Trích ý kiến của ĐBQH Dương Kim Anh – Tỉnh Trà Vinh

Thứ Ba 09:07 31-10-2006
Kính thưa Quốc hội!

Về cơ bản tôi thống nhất với giải trình, tiếp thu, chỉnh lý của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Tôi xin có thêm một số ý kiến còn băn khoăn như sau:

Ở Điều 7, quy định về các hành vi bị nghiêm cấm. Ở Khoản 12 có nói đến hành vi bị nghiêm cấm khác theo quy định của pháp luật. Tôi đề nghị nên bỏ Khoản này vì ở trong Luật nếu chúng ta có cấm điều gì thì chúng ta đưa thẳng vào Luật, còn nếu quy định như Khoản này thì tôi thấy quá rộng và không biết các hành vi khác là các hành vi nào và theo quy định của pháp luật nào? Cho nên, tôi đề nghị bỏ khoản này.

Ở Điều 9, quy định về điều kiện cấp giấy phép ở Khoản 4, quy định phải có tiền ký quỹ theo quy định của Chính phủ, tôi đề nghị nên quy định rõ tiền ký quỹ tối thiểu là bao nhiêu, tuỳ theo từng doanh nghiệp mà quy định tiền ký quỹ này, không nên quy định chung chung như thế được vì nó không rõ ràng.

Điều 21, quy định tiền dịch vụ mà người lao động phải trả doanh nghiệp, tôi thấy Ban soạn thảo có chỉnh sửa Khoản 1, nhưng tôi vẫn còn băn khoăn, tôi đề nghị là phải cụ thể, tiền dịch vụ bao gồm khoản gì để cho người lao động người ta yên tâm, biết là người ta cần phải đóng góp những khoản dịch vụ gì. Còn khoản nào luật không quy định thì doanh nghiệp không được quyền thu, vì theo luật này, người lao động đi làm việc tại nước ngoài phải đóng nhiều loại tiền, như tiền môi giới, tiền dịch vụ, tiền ký quỹ, đóng góp quỹ hỗ trợ việc làm ngoài nước. Do đó, luật phải quy định rõ các khoản đóng góp này.

Điều 42, quy định điều kiện đi làm việc ở nước ngoài, trong các điều kiện doanh nghiệp ở điều này thì tôi thấy rằng không có gì sai, nhưng tôi vẫn băn khoăn ở Khoản 3, quy định người lao động đi làm việc nước ngoài là phải có ý thức chấp hành pháp luật, có tư cách đạo đức tốt. Tôi thấy quy định như vậy rất khó xác định người đó có ý thức hay không có ý thức. Về tư cách đạo đức cũng vậy, như thế nào là có tư cách đạo đức và như thế nào là không có tư cách đạo đức.

Theo tôi thì tôi thấy rằng có thể quy định là không vi phạm pháp luật được hay không? Vì ở Điểm b, Khoản 2, Điều 43 có quy định là Uỷ ban nhân dân xã, phường, thị trấn nơi người lao động cư trú, hoặc công tác xác nhận Khoản 1 và Khoản 3, Điều 42 luật này, tôi nghĩ rằng Uỷ ban nhân dân xã cũng chỉ là xác nhận nội dung lý lịch khai có đúợng thật hay không, đương sự có chấp hành tốt quy định của địa phương không thôi, chứ còn xác định có ý thức chấp hành pháp luật tốt hay là có tư cách đạo đức tốt hay không thì rất khó xác định. Nên ở Khoản 3, Điều 42, tôi đề nghị Ban Soạn thảo cân nhắc và xem xét quy định như thế nào cho nó hợp lý.

Ở Điều 65, về giáo dục định hướng, ở Khoản d, Điểm 2 quy định về giáo dục, phong tục, tập quán, văn hoá của nước tiếp nhận lao động, tôi đề nghị thêm cụm từ là "ứng xử ngôn ngữ" sau cụm từ "văn hoá". Bởi vì thực tế vừa qua người lao động Việt Nam ra nước ngoài vẫn còn một số ít kém hiểu biết về phong tục, tập quán của nước sở lại. Đồng thời văn hoá ứng xử cũng chưa tốt đẹp lắm, nên nó ảnh hưởng đến hình ảnh người Việt Nam ở nước ngoài. Do đó, trong nội dung giáo dục định hướng cũng nên hết sức quan tâm đến việc đào tạo, bồi dưỡng giáo dục về văn hoá, ứng xử, ngôn ngữ của nước sở tại cho người lao động.

Ở Khoản 2, Điều 18 quy định là sau 7 ngày làm việc, kể từ ngày nộp đủ hồ sơ hợp lệ, theo quy định tại Điều 19 luật này, nếu Bộ Lao động Thương binh và Xã hội không có ý kiến bằng văn bản thì hợp đồng cung ứng lao động coi như đã được chấp thuận. Khoản 2, Điều 36 cũng tương tự như vậy. Tôi nghĩ đã là cơ quan quản lý Nhà nước thì nếu đồng ý hay không đồng ý thì cũng phải trả lời bằng văn bản cho doanh nghiệp biết và luật thì cũng phải là quy định rõ ràng. Vì nếu không xảy ra tranh chấp thì thôi, còn nếu có xảy ra tranh chấp thì lấy chứng cứ ở đâu để nói rằng Bộ đã cho phép, hay là chưa cho phép. Do đó ở Khoản 2, Điều 18 và Khoản 2, Điều 36 đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định như thế nào cho hợp lý, tránh những cái phức tạp sau này. Một điều cuối cùng mà tôi cũng xin có ý kiến với Ban soạn thảo là trong Luật đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài, đối với lao động nữ đi làm việc ở nước ngoài có ưu tiên gì không? Luật này có cần quy định hay không? Vì đi làm việc ở nước ngoài đối với lao động nam cũng gặp rất nhiều khó khăn rồi, còn lao động nữ thì còn nhiều khó khăn nữa. Đề nghị Ban soạn thảo xem xét, quy định, không thể nói rằng nam, nữ lao động đi làm việc ở nước ngoài đều có nghĩa vụ, quyền lợi như nhau, như thế mới là bình đẳng thì không thể được.

Các văn bản liên quan