Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Nghiễm – Tỉnh Bình Phước

Thứ Ba 10:25 31-10-2006

Kính thưa Chủ tọa Kỳ họp!

Thưa Quốc hội!

Tôi xin phát biểu về Dự án Luật về lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng.

Trước hết, tôi xin bày tỏ sự nhất trí của mình đối với nhiều nội dung trong Báo cáo giải trình của Ủy ban Thường vụ Quốc hội và một số ý kiến phát biểu trước tôi. Dưới đây, tôi xin phát biểu về 4 vấn đề mà tôi quan tâm.

Trước hết, về tên gọi của Luật. Đây là vấn đề còn nhiều ý kiến khác nhau. Theo Báo cáo Giải trình của Ủy Ban Thường vụ Quốc hội, thì tên gọi của Luật là Luật đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài thì còn hạn chế chưa phản ánh được đầy đủ phạm vi điều chỉnh của Luật, không phù hợp với việc cá nhân tự tìm và ký hợp đồng làm việc ở nước ngoài và chưa phản ánh đúng bản chất của nội dung Luật điều chỉnh. Tên gọi của Luật là Luật xuất khẩu lao động thì tên này ngắn gọn, dễ hiểu, dễ thể hiện trong Dự án Luật. Tên này đã được dùng trong nhiều năm, mà nhân dân cũng đã quen, nhưng với tên gọi này thì dễ dẫn đến hiểu lầm về xuất khẩu lao động với xuất khẩu hàng hóa và tổ chức quốc tế thì người ta cũng khuyên là mình không nên sử dụng tên gọi này. Thế còn tên gọi là Luật Người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng tuy có dài, nhưng bao hàm đầy đủ phạm vi và đối tượng điều chỉnh và nội dung của luật cần điều chỉnh. Tên gọi này khắc phục được những hạn chế của hai tên gọi nêu trên và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội cũng đã tán thành với tên gọi này.

Với tên gọi này, tôi còn băn khoăn một điều, đó là trong tên gọi của luật có một cụm từ là "làm việc ở nước ngoài", với cụm từ này thì tôi hiểu là làm việc ở một quốc gia độc lập có chủ quyền và được Liên hiệp quốc công nhận, nhưng trong thời gian vừa qua việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của ta, ngoài việc đưa tới các quốc gia như Hàn Quốc, Nhật Bản, Malaysia, v.v... thì ta còn đưa đi làm việc ở vùng lãnh thổ như Đài Loan. Nên tôi đề nghị Ban Soạn thảo nên xem xét tên gọi của luật, để tên gọi này phù hợp với cả người lao động đi làm việc ở vùng lãnh thổ và cũng loại trừ được các đối tượng không thuộc các phạm vi điều chỉnh như cán bộ, công chức, viên chức, lao động là chuyên gia Việt Nam làm việc trong các cơ quan đại diện ngoại giao, các tổ chức quốc tế, thông tấn, báo chí, văn phòng đại diện, chi nhánh, v.v... làm việc ở nước ngoài nhưng không phải là hợp đồng được trả lương hoặc là các quyền lợi khác. Tôi nghĩ đây là vấn đề cũng khá nhạy cảm trong quan hệ ngoại giao giữa nước ta với nước láng giềng Trung Quốc.

Thứ hai, về hồ sơ, thủ tục và lệ phí cấp giấy phép, được quy định tại Điều 10. Khoản 2, Điều 10 quy định: Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận được đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 điều này, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội xem xét, cấp giấy phép cho doanh nghiệp sau khi lấy ý kiến của thủ trưởng cơ quan ra quyết định thành lập hoặc đề nghị Thủ tướng Chính phủ thành lập đối với các doanh nghiệp Nhà nước. Người ra quyết định thành lập đối với doanh nghiệp của tổ chức chính trị, tổ chức chính trị xã hội, tổ chức xã hội, tổ chức xã hội nghề nghiệp, Chủ tịch Uỷ ban nhân dân tỉnh, thành phố trực thuộc Trung ương, gọi chung là Uỷ ban nhân dân cấp tỉnh. Tôi thấy, quy định như vậy chưa rõ, chưa cụ thể. Tôi đề nghị quy định rõ việc lấy ý kiến các chức danh nêu trên về nội dung gì, nếu không đây sẽ là kẽ hở của pháp luật, dễ dẫn đến tiêu cực. Nếu không quy định rõ thì tôi đề nghị bỏ đoạn này và bỏ luôn cả đoạn "trường hợp không cấp giấy phép Bộ Lao động Thương binh và Xã hội phải trả lời và nêu rõ lý do bằng văn bản cho doanh nghiệp". Bởi lẽ đã nhận đủ hồ sơ hợp lệ, theo tôi hồ sơ hợp lệ theo quy định tại Khoản 1 của điều này thì không còn lý do gì lại không cấp giấy phép cho doanh nghiệp. Do vậy, Khoản 2, Điều 10 tôi xin được thiết kế lại như sau: Trong thời gian 30 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ quy định tại Khoản 1 điều này, Bộ Lao động thương binh xã hội xem xét cấp giấy phép cho doanh nghiệp.

Thứ ba, về thu hồi giấy phép được quy định tại Điều 15. Khoản 1, Điều 15 quy định doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép thuộc một trong các trường hợp sau, có 6 trường hợp, đó là a, b, c, d, đ, e, tại Điểm e quy định doanh nghiệp vi phạm quy định tại 1 trong các khoản 2, 3, 4, 5, 6, 7 của Điều 7 và Điểm b, Khoản 2, Điều 27 của luật này, gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đối với người lao động.

Nhưng tại Khoản 4, Điều 15 quy định doanh nghiệp bị thu hồi giấy phép quy định tại Điểm e, Khoản 1 điều này được xem xét cấp giấy phép sau 5 năm, kể từ ngày quyết định thu hồi giấy phép có hiệu lực. Nếu đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 luật này theo tôi quy định như vậy là chưa thoả đáng, vì theo Điểm e, quy định doanh nghiệp vi phạm gây thiệt hại nghiêm trọng về vật chất và tinh thần đối với người lao động thì ngoài việc phải đáp ứng các điều kiện quy định tại Điều 8, Điều 9, Điều 10 của luật này, theo tôi doanh nghiệp này còn phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường cho người lao động nếu có. Do vậy, tôi đề nghị thêm cụm từ "và phải thực hiện xong nghĩa vụ bồi thường cho người lao động nếu có" vào cuối Khoản 4, Điều 15, quy định như vậy mới ràng buộc được doanh nghiệp khi được cấp giấy phép và khuyến cáo các doanh nghiệp không được gây thiệt hại cho người lao động trong quá trình hoạt động của mình. Cuối cùng, đây là luật chuyên ngành điều chỉnh về hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, thời gian vừa qua cùng với kết quả rất đáng ghi nhận, thì hoạt động này cũng bộc lộ nhiều tiêu cực, như thu tiền trái quy định, chiếm dụng vốn của người lao động để sử dụng vào mục đích khác, lừa đảo người lao động, dẫn đến người lao động khiếu kiện, tố cáo. Do vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu, bổ sung thêm một số điều quy định về khiếu nại, tố cáo.

Các văn bản liên quan