VCCI góp ý Dự thảo Nghị định về nhãn hàng hoá

Thứ Ba 14:48 04-07-2006


PHÒNG THƯƠNG MẠI
VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆT NAM
................................................
Số:              5  /PTM-PC


CỘNG HOÀ XÃ HỘI CHỦ NGHĨA VIỆT NAM
Độc lập - Tự do - Hạnh phúc
...................................................
Hà Nội, ngày 28 tháng 6 năm 2006

 
Kính gửi: Cục quản lý Chất lượng Hàng hoá
Tổng cục tiêu chuẩn đo lường chất lượng

 
Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam nhận được công văn số 138/QLCLHH-QLNHH ngày 06 tháng 6 năm 2006 đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định về Nhãn hàng hoá. Sau khi nghiên cứu Dự thảo Nghị định, Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam có một số góp ý sau:

I. SỰ CẦN THIẾT BAN HÀNH VĂN BẢN

          Nhất trí với sự cần thiết ban hành Nghị định này nhằm quy định chi tiết thi hành Luật Thương mại năm 2005, đồng thời qua 7 năm thực hiện Quy chế Ghi nhãn hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg ngày 30/8/1999, hệ thống pháp luật về ghi nhãn hàng hóa cần được sửa đổi, hoàn thiện, phù hợp với thực tiễn hoạt động thương mại trong nước cũng như quá trình hội nhập thương mại quốc tế.

II. NHẬN XÉT CHUNG

          Quy định của pháp luật về ghi nhãn hàng hóa là một trong những lĩnh vực gắn rất nhiều và trực tiếp đến thực tiễn hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân. Ghi nhãn hàng hóa không chỉ là một trong những phương thức cho thương nhân công bố, cam kết về chất lượng hàng hóa mà mình cung cấp mà còn có công cụ hết sức quan trọng bảo đảm sự cạnh tranh lành mạnh trên thị trường, bảo vệ quyền lợi chính đáng của thương nhân làm ăn chân chính và của người tiêu dùng. Bên cạnh đó, xét về khía cạnh chính sách thương mại, ghi nhãn hàng hóa được coi là một trong những hàng rào kỹ thuật được thực thi phục vụ chính sách thương mại quốc gia trong từng thời kỳ, phải tuân thủ theo những cam kết quốc tế mà quốc gia đó tham gia.

          Do ghi nhãn hàng hóa vừa có khía cạnh thực tiễn, vừa có khía cạnh chính sách, đặc biệt trong thương mại quốc tế, đề nghị Ban soạn thảo cần tổng kết việc thực thi quy định về ghi nhãn hàng hóa trên cả nước thời gian vừa qua, đồng thời có nghiên cứu, báo cáo đánh giá sự phù hợp của pháp luật hiện hành về ghi nhãn hàng hóa với những tiêu chuẩn chung của quốc tế, đặc biệt là của WTO, để có cơ sở lý luận và thực tiễn cho việc xây dựng Nghị định này.

          Do dự thảo Nghị định không có dự thảo Tờ trình kèm theo, nhiều vấn đề về quan điểm và nguyên tắc chưa được thể hiện rõ, do đó Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam chỉ tham gia một số ý kiến cụ thể của Dự thảo như phần dưới đây.

III. TÍNH THỐNG NHẤT VỚI HỆ THỐNG PHÁP LUẬT HIỆN HÀNH VÀ CÁC CAM KẾT QUỐC TẾ MÀ VIỆT NAM THAM GIA

          Trong các văn bản quy phạm pháp luật có tầm hiệu lực trên Nghị định liên quan đến việc ghi nhãn hàng hóa hiện hành quy định về ghi nhãn hàng hóa chỉ tồn tại rải rác trong một số văn bản pháp luật như Luật Thủy sản năm 2003, Luật Phòng cháy, chữa cháy năm 2001 (Điều 22 khoản 4), Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2003 (Điều 19).

