Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Kim Cúc – Tỉnh Long An

Thứ Ba 09:05 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Qua báo cáo giải trình tiếp thu, chỉnh lý dự thảo luật người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, tôi cơ bản nhất trí với Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và thấy rằng dự thảo luật lần này đã tiếp thu nhiều ý kiến để bổ sung vào luật. Do đó dự thảo luật khá toàn diện. Tuy nhiên, tôi cũng xin có một số ý kiến như sau:

Về tên gọi của luật, tôi nhất trí với ý kiến của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội lấy tên luật là Luật Người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Qua báo cáo thì hiện nay nước ta có khoảng trên 400.000 người lao động và chuyên gia đang làm việc ở 40 quốc gia và vùng lãnh thổ. Tuy nhiên, con số này vẫn còn nhỏ bé so với tiềm năng nguồn lao động của đất nước, qua thảo luận, đóng góp dự án luật thì đa số cử tri đều mong muốn Nhà nước cần có những chính sách tạo điều kiện thoáng hơn nữa cho người lao động có cơ hội đi làm việc ở nước ngoài, nhất là chính sách về tín dụng.

Hiện nay, Nhà nước đã có chính sách cho người lao động là đối tượng chính sách xã hội, hộ nghèo, tuy nhiên chính sách này vẫn chưa đáp ứng nhu cầu của người lao động, vì quy định người lao động vay vốn vẫn còn rất hạn chế. Ví du, theo quy định của Chính phủ hiện nay thì ngân hàng Chính sách cho vay tối đa là 20 triệu đồng một người lao động, đối với đối tượng là gia đình chính sách và hộ nghèo, trong khi những thị trường như Nhật Bản, Hàn Quốc, tiền ký quỹ của người lao động cao gấp hơn nhiều lần, từ đó người lao động chỉ được đi đối với thị trường lao động trong khối ASEAN, thu nhập ít, hơn nữa chính sách này chỉ đối với người lao động trong hộ gia đình nghèo và gia đình chính sách, chưa có chính sách đối với những lao động trong hộ gia đình cận nghèo và chưa được quan tâm. Do đó số người lao động ở cận nghèo vẫn chưa có cơ may đi làm việc ở nước ngoài để xoá đói, giảm nghèo. Vì vậy tôi đề nghị Chính phủ cần quan tâm có chính sách thích hợp cho người lao động thuộc diện nghèo, thuộc diện cận nghèo để có điều kiện đi làm việc ở nước ngoài. Đề nghị cho vay vốn theo nhu cầu lao động để đi các nước có thu nhập cao và luật hoá quy định này trong luật theo nhu cầu của người lao động.

Vấn đề thứ hai, trong thời gian vừa qua hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài do các doanh nghiệp có chức năng thực hiện, cũng có những trường hợp doanh nghiệp chưa quan tâm đến người lao động ở nước ngoài, làm cho một bộ phận lao động đi nước ngoài rất lo ngại khi chưa được doanh nghiệp quan tâm trong lúc tranh chấp lao động ở nước ngoài. Nghị định số 141 ngày 11/11/2005 của Chính phủ về quản lý lao động Việt Nam ở nước ngoài, trong đó có quy định trách nhiệm của doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài là phải cử cán bộ đại diện doanh nghiệp kiểm tra, giám sát việc thực hiện hợp đồng lao động cùng đối tác và người sử dụng lao động nước ngoài, giải quyết những vấn đề phát sinh đối với người lao động, tư vấn, hỗ trợ trong trường hợp có tranh chấp v.v... Do đó tôi đề nghị cần đưa quy định trên vào Điều 30 là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp. Bộ Lao động thương binh xã hội từng lúc, từng nơi phải có thanh tra, kiểm tra về quy định này.
Vấn đề thứ ba, về chính sách đối với người lao động sau khi về nước, dự thảo luật cũng đã quy định trong hai điều luật là Điều 59 hỗ trợ việc làm, Điều 60 khuyến khích tạo việc làm, nhưng hai điều luật này còn chung chung. Tôi nghĩ rằng, chính sách đối với người lao động sau khi về nước cần có sự gắn kết giữa 3 bên, đó là người lao động, chính quyền địa phương và doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Trước khi đi lao động ở nước ngoài, ba bên đã phối hợp chặt chẽ đó là người lao động, chính quyền địa phương và doanh nghiệp.

Do đó, dự thảo luật cần quy định rõ trách nhiệm tạo việc làm cụ thể đối với người lao động khi về nước. Tức là người lao động phải tích cực định hướng việc làm như tìm việc làm, hoặc mở cơ sở sản xuất v.v... Nếu người lao động muốn có việc làm thì phải đăng ký với cơ quan quản lý lao động tại địa phương. Đối với địa phương, tạo điều kiện giúp đỡ người lao động tìm việc làm hoặc giúp đỡ người lao động vay vốn mở cơ sở sản xuất, dịch vụ. Đối với doanh nghiệp đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cũng có trách nhiệm tìm kiếm nhu cầu lao động của các doanh nghiệp khác để giới thiệu, vì người lao động đã có tay nghề kỹ thuật trong thời gian làm việc ở nước ngoài.

Tôi đề nghị ở Điều 59, 60 cần bổ sung sự phối hợp giữa người lao động với chính quyền địa phương và doanh nghiệp, trách nhiệm của doanh nghiệp tìm việc làm cho người lao động sau khi về nước. Sau đây, tôi xin có một số ý kiến cụ thể về các điều luật như sau:

Điều 5, chính sách của Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng. Tôi thấy ở điều này có 5 khoản, tôi rất nhất trí nhưng ở Điều 62 cũng có trách nhiệm của Nhà nước, chính sách của Nhà nước. Điều 63, cũng có chính sách của Nhà nước.

