Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Khánh Toàn – Tỉnh Quảng Trị

Thứ Hai 12:48 12-06-2006

Trong nội dung Luật Cư trú này theo tôi có hai vấn đề rất cơ bản mà các nội dung điều luật điều chỉnh phải thể hiện được cái đó.

Thứ nhất, phải đảm bảo được quyền tự do cư trú của công dân. Quyền tự do cư trú của công dân là quyền rất cơ bản đã được hiến pháp quy định thì cái đó phải được điều chỉnh, thuận lợi cho dân và bảo vệ cho dân.

Thưa các đồng chí, người dân rất cần sự bảo vệ của chính quyền, của Nhà nước của chúng ta và cư trú trong một nhà nước, một quốc gia có hoà bình, ổn định đó là điều hạnh phúc vô cùng. Bây giờ nếu không tham gia vào Luật Cư trú này thì coi như không được quyền bảo vệ. Trước hết tôi nói quyền tự do cư trú của công dân thì thể hiện thế nào trong các điều luật để đảm bảo các quyền đó, không thể xa rời cái đó được.

Nội dung thứ hai rất quan trọng là đảm bảo sự quản lý của Nhà nước đối với Luật Cư trú này. Tại sao phải đảm bảo quyền quản lý của Nhà nước? Nhà nước có thực hiện được quyền quản lý thì Nhà nước mới thực hiện được nhiệm vụ của mình là bảo vệ với cư trú tự do của công dân;

Thứ hai là Nhà nước có quản lý thì Nhà nước mới hoạch định được các chiến lược, chính sách để bảo vệ an ninh quốc phòng, bảo vệ Tổ quốc, bảo vệ đất nước, phát triển và tạo môi trường hoà bình ổn định;

Thứ ba là Nhà nước có quản lý thì Nhà nước mới có cơ sở để xây dựng các chính sách kinh tế, xã hội khác;

Thứ tư là Nhà nước có quản lý thì mới giải quyết được những vấn đề có quan hệ quốc tế có hệ thống của nó. Chính vì vậy cho nên việc quản lý của Nhà nước là cực kỳ quan trọng. Mà công dân cũng yêu cầu Nhà nước quản lý. Tôi cho rằng giải quyết hai nội dung cơ bản này, trong luật của chúng ta làm thế nào điều chỉnh cho chặt chẽ rất tốt, theo một phương châm là cái gì có lợi cho dân thì làm, cái gì mang tính hình thức thì bỏ đi.

Thưa các đồng chí, cái gì cũng có thời điểm lịch sử của nó, Nghị định 51, công tác quản lý hộ khẩu từ thời kỳ chiến tranh nó đã có giá trị của nó, bước vào giai đoạn hiện nay nó có những gì không thích hợp chúng ta bỏ, loại trừ nó ra, chứ không phải để viện dẫn nó mà chúng ta có cái gì đó hiểu không chính xác đối với việc này là không nên. Đó là vấn đề thứ hai về nội dung cơ bản trong dự án Luật này cần điều chỉnh, vì tôi không muốn phát biểu sâu vào những điều luật cụ thể, tôi muốn nói đến những vấn đề có tính nguyên tắc.

Thứ ba, hình thức và nội dung công tác quản lý Nhà nước như thế nào, đây là điều cực kỳ quan trọng. Hiện nay chúng ta có rất nhiều cách quản lý, rõ ràng có nhiều giấy tờ quản lý nhưng quản lý vẫn không chặt. Báo cáo các đồng chí một công dân có sổ hộ khẩu, chứng minh thư, lao động thì có sổ lao động, tôi là công an tôi có thẻ công an, đại biểu Quốc hội có thẻ Quốc hội, Đảng viên trung ương có thẻ trung ương, nhiều loại giấy tờ lắm, nếu tôi đi nước ngoài còn có hộ chiếu, cũng là quản lý. Bây giờ một vấn đề đặt ra làm như thế nào để trong đất nước chúng ta mỗi một công dân chỉ một loại giấy tờ và từ đó quản lý được. Chứ không thì bây giờ mỗi loại, rõ ràng các đồng chí đại biểu Quốc hội kiểm mà xem, trong túi các đồng chí có rất nhiều loại giấy tờ, mà cái nào cũng cần cả. Bây giờ làm sao chỉ làm một giấy thôi, từ đó có đầy đủ thông tin, nếu như tôi lái xe trong đó có phản ảnh lái xe, thẻ tín dụng có trong đó, hay vấn đề lao động, tôi ở cơ quan nào thì qua thẻ đó biết hết. Phải chăng chúng ta phấn đấu để đi đến chỗ công tác quản lý một cách rất đơn giản, chặt chẽ nhưng khoa học thì tốt hơn. Tôi thấy vấn đề quản lý hiện nay là thế.

