Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Thứ Ba 10:42 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Mục đích của luật này, theo tổi hiểu làm sao chúng ta tổ chức tốt việc đưa lao động Việt Nam đi ra nước ngoài làm việc. Trước mắt để giảm thiểu vấn đề lừa đảo người lao động, thứ hai là giảm thiểu số người lao động ra nước ngoài rồi bỏ hợp đồng, trốn trở lại làm việc ở lại. Về lâu dài tôi nghĩ luật phải nhắm làm sao nó có được lợi nhà và ích nước về ngân sách cũng như về thu nhập, tay nghề, công nghệ để cho mình, cho đất nước. Vì vậy, tôi đề nghị với Ban soạn thảo từ sáng tới giờ tôi nghe nhiều ý kiến bổ ích cho vấn đề kiện toàn Dự thảo luật trong hướng như vậy. Về phần mình, tôi xin tham gia 3 ý kiến: Trước nhất về tên gọi, thứ hai về Chương IV; Thứ ba về Chương VI.

Về tên gọi, theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội tôi cũng thấy tên gọi mà hiện nay vẫn chưa đáp ứng được yêu cầu vì:

Thứ nhất nó quá dài.

Thứ hai nó không thể hiện đúng nội dung của luật. Luật là Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, nhưng trong này theo trình tự, theo nội dung của cac chương thì vấn đề tổ chức cho người lao động Việt Nam đi nước ngoài để mà đạt được mục đích, yêu cầu trên thì nó chưa thể hiện trong tên gọi.

Vì vậy, tôi muốn đề xuất với Ban soạn thảo và Ủy ban Thường vụ Quốc hội tên là Luật về việc lao động Việt Nam ở nước ngoài theo hợp đồng. Như vậy rõ ràng là người Việt Nam chứ không phải người khác, "về việc lao động ở nước ngoài theo hợp đồng" có nghĩa chúng ta tổ chức, trách nhiệm của những cơ quan, những doanh nghiệp lo chuyện này cũng như trách nhiệm của quản lý Nhà nước và trách nhiệm của người lao động gọn hơn nhiều, thể hiện được nội dung của luật.

Thứ hai về Chương IV, tôi rất đồng ý nên có chuẩn bị theo tinh thần của Chương VI về dạy nghề, chuẩn bị về ngoại ngữ. Nhưng tôi thấy rất băn khoăn về cụm từ "giáo dục định hướng", tôi thấy nó to tát quá. Trong lúc đó, quay lại Điều 65 về nội dung giáo dục định hướng thì nó lại rất cụ thể. Vì vậy, nên chăng, chúng ta đổi tên Chương lại và những khoản, mà thay "giáo dục định hướng" bằng việc như sau: Chương dạy nghề, ngoại ngữ và những hiểu biết tối thiểu hay những hiểu biết về luật pháp của nước sở tại, hay luật pháp có liên quan, hay luật pháp của Việt Nam trong vấn đề xuất khẩu lao động cũng như luật pháp của nước sở tại khi người ta nhận lao động của mình vào thì mình phải tuân thủ thế nào. Chứ còn giáo dục định hướng tôi xem thấy to tát quá, nhưng đọc lại nội dung thì lại rất đơn giản.

Thứ hai là ở điều 63 của Chương này có tên là "dạy nghề, dạy ngoại ngữ cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài", thế còn những nội dung giáo dục định hướng thì vấn đề này có quy định cho doanh nghiệp làm hay không? Tôi lại cảm thấy ở chỗ này không có mà lại đưa xuống Điều 65 ở Khoản 1 là "doanh nghiệp, tổ chức sự nghiệp đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài có trách nhiệm tổ chức", nếu như vậy thì ta gộp nó lại trong Điều 63, còn Điều 65 ta nói rõ nội dung các đồng chí định gọi là giáo dục định hướng, mà tôi đề nghị gọi gọn lại hơn là cung cấp những nội dung cần thiết về luật pháp có liên quan của nước sở tại cũng như của nước mình liên quan đến vấn đề xuất khẩu lao động. Như vậy, nó vừa phải, nó quy rõ trong Điều 63, trách nhiệm của doanh nghiệp nó có mấy mặt như vậy, dạy nghề, dạy ngoại ngữ, dạy những hiểu biết luật pháp tối thiểu.

