Ý kiến của ĐBQH Nghiêm Vũ Khải – Tỉnh Hà Giang

Thứ Ba 10:29 31-10-2006

Kính thưa Đoàn Chủ tọa!

Kính thưa Quốc hội!

Trước tiên, tôi đánh giá cao việc tiếp thu, chỉnh lý của Ban soạn thảo cũng như của các cơ quan hữu quan đối với Dự án Luật trình Quốc hội tại kỳ họp trước. Tôi xin có một số ý kiến như sau:

Về tên gọi của Luật thì hoan nghênh việc bỏ chữ "đưa", nhưng tôi thấy tên Luật còn dài. Theo tôi nghĩ, chúng ta có Bộ Luật Lao động, chủ yếu là áp dụng đối với lao động ở Việt Nam. Bây giờ ta có một Luật về lao động Việt Nam ở nước ngoài thì tôi nghĩ, ta chỉ cần nói Luật Lao động Việt Nam ở nước ngoài hoặc ngoài nước là đủ. Ở nước ngoài khác với ngoài nước. Bởi vì một người làm việc ở Ngành Hàng không, hay là Ngành Hàng hải làm việc cho các cơ quan nước ngoài họ thuê thì họ cũng không đi một nước nào cụ thể, mà là ở ngoài nước, cho nên tôi nghĩ tên luật này chỉ cần đề là Luật Lao động Việt Nam ở nước ngoài và có thể là ngoài nước. Như thế cũng đầy đủ, nếu ta chỉ nói đến người lao động thì thực tế đối tượng áp dụng ở đây chỉ có 4, 5 đối tượng, kể cả người lao động, kể cả những doanh nghiệp, một loạt đối tượng kê ở mục đối tượng áp dụng, luật chúng ta ghi là Luật Người lao động, thì tôi nghĩ nó không đầy đủ, chỉ cần ghi là Luật Lao động Việt Nam ở nước ngoài, thế là đầy đủ.

Khi xem xét toàn bộ luật này, tôi thấy rằng mục đích của luật có 3 mục đích chính, tức là:
Thứ nhất, tăng nguồn thu, tăng công ăn việc làm cho người lao động để giảm bớt sức ép thiếu việc làm trong nước.

Thứ hai, mục đích là nâng cao tay nghề, trình độ, kinh nghiệm của người lao động, kể cả những người lao động chân tay, đến những lao động đòi hỏi trình độ học vấn cũng như trình độ cao, đấy là ý thứ hai.

Thứ hai, thúc đẩy tiến trình hội nhập và thực hiện phân công lao động quốc tế trong điều kiện nước ta đang hội nhập rất mạnh mẽ. Với tầm nhìn lâu dài, tôi nghĩ đây là một hướng mở rộng và rất rầm rộ trong tương lai gần đây thôi sau khi ta gia nhập WTO. Với quan niệm và mục đích của luật như vậy, tôi cũng cảm nhận chung dự thảo luật cần được thông thoáng hơn nữa. Tôi thấy còn mang tính bao cấp, còn những thủ tục tương đối rườm rà và sẽ làm cản trở một phần nào đấy hiệu quả của việc phát triển lao động Việt Nam ở nước ngoài.

Vào Điều 5 tôi xin thêm một ý về chính sách tức là ưu tiên đối với những đối tượng chính sách hoặc những nơi thiếu việc làm trong trường hợp chúng ta thu hồi đất hay có những công trình quốc gia, những vùng con em có hoàn cảnh khó khăn, những đối tượng chính sách thì Nhà nước phải ưu tiên. Có điều quy định chính sách như vậy thì quá trình xử lý của Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cũng như chính quyền địa phương người ta cũng luôn thấy rằng đây thuộc về chính sách và phải thực hiện nó nghiêm túc hơn.

Sang đến điều cấm, tôi xin phép phát biểu với Quốc hội là có một điều tương đối nhạy cảm thì không biết ghi vào điều cấm hay ghi vào quyền và nghĩa vụ của người lao động, cũng như các tổ chức tiếp nhập lao động, gửi lao động đi nước ngoài. Vấn đề người Việt Nam đi ra nước ngoài lao động có được tham gia các hoạt động tín ngưỡng, các hoạt động chính trị hay là những hoạt động mang màu sắc khủng bố hay không? Hay có được biểu tình, tham gia biểu tình ở những cuộc biểu tình mang màu sắc chính trị không? Một số đồng chí có thể biết, khi đi học ở nước ngoài, có một số nước người ta yêu cầu người ra học ở nước ngoài phải cam kết là không được tham gia đảng phải chính trị, không được tham gia những hoạt động biểu tình hay là những tổ chức chính trị. Đấy là một kinh nghiệm của nước ngoài để người ta tự quản lý đối với họ. Nhưng ta quy định như thế nào? Đây nó thuộc về vấn đề quyền con người, nhưng đây cũng là vấn đề hết sức nhạy cảm, tôi nghĩ có thể có cách thức suy nghĩ như thế nào đấy để đưa vào phần điều cấm, hai là đưa vào quyền, trách nhiệm của các tổ chức, cá nhân tham gia hoạt động này.

