Trích ý kiến ĐBQH Ksor Phước – Tỉnh Gia Lai

Thứ Hai 12:50 12-06-2006

Tôi thấy, yêu cầu, nhiệm vụ của Dự án luật này nó đảm bảo được hai yêu cầu lớn.

Một là tăng cường khả năng quản lý Nhà nước về cư trú.

Hai là thực hiện quyền tự do cư trú của công dân.Nhưng cái chính là tăng quyền khả năng của Nhà nước về cư trú nhằm phục vụ cho 4 nhiệm vụ cụ thể.

- Một là phục vụ phát triển kinh tế xã hội.
- Hai là bảo vệ quyền lợi quốc gia và cộng đồng dân cư.
- Ba là đảm bảo quốc phòng và an ninh.
- Bốn là bảo vệ được quyền lợi hợp pháp của công dân nơi cư trú.

Rõ ràng trong quá trình chúng ta theo dõi về tình hình cư trú của nhân dân ta trong khắp mọi miền đất nước, thấy rằng trong luật này chúng ta có tham vọng làm sao đưa ra được luật chơi chung cho tất cả các vùng miền. Nhưng khi chúng tôi đọc thấy có những cái không thể thực hiện được, hoặc có những cái không được ghi ra nhưng thực tiễn đang rất bức xúc mà trong luật này không điều chỉnh.

Vì vậy chúng tôi đề nghị nên cân nhắc thêm, phải cần bổ sung thêm những đặc thù của một số vùng miền khác nhau, nhất là ở đây là vùng miền núi, vùng nông thôn, tôi thấy có một số quy định ở đây là không phù hợp, chắc chắn sẽ để sót không thể quản lý được, hoặc có quản lý cũng quản lý theo kiểu của địa phương, còn quản lý theo kiểu này không thể quản lý được.

Về Điều 2 nên có Mục 3 ghi rõ là "cá nhân, tổ chức nước ngoài cư trú trên lãnh thổ Việt Nam được điều chỉnh bằng các văn bản pháp luật khác của Việt Nam". Bởi vì chúng ta thấy rằng rất nhiều nơi người nước ngoài đến ở và đi lại không có luật nào điều chỉnh cả, mà chúng ta đang có tham vọng là xây dựng Nhà nước pháp quyền nên những hành vi này cũng phải được xây dựng, luật của chúng ta phải được xây dựng để điều chỉnh tránh việc tùy tiện của hai bên là người nước ngoài và chúng ta khi quản lý cũng thế.

Điều 3 về giải thích từ ngữ, nên có một Khoản 17 giải thích thế nào là chỗ ở hợp pháp, chỗ ở hợp pháp có được hiểu là nhà ở thuộc quyền sở hữu không, hay là nhà ở do tự thuê không, hay là nhà ở ta đang mua nhưng chưa được làm sở hữu, những nhà như thế có phải là nhà ở hợp pháp không? Nếu chúng ta cứ nói hợp pháp chung chung thì tôi biết ở Hà Nội cũng có vài vạn hộ chưa có sở hữu về nhà ở nhưng người ta sống và sinh con rồi, những trường hợp như thế phải xử lý như thế nào, tôi đề nghị nên có Khoản 17 giải thích thế nào là chỗ ở hợp pháp.

Về chính sách cư trú ở khoản cuối cùng quy định "quyền tự do cư trú và lựa chọn nơi cư trú của công dân, chỉ có thể bị hạn chế theo các quy định hoặc các quyết định của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền do pháp luật quy định", và ta bỏ chữ "và theo trình tự thủ tục do pháp luật quy định". Bởi vì trình tự thủ tục nếu nó bị hạn chế cái đó, đó là hành chính, những quy định hành chính không nên đưa vào trong này để hạn chế quyền tự do của công dân.

Điều 7, về trách nhiệm, nghĩa vụ, tôi thấy có Khoản 2 về Mặt trận Tổ quốc Việt Nam. Vì ta ghi là "trách nhiệm và nghĩa vụ" thì ta lại buộc Mặt trận Tổ quốc Việt Nam và cả các tổ chức thành viên phải làm việc này mà nếu họ không làm thì họ vi phạm luật. Cho nên tôi đề nghị nên bỏ cái này đi. Bởi vì đã là nghĩa vụ là bắt buộc phải làm mà không làm là tôi sẽ xử lý ông Chủ tịch Mặt trận, đúng không? anh không làm theo luật mà.