Ý thứ ba, Chương VI, về quản lý Nhà nước, ở chỗ này có mấy nội dung nhỏ như sau, đọc Điều 69 và Điều 71 nó đặt ra một vấn đề mà qua giám sát các cơ quan đại diện Việt Nam ở nước, hiện nay có rất nhiều cơ quan đại diện Việt Nam có một người của Bộ Lao động thương binh và xã hội làm cái gọi là quản lý lao động. Nhưng những đồng chí này hỏi ra nội dung nắm quản lý lao động như thế nào thì rõ ràng không nắm gì nhiều, nắm rất đại khái và làm những chuyện khác chứ không phải làm quản lý lao động. Bây giờ nên xem lại những vấn đề này như thế nào, trách nhiệm của người quản lý lao động ở cơ quan đại diện Việt Nam này chắc chị Hằng biết vì thuộc ngành của chị. Như vậy làm không đúng chức năng, làm rất hình thức, trong lúc đó người lao động làm cái gì thì họ hoàn toàn cũng không biết. Vì vậy, theo tôi nghĩ cái người này cần, nhưng mà phải có chức năng, nhiệm vụ cho rõ ràng và phải biết ngoại ngữ, phải biết luật pháp. Những người tôi gặp làm công tác này thì xin lỗi các đồng chí ngoại ngữ không biết, luật pháp của nước sở tại cũng không biết. Thì quản lý lao động, quản lý cái gì? Ghi tên người ta như thế nào. Vì vậy tôi đề nghị cần phải làm rõ cái nội dung này trong Điều 69 cũng như Điều 71.

Vấn đề thứ hai, các đồng chí ở cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài có phản ánh, có đặt vấn đề với Uỷ ban đối ngoại khi đi giám sát là cơ quan Việt Nam ở nước ngoài cần có một khoản kinh phí để giải quyết ngay những trường hợp phức tạp, rắc rối mà cần phải đưa về hoặc là cần giải quyết tại chỗ. Nhưng bây giờ ngân sách của cơ quan đại diện Việt Nam thì rất nghèo, rất hẻo. Không có cơ quan giải quyết, để như vậy thì đưa đi, đưa lại thư từ trong nước kéo dài rất nhiều, mà công việc, cuộc sống của anh em lao động, đối tượng của việc này thì lại rất khó khăn.

Vì vậy, tôi phản ánh yêu cầu này và tôi ủng hộ chuyện này là:

Một là nên có một quỹ trong nước để giải quyết những chuyện này và quỹ này, người lao động hoặc cơ quan mà gửi người lao động đi phải có trách nhiệm trả lại cho cơ quan đại diện Việt Nam, hay cho quỹ này những khoản tiền người ta phải ứng trước để giải quyết những vấn đề này. Tôi nghĩ nếu không có quy định này thì quyền lợi và sự bảo hộ quyền lợi chính đáng của anh em người lao động Việt Nam mình ở nước ngoài là không bảo đảm.

Vấn đề thứ ba, về nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài, ở Điều 71. Tôi muốn thêm một nhiệm vụ, hiện nay chắc chị Hằng cũng biết rồi, gửi người đi lao động ở nước ngoài thì nó có hai phí phải làm: một là phí nhập cảnh, hai là thu nhập của người lao động phải đóng cho nước sở tại. Cái mà chúng ta gọi là thu nhập cá nhân đó ở tất cả các nước khác khi đi qua làm lao động thì phải đóng thuế thu nhập cá nhân. Thuế thu nhập cá nhân này, ở Lào họ cũng áp dụng cho người lao động Việt Nam, chuyện này bình thường thôi, nhưng thuế này rất cao so với thu nhập của người lao động, tôi nhớ không nhầm thì khoảng 30% thu nhập của người lao động hàng tháng. Bây giờ còn vấn đề thứ hai là phí xuất nhập cảnh, đi vào nhập cảnh làm việc 3 tháng, 6 tháng hay 1 năm nhưng, mỗi tháng đi làm lại chuyện này 1 lần. Bởi vì sao, vì làm như vậy thì người ta được tiền, người ta ở đây không phải Chính phủ đâu mà ở cơ sở đó ở tại chỗ đó. Vì vậy chi phí, giá thành của những cơ quan mà gửi lao động Việt Nam đi ra nước ngoài rất cao. Các doanh nghiệp tha thiết đề nghị với Uỷ ban nước ngoài phản ảnh lại khi xây dựng luật này thì phải có trách nhiệm của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài.

Tôi xin kiến nghị đoạn tôi thêm như thế này, ở giữa Khoản 6 và Khoản 7 nên thêm đoạn "kiến nghị với chính quyền nước sở tại những trường hợp có dấu hiệu vi phạm thoả thuận song phương liên quan đến lao động giữa hai nước". Ví dụ: Vấn đề nhập cảnh, có hợp đồng đi làm việc 1 năm thì nhập cảnh 1 lần, chứ bây giờ mỗi tháng làm lại thủ tập nhập cảnh, mỗi lần 20 - 30 đô la thì anh em, cả các doanh nghiệp gửi lao động đi cũng cực mà các doanh nghiệp nhất là có dự án đầu tư qua nước đó cũng rất cực. Vì vậy, trong nhiệm vụ của cơ quan đại diện Việt Nam ở nước ngoài phải có vấn đề theo dõi việc thực hiện các hiệp định song phương liên quan đến vấn đề lao động, thấy có những vi phạm hay những lạm dụng ở chỗ này phải với tư cách là người đại diện của Việt Nam ở nước ngoài phải kiến nghị lại với cơ quan nước sở tại để giải quyết những vấn đề này kịp thời.

Các văn bản liên quan