Trích ý kiến của ĐBQH Ngô Anh Dũng – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Thứ Năm 09:36 17-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Tôi xin có 5 ý trao đổi thêm với các vị đại biểu.
Thứ nhất, về tên gọi. Tên gọi, ta đưa ra nhiều phương án, nhưng thực chất bản chất của nó là xuất khẩu lao động. Mình muốn ngại từ này thì nên tìm một cái tên thế nào đó thể hiện đúng bản chất xuất khẩu lao động chứ không phải đưa đón các thứ đều không đủ. Chị Mai có nói một ý là đưa người lao động Việt Nam đi làm việc ở nước ngoài theo hợp đồng, cũng là một ý. Tôi xin đề xuất là Luật về lao động Việt Nam ở nước ngoài, nó bao gồm cả đưa đón, cả hợp đồng, cả quản lý, như vậy có được không? Tôi có suy nghĩ như vậy đề nghị các đồng chí xem xét thêm, còn bản chất thực sự vẫn là xuất khẩu lao động, đó là về tên gọi.
Thứ hai là đối tượng áp dụng, trong Điều 2 đưa 4 khoản, tôi nghĩ là rất đầy đủ, riêng Khoản 4, tổ chức, cá nhân có liên quan đến hoạt động đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài. Nói chung là nó cũng rộng và cũng hơi khó xác định, bây giờ có một trường hợp không biết ta đưa vào đâu. Là doanh nghiệp sử dụng người lao động Việt Nam ở nước ngoài, ví dụ Malaixia người ta lại đưa lao động Việt Nam ra một nước ngoài nữa, như đưa sang Mỹ thì điều chỉnh bằng điều, khoản nào. Vì rất nhiều trường hợp ông chủ đó đóng ở Malaixia, khi sang đấy rồi nhưng ông thấy cần phải điều công nhân đi một nơi khác nữa. Tất nhiên sẽ được điều chỉnh bằng luật của nước sở tại, nhưng luật của Việt Nam điều chỉnh như thế nào cho phù hợp, trong trường hợp này mình chưa đề cập đến trong luật này. Tôi đề nghị cũng nên suy nghĩ thêm để có áp dụng trong trường hợp người lao động Việt Nam được điều sang một nước thứ ba, trung chuyển qua một nước thứ hai. Khi đã làm việc một thời gian, người ta thấy trình độ cao hay đáp ứng được nhu cầu công việc ở mức độ khác hơn thì người ta điều chuyển đi, vì vậy nên điều chỉnh ở điều khoản nào. Có nên đưa vào Điều 2 đối tượng áp dụng hay một điều nào đó.
Thứ ba là điều kiện cấp giấy phép, Điều 9 nói là doanh nghiệp quy định tại Điều 8 luật này có đủ các điều kiện sau đây thì được cấp giấy phép. Trong đó Khoản 3 nêu rõ là người lãnh đạo điều hành hoạt động được đưa người lao động đi làm việc ở nước ngoài của doanh nghiệp phải có trình độ đại học trở lên có ít nhất 3 năm kinh nghiệm trong lĩnh vực người đi lao động làm việc ở nước ngoài". Thưa các đồng chí, có nhất thiết phải đại học không, có trường hợp doanh nghiệp người ta không tốt nghiệp đại học, người ta học cao đẳng, thậm chí trung cấp, nhưng có rất nhiều tài năng đủ điều kiện để lãnh đạo một doanh nghiệp , ông Bingast làm doanh nghiệp khi ông chưa tốt nghiệp đại học, ông học bỏ dở thôi, tại sao phải tốt nghiệp đại học mà chưa nói chất lượng bằng đại học như thế nào, thậm chí bằng tiến sỹ còn đặt câu hỏi. Tôi nghĩ nên có một linh hoạt như thế nào đó vì doanh nghiệp người ta có thiên bẩm, không nhất thiết phải có bằng cấp ở đây. Tôi đề nghị xem xét lại điều này, có nên bắt buộc phải có bằng đại học, đó là điều kiện chỗ giấy phép.
Thứ tư, trách nhiệm cơ quan ngoại giao ở nước ngoài Điều 71.
Thưa các đồng chí, kể cả anh Cuông và một số anh đã nói về điều này, tôi thấy giao trách nhiệm cho cơ quan đại diện ngoại giao và lãnh sự nước ngoài quá nhiều việc không đúng chức năng, giao cho các doanh nghiệp hướng dẫn doanh nghiệp tiếp cận thị trường ký kết hợp đồng, hướng dẫn kiểm tra đại diện các doanh nghiệp Việt Nam ở nước ngoài tại sao họ làm được, họ làm chủ yếu là công tác ngoại giao nghiên cứu và đồng thời có trách nhiệm lãnh sự như Phó Chủ tịch đã nói, đồng thời thể hiện trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài theo đúng Hiến pháp và pháp luật quy định. Cho nên tôi đề nghị điều này phải sửa lại.