          Theo quy định của pháp luật hiện hành (Điều 21 - Pháp lệnh chất lượng hàng hóa năm 1999),“Tổ chức, cá nhân sản xuất, kinh doanh phải bảo đảm trung thực, chính xác trong việc thông tin, quảng cáo về chất lượng hàng hoá của mình; phải bảo đảm hàng hoá có nhãn ghi rõ tiêu chuẩn, đặc tính, công dụng, hạn sử dụng và các nội dung khác theo quy định của pháp luật; công bố điều kiện, thời hạn, địa điểm bảo hành và hướng dẫn sử dụng hàng hoá cho khách hàng”.

Đối chiếu với các quy định này, về cơ bản nội dung của Dự thảo Nghị định là phù hợp.

          Tuy nhiên, để việc triển khai Nghị định được thuận lợi, Nghị định cần hệ thống hóa đến mức tối đa có thể các quy định về ghi nhãn hàng hóa đã được các văn bản có tầm hiệu lực pháp lý cao hơn. Chẳng hạn, trong Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2003 quy định:

          - Điều 19: “1. Thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ lưu hành trên lãnh thổ Việt Nam phải ghi trên nhãn bằng tiếng Việt là thực phẩm được bảo quản bằng phương pháp chiếu xạ hoặc bằng ký hiệu quốc tế và phải được cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền về vệ sinh an toàn thực phẩm cho phép lưu hành”.

- Điều 20. “1. Thực phẩm có gen đã bị biến đổi hoặc nguyên liệu thực phẩm có gen đã bị biến đổi phải ghi trên nhãn bằng tiếng Việt là thực phẩm có gen đã bị biến đổi”.

Tuy nhiên, các quy định này chưa được ghi nhận vào Dự thảo Nghị định, do đó đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung các quy định kể trên.

Ngoài ra, theo quy định tại Điều 35 Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm, Nhãn thực phẩm phải có các nội dung cơ bản sau đây:  a) Tên thực phẩm; b) Tên, địa chỉ cơ sở sản xuất thực phẩm; c) Định lượng của thực phẩm; d) Thành phần cấu tạo của thực phẩm; đ) Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của thực phẩm; e) Ngày sản xuất, thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản thực phẩm; g) Hướng dẫn bảo quản, hướng dẫn sử dụng thực phẩm; h) Xuất xứ của thực phẩm”.

Đối chiếu giữa quy định này với quy định trong Dự thảo Nghị định (Điều 12 khoản 2), trong Dự thảo Nghị định còn thiếu nội dung “chỉ tiêu chất lượng chủ yếu của sản phẩm”. Chính vì thế, để đảm bảo tính nhất quán trong quy định của pháp luật, Dự thảo Nghị định cần bổ sung thêm yêu cầu này.

Điều 23 của Dự thảo Nghị định có quy định việc xử phạt vi phạm hành chính đối với người có chức vụ, quyền hạn vi phạm quy định về nhãn hàng hóa. Tuy nhiên, do đây là những đối tượng đặc thù (người có chức vụ, quyền hạn) nên chỉ có thể đặt ra vấn đề trách nhiệm kỷ luật, không thể đặt ra vấn đề xử phạt vi phạm hành chính. Chính vì thế, nội dung Điều 23 Dự thảo Nghị định cần phải được chỉnh sửa cho hợp lý.

IV. MỘT SỐ GÓP Ý CỤ THỂ

          1. Về tên của Nghị định:

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa tên của Nghị định thành: "Nghị định về ghi nhãn hàng hóa". Dùng tên của Nghị định là "nhãn hàng hóa" không phản ánh đúng nội dung của Nghị định đều là về việc cần ghi nhãn như thế nào, có những nội dung gì, yêu cầu đối với việc ghi nhãn .v.v… Hơn nữa, tên của Nghị định là "ghi nhãn hàng hóa" là phù hợp với quy định của khoản 3 Điều 32 Luật Thương mại 2005.

