Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Dũng – Tỉnh Đăk Nông

Thứ Ba 10:27 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Tôi nhận thấy Bộ luật này được đông đảo nhân dân quan tâm, vì chúng ta biết nhờ Bộ luật này giải quyết được tình trạng thiếu việc làm, tháo gỡ cho tình trạng người nghèo có thể tìm thấy được những điều kiện thuận lợi, giúp cho người đó thoát nghèo. Mặt khác, tôi nhận thấy một ý nghĩa rất lớn nữa, giúp cho một số đông người lao động tiếp cận được với những tiến bộ khoa học công nghệ, tiếp cận với sự văn minh của một xã hội phát triển. Những điều đó được thấy rõ trong Bộ luật với 5 điều kiện mà luật đã nêu lên, như tạo điều kiện thuận lợi cho người lao động, bảo vệ quyền lợi, lợi ích hợp pháp cho người lao động, hỗ trợ đầu tư mở thị trường lao động và cấp các tín dụng ưu đãi cho những người nghèo muốn tham gia hoạt động lao động ở nước ngoài, khuyến khích đưa được nhiều người lao động có trình độ chuyên môn kỹ thuật đi thực tập lao động ở nước ngoài.

Tuy nhiên, có một vài vấn đề mà mọi người đều hết sức quan tâm, đó là làm thế nào để bảo đảm được quốc thể, đảm bảo được danh dự, đảm bảo được uy tín của đất nước khi đi ra nước ngoài. Điều này phải làm thế nào thấy rõ được, vì trong thực tế nhiều người đã làm ảnh hưởng đến quốc thể, ảnh hưởng đến uy tín của Nhà nước. Trong khi chúng ta tốn rất nhiều công sức để tuyên truyền ra nước ngoài về tính ưu việt của xã hội ta, về những đặc điểm truyền thống của người Việt Nam ta, một số người lao động đã làm mất đi hình ảnh tốt đẹp về người Việt Nam thông qua những sự kiện làm phá vỡ hợp đồng, có những hành động tiêu cực khi lao động ở nước ngoài. Cho nên, tôi nhận thấy các biện pháp xử lý doanh nghiệp khi xảy ra một trong 12 hành vi bị cấm theo Điều 7 nó quá nhẹ nhàng. Tức là chỉ có thu hồi hay không được cấp giấy phép, tôi nghĩ như vậy họ dễ dàng trốn tránh trách nhiệm của họ khi sự kiện rất lớn xảy ra. Tôi nghĩ rằng, cần phải có những biện pháp xử lý nghiêm hơn nữa, không phải chỉ là rũ trách nhiệm, không tiếp tục hành nghề đó, họ lại hành nghề khác, nhưng họ lại để lại những hậu quả rất lớn cho cả nước.

Tôi nghĩ các biện pháp xử lý doanh nghiệp phải nặng hơn, không phải chỉ có thu hồi hay không được đổi giấy phép. Tôi nghĩ người ký quyết định thành lập các doanh nghiệp mà vô trách nhiệm đó thì cũng phải xử lý, chứ không phải người cho phép thành lập doanh nghiệp mà không đảm bảo uy tín, không đảm bảo hoàn thành nhiệm vụ của mình mà không chịu trách nhiệm gì cả, lại vô can.

Ví dụ, quy định phải dạy ngoại ngữ, dạy nghề, dạy phong tục, tập quán, dạy về pháp luật các nước sở tại. Nhưng trong thực tế có bao nhiêu người được làm như thế đâu. Tôi hay gặp những người lao động trên các chuyến đi nước ngoài. Tôi nói chuyện trực tiếp với họ, họ có được chuẩn bị gì mấy đâu, gọi là học ngoại ngữ, học có một chút để chào hỏi thôi còn làm sao hiểu được ngoại ngữ với thời gian học ngắn như vậy, mà chuyên môn nghề nghiệp càng không biết và kiến thức hiểu biết về pháp luật các nước sở tại hoàn toàn không có gì. Tôi nghĩ khi mà các doanh nghiệp vô trách nhiệm như vậy thì ta xử lý ra sao và đến mức nào mới thu giấy phép. Còn mức không hoàn thành nhiệm vụ ở mức độ không chuẩn bị cho người lao động những kiến thức cần thiết thì chẳng bị kỷ luật gì cả, chỉ khi nào xảy ra sự cố mới bị thu hồi giấy phép. Tôi nghĩ trong việc chọn doanh nghiệp cần phải chặt chẽ hơn.

