VCCI góp ý Dự thảo Nghị định minh bạch tài sản, thu nhập

Thứ Năm 14:10 28-09-2006

I.                   VỀ NGƯỜI CÓ NGHĨA VỤ KÊ KHAI TÀI SẢN

 

Theo kinh nghiệm quốc tế, để xác định chủ thể có nghĩa vụ kê khai tài sản các nước thường áp dụng bảy nguyên tắc sau:

 

  1. Nguyên tắc quyền lực – tài sản: Đây là nguyên tắc đầu tiên và mang tính chung nhất trong việc xác định chủ thể có nghĩa vụ kê khai tài sản. Theo nguyên tắc này bất cứ chủ thể nào nắm giữ quyền lực công đều có nguy cơ lạm dụng quyền lực ấy và dùng nó vào mục đích chuộc lợi cá nhân – tham nhũng. Vì vậy các chủ thể này cần phải kê khai tài sản của mình trước cơ quan công quyền và nhân dân có quyền được biết thông tin về tài sản của họ.

 

  1. Nguyên tắc hiệu quả: Chỉ áp dụng đối với trường hợp nào mà mạng lại hiệu quả cao nhất. Đây là nguyên tắc kế tiếp nguyên tắc quyền lực – tài sản. Trong hoạt động của mình, nhà nước phải căn cứ vào sự hiệu quả (chi phí - lợi ích) của mỗi chính sách mà vận dụng nó vào thực tiễn một cách đúng đắn nhất. Trên thực tiễn, yêu cầu tất cả các chủ thể có liên quan đến quyền lực công phải kê khai tài sản là một việc thực sự khó khăn và tốn kém. Thông qua việc áp dụng với những chủ thể nhất định trong bộ máy công quyền mà có thể mang lại chính sách hiệu quả hơn so với việc yêu cầu toàn bộ.

 

  1. Nguyên tắc thủ trưởng chịu trách nhiệm . Đây là nguyên tắc kế thừa của nguyên tắc hiệu quả. Thủ trưởng trong cơ quan có vai trò chỉ đạo và quản lý. Bên cạnh đó thủ trưởng còn là người phải chịu toàn bộ trách nhiệm tới hoạt động của cơ quan đó. Nếu áp dụng chính sách kê khai tài sản với thủ trưởng thì đương nhiên hoạt động của cơ quan sẽ trở lên hiệu quả hơn.

 

  1. Nguyên tắc ngành nhậy cảm: Nguyên tắc áp dụng cho những cán bộ thuộc chuyên ngành dễ ảnh huởng tới tiêu cực hơn như cán bộ thuế, cán bộ hải quan, mua sắm chính phủ, các dự án ODA.v.v. Việc kê khai tài sản được áp dụng cụ thể hơn đối với các cán bộ hoạt động trong những nghề nhạy cảm dễ động chạm đến tham nhũng. Các cán bộ trực tiếp hoạt động trong các lĩnh vực này phải chịu sự giám sát chặt chẽ hơn. So với các ngành khác các chức vụ cho dù thấp hơn với mức chung vẫn phải kê khai tài sản.

 

  1. Nguyên tắc hậu tố: Kể cả những người đã nghỉ hưu, họ phải kê khai tài sản sau một số năm nhất định kể từ ngày về hưu. Đây là việc tránh các cán bộ biển thủ, tham nhũng tài sản nhà nước và cất giấu số tài sản đó đi. Sau khi về hưu họ có thể lấy lại số tài sản đó mà không bị truy cứu trách nhiệm.

 

  1. Ngoài ra một số nước còn áp dụng chế độ kê khai tài sản đối với thân nhân nguời giữ chức quyền – nguyên tắc nhân thân. Nội dung của nguyên tắc này là những ai là người thân trong gia đình quan chức chính phủ cũng phải kê khai tài sản. Lý do là việc kê khai tài sản đối với bản thân quan chức sẽ dẫn đến khe hở là các quan chức đó có thể chuyển giao tài sản tham nhũng đó cho người thân mà không cần phải kê khai vào tài sản phải kê khai.

 

  1. Nguyên tắc minh bạch tài sản kê khai: Nội dung của nguyên tắc này là chỉ có những cán bộ thuộc hàng ngũ cao nhất trong chính phủ mới phải minh bạch tài sản của mình cho toàn bộ nhân dân. Thứ nhẩt việc minh bạch tài sản của cá nhân là một chuyện nhạy cảm liên quan tới quyền nhân thân của họ. Thứ hai, vì những chủ thể đó có ảnh hưởng to lớn tới lợi ích của quần chúng và hơn nữa họ là những người có khả năng tham nhũng lớn nhất vì vậy để đảm bảo cho quyền lợi của nhân dân, các quan chức này phải minh bạch tài sản của họ trước toàn dân.

 

Ngoài 7 nguyên tắc trên các nước còn áp dụng nguyên tắc kiểm toán: Nội dung của nguyên tắc này là toàn bộ các bản kê khai tài sản đều phải được kiểm toán để đảm bảo tính chính xác và rõ ràng.

