Góp ý của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi – Thanh Hoá

Thứ Hai 15:39 05-11-2007

Kính thưa Quốc hội,

Tôi cũng rất cơ bản đồng tình với Báo cáo giải trình của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội và cũng rất đồng tình với nhiều ý kiến của các đại biểu phát biểu. Tôi xin có 4 ý kiến ngắn.

Vấn đề thứ nhất, tôi rất băn khoăn khi luật của chúng ta chỉ tập trung vào những người có thu nhập cao cho nên cũng thể hiện là luật của chúng ta chưa thể hiện hết trách nhiệm của những người có thu nhập đối với việc thực hiện nghĩa vụ đối với Nhà nước.

Cho nên quá trình chúng ta thực hiện các công trình phúc lợi xã hội, nếu không có thuế thu nhập cá nhân thì chúng ta cũng rất khó khăn trong vấn đề kinh phí.

Theo báo cáo bổ sung của Uỷ ban Tài chính, ngân sách của Quốc hội chúng tôi thấy nếu số người có thu nhập cao chúng ta tính với mức khởi điểm là 5 triệu đồng thì chỉ có khoảng 300.000 người, tức là bằng 0,79% dân số và bằng 0,6% số người có thu nhập. Như vậy nếu chúng ta cộng thêm với khoảng 1,5 triệu hội kinh doanh hiện nay đang thực hiện 28% thuế thu nhập doanh nghiệp chuyển sang thuế thu nhập cá nhân thì chỉ khoảng 1,8 triệu người. Như vậy chúng ta đặt tên là Luật thuế thu nhập cá nhân, tôi cho rằng nó chưa bao hàm hết nội hàm của luật. Cho nên tôi đồng tình với một số ý kiến là có lẽ giai đoạn đầu chúng ta nên đặt tên là Luật về thu nhập của người có thu nhập cao, có lẽ nó đúng hơn. Nếu chúng ta vẫn đang tiếp tục Pháp lệnh về thuế thu nhập cao có lẽ mức thuế chúng ta thu vẫn cao hơn chúng ta thực hiện luật này.

Vấn đề thứ hai, quy định về mức giảm trừ gia cảnh. Phải nói rằng Ủy ban Thường vụ Quốc hội, Ban soạn thảo đặt ra mức 5 triệu thu nhập thuế, 4 triệu mức giảm trừ và 1,6 triệu cho người phụ thuộc, qua nghiên cứu tôi thấy căn cứ chúng ta tính tương đối khoa học, tức là căn cứ tính vào mức thu nhập hiện tại, mức độ khoan sức dân, tôi cho rằng nó cũng phù hợp với thời điểm chúng ta định thực hiện luật này. Nhưng tôi nghĩ nếu chúng ta tính như thế này thì sự ổn định luật của chúng ta không cao.

Tôi đề nghị chúng ta không nên quy định, chúng ta tính toán như thế nào đó, nhưng không nên quy định trong luật con số là số tuyệt đối, nên dựa vào quy định theo số lần trên mức lương tối thiểu, để đảm bảo khi chúng ta ra luật khắc phục được tình trạng trượt giá của chúng ta hiện nay với tốc độ thay đổi rất nhanh hàng năm. Thứ hai nó cũng hợp lý khi chúng ta điều chỉnh mức lương tối thiểu. Tôi cho rằng chúng ta làm được như thế này thì việc sửa đổi luật của chúng ta không bị vướng mắc.

Vấn đề thứ ba, về đối tượng nộp thuế. Chúng tôi thấy có hai điểm chúng ta phải lưu ý thêm.

Thứ nhất, về vấn đề những người được hưởng cổ tức, cổ phần ưu đãi của các doanh nghiệp nhà nước khi chúng ta cổ phần hoá. Tôi rất đồng tình với nhiều ý kiến là phải đưa cổ tức cổ phần ưu đãi của doanh nghiệp vào diện tính thuế. Tại sao như vậy? Nếu chúng ta không làm như thế này, thì khi chúng ta cổ phần hoá thì người lao động được hưởng cổ phần ưu đãi rồi, hôm nay chúng ta không thu thuế nữa nghĩa là chúng ta ưu đãi hai lần. Trong thực tế hiện nay, tôi thấy khi làm cổ phần hoá, cổ phần ưu đãi người công nhân cũng được hưởng, nhưng có khi hưởng ít hơn cán bộ những người có chức có quyền. Thậm chí cổ phần ưu đãi được cả Bộ ngành cũng được hưởng chứ không phải công nhân trong doanh nghiệp đó hưởng. Chúng tôi cho là nếu chúng ta không đưa vào là không hợp lý cho nên khi xác định vấn đề này, theo đó cả chủ doanh nghiệp tư nhân ngoài nộp thuế doanh nghiệp ra cũng phải nộp thuế thu nhập cá nhân, thì mới bình đẳng và chúng ta mới có nguồn thu cao hơn.

Vấn đề thứ hai, trong đối tượng thuế chúng tôi thấy trong Khoản 12 của Điều 5, chúng ta đưa tiền lương hưu không tham gia nộp thuế thu nhập cá nhân, tôi cho cũng không hợp lý. Phần lương hưu do quỹ bảo hiểm chi trả, đúng là đại bộ phận người nghỉ hưu không thể có mức được 4 triệu, không loại trừ trong số nhiều người nghỉ hưu mà khi tham gia bảo hiểm xã hội tiền lương của họ rất cao. Có những người làm cho doanh nghiệp FDI khoảng 17.000 đôla và người ta tham gia bảo hiểm, như vậy khi về hưu hiện nay có những người 7 triệu, 8 triệu mà lại không tham gia nộp thuế thu nhập cá nhân tôi cho là không hợp lý. Cho nên điều này không phải là để miễn chúng ta đưa vào đối tượng tham gia thuế thu nhập cá nhân. Có chăng chúng ta trừ phần miễn ở phần đóng góp bảo hiểm xã hội, đóng góp về khoản tham gia khác khi chúng ta thực hiện khoản khấu trừ vào tiền lương. đấy là vấn đề thứ ba.

Vấn đề cuối, chúng tôi xin đề nghị Ban soạn thảo và Uỷ ban Thường vụ Quốc hội nên tính lại và lưu ý thêm xem như thế nào? Trong luật thì chúng ta quy định 36 điều, nhưng nghị định là 82 điều, có nghĩa là gấp quá 2 lần số điều của luật, thì nên chăng chúng ta tính toán là thời  hiệu thi hành chúng ta đặt ra là 1-1-2009. Chúng tôi xin đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội nên xem xét lại, Ban Soạn thảo nên tiếp thu chỉnh lý, nghiên cứu và đưa thêm một số nội dung của nghị định vào luật để khi chúng ta thực hiện luật thì không phải hạn chế việc chúng ta hướng dẫn trong nghị định thì chúng tôi cho là hợp lý hơn. Xin cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan