Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Hải – Tỉnh Phú Thọ

Thứ Ba 10:31 31-10-2006

Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp!

Kính thưa Quốc hội!

Tôi nhất trí với Giải trình và tiếp thu của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Theo gợi ý của Chủ tọa Kỳ họp, tôi xin tham gia một số ý kiến như sau:

Thứ nhất, về tên gọi của Luật thì tôi nhất trí với loại ý kiến thứ ba theo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đó là Luật người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tên gọi này cũng như Giải trình đã nói là bao trùm được đầy đủ phạm vi điều chỉnh và đối tượng áp dụng và nội dung Luật cũng điều chỉnh phù hợp với những người đi làm việc ở nước ngoài trong Dự án Luật là đều phải có hợp đồng. Tên gọi này cũng khắc phục được một số hạn chế như trong Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội đã nêu và cũng loại trừ được các đối tượng không thuộc phạm vi điều chỉnh như trong Giải trình mà Ủy ban Thường vụ đã nêu ra.

Thứ hai là về số lượng chi nhánh doanh nghiệp họat động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thì tôi có ý kiến khác với một số đại biểu đã phát biểu trước tôi, tôi nhất trí với Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, đó là một đơn vị thì không quá 3 chi nhánh, bởi vì, chúng tôi thấy, trong quá trình thực hiện về đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, vừa qua chúng ta có những cái nó thực sự cũng gây ra những dư luận ở địa phương, cũng như khó khăn cho đơn vị thực hiện nhiệm vụ này, đó là công tác quản lý của chúng ta còn hạn chế, lợi dụng vào đó nhiều bất cập và tiêu cực đã xảy ra trong quá trình đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài. Do đó, đã ảnh hưởng đến đất nước cũng như ảnh hưởng tới lòng tin của người dân đối với những cơ sở này. Do vậy, chúng ta phải làm tốt công tác quản lý, để làm sao chúng ta đưa lao động đi làm việc ở nước ngoài, đảm bảo được quyền lợi cho người lao động, nhưng cũng đảm bảo được danh dự của đất nước. Về một số điều cụ thể, tôi xin tham gia như sau:

Thứ nhất, Điều 7, các hành vi bị nghiêm cấm, theo tôi hiểu từ Khoản 1 đến Khoản 7, đó là các hành vi nghiêm cấm đối với các doanh nghiệp và đơn vị đưa người lao động làm việc ở nước ngoài, từ Khoản 8 đến Khoản 11 là những khoản cấm đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Khoản 12, đó là khoản quét. Tôi suy nghĩ là chúng ta nên làm rõ cấm đối với doanh nghiệp và đơn vị đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là những cái cấm như thế nào.

Thứ hai, đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì chúng ta cũng thể hiện rõ những khoản cấm đối với lao động đó, để người lao động đó khi đi làm việc, người ta thấy những cái này nếu mà mình làm là vi phạm pháp luật. Do vậy, tránh được tình trạng có thể những người lao động đó bỏ trốn, hoặc là có những hoạt động làm ảnh hưởng đến danh dự của đất nước, cũng như ảnh hưởng đến doanh nghiệp. Hoặc trong khoản cấm đối với người lao động, tôi thấy còn có những cái như gây gổ đánh nhau, gây bè, gây phái. Vì cũng có những doanh nghiệp là một số lao động của Việt Nam gây bè phái đánh nhau với công nhân của nước khác, vấn đề này trong điều cấm chúng ta cũng chưa thể hiện được cụ thể. Tôi thấy chúng ta nên ghi cụ thể đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Với Điều 15. Tôi cũng nhất trí như ý kiến của một đại biểu trước tôi đã phát biểu. Đó là chúng ta nên ghi cụ thể về việc thu hồi giấy phép này, không chỉ đăng ở trên tờ báo Trung ương hoặc báo điện tử 3 số liên tiếp, mà chúng ta còn phải thông báo về địa phương và đăng báo địa phương với những địa phương mà doanh nghiệp đó đăng ký hợp đồng để đưa lao động đi nước ngoài, để nó chặt chẽ và địa phương đó cũng biết được đơn vị này đã bị rút giấy phép. Nếu chỉ đăng trên báo Trung ương 3 số liền, có khi địa phương đó cũng chưa thể biết được. Tôi đề nghị cũng nên đưa về địa phương.