Tôi nghĩ khi soạn thảo các đồng chí nhầm lẫn một số yếu tố là gì? Một số đại diện của Bộ Lao động thương binh và xã hội đi giao ra quản lý số lao động ở nước ngoài được chức danh, là Bí thư thứ nhất hoặc Bí thư thứ hai để tiện làm việc với cơ quan ngoại giao. Cho nên từ đó giao cho cơ quan đại diện ngoại giao làm động tác của người lao động, như thế không đúng, làm việc đó không thể làm được và không thực tế, không nước nào làm như thế cả, đề nghị xem xét lại vấn đề này. Họ nghiên cứu tìm hiểu thị trường thì đúng, giao trách nhiệm có một cái cung cấp thông tin theo yêu cầu của họ và giúp cho việc quản lý thế nào cho phù hợp, quản lý đó thuộc Bộ Lao động thương binh và xã hội và bộ chủ quản hoặc doanh nghiệp. Tôi thấy Điều 71 ghi như thế này không phù hợp, không có tính khả thi và xung quanh trách nhiệm của cơ quan đại diện ngoại giao ở nước ngoài. Nên nhấn mạnh về trách nhiệm lãnh sự và trách nhiệm bảo hộ công dân Việt Nam ở nước ngoài.
Thứ năm, đây là vấn đề chưa nêu trong luật, tôi nghĩ phải suy nghĩ, hình như có quỹ bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài. Thưa các đồng chí là thực chất có một loạt các trường hợp lao động Việt Nam mình vi phạm bị kỷ luật phải đưa về ngay hoặc bị chết hoặc bị thương, cơ quan ngoại giao Việt Nam phải làm việc đó mà không có tiền, phải ứng tiền ra, sau đòi mãi cũng được. Vậy có nên quỹ bảo hộ người lao động Việt Nam ở nước ngoài, quỹ đó lấy từ nguồn thu của các doanh nghiệp thu được qua các phí, các nguồn bảo lãnh v.v... có nên không? Và cấp cho cơ quan đại diện ngoại giao một khoản hàng năm và cho họ một khoản dự phòng, sau đó được thanh toán trở lại cho các doanh nghiệp, điều này rất cần thiết vì hiện nay sỹ quan rất bức xúc, họ phải tự xuất tiền ra và đưa người lao động của mình về theo yêu cầu của công tác đối ngoại. Điều này tôi đề nghị phải có một khoản để điều chỉnh việc này và đây là điều hết sức cần thiết, thực chất ta gặp rất nhiều trường hợp như vậy, cho nên đề nghị phải có một quỹ bảo hộ người lao động ở nước ngoài. Qua việc phân bổ ngân sách thu được từ nguồn đóng góp của người lao động cho các doanh nghiệp và các cơ quan chủ quản.
Vấn đề cuối cùng là hình ảnh và uy tín của Việt Nam ở nước ngoài sau khi đưa lao động Việt Nam ra nước ngoài, ta có bài học đưa người lao động đi Liên Xô, Đông Âu một loạt lao động sau đó tôi nói không quá một phần nào đấy bị bôi nhọ, vì người lao động của mình không được giáo dục, không được đào tạo đến nơi đến chốn, văn hóa ứng xử, ngôn ngữ, kỹ thuật .v.v... đi đến đâu là mang tiếng xấu đến đó. Tất nhiên không phải đại bộ phận mà có một bộ phận nhỏ gây tiếng xấu. Từ sân bay đến cửa khẩu người ta nhìn người lao động Việt Nam và người Việt Nam với con mắt khác. Cho nên tôi đề nghị hết sức quan tâm đến việc đào tạo, tập huấn trước khi cử người lao động Việt Nam sang lao động ở nước ngoài. Tôi đã từng qua Malaysia và thấy người lao động Việt Nam đi dép thái lan mặc quần áo sộc sệch, chạy khắp nơi kêu la không đâu vào đâu cả, vì không có người hướng dẫn, không biết lễ nghĩa văn hóa ứng xử. Sang uống rượu, đánh nhau vi phạm quan hệ nam nữ về đất nước đạo hồi tạo hình ảnh rất xấu về con người Việt Nam. Người ta đâu có nghĩ đó là người lao động mà người ta nghĩ đó là người Việt Nam. Với tinh thần ta cố gắng đưa nhiều người lao động Việt Nam ra nước ngoài phải đi cùng với việc bảo vệ và nâng cao uy tín của người Việt Nam và đất nước Việt Nam ở nước ngoài, không thì rất gay go. Hình ảnh của ta ở một loạt nước sau khi có làn sóng lao động đi sang nước ngoài không được đào tạo, không được bồi dưỡng, không được giáo dục thì gay go lắm. Trung Quốc người ta đưa đi đào tạo người ta tổ chức như là quân đội, vi phạm quy định là đuổi về nước ngay, có điểm danh họ làm rất chặt để giữ uy tín, như mình đưa người lao động ra nước ngoài xong thả lỏng ở nước ngoài không biết. Tôi đề nghị hết sức quan tâm đến việc đào tạo bồi dưỡng giáo dục về văn hóa, ứng xử, ngôn ngữ và trách nhiệm đối với Tổ quốc và dân tộc như thế nào, chứ thời gian 2 -3 tuần tôi thấy ít quá. Nên có chuẩn mực, nếu anh qua được cái đó thì mới được xuất khẩu lao động sẽ tốt hơn.

Các văn bản liên quan