Trích ý kiến ĐBQH Nguyễn Đình Lộc – Tp. Hồ Chí Minh

Thứ Hai 12:45 12-06-2006

Trước hết chúng tôi tìm hiểu thấy trong phần định nghĩa rất quan trọng của Dự án luật, định nghĩa cư trú, nơi cư trú, nơi thường trú, nơi tạm trú, chưa có định nghĩa như thế nào là tự do cư trú. Vì thật ra bất kỳ ở một chế độ nào cũng vậy, trong xã hội khi con người đã sinh ra thì mọi người phải có một nơi cư trú. Đó là quyền rất tự nhiên chứ không phải là dân chủ hay không dân chủ, vấn đề ở đây chúng ta muốn làm rõ với người dân chính là tự do cư trú hiểu như thế nào, từ hiểu tự do cư trú đó để chúng ta thể chế hóa nó thành một thể chế về quyền tự do cư trú của công dân. Điều đó chúng ta đọc cả 16 điểm định nghĩa thì không có chỗ nào định nghĩa rõ thế nào là tự do cư trú. Đấy là điều tôi thấy cần phải suy nghĩ.

Chương I có 11 điều cũng như một phần lớn các đồng chí phát biểu, ở đây có lẽ nó thiếu một điều hết sức cơ bản khi chúng ta đặt Điều 6 này bên cạnh điều khác của dự án luật, Điều 6 "bảo đảm hoạt động cho điều kiện quản lý cư trú" rất quan trọng, quản lý cư trú phải có điều kiện nhất định, nhưng không kém phần quan trọng là để được tự do cư trú cũng phải có điều kiện nhất định. Cả Chương I này chúng ta lại thấy thiếu những điều kiện đảm bảo cho người dân được thực hiện tự do cư trú, đi liền với điều kiện bảo đảm cho hoạt động quản lý cư trú. Phải chăng ngay trong Chương I chúng ta đã thấy có cái vênh và điều làm chúng ta băn khoăn ở chỗ đó.

Tiếp nữa, Chương II, Chương III là những chương chủ yếu của dự án luật này. Chúng ta phải tập trung về cư trú, nhưng thật ra toàn bộ Chương II về đăng ký cư trú.
Có vấn đề này chúng ta phải cân nhắc. Điều 12 chúng ta nói đến quyền của công dân về cư trú nhưng đến Điều 13 mình lại nói nghĩa vụ của công dân về cư trú. Phải chăng như thế là quyền đi liền với nghĩa vụ. Trong Hiến pháp chương về quyền, nghĩa vụ cơ bản của công dân chỉ có hai điều là những hành vi nhất định được xem là quyền, đồng thời là nghĩa vụ, đó là quyền học tập đồng thời là nghĩa vụ học tập, quyền lao động và nghĩa vụ lao động, còn mười mấy quyền khác của công dân không bao giờ nói là quyền đi liền với nghĩa vụ kiểu đó. Đây là vấn đề chúng ta cần phải suy nghĩ. Phải chăng như thế chúng ta đã bổ sung Hiến pháp vì nói là quyền của công dân được cư trú, nghĩa vụ của công dân được cư trú. Đó là điều chúng tôi thấy cư trú và đăng ký cư trú là hai lĩnh vực khác nhau, cư trú là của người dân, còn đăng ký cư trú là của dân đến đâu và nhà nước như thế nào. Đó là điều chúng tôi phân vân.

Vì vậy, chúng tôi xin đặt câu hỏi nhỏ: Luật này chúng ta quy định về quản lý cư trú, đăng ký cư trú hay để cụ thể hóa một điều cơ bản của Hiến pháp là bảo đảm quyền tự do cư trú của công dân. Chúng tôi nghĩ phải xem xét lại cả dự án này từ góc độ đó, chúng ta nặng trong dự án luật này về cái gì, rõ ràng chúng ta có thể làm một luật về đăng ký quản lý cư trú, điều đó không ai cấm chúng ta cả, điều đó rất cần thiết, quản lý cư trú cũng có thể thành một luật, nhưng trước đó phải có luật khác là luật tự do cư trú của người dân. Trong này chúng ta định kết hợp, nhưng phần tự do cư trú thấy hơi mờ nhạt, thật ra nó rất hiếm thể hiện trong này chứ không phải mờ nhạt.

Còn phần đăng ký cư trú, quản lý cư trú nó tồn tại từ Chương I, II đến Chương III là liên tục. Vì vậy tôi thấy đó là điều trước khi đi vào bàn những vấn đề cụ thể của dự án luật này cần phải đặt lại vấn đề đó, rằng luật này của chúng ta về quản lý cư trú hay về tự do cư trú của người dân. Đó là vấn đề chúng tôi xin nói rõ để thể hiện điều mà chúng tôi rất tâm đắc với một vài đồng chí đã phát biểu trước đây, và chúng tôi đã báo cáo trong cuộc họp Ủy ban pháp luật.