Hiện nay có một điều chúng ta rất đáng ngại, chúng ta phải đối mặt với nó là gì, là nạn làm giả giấy tờ. Thưa với Quốc hội, hộ khẩu cũng làm giả, chứng minh thư cũng làm giả và những loại giấy tờ khác cũng làm giả. Bây giờ quản lý làm sao cho nó chặt, đó là một bài toán mà thực tế ngành công an và các cơ quan hữu quan tính toán mãi, giải quyết vẫn chưa có một lối thoát dứt khoát của nó.
Từ đó tôi đề nghị, trước mắt giải quyết ngay vấn đề hộ khẩu, chưa thể bỏ được. Vấn đề quản lý hộ khẩu để bảo vệ người dân của mình là quan trọng. Nhân tiện đây tôi nói một điều mà nước ngoài đến đặt vấn đề với Bộ Công an chúng tôi, khi hoạt động khủng bố xảy ra thì đại sứ một nước đến đặt vấn đề là yêu cầu các ngài có kế hoạch bảo vệ công dân của chúng tôi trên đất nước các ngài. Tôi bảo nguyên tắc bây giờ ngài cho chúng tôi biết công dân ngài đang ở đâu và thứ hai là vì tôi là công an, anh đừng có nói tôi đi theo dõi anh thì tôi mới bảo vệ được, chứ không hiểu nhau là không được đâu. Cho nên vấn đề quan trọng là phải quản lý được, biết ở đâu mới bảo vệ được chứ.

Chính vì vậy, muốn bảo vệ được công dân và công dân muốn thực hiện được quyền tự do của mình phải chịu điều hành của Luật Cư trú này chứ không thì không ổn.

Về hướng tương lai tôi cho rằng nên nghiên cứu để tính toán công tác, nội dung và hình thức quản lý của mình cho nó thích hợp với từng thời điểm lịch sử phát triển kinh tế xã hội của đất nước và khả năng của đất nước chúng ta. Hiện nay nếu làm ngay như việc tôi đã nêu trên một thẻ mà nhiều nội dung hơi khó, vì nhiều ngành quá, nhưng trong tương lai chúng ta phấn đấu như thế.
Thưa các đồng chí, hiện nay nếu hộ chiếu đồng chí nào đi nước ngoài thì một người có thể 2 - 3 hộ chiếu, đối với đất nước khác người ta chỉ một người một sổ hộ chiếu thôi, mình thay đổi liên tục, đất nước mình dễ quá. Cho nên tự do kiểu đó cũng gay go, tôi thấy cần phải giữ chặt.

Một số vấn đề cần quan tâm giải quyết trong luật này, tôi có một số đề nghị như sau:

Cần giải quyết quyền cư trú của một số bà con của chúng ta ở Campuchia và ở một số nước về một số tỉnh biên giới. Chỗ này báo chí đã nêu, nhưng trong giai đoạn này tình hình chính trị ở các nước khu vực không yên thì bà con chạy về cư trú ở tại các tỉnh biên giới.

Thứ hai, một số bà con người Lào trước đây cùng sống chung nhau, bây giờ chia biên giới ra thì bà con dân tộc Lào lại nằm bên nước mình, bảo về bên kia không muốn về, bây giờ phải giải quyết chứ biết làm sao.Bà con bảo các anh, các chị cho chúng tôi ở đất nước Việt Nam, trước đây chúng ta cùng tham gia kháng chiến với nhau, bây giờ phải giải quyết chứ ạ.

Một loại thứ ba, tôi cho là hiện nay đang là vấn đề nan giải đó là những người lấy vợ, lấy chồng ở nước ngoài bây giờ về nước, có con lai bây giờ phải giải quyết thế nào? Đó là những vấn đề nhạy cảm, bức xúc hiện nay mà chúng ta phải giải quyết. Tôi thấy những vấn đề này cần phải quan tâm giải quyết trong luật này.

Các văn bản liên quan