Góp ý của ĐBQH Ngô Tự Nam – Đồng Tháp

Thứ Hai 15:41 05-11-2007

Kính thưa Đoàn Chủ tịch, kính thưa Quốc hội.

Tham gia thảo luận tại hội trường về dự án Luật Thuế thu nhập cá nhân, tôi xin có một số ý kiến sau:

Thứ nhất, tôi bày tỏ sự nhất trí với việc ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tôi xin nêu thêm một số ý kiến sau: Từ ngày 24/3/1994 Uỷ ban thường vụ Quốc hội đã ban hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao. Mười ba năm qua pháp lệnh đã đi vào cuộc sống và đóng góp một nguồn thu cho ngân sách, góp phần thực hiện mục tiêu thực hiện công bằng xã hội.

Thứ hai, nguyên tắc cơ bản của mọi công dân là đều có quyền,  nghĩa vụ và đều có trách nhiệm đối với sự phát triển đi lên của đất nước. Trong đó, thuế là một trong những nguồn thu chủ yếu của Chính phủ, để xây dựng và phát triển kinh tế, bảo đảm an ninh quốc phòng và duy trì hoạt động của bộ máy Nhà nước.

Thứ ba, đối với mọi quốc gia thì biện pháp kiểm soát nền kinh tế chặt chẽ nhất là quản lý bằng thuế và kiểm soát thu nhập chặt chẽ nhất cũng là kiểm soát bằng thuế thu nhập. Đây cũng là một trong những biện pháp tôi thấy có kết quả, có hiệu quả để phòng, chống tham nhũng.

Điểm thứ tư, khi phải đóng thuế người dân sẽ ý thức hơn sự gắn bó của Nhà nước với nhân dân. Đồng thời cũng ý thức được Nhà nước gắn bó với nhân dân và nhân dân gắn bó với Nhà nước và công chức hoạt động trong bộ máy Nhà nước hưởng lương từ nguồn thu thuế, thực sự là hưởng từ sự đóng góp của nhân dân thì phải thật sự là "công bộc của nhân dân" như Bác Hồ đã nói. Nếu không người dân chắc chắn cũng sẽ phê phán những biểu hiện quan liêu, hách dịch, cửa quyền, vô cảm của viên chức Nhà nước trong thực thi công vụ phục vụ nhân dân.

Hiện nay Chính phủ đang chỉ đạo rất quyết liệt các biện pháp về đẩy mạnh cải cách hành chính, thực hiện chiến lược cải cách, hiện đại hóa ngành thuế đến năm 2010, triển khai Đề án thanh toán không dùng bằng tiền mặt và nhiều biện pháp khác. Với việc triển khai đồng bộ các giải pháp, cơ chế trên sẽ tạo điều kiện tốt hơn cho công tác quản lý thu nhập và đảm bảo tính khả thi của Dự án Luật thuế thu nhập cá nhân mà Quốc hội đang bàn. Vì lẽ đó tôi đồng tình với thời điểm áp dụng luật này từ ngày 01/01/2009, bởi vì chúng ta sẽ có thời gian hơn 2 năm để chuẩn bị triển khai một cách chu đáo, cụ thể và tiếp thu đầy đủ những ý kiến đóng góp của các đại biểu Quốc hội.

Tôi thấy cơ quan soạn thảo dự án luật và các cơ quan của Chính phủ đã có rất nhiều cố gắng trong quá trình soạn thảo dự án luật và dự thảo Nghị định hướng dẫn thi hành luật. Một minh chứng là dự thảo luật này đã có dự thảo Nghị định hướng dẫn kèm theo, đấy là một cố gắng lớn.

Tuy nhiên, sau khi nghiên cứu dự thảo luật và dự thảo Nghị định, tôi đề nghị cơ quan soạn thảo cần xem xét thêm tính khả thi của một số điều luật. Thời gian không có nhiều, tôi chỉ xin dẫn chứng về tính khả thi của một điều luật mà theo cá nhân tôi cần phải xem xét. Đó là Điều 19, Luật thu nhập chịu thuế từ thừa kế và quà tặng, tôi xin phân tích từng trường hợp. Đối với quà tặng, thu nhập chịu thuế từ quà tặng là phần giá trị quà tặng vượt trên 10 triệu đồng theo từng lần phát sinh mà đối tượng nộp thuế được nhận. Vấn đề đặt ra là làm thế nào để xác định giá trị quà tặng, dự thảo nghị định quy định chi tiết thi hành Luật thuế thu nhập cá nhân chưa đề cập đến.