Tiếp nữa, rõ ràng có vấn đề và bản thân tôi cũng phát biểu một số nơi về hộ khẩu, thì giờ không có nhiều nên chúng tôi tập trung phát biểu vào chỗ này. Hộ khẩu nó ra đời trong một hoàn cảnh lúc bấy giờ Miền Bắc vừa giải phóng, lúc đó chúng ta thấy cần phải quản lý dân, nên đã bắt trước học tập Trung Quốc và đề ra chính sách hộ khẩu, việc đó rất cần thiết. Nhưng rồi dần dần, trong quản lý dân cư thì thấy quản lý hộ khẩu như thế là quản lý tĩnh, tại chỗ, trong lúc đó thì dân cư biến động nay đây mai đó. Vì vậy chúng ta mới thêm một cái nữa là chứng minh thư, chứng minh thư là một việc quản lý người dân trong di động của nó, ở đây chúng tôi thấy có vấn đề là khi chúng ta đã thêm chứng minh thư thì chúng ta lại không xem xét lại rằng cùng một lúc hai hình thức quản lý này có phù hợp không. Hơn nữa, bên cạnh đó chúng ta còn quản lý dân ở một số phương diện khác nữa như hộ tịch, việc sinh, tử, giá thú thì chúng ta đều quản lý, rồi ở các cơ sở đào tạo, các trường. Nói chung là người dân ở từng vị trí công tác đều được quản lý về con người. Như thế, hình thức quản lý dân rất đa dạng và rõ ràng nó gây không ít phiền hà cho dân. Về mặt này, chúng tôi cũng xin thưa với đồng chí Bộ trưởng rằng, nếu chúng ta đọc kỹ Tờ trình thì chúng ta cũng nói nhiều đến lợi ích của việc quản lý, sự cần thiết phải quản lý. Đúng như vậy, vì một xã hội nào cũng phải quản lý dân. Nhưng quản lý như thế nào để thực hiện được quyền tự do cư trú, đấy mới là vấn đề. Về mặt này chúng tôi thấy hơi yếu.

Những ưu điểm mà chúng ta nói về hộ khẩu là nói từ góc độ của người quản lý. Trong này hầu như hoặc rất ít đề cập đến rằng, hộ khẩu lâu nay đã gây phiền hà cho dân như thế nào. Tại sao mặt phản cảm lớn như vậy trong tâm trí của người dân đối với sổ hộ khẩu.

Ở đây chúng ta nói do lạm dụng cũng chưa hẳn. Bởi vì hộ khẩu trở thành một báu vật của cơ quan quản lý, cho nên ai cũng có thể sử dụng được nó để thực hiện quyền quản lý của mình, chứ đấy không phải là lạm dụng, mình tạo ra cơ sở pháp lý rất là vạn năng từ đó để quản lý xã hội. Nhưng từ đó nó lại gây ra hết sức những khó khăn này sang khó khăn khác của người dân. Cho nên chúng tôi nghĩ cần phải cân nhắc kỹ và điều chúng tôi muốn nói nếu bây giờ chúng ta bỏ hết những điều mà lâu nay giao cho hộ khẩu, thì có lẽ người dân trở nên dửng dưng với hộ khẩu, không quan tâm đến hộ khẩu.

Vì vậy, ở đây điều từ góc nhìn quản lý Nhà nước thì chúng ta phải làm gì? quản lý dân một cách tịnh bằng sổ hộ khẩu hay quản lý dân bằng trong sự biến động thì rõ ràng rằng chúng ta nói thông qua hộ khẩu, chúng ta làm được việc này, việc kia. Nhưng trên thực tế chúng ta quản lý chặt được dân không? Hàng vạn người ở các tỉnh khác đang về thành phố Hà Nồi, về Thành phố Hồ Chí Minh và nhiều thành phố mới bây giờ để sống dưới dạng là KT, rồi bao nhiêu người chúng ta truy nã tìm không ra. Vì vậy trên góc độ đó mà nói thì quản lý dân là bằng một cách tịnh thông qua sổ hộ khẩu hay quản lý dân trong sự biến động của họ, thì trong thời đại này khi mà chúng ta xây dựng nền kinh tế thì trường, khi mà thực hiện Nhà nước pháp quyền tự do thì rõ ràng rằng đây là một vấn đề chúng ta cần phải tính.

Các văn bản liên quan