Ý kiến của ĐBQH Ngô Anh Dũng – Tỉnh Quảng Ninh

Thứ Ba 10:44 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin có 6 ý kiến nhỏ đóng góp cho dự thảo luật.

Thứ nhất, tên luật, thưa các đồng chí so với dự thảo cũ đưa người lao động Việt Nam đi lao động ở nước ngoài thì nó không dài, không thể hiện được rõ tinh thần của luật này. Bản chất của nó là xuất khẩu lao động, thật sự ra là như vậy.

Cho nên tiếp theo ý kiến của anh Trân tôi đề nghị rút ngắn được không, cho nó rõ như thế này là "Luật Lao động theo hợp đồng ở nước ngoài" không cần phải đi làm việc, vì nó cũng là lao động cả thôi. Cho nên, đề nghị tên luật là "Luật Lao động theo hợp đồng ở nước ngoài", như vậy thể hiện rõ được nội dung điều chỉnh và đối tượng v.v... vì nó thể hiện được bản chất của luật của chúng ta đưa ra, đấy là ý thứ nhất.

Thứ hai, vấn đề phạm vi điều chỉnh. Phạm vi điều chỉnh, vừa rồi anh Lợi đã nêu rồi, nhưng tôi xin lưu ý thêm một việc là: hiện nay có thị trường lao động mà ta chưa quan tâm. Đấy là đội ngũ nhân viên tại Liên Hợp Quốc và các tổ chức quốc tế, kể cả các tổ chức Phi Chính phủ quốc tế. Đây là thị trường lao động tôi nghĩ cũng rất tốt, lương thì cao, ảnh hưởng có thể cũng rất lớn. Nếu mình cử được cán bộ tham gia ở các tổ chức quốc tế đó, ví dụ: Liên Hợp Quốc thì mình có điều kiện vừa đóng góp cho đất nước, vừa thể hiện được vị thế của Việt Nam tại các tổ chức này, mà xưa nay ta chưa có một chiến lược đầu tư để đào tạo đội ngũ giỏi vào các tổ chức này. Thưa các đồng chí, một số nước lớn họ có 40, 50, 70 người công tác ở Liên Hợp Quốc, Ban thư ký Liên Hợp Quốc, trong khi Việt Nam chỉ có vài người là Việt kiều. Tôi đề nghị nên quan tâm đến đối tượng này, nên có một chiến lược để đào tạo cho đội ngũ đó. Đấy là nội dung đưa vào phạm vi điều chỉnh.

Thứ hai, vấn đề người Việt Nam lao động cho nước ngoài nhưng ở ngay tại Việt Nam, không phải đi nước ngoài, làm tại Sứ quán, làm tại các tổ chức Liên Hợp Quốc, nhưng họ phần nào đó bị điều chỉnh bởi pháp luật nước ngoài thì đưa vào đâu? Hai yếu tố này tôi đề nghị nên chăng mình đưa vào Nghị định hướng dẫn của Chính phủ, vì nếu đưa vào luật chắc không kịp, đề nghị như vậy, đó là ý thứ hai.

Thứ ba, xung quanh điều kiện cấp giấy phép, điều kiện cấp phép lúc nãy đại biểu Lê Thị Nam ở Bình Dương đã nêu, trong này tôi thấy có 3 điều kiện, điều kiện thứ ba có nói là người lãnh đạo, điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có trình độ đại học trở lên, ít nhất 3 năm kinh nghiệm.

Tôi xin đề nghị thế này, có nhất thiết phải có trình độ đại học trở lên không, vì có những người có rất nhiều khả năng, có trình độ, có tài, có thể chỉ tốt nghiệp cao đẳng, trung học, thậm chí chưa tốt nghiệp trung học chuyên nghiệp, cũng xin các vị lưu ý là nhà tỷ phú Billgate của Mỹ khi là doanh nghiệp rất thành đạt thì chưa tốt nghiệp đại học. Cho nên, có nên nhất thiết phải là tốt nghiệp đại học, chưa nói chất lượng bằng đại học của ta như thế nào, cái gì cũng chạy theo bằng cấp v.v...các nước người ta ghi danh những người có đóng góp và có sáng kiến, có phát minh cho đất nước, mình nhiều khi ghi danh những người có bằng cấp cao trong khi chưa chắc có đóng góp gì với đất nước.

