Trích ý kiến của ĐBQH Đỗ Trọng Ngoạn – Tỉnh Bắc Giang

Thứ Ba 08:57 31-10-2006

Kính thưa Quốc hội!

Kính thưa các vị khách quý!

Tôi đã nghiên cứu Luật này vài lần rồi. Tôi thấy so với trước thì việc sửa lần này khá chi tiết, khá cụ thể, đặc biệt là đi rất sâu về các doanh nghiệp, các trung tâm để tổ chức đưa người lao động đi làm viêc nước ngoài, mà chủ yếu ở đây đưa bà con nông dân, những người không có việc làm và khá chi tiết, cụ thể đi vào việc giấy tờ, đi vào các chi phí, lệ phí khá sâu và ra những điều cấm khá chi tiết. Đó là điều tôi thấ y có nhiều điểm cụ thể như vậy.

Theo tôi luật này có một hạn chế của nó, nên mở rộng hơn nữa, thoáng hơn nữa, vì việc người Việt Nam hay người nước ngoài làm việc lẫn nhau trong nước của mình đã diễn ra từ lâu rồi, chứ không phải bây giờ mới bắt đầu. Quan hệ quốc tế trên các lĩnh vực với nhau thường gắn liền với quan hệ về nhân lực, nhân tài, chứ họ không gắn liền về kinh tế riêng đâu, kèm theo cái đó là có nhân lực, nhân tài rồi, ngày càng mở rộng phong phú và đa dạng.

Nước ta hoà nhập quốc tế ngày càng rộng và trong đó nước ta đã và cũng sẽ hoà nhập cả về con người và về nhân lực, nhân tài, gắn liền với hoà nhập về kinh tế, văn hoá, xã hội, các lĩnh vực khác. Việc này đã diễn ra và sẽ diễn ra nhiều hơn nữa và nếu ta gia nhập WTO, vấn đề hoà nhập quốc tế ngày càng rộng hơn, sự cạnh tranh về kinh tế gắn liền với cạnh tranh về nhân lực, nhân tài sẽ diễn ra rộng rãi và có phần quyết liệt, tôi có dự đoán như vậy và tôi nghe các nước thế nào thì ta cũng như vậy, Trung Quốc cũng đã diễn ra như vậy, diễn ra trong phạm vi rộng lớn. Cho nên, các loại chất xám của ta ra đi là có vấn đề như vậy, nó có những cái mà nước ngoài người ta câu chất xám của mình, cũng như rồi đây chúng ta sẽ tìm cách để thu hút chất xám nước ngoài vào nước ta, cái đó là đương nhiên, tự nhiên, quyền lao động của con người và cũng là việc không thể tách rời, gắn liền với kinh tế xã hội được.

Vì vậy, bằng cả hợp đồng về tổ chức, bằng cả hợp đồng về cá nhân, luật này có cái thoáng là các đồng chí có đặt ra vấn đề cá nhân.

Mặt khác, với các nước tham gia sẽ xuất hiện rất nhiều các cơ sở về trường học, bệnh viện, ngân hàng, hàng không, bưu chính viễn thông. Như chúng ta thực hiện Hiệp định Việt Nam với Mỹ và Việt Nam với Unessco thì người ta sẽ lập rất nhiều cơ sở đó tại chúng ta, cũng như ta sẽ đầu tư một số cơ sở của ta ra nước ngoài.

Cho nên, việc chúng ta làm việc với nước ngoài không hẳn phải ra đi, không hẳn ở nước ngoài, họ làm việc với nước ngoài ngay tại trong nước mình, chứ không phải chúng ta dùng từ "ra đi" cũng như ở nước ngoài bằng cách thuần túy, bằng cách một chiều như vậy, có phần chúng ta làm việc với người nước ngoài ngay tại nước mình.

Theo tôi, luật này phải mở rộng phạm vi đó ra, do đó về tên luật tôi đồng ý bỏ chữ "đưa" người lao động, bây giờ cũng khôn lớn rồi, nhiều người không cần ai đưa dắt nữa, người ta tự động được rồi, nên bỏ chữ "đưa" là đúng rồi.

Đồng thời, tôi thấy cũng không cần nói chữ "ở nước ngoài" nữa, mà cần nói luật này là luật gì, Luật Người Việt Nam làm việc với nước ngoài, chữ "với" bao gồm cả nước ngoài, ngay tại nước mình, người ta làm ở ngân hàng, cơ sở y tế, cơ sở trường học, của nước Mỹ, của Hàn Quốc, của Nhật Bản, của EU ngay tại Hà Nội, ngay tại các tỉnh khác, ở nước ngoài còn gì nữa, nước ngoài đóng tại Việt Nam. Cho nên, làm việc với nước ngoài ngay tại nước mình, nên dùng tên chuẩn hơn, theo tôi hiểu là "Luật Người Việt Nam làm việc với nước ngoài", chứ không phải "ở nước ngoài", ở nước ngoài chỉ là một phần nào thôi, cũng có phần ở trong nước, như vậy nó chuẩn hơn. Cho nên không cần nói chữ "đưa" nữa, có thể bỏ cũng được. Đấy là điểm tôi đề nghị như vậy, còn hình thức thì tôi đề nghị với hình thức sau:

Một là cần tổ chức các trung tâm giống như dự thảo, các doanh nghiệp có tính chất kinh doanh để thu hút những người không có khả năng tự động, người ta cần đưa dắt, đặc biệt là bà con nông dân đi nước ngoài. Các tổ chức này xúc tiến tìm thị trường, khảo sát, nắm yêu cầu của các nước có tổ chức dạy nghề, dạy tiếng v.v... ai đi thì tự nguyện ra đi phải đóng góp theo giá hợp đồng, theo thỏa thuận hợp đồng, theo tôi phải khoán như thế. Cho nên các tổ chức cạnh tranh với nhau, anh nào đấu thầu, anh nào rẻ, anh nào tốt thì ta đi, anh nào quá đắt thì thôi.

