Những vấn đề nền tảng khi xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam

Thứ Hai 09:49 09-07-2007


 
Những vấn đề nền tảng khi xây dựng
Luật thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam
                                               

  TS. Lê Thị Thu Thuỷ - Khoa Luật -  ĐHQGHN
 
Theo qui định tại Điều 80 Hiến pháp năm 1992: “Công dân có nghĩa vụ đóng thuế theo qui định của pháp luật”. Vậy nộp thuế là một trong các nghĩa vụ cơ bản của người dân. Nghĩa vụ này có được thực hiện hay không chủ yếu phụ thuộc vào ý chí của người dân bên cạnh sự quản lý, điều tiết “khéo léo” từ phía Nhà nước. Tuy nhiên, phải có thu nhập thì mới có cơ sở để đóng thuế. Vậy vấn đề đặt ra là làm thế nào để Nhà nước biết được những ai có nhu nhập, thu nhập phát sinh khi nào và ở mức bao nhiêu để đảm bảo được sự công bằng, bình đẳng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế và thu đúng, thu đủ, thu kịp thời? Điều này quả là khó, đặc biệt đối với thuế thu nhập cá nhân – sắc thuế “rất nhạy cảm”, đánh trực tiếp vào thu nhập, vào “túi tiền” của mỗi cá nhân và liên quan đến nhiều người trong xã hội. Vì vậy, việc xây dựng Luật thuế thu nhập cá nhân (TNCN) là điều không đơn giản. Trong phạm vi bài viết này xin được luận bàn những vấn đề cơ bản, mang tính chất nền tảng chi phối tới việc xây dựng và ban hành Luật thuế TNCN ở Việt Nam.
 
1.     Luật Thuế TNCN được xây dựng dựa trên nguyên tắc và  mục đích của thuế TNCN

Thuế TNCN đã xuất hiện từ rất lâu trên thế giới. Năm 1799 lần đầu tiên Vương Quốc Anh đã áp dụng loại thuế này. Hiện nay thuế TNCN đang được triển khai ở hơn 180 quốc gia trên thế giới. Tính phổ biến của loại thuế này được lý giải bởi các nguyên tắc ra đời của nó. Thuế TNCN động viên trực tiếp vào thu nhập của cá nhân và được căn cứ trên các nguyên tắc “lợi ích”, “công bằng”, “khả năng nộp thuế”.

Nguyên tắc “lợi ích” đảm bảo cho mọi người trong xã hội đều được hưởng những thành quả phát triển của đất nước về luật pháp, thể chế, cơ sở hạ tầng, phúc lợi xã hội, an ninh trật tự…., đồng thời cũng có nghĩa vụ đóng góp một phần thu nhập của mình cho xã hội thông qua việc nộp thuế[1].

Theo nguyên tắc “công bằng” và “khả năng nộp thuế” thì người có thu nhập cao phải nộp thuế nhiều hơn người có thu nhập trung bình, người có thu nhập như nhau nhưng có hoàn cảnh khó khăn hơn thì nộp thuế ít, mỗi cá nhân dù có thu nhập từ nhiều nguồn khác nhau đều được điều chỉnh thống nhất bởi một chính sách thuế. Người có thu nhập thấp không phải nộp thuế. Mức động viên thuế phù hợp với khả năng thu nhập của mỗi người. Thông qua đó, thuế TNCN bảo đảm động viên một cách hợp lý thu nhập dân cư để khuyến khích mọi cá nhân tạo ra sức lao động, thực hiện hoạt động sản xuất kinh doanh, gia tăng thu nhập, làm giàu một cách chính đáng.
 
