Góp ý của Ông Nguyễn Đình Cung-Viện Nghiên cứu quản lý kinh tế Trung ương

Thứ Ba 14:57 18-07-2006

Một số ý sơ bộ về dự thảo quy chế dân chủ ở công ty cổ phần và công ty trách nhiệm hữu hạn.
 
1. Căn cứ pháp lý để ban hành quy chế này là chưa vững chắc. Nghị định phải xuất phát và căn cứ vào luật, chứ không phải căn cứ và xuất phát từ Chỉ thị của Ban chấp hành trung ương Đảng. 
 
2. Cần phải nói rõ tại sao công ty có trên 50% vốn nhà nước không áp dụng quy chế này? công ty nhóm này áp dụng quy chế hay quy định nào? Theo tội, nếu quy chế này là thực sự cần thiết, thì áp dụng chung, không có phân biệt và loại trừ bất cứ công ty nào, kể cả công ty nhà nước hay công ty có sở hữu nhà nước.
 
3. Khoản 1 Điều 4, không phải công ty nào cũng có quy chế nội bộ, nhất là quy chế nội bộ về quyền và nghĩa vụ của người lao động. Vì vậy, nên thêm từ “nếu có” vào sau “quy chế của công ty”.
 
4. Khoản 1 Điều 5 cần làm rõ hay quy định rõ “những vấn đề liên quan trực tiếp đến người lao động” là vấn đề gì?.
 
5. Điều 6: Hội nghị công nhân lao động là trạch nhiệm của Công đoàn hay của tổ chức người lao động, chứ không phải của người quan lý, không phải của công ty. Vì vậy, người quản lý, nếu cần thiết, thì tạo điều kiện thuận lợi, hỗ trợ hội nghị chứ không có trách nhiệm tổ chức. Người quản lý có nghĩa vụ tối cao và trước hết là phục vụ tối đa lợi ích của chủ sở hữu và của công ty.
 
Các chỉ tiêu, giải pháp thực hiện KHKD, tiền lương, tiền thưởng.v.v... là thẩm quyền quyền định của chủ sở hữu công ty, nên về nguyên tắc HN công nhân lao động không cần bàn đến. Nếu có, chỉ là góp ý kiến, đưa thêm sang kiến, nếu có, chứ không phải là quyết định. Vì vậy, khoản 2 Điều 6 cần làm rõ địa vị pháp lý và tính chất pháp lý của các quyết định do Hội nghị công nhân lao động; nếu không, có nguy cơ mâu thuẫn với các quyết định của Đại hội đồng cổ đông, HĐ thành viên hoặc HĐQT.v.v..
 
6.Về Điều 7:  các nội dung nói tại khoản 2 và 3 do pháp luật quy định; và việc công khai hóa, minh bạch hóa các nội dung đó là trách nhiệm của các cơ quan nhà nước, chứ không phải của doanh nghiệp. Ngoài ra, người lao động và công đoàn có trách nhiệm tìm hiểu để biết; nếu chưa biết thì tìm tư vấn đề biết, chứ không phải là trách nhiệm của người quản lý.
 
Nên bỏ khoản 1, vì không nhất thiết tất cả người lao động phải biết. Có thể, kế hoạch là một bí mất của công ty.
 
Nên bỏ điểm b khoản 5.
 
Nên bỏ khoản 6, vì đó không thuộc quyền của người lao động. Đó là vấn đề hay lĩnh vực thuộc thẩm quyền của chủ sở hữu. Riêng về thuế là thẩm quyền của cơ quan thuế, chứ không phải là thẩm quyền và quyền được biết của người lao động.
 
Cần nói rõ “công khai thực hiện thỏa ước lao động tập thế” là gì? Theo tôi, công đoàn với vai trò là người đại diện cho người lao động có trách nhiệm đánh giá và báo cáo với người lao động về tình hình thực hiện thỏa ước lao động tập thể, chứ không phải là trách nhiệm của doanh nghiệp cũng như người quản lý doanh nghiệp.
 
Bỏ khoản 10, nếu như không biết hoặc chưa biết nó là gì!, nếu đã biết thì quy định cụ thể. Không nên viết theo lối “sợ bị sót” như dự thảo.
 
7. Về điều 9, 10 và 11, cần làm rõ hiệu lực pháp lý của “tham gia ý kiến”. Theo tôi, “tham gia ý kiến” của người lao động chỉ có tính chất tham khảo để người quản lý ra quyết định mà thôi. 

  8. Về điều 12, Thỏa ước lao động tập thể là “hợp đồng” giưa tập thể người lao động và công ty. Vì vậy, người lao động chỉ quyết được về nội dung trước khi đưa đàm phán và thỏa hiệp với công ty, chứ không thể quyết hoàn toàn về nội dung thỏa ước lao động. Vì vậy, khoản 1 cần bổ sung làm rõ thêm là “để chủ tịch công đoàn ..... làm cơ sở tiến hành đàm phán và ký kết thỏa ước lao động tập thể với người quản lý”.
 
9. Khoản 2 Điều 13 không rõ nghĩa.
 
10. Điều 14 nên làm rõ hình thức nào với nội dung gì! Không nên viết như điều này dẫn đến có thể hiểu là “quyết định ký kết HĐ lao động” theo hình thức Hội nghị công nhân lao đông!.
 
11. Về điều 15 và điều 16, cần làm rõ hiệu lực pháp lý của kết quả “kiểm tra, thanh tra, hay giám sát” của người lao động? làm gì với kết quả đó. Nếu không, rất dễ gây ra hiểu nhầm giữa người lao động và người quản lý; và tập thể người lao động và đồng đoàn trở thành một cơ quan “thực thi luật pháp”. Hệ quả là có thể gây nên nghị kỵ giưa người quản lý, chủ sở hữu và người lao động, nhất là vời công đoàn.

Ngoài ra, cũng cần làm rõ các hình thức, cách thức và công cụ mà công đoàn thực hiện chức năng kiểm tra, giám sát (khoản 1 Điều 16); và chức năng kiểm tra, giám sát của công đoàn được thực hiện theo quy định nào của pháp luật.

Nếu không làm rõ được hiệu lực pháp lý và hệ lụy của kết quả kiểm tra, giám sát của người lao động, thì  nên bỏ điều này hoặc viết lai theo cách là người lao động chỉ kiểm tra và giám sát đối với người lao động, chứ không phải đối với công ty hay người quản lý.

Các văn bản liên quan