          2. Về phạm vi điều chỉnh (Điều 1) 

           Khoản 2 Điều 1 quy định về những hàng hóa không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Việc ghi liệt kê như dự thảo Nghị định có ưu điểm là chi tiết, tuy nhiên e rằng không đầy đủ. Về phương pháp tiếp cận, cần xác định những loại hàng hóa nào chưa đưa ra lưu thông (tức là đang là sản phẩm để phục vụ cho một quá trình sản xuất, hoàn thiện thành sản phẩm khác) hoặc để xuất khẩu nên được loại trừ khỏi phạm vi điều chỉnh của Nghị định. Đối với hàng xuất khẩu đã được quy định tại Điều 4 dự thảo, về cơ bản nhất trí với quy định này. 

            Do đó đề nghị bổ sung một số loại hàng hóa sau không thuộc phạm vi điều chỉnh của Nghị định:

          - Những hàng hóa là sản phẩm được sản xuất để tổ chức, cá nhân khác sử dụng để sản xuất tiếp ra loại hàng hóa khác mà không bán trực tiếp cho người tiêu dùng cuối cùng;

          - Hàng hóa là phụ tùng thay thế của máy móc, phương tiện vận tải, trừ trường hợp các phụ tùng thay thế này nhằm trưng bày, giới thiệu đến người tiêu dùng để bán;

          - Những hàng hóa là tác phẩm nghệ thuật như tranh chụp, tranh vẽ, đồ gốm sứ, tráng men .v.v… được sản xuất mang tính đơn chiếc.

          3. Về khái niệm "ghi nhãn hàng hóa" (khoản 2 Điều 5)

Đề nghị bỏ đoạn "… để người tiêu dùng nhận biết, làm căn cứ lựa chọn, tiêu thụ và sử dụng; để nhà sản xuất kinh doanh quảng bá cho hàng hóa của mình và để các cơ quan chức năng thực hiện việc kiểm soát." vì không cần thiết, hơn nữa nếu nêu như vậy thì cũng không đủ.

          4.  Về vị trí của nhãn hàng hóa (Điều 6)

Đề nghị bỏ "hạn sử dụng" tại điểm a khoản 3 Điều này bởi đây không phải là nội dung bắt buộc ghi trên nhãn đối với tất cả các loại hàng hóa theo quy định của Điều 12 dự thảo Nghị định này.

          5. Về kích thước nhãn hàng hóa (Điều 7)

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc lại quy định nhãn hàng hóa phải "bảo đảm ghi đầy đủ nội dung bắt buộc theo quy định tại Điều 11 và 12 của Nghị định này" bởi nhiều trường hợp nhãn hàng hóa không đủ diện tích để ghi đủ các nội dung bắt buộc. Đề nghị bổ sung quy định:

"trường hợp nhãn hàng hóa không đủ để ghi hết các nội dung bắt buộc theo quy định thì những thông tin bắt buộc phải được thể hiện trên tài liệu kèm theo hàng hóa khi bán hàng cho người mua hàng".

          Đề nghị bổ sung quy định về kích cỡ tối thiểu của chữ viết ghi trên nhãn hàng hóa ngoài quy định chung tại Điều 7 là "nhận biết dễ dàng bằng mắt thường". Ngoài ra, đề nghị bổ sung thêm: "… nhận biết dễ dàng bằng mắt thường trong điều kiện bình thường".

  6. Những yêu cầu cơ bản đối với nhãn hàng hoá:

Đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung quy định về những yêu cầu cơ bản đối với nhãn hàng hóa, ví dụ như: tất cả các chữ viết, chữ số, hình vẽ, hình ảnh, dấu hiệu, ký hiệu ghi trên nhãn hàng hóa phải rõ ràng, đúng với thực chất của hàng hóa, không được ghi mập mờ, gây ra sự nhầm lẫn với nhãn hàng hóa khác (Điều 4 Quy chế Ghi nhãn hàng hóa ban hành kèm theo Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg). Những quy định này xác định những yêu cầu mang tính nguyên tắc đối với nhãn hàng hóa nhằm chống cạnh tranh không lành mạnh.