Điều 11, các hành vi bị nghiêm cấm, theo tôi nên bổ sung thêm một hành vi đó là "tự ý cư trú không chấp hành các quyết định của Nhà nước của cơ quan Nhà nước có thẩm quyền về cư trú". Vì hiện nay ở Tây nguyên, Hà Nội, nói chung các thành phố lớn chúng tôi thấy rất nhiều trường hợp người ta bất chấp không cần phải ai, thậm chí có nơi chính quyền đến gọi gần như là đuổi nhưng người ta vẫn cứ ở lỳ đó, ở trong rừng sâu người ta chặt phá trong đó và người ta lập cả làng ở đó. Thế thì những trường hợp đó ta có cấm không?

Về Chương II, về điều kiện đăng ký ở Điều 14. Điều kiện đăng ký thường trú, người có chỗ ở hợp pháp như tôi nói lúc nãy là có nhiều hộ ở nhà nhưng chưa có quyền sở hữu hoặc v.v... những trường hợp này cần phải được giải quyết.

Thứ hai, đã tạm trú liên tục tại địa phương từ 1 năm trở lên. Trong trường hợp này tôi đề nghị phải giải nghĩa thêm, có những trường hợp ở miền núi người ta ở những chỗ không phải trong làng, đối tượng cần phải định cư của chúng tôi đề ra có 3 loại: Loại thứ nhất là loại du canh du cư mà người ta sống cả mấy đời rồi; Loại thứ hai là sống biệt lập ngoài đơn vị làng, bản; Loại thứ ba là loại có địa chỉ ở làng nhưng thực chất người ta sống ngòai rãy. Loại này có cho người ta đăng ký không? Đó là những trường hợp tôi đề nghị ở vùng miền núi chúng ta cần phải quan tâm. Tốt hơn ta nên có mục ghi rất rõ ở những vùng đô thị, vùng nông thôn và vùng miền núi riêng, phải có đặc thù riêng.

Trang 6, Điều 14, Mục 4 "Công dân Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương được cơ quan có thẩm quyền cho cư trú". Theo tôi nghĩ nên ghi cho mềm hơn ở đây "Người Việt Nam định cư ở nước ngoài hồi hương được cơ quan có thẩm quyền cho cư trú" bởi vì hiện nay có rất nhiều Việt kiều người ta vẫn chưa nhập quốc tịch Việt Nam nhưng người ta về muốn sống với con cháu trên 1 năm, thậm chí người ta đã mua nhà ở Việt Nam rồi. Loại này có cho họ đăng ký thường trú không, thậm chí có người chỉ khi ốm đây mới về lại nước đó để khám, chữa bệnh thôi.

Tôi đề nghị vấn đề này nên mềm hơn, thêm một mục, Mục 6, người nước ngoài đã được nhập quốc tịch Việt Nam cũng nên cho họ đăng ký thường trú.

Điều 16, xoá đăng ký thường trú, tôi đề nghị là nên bổ sung thêm một đối tượng nữa, đối tượng người không còn nhà ở do bán hoặc đã bị tịch thu nhà ở, họ vẫn là công dân trong phường nhưng bây giờ nhà đó là không còn nữa, tức là ở trong phường đó, trong xã đó họ không có chỗ ở nữa, loại này thì thế nào.

Mục e ở Điều 16, không còn quốc tịch Việt Nam, tôi đã nói với những trường hợp Việt kiều sống lâu dài ở Việt Nam thì sao.
Điều 25, theo tôi nên nghiên cứu thêm Khoản b, Mục 1, tôi thấy tính hiệu quả của cái này rất thấp, tính thực thi của nó không cao. Sau Điều 25 và Điều 26, tôi thấy toàn bộ văn bản này thiếu mất một điều nói đến các cưỡng chế để thực hiện các quyết định trục xuất hoặc bắt buộc cư trú không có, ví dụ ta không đồng ý hay gì đó, nhưng người ta cứ ở, ở dưới gầm cầu, bây giờ trong quản lý Nhà nước không thấy nói về chỗ trục xuất hay biện pháp bắt buộc cư trú. Cho nên tôi thấy điều này thiếu mất trong công tác quản lý Nhà nước về cư trú, tôi đề nghị cần bổ sung

Các văn bản liên quan