Hôm đi Đài Loan gặp bà con, bà con bảo: "May cháu là trụ được, chứ cháu không trụ được là cháu thất nghiệp rồi. Cháu phải đóng 80 triệu, có người đóng 100 triệu, may cháu trụ được chứ cháu về phải bán nhà, bán cửa cũng không đủ" Tôi đề nghị Bộ Lao động hay Bộ nào đó có trách nhiệm, tuy là đồng thuận rồi nhưng cũng phải có trách nhiệm can thiệp để bảo vệ quyền lợi chính đáng cho bà con, không nên để các trung tâm bắt nạt bà con.

Tiếp nữa, không nên hạn chế chi nhánh làm gì cả, chi nhánh là quyền của người ta làm, chi nhánh nhiều mà ế thì người ta lỗ vốn, người ta phải dẹp lại, ít thì người ta mở ra, không nhất thiết cứ phải hạn chế 2 chi nhánh, 3 chi nhánh. Đó là điều không cần thiết, vì đó là thị trường, thị trường quán triệt cả trong việc này nữa chứ không phải thị trường ở hàng hóa không đâu, thị trường cả hoạt động này nữa. Cho nên tôi đề nghị không phải hạn chế chi nhánh vì họ lo họ, người đó tuỳ ở họ, họ biết bao nhiêu chi nhánh là vừa.

Hai là các doanh nghiệp nước ngoài có quan hệ với nước ta, họ cũng được tổ chức tuyển lựa người Việt Nam đến làm việc ở nước họ, ai ra đi phải đúng quy chế xuất nhập cảnh, tức là họ có yêu cầu như vậy, thì ta cũng sẵn sàng cho họ làm. Các cơ sở kinh tế, trường học, bệnh viện của nước ngoài đóng tại Việt Nam cũng để cho họ được tuyển người Việt Nam làm việc tại trong nước của mình. Đấy là vấn đề tôi đề nghị như vậy.

Cho nên các cá nhân, kể cả cán bộ công chức, không hạn chế viên chức, kể cả cán bộ khoa học, kỹ thuật, người có tài của chúng ta được đào tạo thì những người đó có khả năng, có điều kiện, có khi ta chủ động đưa người đó vào làm việc với các cơ sở của nước ngoài tại Việt Nam, chứ không phải là tự phát. Nhưng họ có yêu cầu ra đi làm việc với nước ngoài, cũng để cho họ ra đi, đúng luật pháp đã quy định, dựa theo quy chế. Quy chế của dự thảo có nói ai ra đi thì phải báo cho tổ chức cơ sở thương binh xã hội ở địa phương đó, tuy rằng có hạn là 3 ngày hay 10 ngày phải trả lời, nhưng theo tôi có địa phương hàng trăm người, vài ba trăm người đi thì bao giờ giải quyết được. Nên theo tôi không cần, phải có quy chế chung để cứ thế mà làm thôi, chứ mỗi lần ta đi lại phải đến báo cáo, rồi phải xin giấy con nữa thì rất lâu cho bà con, sau lại huỷ đi và nó có những quy chế chặt chẽ, quy chế cứ thế đi thôi, ai quy chế sai là bị xử lý, không đến thì lại báo nữa. Mặc dù quy định 3,4 ngày trả lời, nhưng tôi thấy có huyện hàng trăm người đi thì làm sao Sở kế hoạch, ban xã hội ở huyện mới giải quyết nhanh được, sẽ chậm, sẽ cản trở anh em, bà con. Cho nên theo tôi phải lưu ý vấn đề này. Đối với người nước ngoài nó khác, đến làm việc ở nước ta cũng vậy, cũng cần thu hút. Điểm thứ hai, tôi đề nghị Nhà nước cần cung cấp thông tin rộng rãi trên các phương tiện thông tin đại chúng, những nhu cầu, các thông tin ở các nước để giúp cho các cá nhân, kể cả cán bộ khoa học, kỹ thuật, các chuyên gia giỏi ở nước ta tìm cách kiếm thị trường ra đi. Bằng cách chủ động hoặc ta có ý tổ chức để tranh thủ tiếp cận những cái đó, để mang lại cho nước mình khoa học công nghệ tiên tiến. Tôi nghĩ một số nước bạn người ta làm thế, chủ động, cho nên người ta tranh thủ được cái này. Có thông tin, rồi có chính sách, có biện pháp thu hút người Việt Nam sống ở nước ngoài có tài năng, có vốn, hướng về Tổ quốc, nhất là các lĩnh vực trọng yếu mà nước ta đang thiếu. Vấn đề này chúng ta đã có Chỉ thị của Bộ Chính trị rồi nhưng tôi nghe được các thông tin thì việc này hạn chế lắm. Các địa phương cũng vậy, cần đề ra các yêu cầu để thu hút những người khác, người nước ngoài, kể cả người Việt Nam ở nước ngoài, để chúng ta tham gia với công việc của địa phương mình. Tôi đề nghị luật này nên mở rộng như thế.

Các văn bản liên quan