Có thể nói, thuế TNCN ra đời bắt nguồn từ yêu cầu đảm bảo sự công bằng trong phân phối thu nhập. Nếu như thuế nói chung xuất hiện trong xã hội loài người khi thoả mãn hai điều kiện cần và đủ là sự xuất hiện của Nhà nước và thu nhập xã hội thì thuế TNCN không chỉ dừng lại ở đó mà nó xuất hiện khi thu nhập xã hội đạt đến một mức độ tạo nên khoảng cách chênh lệnh giữa các cá nhân trong xã hội. Thông qua chức năng phân phối của thuế, thuế TNCN góp phần giảm bớt chênh lệch giàu nghèo, thực hiện mục tiêu công bằng xã hội. Một điều dễ dàng nhận thấy, mặt trái của kinh tế thị trường là sự phân hoá giàu nghèo ngày càng rõ nét giữa các tầng lớp dân cư, giữa các khu vực, thành phần kinh tế. Thu nhập của cá nhân, tổ chức trong nền kinh tế thị trường bị chi phối không phải bởi chỉ có lao động và vốn mà còn chịu sự tác động lớn bởi công nghệ. Đặc biệt trong nền kinh tế tri thức ngày nay, khi hàm lượng chất xám trong các sản phẩm xã hội đòi hỏi ngày càng cao thì tư duy, nhận thức là những yếu tố tác động rất mạnh tới thu nhập. Điều này dẫn tới một tất yếu là sự phân hoá giàu nghèo trong xã hội. Đặc biệt, trong tương lai gần ở Việt Nam, các thị trường tiền tệ, tài chính, bất động sản… sẽ phát triển mạnh mẽ, tạo điều kiện cho các tổ chức, cá nhân có cơ hội đầu tư và tạo ra các khoản thu nhập khác nhau. Thêm vào đó,  tiến trình hội nhập kinh tế quốc tế sẽ kéo theo dòng chảy số lượng nhà đầu tư nước ngoài đầu tư trong nước, do đó sự đa dạng và gia tăng thu nhập của các cá nhân trong xã hội sẽ làm cho khoảng cách chênh lệch về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư lại ngày càng lớn. Để giảm bớt khoảng cách về thu nhập giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, Chính phủ các nước  thường dựa vào thuế thuế TNCN. Thuế TNCN - thuế trực thu có vai trò điều tiết một phần thu nhập của bộ phận có thu nhập cao vào NSNN để đầu tư vào giáo dục, y tế, văn hoá phục vụ mọi tầng lớp dân cư. Việc chi ngân sách cho các mục tiêu trên có ý nghĩa quan trọng không những trong việc thu hẹp khoảng cách giàu nghèo giữa các tầng lớp dân cư trong xã hội, mà còn tạo cơ hội và tiềm năng cho sự phát triển đồng đều của các tầng lớp dân cư.

Ngoài ra, Luật thuế TNCN gắn với mục tiêu đáp ứng nhu cầu chi tiêu ngày càng tăng của Nhà nước. Trong xã hội ngày nay, thuế là nguồn thu cơ bản tạo nên ngân sách nhà nước. Ở các nước phát triển Mỹ, Anh, Đức, …thuế TNCN chiếm tỷ trọng lớn, khoảng 30 - 40% tổng thu ngân sách. Ở Việt Nam và các nước đang phát triển, tỷ lệ này không đáng kể (hiện nay ở Việt Nam chiếm khoảng 4% nguồn thu ngân sách, các nước như Thái Lan, Malaixia, Philippin khoảng 12-16% trên tổng thu ngân sách) [2]. Tuy nhiên, tỷ lệ này có xu hướng ngày càng tăng, bởi lẽ kinh tế - xã hội ngày càng phát triển, hội nhập kinh tế ngày càng sâu rộng thì nhu cầu chi tiêu của Nhà nước trong lĩnh vực an ninh quốc phòng, an sinh xã hội, phát triển sư nghiệp giáo dục đào tạo, y tế….cũng ngày một gia tăng. Thêm vào đó, nhu cầu của con người cũng tăng theo thời gian, xã hội ngày càng phát triển đòi hỏi của con người cũng ngày càng đa dạng. Khi nhu cầu của con người ngày càng tăng thì Nhà nước ở một mức độ nhất định phải bảo đảm đáp ứng được những nhu cầu của công dân nước mình. Chính vì vậy, nhu cầu chi tiêu của Nhà nước ngày một lớn và nguồn vật chất để đáp ứng nhu cầu này chủ yếu lấy từ thuế. Tuy nhiên, liệu Nhà nước có thể thu thuế theo hình thức “nước lên thì thuyền cũng lên” không? Hiện nay, trong xu hướng toàn cầu hoá, từng bước xoá bỏ hàng rào thuế quan thì việc đảm bảo nguồn thu để đáp ứng nhu cầu chi tiêu của Nhà nước là một bài toán hắc búa. Hầu hết các quốc gia tìm lời giải đáp cho mình bằng cách mở rộng đối tượng nộp thuế, đối tượng chịu thuế TNCN, dần từng bước đưa sắc thuế này trở thành sắc thuế đại chúng. Việc làm này hoàn toàn không dễ trong một nước mà người dân có thói quen sử dụng tiền mặt trong các giao dịch, hệ thống thông tin chưa phát triển, các khoản thu nhập từ thừa kế, quà tặng còn khó kiểm soát và năng lực cán bộ thuế còn kém, chưa đáp ứng được những thay đổi của nền kinh tế.
 
