Góp ý của ĐBQH Phạm Đức Châu – Quảng Trị

Thứ Hai 15:40 05-11-2007
Kính thưa Chủ tọa phiên họp.

Kính thưa Quốc hội.

Xin được tham gia thẳng vào vấn đề cần tham gia.

Thứ nhất, tôi đồng ý ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân hay thuế có thu nhập cao trong thời điểm hiện nay để đến tháng 1-2009 có hiệu lực là đúng lúc và phù hợp với tình hình của đất nước của chúng ta.

Thứ hai, với ý nghĩa của luật như trình bày của các cơ quan soạn thảo và của Ủy ban Thường vụ Quốc hội, tôi tán thành rất cao, vì luật này không những không gây khó khăn gì, mà còn mang lại lợi ích qua việc điều tiết thu nhập cho đa số cư dân trong xã hội nước ta hiện nay: đó là những người có thu nhập thấp và đặc biệt là người nghèo, góp phần tích cực để giảm khoảng cách giàu nghèo.

Thứ ba, tôi tán đồng và rất tin tưởng ở cách tính toán và cách giải trình của các cơ quan soạn thảo cũng như ý kiến của Ủy ban Thường vụ Quốc hội. Nếu nhân dân chúng ta hiểu đầy đủ cách thức tính mức thu nhập chịu thuế, các khoản giảm trừ gia cảnh, để hầu hết người lao động có thu nhập trung bình không phải đóng thuế thu nhập cá nhân và cách tính thuế lũy tiến từng phần thì chắc chắn với mức quy định như trong dự thảo sẽ được đồng tình cao.

Với suy nghĩ đó, tôi nhất trí với xác định thu nhập tính thuế và các biểu thuế suất như trong dự thảo, trừ thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản thì tôi sẽ có ý kiến sau.

Thứ hai, tôi đề nghị trong xây dựng luật này cần phải đưa vào một điều luật, đó là đưa ra một nguyên tắc bình đẳng trong đóng thuế thu nhập cá nhân. Nguyên tắc đó thể hiện như sau: Mọi thu nhập cá nhân đều là thu nhập chịu thuế, mọi cá nhân có thu nhập tính thuế đều phải nộp thuế. Trừ những trường hợp thuộc diện được miễn thuế hoặc được giảm thuế theo quy định tại Điều 5, Điều 6 của luật này. Và những khoản được miễn thuế hoặc giảm thuế chủ yếu liên quan đến thu nhập thuộc về chính sách xã hội, viện trợ nhân đạo, từ thiện hoặc những trường hợp rủi ro thiên tai v.v...

Cũng với cách suy luận đó tôi đề nghị trực tiếp luôn chúng ta chỉ cần có Điều 3: Quy định thu nhập chịu thuế và Điều 5: Quy định miễn thuế, những trường hợp được miễn thuế. Điều 6: Những trường hợp được giảm thuế. Không cần phải có quy định ở Điều 4: Những thu nhập không tính thuế. Bởi theo quan điểm của tôi, mọi công dân đều có quyền làm bất cứ cái gì pháp luật không cấm và không phải làm bất cứ cái gì pháp luật không bắt làm. Như vậy các nhà làm luật phải quy định hết những trường hợp phải đóng thuế. Còn lại không thuộc diện đó thì không phải đóng thuế. Như vậy để tránh lỗ hổng ở chỗ có những hành vi có thể "không" ở Điều 4, mà "không" ở Điều 4 thì sau này sẽ rất phức tạp. Cho nên chúng ta phải dự liệu hết, quy định hết tất cả hành vi không cần phải quy định trong Điều 4. Cũng trên nguyên tắc bình đẳng đó, tôi đề nghị:

Một, về thu nhập chịu thuế phải tính đầy đủ hơn kể cả lương hưu và kể cả những khoản, như các đại biểu đã tham gia như về tiền nước ngoài gửi về v.v... Chỉ trừ các khoản trợ cấp, không trừ các khoản phụ cấp. Vì chắc chắn những đối tượng đã hưởng trợ cấp hoặc viện trợ nhân đạo v.v.. thì cũng không phải là đối tượng chúng ta hướng đến để bắt họ phải đóng thuế và họ cũng không đến mức phải đóng thuế.

Đề nghị thứ hai, về mức giảm trừ gia cảnh, tôi có một ý kiến đề xuất. Theo tôi, tính toán mức giảm trừ gia cảnh hiện nay ở Việt Nam chỉ có ý nghĩa để các nhà tính toán trong quá trình xây dựng luật. Từ cách tính toán đó các nhà xây dựng luật đưa ra được một mức khởi điểm thu nhập tính thuế một cách hợp lý nhất, phù hợp nhất ở Việt Nam nước ta hiện nay. Chỉ có sử dụng trong tính toán đưa ra được đó, cho nên không quy định vào luật, có nghĩa là theo cách tính hiện nay nếu chúng ta đưa vào luật thì sẽ nảy sinh tình trạng như sau, có cùng việc làm, cùng đóng góp, cùng thu nhập, ngoài giảm trừ cho bản thân như nhau, ai nuôi nhiều người thì được giảm nhiều, đóng thuế ít, người nuôi ít người thì giảm trừ ít, phải đóng thuế nhiều là bất bình đẳng về thu nhập. Vì có người chưa nuôi ai nhưng phải có tích luỹ để lập gia đình, để mua nhà, để làm nhà v.v.... như vậy là để bình đẳng về thu nhập họ cũng rất cần những khoản như vậy, không lý gì họ lại phải đóng thuế cao hơn. Vì vậy thu nhập tính thuế khởi điểm theo tôi nên tính ở một mức như nhau, bình đẳng cho mọi người sau khi đã tính toán mức bình quân trong xã hội.

Ví dụ, cách tính hiện nay của chúng ta một người nuôi khoảng 2 người, bản thân 4 triệu trừ 2 người 3,2 triệu, như vậy giảm trừ được khoảng 7-8 triệu. Ta nên tính cố định mức tính thuế khởi điểm, thu nhập chịu thuế khởi điểm từ 7-8 triệu trong vòng đó chẳng hạn. Như vậy những thu nhập vượt quá số đó bắt đầu tính vào thu nhập tính thuế để đưa vào tính thuế. Nếu quy định được như vậy thì rõ ràng chúng ta bớt được rát nhiều khâu, bớt được rất nhiều điều luật gây nhiều phiền phức. Tôi ví dụ như ngay khoản xác định số người phải nuôi dưỡng rất phức tạp, đây chính là một khâu chúng ta thấy rất có thể nảy sinh tiêu cực và dễ bị gian lận. Cùng một người, hai người con ở hai địa điểm khác nhau cùng nuôi một bố mẹ thì khai báo tôi không trực tiếp nuôi, tôi gửi về thì cũng không ai kiểm soát được.

Một phức tạp nữa là người phụ thuộc không có thu nhập thì chúng ta trừ 1,6 triệu, nhưng có những người phụ thuộc ví dụ như vợ không có thu nhập được miễn trừ 1,6  triệu, nhưng có thu nhập chỉ được 500 nghìn thôi thì lại phải xác nhận khoản 500 và 1,6 triệu thì phải trừ 1,1 triệu, việc xác nhận là cực kỳ phức tạp, nhiều khi có thể nảy sinh các tiêu cực và gian lận. Nếu chúng ta cứ ghi mức khởi điểm tính thuế như cách trình bày của tôi ở trên thì tôi nghĩ tiết kiệm được rất nhiều giấy tờ, công sức và tránh được tiêu cực, gian lận trong quá trình tính thuế thu nhập, đơn giản rất nhiều so với ngành thuế.

Ý kiến tiếp theo về một số nội dung cụ thể. Tôi đề nghị tại phạm vi điều chỉnh nên bỏ thu nhập không chịu thuế, đề nghị của tôi lúc nãy là bỏ Điều4, bỏ điều thu nhập không tính thuế, phạm vi điều chỉnh nên bỏ thu nhập không chịu thuế.

Về đối tượng nộp thuế quy định ở Điều 2: Cá nhân có thu nhập chịu thuế là chính xác, vì có những cá nhân có thu nhập chịu thuế, nhưng sau khi giảm trừ không có thu nhập tính thuế thì họ không phải là đối tượng nộp thuế, cho nên theo tôi Điều 2 khái niệm đối tượng nộp thuế phải là người có thu nhập tính thuế. Đối tượng tính thuế phải là người có thu nhập tính thuế chứ không phải là có thu nhập chịu thuế, vì có thể họ có thu nhập chịu thuế nhưng sau khi giảm trừ họ không phải đóng nữa thì họ không phải là đối tượng nộp thế. Cũng cách suy nghĩ như vậy tôi nghĩ tại Điều 8 có quy định về thời điểm tính thuế, kỳ tính thuế thì theo quy định của luật có lợi cho ngành thuế là thu từ đầu năm, nếu cuối năm không đến mức thu đó, thì hoàn thuế sinh ra rất phức tạp và khó khăn cho những người đóng thuế.

Theo tôi kỳ tính thuế nó liên quan đến chỗ này là nên tính vào cuối năm, tính trên cơ sở thực tế thu nhập đóng thuế luôn để tránh khoản hoàn thuế, đồng thời tại Điều 3 ghi đối tượng chịu thuế tôi đề nghị nên ghi thẳng là thu nhập chịu thuế luôn. Nên ghi là "thu nhập chịu thuế bao gồm các loại thu nhập sau đây". Đặc biệt, khi tính thuế có thể tính theo cuối tháng hoặc cuối năm, sau khi đã có thu nhập. Người có thu nhập đã nhận thu nhập thì bắt đầu mới tính thuế. Như vậy phù hợp hơn.

Một điều nữa,  đối với thu nhập chuyển nhượng bất động sản trong thực tế rất phức tạp. Vì người chuyển nhượng bất động sản từ khi mua bất động sản cho đến khi bán bất động sản có khi một thời gian rất dài không làm thủ tục. Cho nên, giữa giá mua và giá bán nhiều khi cùng một thời điểm rất khó tính toán. Theo tôi nên tính theo cách tính thứ hai trong biểu thuế. Đó là nên tính 2%/giá bán, chứ không nên tính %/mức chệnh lệch giữa bán và mua. Trên đây là một số ý kiến tôi tham gia, xin hết, xin cám ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan