Ý kiến của ĐBQH H’ Luộc NTơr – Tỉnh Đăk Lăk

Thứ Ba 10:34 31-10-2006

Kính thưa Đoàn Chủ tịch,

Thưa Quốc hội,

Luật này tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách tôi cũng có tham gia ý kiến, nhưng trong đợt thảo luận lần này tôi cũng muốn tham gia để tỏ rõ quan điểm của mình.

Thứ nhất, về tên luật. Tại Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách với các tên do Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đã trình cũng như nhiều ý kiến đại biểu Quốc hội phát biểu khác nhau, nhưng theo tôi tên mới được đưa ra là người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tôi thấy hợp lý nhất. Vì nó bao hàm tất cả những nội dung trong luật như nhiều đại biểu Quốc hội đã phát biểu trước tôi. Tôi nhất trí cao với tên luật.

Thứ hai, về đối tượng điều chỉnh và phạm vi áp dụng của luật ở Điều 1, Điều 2. Tôi cho rằng lao động Việt Nam làm việc ở nước ngoài có nhiều dạng và loại hình khác nhau. Nhưng mục tiêu dự án luật chỉ điều chỉnh hoạt động của lao động Việt Nam ra nước ngoài làm việc theo hợp đồng được trả tiền lương, tiền công. Nếu đưa vào điều chỉnh tất cả các dạng loại hình lao động như cán bộ công chức, viên chức làm việc ở cơ quan, đại diện ngoại giao, tổ chức quốc tế, thông tấn, báo chí Việt Nam ở nước ngoài, văn phòng đại diện chi nhánh của doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài, trao đổi, hợp tác khoa học kỹ thuật, văn hoá, xã hội v.v.... rất phức tạp và chồng chéo với các văn bản luật khác đã được điều chỉnh. Do đó tôi cũng tán thành với phạm vi điều chỉnh trong Dự thảo luật.

Về vấn đề số lượng chi nhánh doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài Điều 6. Tôi cũng thừa nhận rằng việc thành lập chi nhánh là quyền chủ động của kinh doanh doanh nghiệp, không hạn chế số lượng chi nhánh để thực hiện hoạt động đưa người đi lao động làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp. Nhưng trong thực tế những năm vừa qua, nhiều đại biểu Quốc hội cũng biết trong báo chí, trong dư luận thấy có rất nhiều tiêu cực xảy ra trong lĩnh vực đưa người đi lao động ở nước ngoài chậm khắc phục, khó kiểm soát. Cho nên tôi nhất trí với giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Việc doanh nghiệp giao cho nhiều chi nhánh tham gia hoạt động thường quản lý không chặt chẽ, dẫn đến tình trạng các chi nhánh lợi dụng nhiệm vụ được giao để thu tiền trái quy định của pháp luật, chiếm dụng vốn của người lao động, sử dụng vào mục đích khác, tuyển chọn tràn lan, không đảm bảo tiêu chuẩn, lừa đảo, tiêu cực và gặp bất hạnh nhiều nhất vẫn là người lao động nữ.

Trong những năm vừa qua, người lao động, vì bị lừa, cho nên cả thân nhân của họ ở trong nước cũng khiếu kiện nhiều lần và tranh chấp nhiều lần mà không được giải quyết kịp thời, có lúc đã xảy ra việc rất bức xúc trong nhân dân, nên tôi vẫn giữ nguyên quan điểm của mình như đã phát biểu tại Hội nghị Chuyên trách vừa qua là trong lĩnh vực này chỉ cần thêm 2 hoặc 3 chi nhánh là đủ.

Việc hạn chế số lượng chi nhánh là cần thiết và phù hợp với thực tế, để giúp cho công tác quản lý chặt chẽ hơn, thực hiện mỗi doanh nghiệp chỉ cần giao nhiệm vụ thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho không quá 3 chi nhánh là vừa và phù hợp.
Về tiền dịch vụ và tiền môi giới thì theo Giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và qua những ý kiến phân tích của các vị Đại biểu Quốc hội, theo tôi, vẫn phải tiếp tục duy trì để tạo điều kiện thuận lợi nhất cho người lao động khi tham gia công ty, doanh nghiệp ở nước ngoài, ở nước sở tại để họ tiếp nhận, đón tiếp cho tốt. Nhưng theo tôi nghĩ, các khoản đóng góp của người lao động nên quy ra một mối, đóng một lần và có sự bảo quản thật tốt.

Về các điều, khoản trong luật tôi xin góp ý ở Điều 7 là các hành vi bị nghiêm cấm. Trong dự thảo luật có quy định 12 khoản nghiêm cấm, nhưng trong thực tế vẫn xảy ra trường hợp sang, nhượng giấy phép hoạt động, giấy phép dịch vụ đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Nếu việc sang, nhượng giấy phép không đúng với Khoản 3, Điều 39 của luật này thì sẽ không tránh khỏi những tiêu cực đáng tiếc xảy ra đối với người lao động. Vì lý do trên nên phải chăng ở Điều 7 về các hành vi bị nghiêm cấm ta thiết kế thêm một khoản là không được sang, nhượng giấy phép trong hoạt động dịch vụ đưa người đi lao dộng ở nước ngoài.

Chương III, người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Mục 5 chính sách đối với người lao động đi làm việc ở nước ngoài sau khi về nước. Trong dự thảo tôi thấy Ban soạn thảo không quy định chính sách đối với người lao động trong diện nghèo cần có sự hỗ trợ của Nhà nước để được đi lao động ở nước ngoài. Trong thực tế tình hình lao động và tìm việc làm của con em ở lứa tuổi thanh niên hiện nay sau khi tốt nghiệp phổ thông trung học và cao đẳng, đại học ở các tỉnh miền núi tập trung nhiều dân tộc thiểu số rất khó khăn trong việc tìm việc làm, vốn hỗ trợ cho đối tượng này tìm việc làm ngoài tỉnh, cũng như đi lao động làm việc ở nước ngoài. Theo mức chung hiện nay mỗi em đi lao động ở nước ngoài là người dân tộc thiểu số quy định là 20 triệu thì được Nhà nước hỗ trợ 10 triệu, còn 10 triệu thì tự túc, điều này tôi thấy rất khó khăn đối với cán bộ chính quyền địa phương mà có nhiều đối tượng diện nghèo. Trong thực tế, hiện nay qua giám sát của Hội đồng Dân tộc và các Ủy ban của Quốc hội cũng thấy rất rõ vùng dân tộc miền núi, quỹ đất thực hiện Chương trình 134 hiện nay rất khó khăn, không còn quỹ đất nữa, nếu có còn đi chăng nữa thì nó gắn với rừng quốc gia cần bảo vệ nghiêm ngặt, có tỉnh chỉ còn núi đá thôi, những tỉnh chỉ còn núi đá tập trung ở những tỉnh còn núi đất. Cho nên việc chặt phá rừng rất nhiều, tìm công ăn việc làm cho con em dân tộc thiểu số nói chung và dân tộc đa số nghèo ở các tỉnh miền núi hiện nay tôi thấy rất khó khăn. Mong Quốc hội xem xét, nghiên cứu và thiết kế thêm ở trong luật này để luật có khả thi trong thực tế và thực hiện công bằng xã hội về giàu nghèo, đừng để quá xa nhau như hiện nay.

Các văn bản liên quan