Tôi đề nghị nên tính toán lại bằng cấp ở đây, theo tôi nên bỏ, người lãnh đạo điều hành đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài phải có ít nhất ba năm kinh nghiệm trong lĩnh vực, v.v...

Thứ tư, về số lượng chi nhánh doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong dự án luật có nêu rõ khống chế 3 chi nhánh có đủ điều kiện theo quy định của Khoản 2 luật này. Như anh Lợi có nói, tôi nghĩ chúng ta không thể mở rộng một cách vô điều kiện là mở quá nhiều chi nhánh thì không nên, nếu khép chặt chỉ có 3 thì tại sao là 3? không có cơ sở pháp lý để quy định là 3 hay là 4, hay là 2. Tôi đề nghị là nên đưa ra một cách mềm dẻo hơn, nên giao cho Chính phủ quy định số lượng bao nhiêu thì thuộc về kỹ thuật. Cũng nên tránh hiện tượng nếu mở tràn lan chi nhánh thì dẫn đến những tiêu cực như đã từng xảy ra đối với các doanh nghiệp đưa người lao động Việt Nam ra nước ngoài. Tôi đề nghị không nêu ra số lượng, hoặc là giao cho Chính phủ quy định về số lượng các chi nhánh.
Thứ năm, về trách nhiệm cơ quan đại diện cơ quan ngoại giao và lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài. Trong Điều 71 có nêu, trong đó có 7 trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao lãnh sự Việt Nam ở nước ngoài.

Ý thứ năm ở trong trách nhiệm này là "cơ quan ngoại giao ở nước ngoài có trách nhiệm hướng dẫn, kiểm tra hoạt động của đại diện các doanh nghiệp Việt Nam tại nước ngoài về trách nhiệm quản lý, xử lý các vấn đề phát sinh đối với người lao động", theo tôi nghĩ là không thể làm được, cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài thì trách nhiệm chính của họ không phải làm cái này. Theo tôig hiểu thì Ban soạn thảo có đưa ra, bởi vì đây thực chất là trách nhiệm thuộc về cơ quan chủ quản là Bộ Lao động, Thương binh và xã hội, mà Bộ Lao động, Thương binh và xã hội cử đại diện của mình công tác tại cơ quan ngoại giao chứ không phải là trách nhiệm của cơ quan ngoại giao. Đề nghị phân biệt rõ ràng cơ quan ngoại giao không phải làm việc này, không thể làm việc này được. Cho nên phải quy định rõ là trách nhiệm thuộc về cơ quan chủ quản, thông qua kênh ngoại giao như thế nào đó cho phù hợp chứ không phải là trách nhiệm của cơ quan ngoại giao. Nếu giao chắc chắn sẽ không làm được. Nếu ghi thế này thì là hình thức. Tôi đề nghị nên có sửa đổi điều đó. Đấy là ý thứ năm.

Ý thứ sáu thì anh Trân nêu rồi. Bây giờ, thưa các đồng chí là hiện tại có bức xúc của cơ quan đại diện của ta ở nước ngoài là có rất nhiều trường hợp lao động Việt Nam vi phạm pháp luật hoặc là không có hợp đồng lao động tiếp phải về nước trước thời hạn mà không có tiền để lo lắng cho các trường hợp đó trong Luật của chúng ta cũng không có nói gì đến chuyện này. Tôi đề nghị nên có quy định. Ví dụ: nên có Quỹ bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài chăng? Và quỹ đó giao cho các doanh nghiệp đó đóng góp lại và giao cho cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài được quyền sử dụng trong trường hợp cần thiết. Ví dụ như tử vong hay bị thương, bị mất hợp đồng lao động v.v... người ta có tiền để đưa người lao động Việt Nam về nước, bảo đảm được đúng chế độ chính sách đồng thời không bị chồng chéo trong xử lý và đợi chờ rất lâu. Đây là nguyện vọng thiết tha của các cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài mà người ta sẽ phải xử lý. Tôi đề nghị vấn đề thứ sáu nên có quan tâm thích đáng, tốt nhất nên có một điều khoản nêu trong đó là nên có Quỹ bảo hộ người Việt Nam lao động ở nước ngoài.

Các văn bản liên quan