Tiếp theo, về Chương II. Điều 10, Khoản 2 đề nghị viết lại, tức là thủ tục cấp phép, có nói là sau thời hạn 30 ngày thì Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét để cấp phép cho doanh nghiệp. Còn việc lấy ý kiến của các cơ quan thì tôi nghĩ nên đưa lên Khoản 1, Điều 10, phần sau phần c có phần d là ý kiến của tổ chức, cơ quan quyết định thành lập, coi ý kiến của cơ quan quyết định thành lập doanh nghiệp này phải nằm trong hồ sơ trình lên Bộ Lao động thương binh và xã hội, nếu quy định như thế này thì Bộ Lao động thương binh và xã hội lại phải đi xin ý kiến của người kia. Như vậy sẽ kéo dài quá trình, đề nghị là chuyển ý kiến của cơ quan quyết định doanh nghiệp sang phần không thể thiếu của hồ sơ, mà doanh nghiệp đưa người lao động nước ngoài phải nộp lên bộ Lao động thương binh xã hội. Tôi nghĩ làm như vậy nó vừa đúng, vừa thuận lợi cho doanh nghiệp.

Tôi đề nghị chuyển Điều 14, 15 sang trước Điều 24, vì khi ta nói cấp phép ở Điều 10, 11, 12 nói về vấn đề cấp phép thì ta lại nói ngay vấn đề đình chỉ và thu hồi, tôi thấy nó không thuận, cấp phép rồi thì cứ làm những quy định phải thực hiện đi đã, sau khi có vấn đề gì đó thì chúng ta mới có những quy định thu hồi hoặc là đình chỉ. Như vậy thì nó lôgíc, hợp lý hơn, chứ vừa mới có điều cấp phép lại ngay sau đó là vấn đề thu hồi, hay vấn đề đình chỉ, nghe nó không thuận, cấp phép xong thực hiện khi thực hiện còn có vấn đề gì thì mới đình chỉ, thu hồi thì chuyển nó xuống trước Điều 24. Điều 24 là điều trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp không đổi giấy phép hoặc thu hồi giấy phép.

Điều 23, tôi thấy có mấy ý như thế này, ở Khoản 2 ghi vào tài khoản riêng của doanh nghiệp. Đề nghị giải thích hoặc viết cho rõ là tài khoản này doanh nghiệp lập riêng để ký quỹ, để người lao động nộp tiền ký quỹ vào chứ không phải là người lao động nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng của doanh nghiệp. Tài khoản riêng của doanh nghiệp chỗ này là không rõ, có nghĩa riêng là riêng như thế nào? Hay tài khoản dành riêng cho tiền quỹ, tôi nghĩ nên viết cho rõ.

Khoản 3, Điều 23 viết cũng không rõ lắm tức là về mặt lôgic thì tiền ký quỹ người lao động được hoàn trả cả gốc lẫn lãi, ghi thành một khoản là như vậy. Sau đó mới là trong trường hợp thiếu, thừa như thế nào. Tôi nghĩ phải ghi toàn bộ cái này thành lôgíc ra, tức là việc tiền ký quỹ sau khi đã hoàn trả hoặc thừa, thiếu thì được hoàn trả như vậy. Chứ nếu mà ghi hoàn trả ngay, khẳng định luôn việc hoàn trả cả gốc, lẫn lãi cho người lao động, sau đó lại bắt đầu giải thích những trường hợp thiếu thừa. Cách quy định như thế là không được hay lắm, có lẽ nên điều chỉnh.

Điều 28, tôi thấy doanh nghiệp nhận trúng thầu ở nước ngoài, đưa người lao động đi nước ngoài phải có cơ quan thẩm quyền cấp phép, điều này cũng phải quy định cho nó rõ, tức số lượng con người là bao nhiêu, thời gian bao lâu, nếu như người ta trúng thầu đi nước ngoài chỉ đi một tuần để thực hiện cũng phải xin phép của cơ quan có thẩm quyền thì không phải, tôi nghĩ một doanh nghiệp đi ra nước ngoài, chỉ có 1 người đi 1 tuần, 2 ngày cũng phải xin phép. Nếu ta quy định như thế này thì không xin phép không được mà xin phép rất rườm rà. Ví dụ tôi là giám đốc doanh nghiệp, tôi cử 1 kỹ sư sang bên đó làm việc 1 tuần, 1 ngày lại phải xin phép à. Việc đó phải quy định rõ thời gian bao lâu và số lượng người như thế nào?

Điều 29 tôi thấy rằng yêu cầu bản sao hợp đồng trúng thầu. Điều 32 là bản sao dự án đầu tư ra nước ngoài khi xin cấp người lao động, giấy phép, cử người lao động đi làm việc ở các dự án, do ta đầu tư hoặc ta trúng thầu mà lại đưa toàn bộ bản sao của dự án đầu tư ra nước ngoài cho Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, tôi nghĩ hơi cầu kỳ quá, không cần thiết. Ngoài ra tôi còn có một số ý khác nhưng vì thời gian hết nên tôi xin góp ý sau.

Các văn bản liên quan