 

Hàn Quốc là quốc gia áp dụng các nguyên tắc trên một cách nhất quán và cụ thể. Nhìn chung, họ chia quan chức cao và trung cấp ra làm chín (9) phẩm (bậc). Để đáp ứng tính hiệu quả, chỉ những quan chức từ bậc 1 - đến bậc 4 mới phải có trách nhiệm kê khai tài sản như: Thủ tướng, các thành viên trong Chính phủ, thành viên Nghị viện và các quan chức được bầu, bổ nhiệm tại chính quyền địa phương. Các ứng cử viên cho việc bầu vào các chức vụ trên cung phải chịu trách nhiệm kê khai. Đối với một số ngành nhậy cảm, các quan chức thuộc bậc 5 và 6 đều phải kê khai tài sản của mình. Đối với những cá nhân về hưu thì trong vòng 5 năm kể từ ngày về hưu họ phải kê khai tài sản của minh. Các thành viên trong gia đình các quan chức cao cấp đều phải có nghĩa vụ kê khai tài sản. Việc kê khai tài sản được tiến hành theo phương thức đánh số và mã hoá rõ ràng. Và cuối cùng, chỉ những quan chức từ bậc 1đến bậc 3 mới phải minh bạch tài sản của mình ra công chúng. Việc kê khai tài sản này được tiến hành đăng trên các bản công báo và nhân dân có thể tiếp cận một cách dễ dàng.

 

Nếu áp dụng các nguyên tắc trên vào Nghị định này chúng ta thấy các quy định của Việt Nam còn bao trùm. Trong bản Dự thảo Nghị định này hầu như các quan chức của Việt Nam đều phải kê khai tài sản của mình. Xét về tính hiệu quả và thực tế thì việc quy định như thế này sẽ là bước rào cản rất lớn trong công tác thực thi. Thiết nghĩ các nhà làm luật nên thu hẹp phạm vi của các chủ thể cần phải kê khai và nên áp dụng các nguyên tắc theo như thông lệ của các nước khác trên thế giới[1].

 

 

 

II.                NHỮNG TRƯỜNG HỢP CẦN TIẾN HÀNH XÁC MINH TÀI SẢN

 

Chúng tôi tán thành với nội dung đề ra trong nghị định. Tuy nhiên, theo kinh nghiệm của các quốc gia trên thế giới thì sau khi tài sản được kê khai, tất cả các bản kê khai đó sẽ được kiểm toán. Thiết nghĩ đây cũng là một nội dung cần được các nhà làm luật lưu tâm - tiền kiểm còn hơn hậu xét.

 

 

III.             CƠ QUAN, TỔ CHỨC CÓ QUYỀN YÊU CẦU XÁC MINH TÀI SẢN

 

Về cơ bản chúng tôi đồng ý với nội dung nêu ra trong Nghị định. Hiện tại Ban chống tham nhũng đã được thiết lập. Ban này có một vai trò to lớn trong công tác chống tham nhũng ở nước ta hiện nay. Xét về mặt thẩm quyền thì ban này có quyền yêu cầu xác minh tài sản nên theo chúng tôi ban này cũng cần được cho vào trong Nghị định.

 

IV.              CƠ QUAN, TỔ CHỨC THỰC HIỆN VIỆC XÁC MINH TÀI SẢN

 

Theo kinh nghiệm các nước, họ thường thiết lập ra các hội đồng chống tham nhũng. Trong đó có hội đồng chống tham nhũng ở trung ương và hội đồng chống tham nhũng ở địa phương. Thành phần của hội đồng này thường từ 9 người trở lên (như ở Hàn Quốc) trong đó có khoảng 4 thành viên là quan chức, số còn lại là các thành viên độc lập. Các hội đồng có vai trò tương đối độc lập với các cơ quan khác, họ là cơ quan có thẩm quyền tổ chức thực hiện việc xác minh tài sản. Nếu họ cảm thấy các cơ quan, tổ chức khác có khả năng làm công việc này tốt hơn họ sẽ uỷ quyền cho cơ quan đó (như cơ quan kiểm toán hay các tổ chức khác). Thiết nghĩ, để đảm bảo tính độc lập và hiệu quả của việc xác minh tài sản chúng ta cần có một cơ chế độc lập hơn như Ban chống tham nhũng hiện nay và cho các ban chống tham nhũng ở địa phương trong tương lai.

 

 

V.                 NỘI DUNG KẾT LUẬN VỀ SỰ MINH BẠCH TRONG KÊ KHAI TÀI SẢN

 

Thông thường theo các nước, việc kết luận về tính rõ ràng và đúng đắn trong kê khai tài sản của cá nhân được tiến hành theo hai bước. Thứ nhất có kết luận về sự khác biệt giữa bản kê khai và bản kiểm định. Chủ thể kê khai được phép kê khai lại. Việc kê khai sai lần đầu có thể do nhầm lẫn hoặc vô ý. Tuy nhiên cá nhân này chỉ được kê khai lại duy nhất một lần trong khoảng thời gian ngắn. Nếu trong bản khai lại vẫn còn sai thì có kết luận về tính chính xác của bản kê khai. Từ đó tuỳ vào mức độ tính chất của việc kê khai mà cá nhân đó phải chịu các trách nhiệm tương ứng.

 

 

VI.              VIỆC GIẢI TRÌNH VỀ SỰ BIẾN ĐỘNG CỦA TÀI SẢN KÊ KHAI

 

Chúng tôi đồng tình với quan điểm giải trình về biến động tài sản trên. Tuy nhiên, để cụ thể hoá, chúng tôi cho rằng nếu chủ thể không tự giải trình hay không giải trình đúng thì chúng ta cần có biện pháp khác để đánh giá mức biến động của tài sản giải trình đó như kiểm toán, điều tra v.v.v.

Các văn bản liên quan