Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Thị Mai Hoa – Tỉnh Nghệ An

Thứ Ba 08:59 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

So với Dự thảo luật trình tại kỳ họp thứ 9 dự thảo luật lần này đã thể hiện được quá trình làm việc khẩn trương, nghiêm túc của cơ quan soạn thảo trên cơ sở tiếp thu ý kiến của đại biểu Quốc hội.

Về cơ bản, tôi nhất trí với Dự thảo luật cũng như là Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Tuy nhiên, qua quá trình nghiên cứu, tôi xin được đóng góp ý kiến bổ sung vào dự án luật này trên ba vấn đề sau:

Vấn đề thứ nhất, đó là về số lượng chi nhánh doanh nghiệp hoạt động dịch vụ đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, thể hiện ở Khoản 1, Điều 16. Khoản 1, Điều 16 quy định doanh nghiệp chỉ được giao nhiệm vụ khi thực hiện hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài cho không quá 3 chi nhánh. Việc hạn chế số lượng chi nhánh này như đã được giải trình trong Báo cáo của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội. Đó là do xuất phát từ tình hình thực tế, việc doanh nghiệp giao cho nhiều chi nhánh tham gia hoạt động thường quản lý không chặt chẽ, thậm chí khoán trắng việc thực hiện hợp đồng cung ứng lao động cho chi nhánh hoặc bán chỉ tiêu cung ứng lao động. Do đó đã dẫn đến tình trạng các chi nhánh hoạt động vượt khỏi tầm kiểm soát của doanh nghiệp. Chẳng hạn thu tiền trái quy định, chiếm dụng vốn của người lao động v.v... và cũng đã xảy ra khá nhiều tranh chấp giữa chi nhánh với người lao động.
Tuy nhiên, theo chúng tôi lập luận trên có thể nói vẫn chưa ổn. Chúng tôi tán thành việc quy định các chi nhánh được phép thực hiện một số nội dung trong hoạt động dịch vụ xuất khẩu lao động, đồng thời kèm theo đó là quy định những hoạt động dịch mà chi nhánh không được phép làm. Tuy nhiên, không nên khống chế số lượng chi nhánh của một doanh nghiệp xuất khẩu lao động vì những lý do sau đây:

Lý do thứ nhất, việc không chế số lượng chi nhánh nhằm giải quyết vấn đề hạn chế những tiêu cực đã và đang xảy ra trong lĩnh vực xuất khẩu lao động thời gian vừa qua và không thể coi đây là biện pháp tích cực, bởi lẽ quy định như thế sẽ hạn chế phạm vi hoạt động của các doanh nghiệp xuất khẩu lao động và do đó cũng không phù hợp với quyền tự chủ của doanh nghiệp như đã được quy định trong Luật Doanh nghiệp. Mặt khác, nguyên nhân dẫn đến những tiêu cực trong lĩnh vực xuất khẩu lao động trong những năm qua không hoàn toàn chỉ do doanh nghiệp có nhiều hay ít các chi nhánh, theo chúng tôi nghĩ nguyên nhân là do trong thời gian qua chúng ta chưa có hành lang pháp lý chính thức để điều chỉnh lĩnh vực hoạt động này. Đồng thời, khâu quản lý Nhà nước có thể nói là vẫn còn lỏng lẻo. Nếu chúng ta đặt ra vấn đề không quản lý được thì cấm và rõ ràng theo cách này sẽ xảy ra vấn đề là duy ý chí của những người làm luật.

Lý do thứ hai là hiện nay lực lượng lao động dôi dư ở Việt Nam rất lớn, nhất là ở khu vực nông thôn. Yêu cầu Nhà nước đặt ra là phải có khoảng 1 triệu lao động đi làm việc ở nước ngoài, nhưng cho đến nay thì cũng mới chỉ có khoảng 400.000 lao động làm việc ở trên khoảng 40 quốc gia và lãnh thổ. Từ năm 2001-2005, bình quân mỗi năm chỉ đưa được 58.000 lao động đi xuất khẩu. Rõ ràng, theo tiến độ như thế để đạt được 1 triệu lao động ở nước ngoài thì chúng ta sẽ phải mất rất nhiều thời gian. Cả nước chỉ có 141 doanh nghiệp hiện đang làm việc đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó, theo đánh giá của Bộ Lao động thương binh xã hội chỉ có 18 doanh nghiệp hoạt động có tính chuyên nghiệp.

Để đáp ứng yêu cầu tăng nhanh số lao động được xuất khẩu ra ngoài, cần tạo điều kiện mở rộng hoạt động cho các doanh nghiệp xuất khẩu lao động, tăng chi nhánh là một trong những giải pháp quan trọng.

Chúng tôi đề nghị Ban soạn thảo không nên khống chế chi nhánh do doanh nghiệp quản lý, hoặc nếu quy định cũng phải tăng số lượng, tức là chúng ta muốn có lộ trình để quản lý tốt thì chúng ta có thể khống chế số lượng, nhưng không nên chỉ hạn chế ở 3 chi nhánh. Đồng thời, thay thế bằng các quy định chặt chẽ khác nhằm đề cao tính chịu trách nhiệm của doanh nghiệp đối với hoạt động của chi nhánh. Bên cạnh những quy định về điều kiện thành lập và hoạt động của chi nhánh như đã thể hiện trong Dự thảo Luật. Quy định chặt chẽ để tăng cường quản lý Nhà nước và đề ra các chế tài để ngăn chặn sai phạm, theo chúng tôi đó là vấn đề cần được giải quyết ở Dự án Luật này.

