bình đẳng nam nữ là phù hợp với Hiến pháp, dễ hiểu, không gây nhầm lẫn khi Luật được áp dụng vào thực tiễn. Lý do thứ ba, nếu gọi tên Luật là Luật Bình đẳng nam nữ, sẽ bớt được việc giải thích từ ngữ trong Điều 3, có 3 khoản phải giải thích. Đó là giới, giới tính và bình đẳng giới. Từ đó, tôi đề nghị đoàn Chủ tịch cân nhắc có thể xin ý kiến các vị đại biểu Quốc hội về tên gọi của Luật.

Nhân đây tôi xin nói thêm một chút là khi chúng ta thảo luận về Luật Giáo dục sửa đổi, trong đó có nói về bậc học: cấp I, cấp II hay cấp III, tương ứng với Tiểu học, Trung học cơ sở và Trung học phổ thông. Các đồng chí cũng đã giải thích với các đại biểu Quốc hội rằng trong Luật cũng đã ghi là phổ thông cơ sở, trong Hiến pháp đã ghi là phổ thông cơ sở, nên đấy là một lý do vẫn giữ nguyên bậc học là Phổ thông cơ sở, Phổ thông trung học và Tiểu học. Cho nên ở đây, tôi cũng đề nghị là Quốc hội cũng nên xem xét về tên gọi của Luật.

Vấn đề thứ ba về trách nhiệm quản lý Nhà nước về bình đẳng giới ở Điều 9. Tôi đề nghị sửa lại Khoản 1 Điều này như sau: Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về bình đẳng giới. Việc thành lập bộ máy giúp Chính phủ quản lý Nhà nước về bình đẳng giới từ Trung ương đến địa phương do Chính phủ quy định.

Vấn đề thứ tư, về bình đẳng giới trong lĩnh vực lao động, Điều 13.

Thứ nhất, về độ tuổi nghỉ hưu của người lao động. Cá nhân tôi đồng ý với Dự thảo Luật. Độ tuổi nghỉ hưu nên để quy định như trong Bộ luật Lao động, Pháp lệnh về cán bộ công chức và Luật Bảo hiểm xã hội. Quy định như vậy theo nhận thức của tôi là vừa phù hợp với điều kiện của phụ nữ, vừa thống nhất với Bộ luật Lao động, Pháp lệnh về cán bộ công chức và Luật Bảo hiểm xã hội. Tuy nhiên, đề nghị quy định trong luật hoặc bổ sung vào luật, giao Chính phủ quy định đối với một số ngành, nghề, sức khoẻ còn đảm bảo thì độ tuổi nghỉ hưu của nữ giới là 60 hoặc cao hơn, nhằm phát huy trí tuệ, năng lực của một số cán bộ nữ có tri thức, có kinh nghiệm. Quy định về chế độ, chính sách lương hưu cho người lao động nữ cao hơn khi làm việc trong môi trường độc hại, lao động thuộc ngành, nghề đặc thù và độ tuổi nghỉ hưu thấp hơn nam giới.

Về chính sách lao động tại Điều 13, đề nghị cần dựa trên những căn cứ khoa học về tâm sinh lý, sức khoẻ cũng như nguyện vọng của phụ nữ để có những quy định thể hiện sự quan tâm nhiều hơn nữa đối với phụ nữ. Chẳng hạn như lao động nữ khi sinh con được nghỉ thai sản 6 tháng.

Vấn đề tiếp, quy định tỷ lệ nam, nữ tham gia đại biểu Quốc hội, Hội đồng nhân dân và tham gia quản lý lãnh đạo Khoản 5, Điều 11, đề nghị chỉ quy định có tính nguyên tắc về tỷ lệ nữ tham gia đại biểu Quốc hội, đại biểu Hội đồng nhân dân, tham gia quản lý tỷ lệ cụ thể do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội quy định cho phù hợp với thực tế trong từng thời kỳ.

Về bình đẳng giới trong lĩnh vực giáo dục, đào tạo Điều 14. Tại Điểm b, Khoản 5, Điều 14 quy định "Lao động nữ khu vực nông thôn được hỗ trợ dạy nghề theo quy định của pháp luật". Tôi đề nghị quy định rõ Luật dạy nghề chứ không nói là theo quy định của pháp luật.
Về vấn đề bình đẳng giới trong gia đình, Điều 18, nghiên cứu nên bổ sung quy định bảo vệ người vợ khi ly hôn vì đối tượng này thường bị thiệt thòi rất nhiều sau ly hôn.

Vấn đề thứ hai, một số vấn đề cụ thể, về nguyên tắc cơ bản về bình đẳng giới Điều 6, đề nghị Khoản 2 bổ sung cụm từ "và trong từng giới không phân biệt đối xử về giới và trong từng giới". Đề nghị gộp Khoản 2 và Khoản 3 thành một khoản như sau: "Các chính sách và biện pháp ưu tiên hỗ trợ có tính chất đặc thù nhằm thúc đẩy bình đẳng giới phải được thể hiện trên mọi lĩnh vực chính trị, kinh tế, văn hoá, xã hội và không bị coi là phân biệt đối xử về giới".
Vấn đề các hành vi bị nghiêm cấm Điều 10. Đề nghị nghiên cứu kỹ hơn để quy định cụ thể hơn nữa những hành vi bị nghiêm cấm. Đề nghị quy định cụ thể hành vi cấm phân biệt đối xử về giới tại Khoản 2 và bạo lực trên cơ sở giới tại Khoản 3. Vì cho rằng quy định như vậy là chung chung, khó xác định. Đề nghị sửa lại theo hướng cấm định kiến với nữ, cấm ép buộc nữ phá thai khi biết giới tính của thai nhi là nữ, cấm buôn, bán phụ nữ.

Vấn đề đưa bình đẳng giới vào chương trình xây dựng văn bản quy phạm pháp luật Điều 21. Đề nghị sửa lại Khoản 2 điều này theo hướng đảm bảo sự thống nhất của Luật Bình đẳng giới trong hệ thống pháp luật, không phải là đưa vấn đề bình đẳng giới vào trong các văn bản pháp luật khác.

Vấn đề thứ tư, trách nhiệm thực hiện bình đẳng giới trong hoạt động cơ quan Nhà nước, tổ chức chính trị xã hội Điều 31. Quy định tại Khoản 1, Điểm a điều này chung chung. Ví dụ, nêu nam, nữ bình đẳng trong việc làm, theo tôi cần quy định theo hướng tạo điều kiện cho phụ nữ có cơ hội có việc làm, vì hiện nay cơ hội có việc làm của phụ nữ thường khó hơn nam giới, đặc biệt là phụ nữ nông thôn hoặc những phụ nữ nghèo. Vấn đề thứ năm, thẩm tra bình đẳng giới Điều 23. Đề nghị bỏ điều này, vì trên thực tế điều này có tính hiển nhiên. Tất cả các dự án Luật, Pháp lệnh, Nghị quyết trước khi trình Quốc hội xem xét thông qua đều được Hội đồng Dân tộc, các Uỷ ban của Quốc hội thẩm tra, tham gia thẩm tra.

Các văn bản liên quan