  7. Về nội dung bắt buộc phải ghi trên nhãn hàng hóa (Điều 11)

  - Đề nghị bổ sung nội dung thành phần cấu tạo và hướng dẫn sử dụng, bảo quản là nội dung chủ yếu của nhãn hàng hóa.

  - Đề nghị xem xét lại điểm c khoản 1 Điều này quy định xuất xứ hàng hóa là một nội dung bắt buộc phải thể hiện trên nhãn hàng hóa vì trong trường hợp ghi nhãn hàng hóa xuất khẩu thì sẽ có nhiều trường hợp hàng xuất khẩu không bắt buộc phải ghi xuất xứ hàng hóa.

  8. Về các chỉ tiêu chất lượng chủ yếu

Nhãn hàng hóa là một phương thức công bố chất lượng hàng hóa, trên cơ sở đó thương nhân cam kết với khách hàng về chất lượng hàng hóa do mình cung ứng. Vì vậy, những chỉ tiêu chất lượng chủ yếu cần phải là một nội dung bắt buộc được công bố trên nhãn hàng hóa. Chỉ tiêu chất lượng chủ yếu có thể là những chỉ tiêu quyết định giá trị sử dụng chính của hàng hóa và chỉ tiêu an toàn đối với người, vật nuôi, cây trồng, môi trường khi sử dụng hàng hóa đó.

  9. Về điều khoản chuyển tiếp

Do quy định về ghi nhãn hàng hóa mang tính kỹ thuật cao, ảnh hưởng trực tiếp đến hoạt động sản xuất, kinh doanh của thương nhân. Khi ban hành Nghị định này, chắc chắn có một số nội dung khác với Quy chế Ghi nhãn hàng hóa hiện hành mà thương nhân đang thực hiện. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần đưa vào Nghị định điều khoản chuyển tiếp quy định những nội dung nào theo Quy chế cũ vẫn được chấp nhận hay không được chấp nhận để hàng hóa có thể lưu thông, thời hạn chuyển đổi nhãn hàng hóa theo yêu cầu của Nghị định mới, vấn đề thay thế, hủy bỏ những nhãn hàng hóa cũ không hợp lệ .v.v… Đây là những vấn đề hết sức thực tiễn, đã xảy ra trong quá trình thực thi Quyết định số 178/1999/QĐ-TTg, do đó trong Dự thảo Nghị định phải lường trước được những vấn đề này để tạo điều kiện thuận lợi cho thương nhân tuân thủ pháp luật về ghi nhãn hàng hóa.

V. KỸ THUẬT LẬP PHÁP

Dự thảo còn một số vấn đề về kỹ thuật lập pháp cần phải hoàn thiện thêm. Cụ thể:
Về định nghĩa “hạn sử dụng” là “mốc thời gian …” hoặc “hạn bảo quản” là “mốc thời gian …” tại khoản 10 và 11 Điều 5 Dự thảo Nghị định: Định nghĩa này là không chính xác về ngôn ngữ học và không phù hợp với thực tiễn ghi hạn sử dụng trong nhiều loại hàng hóa. Chữ “hạn” trong cụm từ “hạn sử dụng”, “hạn bảo quản” chính là cách nói tắt của chữ “thời hạn”. Theo cách hiểu thông thường cũng như trong quy định của pháp luật (Điều 149 khoản 1 Bộ luật dân sự năm 2005), thời hạn là “khoảng thời gian” được xác định từ thời điểm này đến thời điểm khác. Chính vì thế, “hạn sử dụng” hoặc “hạn bảo quản” không thể là “mốc thời gian” (thời điểm) được. Thực tiễn ghi hạn sử dụng của nhiều hàng hóa cũng thường chỉ ghi ngày sản xuất, sau đó ghi hạn sử dụng là một số tháng, năm (hoặc ngày) kể từ ngày sản xuất. Vì thế, cần phân biệt khái niệm “thời điểm hết hạn sử dụng/ bảo quản” với khái niệm “hạn sử dụng/ bảo quản”. Nói cách khác, khái niệm “hạn sử dụng/bảo quản” cần phải chỉnh sửa lại cho phù hợp.
Ngoài ra, theo trong một số văn bản quy phạm pháp luật có hiệu lực pháp lý cao hơn, chẳng hạn trong Pháp lệnh vệ sinh, an toàn thực phẩm năm 2003 (Điều 35), các nhà làm luật sử dụng cụm từ “thời hạn sử dụng, thời hạn bảo quản”, chứ không viết tắt là “hạn sử dụng” hoặc “hạn bảo quản”. Do đó, để đảm bảo tính nhất quán trong việc sử dụng thuật ngữ, Dự thảo Nghị định nên sử dụng cụm từ “thời hạn sử dụng”, “thời hạn bảo quản” thay cho cụm từ “hạn sử dụng”, “hạn bảo quản”.