Về Điều 23. Cũng đã có nhiều ý kiến phát biểu trước tôi, đó là tiền ký quỹ của người lao động. Trong này cũng đề nghị là Chính phủ nên làm rõ, làm sao mà tiền ký quỹ này để nó phù hợp và khi người lao động người ta đi làm việc, người ta sẽ thấy là khả năng người ta đi được, nếu như tiền ký quỹ mà quá cao, có thể người lao động người ta muốn đi, nhưng người ta không có khả năng đi được vì vay số lượng rất lớn, đa số những người đi lao động này là những người nghèo, đi để giải quyết về kinh tế của gia đình, tiền lớn thì người ta không có khả năng vay mượn để ký quỹ được.

Thứ hai nữa là tiền ký quỹ này, nếu như số lượng ký quỹ lớn, người lao động sang đó thì bằng cách người ta cũng phải tìm cách để người ta có quyền bù đắp lại trong quá trình người ta vay mượn đã ký vào quỹ. Trong này, Khoản 3 có ghi là tiền ký quỹ của người lao động được hoàn trả cả gốc, cả lãi cho người lao động khi thanh lý hợp đồng đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trường hợp vi phạm hợp đồng lao động thì người đó sẽ không được thanh toán tiền ký quỹ đó. Trong chúng tôi thấy còn trường hợp chúng tôi có suy nghĩ như sau:

Thứ nhất, người lao động đó có thể sang, nhưng một thời gian ngắn, trường hợp này có xảy ra, có thể 3 - 5 tháng do không hợp khí hậu, do lao động quá sức mà người đó không đủ điều kiện lao động và có những trường hợp thậm chí đã tử vong. Vậy trường hợp ký quỹ này như thế nào, trong này cũng không nêu hay những trường hợp người ta sang làm bị chủ đối xử không tốt hoặc bị đánh đập, hành hạ người ta phải bỏ trốn, thì trường hợp ký quỹ này có được thanh toán hay không? Tôi đề nghị trong luật cũng phải thể hiện rõ, bởi vì chúng tôi có nhận được một số đơn khi con người ta sang bên đó được 5 tháng thì chết do ốm, nhưng tiền thanh toán, ký quỹ của người ta không được trả lại và gia đình người ta phàn nàn vì người ta vay số lượng ngân hàng rất lớn, số đền bù lại như Điều 33 quy định thì không được bao nhiêu cả và gia đình người ta không có đủ khả năng để trả ngân hàng. Tôi đề nghị chỗ này cũng phải ghi cho rõ.

Về Điều 60, trong Điều 60 cũng như nhiều đại biểu nói rằng Mục 5 ta ghi là "chính sách đối với người lao động sau khi về nước" thì có Điều 59 là hỗ trợ việc làm, Điều 60 là khuyến khích tạo việc làm, cũng như nhiều đại biểu nhận xét là chúng ta ghi vẫn còn chung chung, chưa cụ thể và trách nhiệm của chính quyền địa phương cũng như của các cơ quan đối với những người đi lao động này có phần chưa được cụ thể.

Điều 60, Khoản 2, người lao động khó khăn thì được vay vốn ưu đãi theo quy định của pháp luật để tạo việc làm, chúng tôi thấy vay vốn thì được rồi, nhưng bây giờ nếu đã ghi cụ thể thì người ta muốn xin đất để làm doanh nghiệp hoặc trang trại thì chúng ta có tạo điều kiện hay không, chúng tôi đề nghị trong này cũng ghi là người lao động khó khăn thì được vay vốn, người lao động có điều kiện để làm được các doanh nghiệp, trang trại và các công ty thì cũng được Nhà nước tạo điều kiện về đất đai, địa điểm để có nơi làm việc và thu hút lao động. Tôi thấy Điều 60 như vậy. Điều 80, hướng dẫn thi hành Luật, chúng ta ghi là Chính phủ quy định chi tiết và hướng dẫn thi hành luật này nó cũng rất chung, một số điều trong này cũng đề nghị Chính phủ quy định chứ không phải tất cả luật. Tôi đề nghị để đảm bảo luật nhanh chóng và được thực hiện tốt, thì chúng ta ghi những điều mà có Chính phủ quy định như Điều 70, Điều 8, Điều 9, Điều 75 là những điều Chính phủ quy định thì chúng ta ghi cụ thể vào trong luật này để luật nó đảm bảo như các luật khác đã đưa ra.

Các văn bản liên quan