Vấn đề thứ hai, chúng tôi xin đóng góp ý kiến, đó là tiêu chuẩn của người lãnh đạo, điều hành hoạt động đưa người đi làm việc ở nước ngoài. Khoản 3, Điều 9 đã quy định một số những tiêu chuẩn của người lãnh đạo điều hành hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài, trong đó có tiêu chuẩn là có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực xuất khẩu lao động hoặc hoạt động trong lĩnh vực hợp tác và quan hệ quốc tế.

Tiêu chuẩn 3 năm kinh nghiệm chỉ là định tính, bởi vì không có một tiêu chí cụ thể để xác định như thế nào được gọi là kinh nghiệm ở đây. Quy định như thế chưa hẳn đã tạo được căn cứ để chọn người lãnh đạo điều hành giỏi, mà đôi khi trong thực tế sẽ tạo điều kiện để nảy sinh ra những tiêu cực xung quanh tiêu chuẩn 3 năm kinh nghiệm ấy. Chúng tôi đề nghị thay từ "kinh nghiệm" bằng từ "hoạt động" tức là có ít nhất 3 năm hoạt động trong lĩnh vực đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài v.v...

Ý kiến thứ ba, vấn đề chính sách đối với người lao động khi về nước thể hiện ở Mục 5. Tại Mục 5: Hai điều, Điều 59, Điều 60 đã có những quy định cụ thể về hỗ trợ việc làm và khuyến khích tạo việc làm cho người lao động sau khi về nước. Chúng tôi nhận thức rằng để thực hiện theo cơ chế thị trường chúng ta sẽ phải đổi mới một cách căn bản phương thức đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài sang phương thức hoạt động dịch vụ. Tuy nhiên hoạt động dịch vụ này lại liên quan tới một loại hàng hoá đặc biệt đó là hàng hoá sức lao động. Do đó tính chất xã hội chúng ta không thể không quan tâm, bởi vì nó liên quan đến con người. Điều đó cũng có nghĩa là phải quan tâm tới quyền, trách nhiệm và lợi ích của các bên tham gia, bao gồm là người lao động, doanh nghiệp, cung ứng dịch vụ và Nhà nước. Trong đó đặc biệt chúng ta phải ưu tiên bảo vệ quyền, lợi ích của người lao động sau khi trở về nước và một trong những quyền ấy là quyền được tiếp tục làm việc trong nước, tạo việc làm cho đối tượng này sẽ có nhiều cái lợi.

Lợi thứ nhất, về phía người lao động cơ hội tiếp tục làm việc sử dụng đồng vốn cũng như kinh nghiệm, kỹ năng lao động tích luỹ trong thời gian làm việc ở nước ngoài, để làm giàu cho gia đình và bản thân cũng chính là làm giàu cho xã hội. Đây chính là hướng cơ bản để khắc phục những tiêu cực hiện đang nảy sinh từ phía người lao động đi làm việc ở nước ngoài, chẳng hạn như chống vi phạm hợp đồng, chống bỏ trốn v.v... Chính quyền lợi sau khi trở về nước khiến cho người lao động phải tự ràng buộc trách nhiệm của mình.

Lợi thứ hai, về phía Nhà nước sẽ khai thác được một nguồn lao động đã có đào tạo, có kỹ năng lao động, mở rộng sản xuất kinh doanh, giải quyết việc làm cho lao động dôi dư trong nước. Những quy định như trong dự thảo luật sẽ gỡ được nhiều băn khoăn cho người lao động ở nước ngoài khi họ trở về, đồng thời góp phần giải quyết nhiều vấn đề xã hội khác. Tuy nhiên chúng tôi vẫn còn băn khoăn nhỏ trong chính sách đối với người lao động sau khi trở về nước như trong dự thảo luật.

Quy định ở Điều 59 là hỗ trợ việc làm, thực chất là hỗ trợ cơ hội tìm kiếm việc làm thông qua tư vấn, hướng dẫn, giới thiệu, nhu cầu tuyển dụng, cũng như khuyến khích các doanh nghiệp tiếp tục tuyển dụng người lao động khi họ về nước.

Việc tư vấn, chắc chắn cơ quan lao động thương binh xã hội sẽ làm tốt, nhưng còn việc khuyến khích các doanh nghiệp tiếp nhận và tuyển dụng e sẽ khó. Vì quy định này không gắn với một chế tài nào để bảo đảm tính hiệu lực.

Mặt khác, thực tế cho thấy việc tuyển dụng lao động của các doanh nghiệp phải căn cứ vào các nhu cầu, điều kiện cụ thể và họ đặt mục tiêu lợi nhuận làm trọng chứ không phải là mục tiêu thực hiện chính sách xã hội lên trên hết. Trong khi đó, phần lớn đi làm việc ở nước ngoài trở về nước thì lực lượng lao động này thường là công nhân kỹ thuật làm việc ở những nhà máy lớn, những dây truyền sản xuất tự động, hoặc là lao động giúp việc gia đình không có đào tạo cơ bản. Những đối tượng này rõ ràng khi về Việt Nam cơ hội tìm việc làm trong nước của họ sẽ rất khó khăn. Chúng tôi đề nghị, trong chính sách hỗ trợ việc làm cần bổ sung chính sách tạo điều kiện cho người lao động ở nước ngoài trở về nước được tham gia đào tạo, hoặc đào tạo lại tại các Trung tâm dạy nghề, các trường dạy nghề, để họ có cơ hội tìm việc làm trong nước và cũng là giải quyết những vấn đề mà chúng ta đang rất quan tâm về lực lượng lao động trong nước. Chúng tôi nghĩ nội dung này nên thiết kế vào Khoản 3, Điều 59.

Các văn bản liên quan