Điều 20, tôi nghĩ tại sao doanh nghiệp lại không trực tiếp ký hợp đồng cung ứng lao động mà phải thông qua môi giới mà trong luật không nói rõ về thuật ngữ môi giới, đây là loại người nào và như thế nào? người lao động phải trả cho doanh nghiệp số tiền này nhưng tại sao lại có môi giới mà không tự các doanh nghiệp đó đứng ra làm nhiệm vụ gánh bớt môi giới cho người lao động.

Về Mục 5, tôi thấy tại sao không mở rộng tổ chức sự nghiệp của Nhà nước, cái đó rất lợi và nó tránh đi các vô trách nhiệm trong việc đưa người lao động. Tại sao tổ chức sự nghiệp của Nhà nước không mở rộng hơn nữa, tạo điều kiện hơn nữa để trực tiếp chọn lựa đưa người lao động đi nước ngoài và tại sao lại phi lợi nhuận. Tôi nghĩ vẫn có quyền có lợi nhuận để khuyến khích những tổ chức doanh nghiệp Nhà nước này hăng hái hơn trong việc đảm nhiệm nhiệm vụ quan trọng này. Tôi nghĩ phi lợi nhuận cũng vô lý và lợi nhuận vừa phải hợp lý thì đúng hơn.
Về Mục 4, bảo lãnh người lao động không ký quỹ, hay không đủ tiền ký quỹ, tôi thấy rất hay, ở chỗ là người bảo lãnh đó phải cầm cố, thế chấp tài sản để đảm bảo nghĩa vụ bảo lãnh. Tuy nhiên, vấn đề ký quỹ chúng ta phải xem xét ở khía cạnh thực tế với người lao động là quá nặng nề, vì họ phải đi vay lãi, vay nặng lãi để nộp vào quỹ, như vậy chỉ lợi cho người cho vay nặng lãi, và chính nhiều người lao động bỏ trốn chỉ vì gánh nặng phải trả nợ tiền vay nặng lãi để ký quỹ, họ phải tìm cách để bù lại bằng cách trốn đi làm việc khác.

Về Điều 59, chính sách đối với người lao động sau khi về nước thì tôi thấy quá đơn giản, tức là chỉ thông báo nhu cầu về lao động, rồi khuyến khích doanh nghiệp tuyển dụng, chẳng có cơ chế gì, trách nhiệm gì đối với người lao động đó, vì đây là những người đã thông qua đào tạo nghề ở nước ngoài, dù là một nghề đơn giản như nghề giúp việc gia đình cũng là một nghề, nhưng chúng ta phải có chính sách như thế nào để đưa những người đó tiếp tục làm việc ở trong nước, ở những môi trường thích hợp với những việc người ta đã được qua rèn luyện. Nếu chỉ có nhu cầu, với khuyến khích doanh nghiệp thì nó chẳng có cơ chế gì ràng buộc những người mà đã cử người đi lao động ở nước ngoài phải đảm nhiệm. Điều 61, về trách nhiệm của doanh nghiệp với việc dạy ngoại ngữ, dạy nghề, giáo dục định hướng phải có kiểm tra, đánh giá và phải xử lý, nếu như không đảm bảo được những việc đó thì như tôi đã nói ở phần trước là Điều 61 này không có cơ chế cụ thể để kiểm tra lại trách nhiệm của doanh nghiệp, không làm tròn nhiệm vụ mà Bộ Luật giao cho. Vì vậy, tôi nghĩ rằng, Bộ Luật nên cụ thể hóa nhiều hơn nữa trách nhiệm của doanh nghiệp và phải có cơ chế để xử lý nghiêm minh các doanh nghiệp không làm tròn nhiệm vụ này và nên khuyến khích mở rộng các tổ chức, doanh nghiệp của Nhà nước trong việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Các văn bản liên quan