Về vấn đề quà tặng để phục vụ cho công tác đấu tranh phòng, chống tham nhũng, ngày 10/5/2007 Thủ tướng Chính phủ đã ban hành Quyết định số 64 ban hành quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng và nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công nhân viên chức. Ban hành kèm theo Quyết định 64 là một quy chế về việc tặng quà, nhận quà tặng, nộp lại quà tặng của cơ quan, tổ chức, đơn vị có sử dụng ngân sách Nhà nước và của cán bộ, công nhân viên chức.

Tại Điều 10 của quy chế có nêu: cán bộ, công chức, viên chức chỉ được nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật và phải ký xác nhận, phải kê khai thu nhập trong trường hợp pháp luật có yêu cầu. Vấn đề đặt ra ở đây thế nào là nhận quà tặng theo đúng quy định của pháp luật cũng chưa được hướng dẫn và đây là điểm mấu chốt. Bởi lẽ đối với quà tặng không đúng chế độ, tiêu chuẩn, đối tượng thì cán bộ, công chức, viên chức phải từ chối và giải thích rõ lý do đối với người tặng quà. Trong trường hợp không thể từ chối được thì cán bộ, công chức, viên chức phải báo cáo thủ trưởng cơ quan, đơn vị mình để xử lý theo quy định. Mà xử lý theo quy định tức là tiền thì nộp vào ngân sách còn hiện vật thì phải bán và cũng nộp vào ngân sách. Đây là những điều được quy định trong Điều 9 và Điều 10 của quy chế chúng tôi viện dẫn.

Về xác định giá trị của quà tặng thì dự thảo luật và dự thảo nghị định hướng dẫn cũng chưa đề cập đến.

Điều 13 của quy chế nêu trên quy định trình tự xử lý quà tặng thì ở Khoản 2, Điều 13 có quy định trường hợp quà tặng bằng hiện vật thì xác định giá trị của quà tặng trên cơ sở giá trị của quà tặng do cơ quan đơn vị, cá nhân tặng quà cung cấp nếu có hoặc giá trị quà tặng được bán trên thị trường trong nước hoặc quốc tế mà cơ quan quản lý người được tặng quà có thể so sánh và xác định giá trị. Trong trường hợp không xác định được giá trị của quà tặng bằng hiện vật thì có thể đề nghị cơ quan có chức năng thẩm định giá xác định. Ở đây, cơ quan có chức năng thẩm định giá là cơ quan nào cũng phải được xác định trong dự thảo luật hoặc trong dự thảo nghị định. Còn những điểm chưa rõ như vậy mà Điều 67 của dự thảo nghị định quy định là "thời gian khai thuế, nộp thuế chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận" theo chúng tôi là không khả thì.

Trường hợp thứ hai, đối với thừa kế. Điều 19, dự thảo luật và Điều 68 của dự thảo nghị định chưa phân định rõ các trường hợp sau đây: Nếu người được hưởng thừa kế bằng tiền, bằng sổ tiết kiệm, bằng cổ phiếu, bằng trái phiếu, bằng séc và các giấy tờ có giá thì không có gì phức tạp. Nhưng nếu người được hưởng thừa kế bằng hiện vật, tức là có thể là bất động sản, nhà cửa, nhà đất mà do hoàn cảnh khó khăn về chỗ ở họ không bán đi và để ở hoặc họ giữ lại làm kỷ vật của gia đình, tức là cũng không có trường hợp bán, nhưng do hoàn cảnh khó khăn không có tiền để nộp thuế thì xử lý như thế nào. Mặt khác, nếu giả thuyết họ có bán thì việc bán bất động sản không phải là đơn giản và cũng như các đại biểu trước vừa phát biểu là có khi hàng năm trời không bán được bất động sản, chứ chưa nói như trong dự thảo nghị định cũng lại nêu thời gian là khai thuế, nộp thuế chậm nhất là 10 ngày, kể từ ngày nhận thừa kế như Điều 68 của dự thảo nghị định. Như vậy, với một số vấn đề đó, chúng tôi thấy cần phải xem xét tính khả thi.

Thưa Quốc hội, vấn đề quan trọng đối với bất kỳ dự án luật nào cũng là luật cần phải đơn giản, dễ hiểu và dễ thực hiện, có như vậy mới đem lại hiệu quả cao và luật này càng phải như vậy, vì đây là một đạo luật được sự quan tâm đặc biệt của toàn bộ xã hội.

Chúng tôi thấy còn một số vấn đề cần phải làm rõ trong dự thảo luật này như định nghĩa về đối tượng thu nhập, về tiêu chí cư trú, về định loại thuế thu nhập chịu thuế và về thời điểm chịu thuế. Tôi xin hết ý kiến, cảm ơn Quốc hội.

Các văn bản liên quan