Chưa có sự phân biệt rõ ràng giữa 2 khái niệm “hạn sử dụng” và “hạn bảo quản” nêu tại khoản 10 và 11 Điều 5 Dự thảo Nghị định. Theo quy định tại khoản 10 thì “hạn sử dụng” là “mốc thời gian mà quá thời gian đó, hàng hóa không được phép lưu thông hoặc không còn đảm bảo nguyên giá trị sử dụng ban đầu”. Trong khi đó, theo quy định tại khoản 11 thì “hạn bảo quản” là “mốc thời gian mà quá thời gian đó hàng hóa không còn đảm bảo giữ nguyên chất lượng và giá trị sử dụng ban đầu”. Như vậy, khái niệm “hạn sử dụng” chỉ khác khái niệm “hạn bảo quản” ở điểm “… không được phép lưu thông”, còn lại trường hợp “… không còn đảm bảo giá trị sử dụng ban đầu” thì có thể gọi là “hạn sử dụng” hoặc “hạn bảo quản” đều được? Nếu vậy thì việc phân biệt 2 khái niệm này không có ý nghĩa và cũng không nên trong cùng một văn bản có nên sử dụng 2 khái niệm khác nhau để chỉ cùng sự vật, hiện tượng không. Vì vậy, đề nghị Ban soạn thảo cần sửa đổi, bổ sung quy định này trong Dự thảo Nghị định.

Việc không phân biệt khái niệm “hướng dẫn sử dụng, hướng dẫn bảo quản hàng hóa” (Khoản 13 Điều 5) là điều không nên. Sử dụng và bảo quản là 2 khái niệm khác nhau, có chức năng và ý nghĩa khác nhau. Việc đồng nhất 2 khái niệm này có thể dẫn tới sự hiểu lầm không đáng có khi áp dụng Nghị định trong thực tiễn. Do đó đề nghị tách riêng 2 khái niệm “hướng dẫn sử dụng” và “hướng dẫn bảo quản”.

          Để đảm bảo Dự thảo Nghị định gọn hơn, các khoản 11 và 12 của Điều 12 có thể sáp nhập lại thành một khoản. Tương tự, khoản 14 và 15 của Điều 12 cũng có thể sáp nhập lại được. Khoản 17 và 18 của Điều 12 cũng có thể sáp nhập lại.

          Cần bổ sung trong khoản 41 và 42 của Điều 12 nội dung về “hướng dẫn sử dụng”.

          Cần sửa lại các lỗi chính tả tại trang 18, 19, 20, 21, 22, 23, 24, 25 của bản Dự thảo Nghị định. 

           Trên đây là một số góp ý Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam trân trọng gửi tới quý Bộ nghiên cứu để hoàn thiện Dự thảo.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cục.


 
 
 
Nơi nhận:
-          Như trên
-          Ban TT (để báo cáo)
-         Lưu VT, PC


K/T CHỦ TỊCH
PHÒNG THƯƠNG MẠI VÀ CÔNG NGHIỆP VIỆTNAM
PHÓ CHỦ TỊCH
 
 
Đoàn Duy Khương


 

Các văn bản liên quan