Tôi đề nghị ở Khoản 2 , Điều 62, Điều 63 nên nhập lại ở Điều 5, đó là chính sách của Nhà nước về người lao động đi làm việc ở nước ngoài và xin sửa đổi như sau: ở Khoản 4 là "có chính sách tín dụng ưu đãi cho các đối tượng, chính sách xã hội đi làm việc ở nước ngoài", nên bổ sung thêm là chính sách đối với học nghề, học ngoại ngữ và giáo dục định hướng, bổ sung một khoản nữa là Nhà nước có chính sách đầu tư cho các cơ sở dạy nghề, tạo nguồn lao động đi làm việc ở nước ngoài, hình thành một số trường dạy nghề nòng cốt, đủ điều kiện, trang thiết bị, chương trình, giáo trình, đội ngũ giáo viên để đào tạo người lao động có trình độ kỹ thuật cao, trình độ ngoại ngữ, đáp ứng yêu cầu cho người lao động đi làm việc ở nước ngoài.

Điều 15, về việc thu hồi giấy phép ở Khoản 2, Điều 15 là Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và xã hội quyết định thu hồi giấy phép và công bố việc thu hồi giấy phép trên một tờ báo viết của Trung ương hoặc báo Điện tử trong 3 số liên tiếp. Tôi đề nghị cần thêm là "thông báo đến Uỷ ban nhân dân địa phương, nơi đặt chi nhánh của doanh nghiệp bị thu hồi, hoặc thông báo trên một tờ báo của địa phương nơi đặt chi nhánh" nó sẽ cụ thể hơn.

Điều 16, về Khoản 3, chi nhánh của doanh nghiệp quy định tại Khoản 1 điều này không được thực hiện các hoạt động như sau: Ở Điểm b có nói: "Thu tiền dịch vụ môi giới và ký quỹ của người lao động trừ trường hợp được doanh nghiệp uỷ quyền". Điều này sẽ trái với dự thảo ở Điều 23, Khoản 2 là "người lao động nộp tiền ký quỹ vào tài khoản riêng của doanh nghiệp tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính". Tôi thấy hai điều này nó trái với nhau và đề nghị nếu chúng ta đã quy định người lao động phải nộp tiền tại ngân hàng thương mại nơi doanh nghiệp đặt trụ sở chính, tôi thấy nó khó khăn cho người lao động. Ví dụ: Trụ sở chính là Hà Nội nhưng chi nhánh người ta đặt ở miền Trung chẳng hạn, thì người lao động phải đi đến trụ sở chính đặt tiền quỹ, tôi thấy rất khó khăn cho người lao động. Đề nghị vấn đề này phải thu xếp lại.

Điều 26 về trách nhiệm của doanh nghiệp trong trường hợp bị phá sản.

Khoản 1 có nói "Trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có quyết định mở thủ tục phá sản", quyết định này tôi đề nghị phải nói là Tòa án có quyết định mới đúng.

Khoản 2 là "Doanh nghiệp tạm dừng việc tổ chức tuyển chọn đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, kể từ ngày Tòa án quyết định mở thủ tục phá sản cho đến khi có quyết định đình chỉ thủ tục, phục hồi sản xuất kinh doanh". Đề nghị Khoản 2 này nên nói là "doanh nghiệp dừng việc tổ chức tuyển chọn" nó hợp lý hơn và khi có quyết định của Tòa án là đình chỉ thủ tục phá sản thì phục hồi sản xuất kinh doanh, đề nghị thêm từ "phá sản" vào chữ "thủ tục" thì nó sẽ rõ ràng hơn.

Điều 27 "Quyền và nghĩa vụ của các doanh nghiệp" thì ở Khoản 2 Doanh nghiệp có các nghĩa vụ sau:

Điểm b là "Trực tiếp tuyển chọn lao động và không được thu phí tuyển chọn của người lao động. Khi tuyển chọn, thu phí ở địa phương, doanh nghiệp phải thông báo định kỳ 6 tháng, 1 năm báo cáo lao động thương binh xã hội cấp tỉnh". Tôi đề nghị vấn đề này là báo cáo với Uỷ ban nhân dân tỉnh, còn Uỷ ban Nhân dân tỉnh thông báo với chỗ lao động thương binh xã hội ở địa phương là do trực tiếp làm việc của Uỷ ban. Tôi đề nghị chỗ này thay thế bằng chỗ Uỷ ban nhân dân tỉnh.

Điều 30 và Điều 33, quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp, tổ chức doanh nghiệp trúng thầu, nhận thầu đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài. Điều 30 đề nghị thêm một khoản nữa, đó là quyền và nghĩa vụ của doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện lao động, ăn, ở, chế độ làm việc cho người lao động. Vấn đề này phải quy định cụ thể để doanh nghiệp thực hiện. Điều 33 cũng thêm một khoản là doanh nghiệp phải đảm bảo điều kiện lao động, sinh hoạt, chế độ bảo hiểm xã hội cho người lao động. Phần này đề nghị phải có quy định cho chặt chẽ hơn.

Điều 65 về giáo dục định hướng. Khoản 2 nội dung giáo dục định hướng, Điểm a có nói giữ gìn truyền thống: a- Truyền thống, phong tục, tập quán của dân tộc, ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật của lao động" thì phần này tôi đề nghị nên sửa lại là: a "giữ gìn truyền thống, bản sắc văn hóa của dân tộc Việt Nam". Đó là phần cụ thể trong nội dung giáo dục định hướng. Và về ý thức chấp hành pháp luật, kỷ luật lao động thì phần này đã có trong hợp đồng lao động thì cũng nên đưa vào ở đây.

Các văn bản liên quan