2.     Ban hành Luật thuế TNCN trong bối cảnh cải cách hệ thống thuế nhằm đáp ứng yêu cầu hội nhập kinh tế quốc tế và đảm bảo hài hoà các sắc thuế  trong hệ thống thuế 

 Hệ thống thuế của một quốc gia thường có ba nhóm các sắc thuế: nhóm đánh vào thu nhập (trực thu), nhóm đánh vào tiêu dùng (đánh vào của cải đem sử dụng) - thuế gián thu, nhóm đánh vào của cải để dành (của cải cất trữ hoặc đầu tư) - thuế tài sản. Thông qua các sắc thuế này Nhà nước kiểm soát được thu nhập trong xã hội, trên cơ sở đó đảm bảo nguồn thu cho NSNN và điều tiết vĩ mô đối với nền kinh tế. Tuy nhiên, việc lựa chọn cơ cấu hệ thống thuế  phải phù hợp với các điều kiện kinh tế, xã hội của mỗi nước trong từng thời kỳ. Trong điều kiện của Việt Nam hiện nay, tác động của hội nhập kinh tế quốc tế đến cải cách hệ thống thuế là rất lớn. Chúng ta đã bước vào ngôi nhà chung – WTO và thuế luôn là vấn đề quan trọng trong các hoạt động của WTO và có ảnh hưởng trực tiếp tới việc đàm phán của các quốc gia trong quá trình gia nhập cũng như khi đã trở thành thành viên chính thức của tổ chức này. Các nguyên tắc tổ chức và hoạt động của WTO đặt ra những yêu cầu hết sức rõ ràng đối với chính sách thuế của mỗi quốc gia, đó là: cắt giảm thuế nhập khẩu, không được tăng thuế suất sau khi đã cắt giảm đối với hầu hết các sản phẩm hàng hoá nhập khẩu từ nước ngoài, đối xử công bằng, bình đẳng giữa các đối tác (nguyên tắc tối huệ quốc), đối xử bình đẳng giữa hàng hoá sản xuất trong nước và hàng hoá nhập khẩu (nguyên tắc đối xử quốc gia). Trong bối cảnh này, các quốc gia, đặc biệt các quốc gia đang phát triển như chúng ta phải tiếp tục cải cách hệ thống chính sách thuế theo hướng giảm gánh nặng thuế cho các nhà đầu tư, nhằm tạo lợi thế so sánh về thuế và tăng cường thu hút vốn đầu tư nước ngoài. Để nâng cao tính ổn định, hiệu quả của nguồn thu từ thuế, việc cải cách thuế phải dựa trên cơ sở nghiên cứu, phân tích và tính toán tỷ lệ động viên từ thuế/GDP một cách hợp lý cho từng thời kỳ, thực hiện đảm bảo hợp lý trong cơ cấu ba nhóm thuế trực thu, gián thu, thuế tài sản, từng bước tăng tỷ trọng thuế trực thu và thuế tài sản trong tổng thu ngân sách. Việc sửa đổi, ban hành các đạo luật về thuế (trong đó có Luật thuế TNCN) cần theo hướng đảm bảo tính công bằng, bình đẳng, hiệu quả, đơn giản, minh bạch, công khai, trên nguyên tắc mở rộng phạm vi đối tượng nộp thuế, thu nhập chịu thuế, thu hẹp phạm vi ưu đãi miễn giảm thuế, tách chính sách xã hội ra khỏi chính sách thuế, xoá bỏ sự phân biệt đối xử về thuế giữa người trong nước với người nước ngoài, giảm mức thu thuế thông qua việc giảm thuế suất, nâng cao hiệu quả công tác quản lý thu thuế thông qua cải cách qui trình, thủ tục về đăng ký, kê khai, nộp thuế, từng bước áp dụng cơ chế tự kê khai nộp thuế.
 
3.     Xây dựng Luật Thuế TNCN dựa trên những bất cập của Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao,   tiến tới phù hợp với thông lệ quốc tế
 
Có thể nói, việc xây dựng Luật thuế TNCN cần dựa vào những bất cập và vấn đề đặt ra từ thực tiễn thi hành Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao ở Việt Nam. Pháp lệnh này ra đời từ năm 1990, có hiệu lực từ năm 1991. Tuy đã có những sửa đổi nhất định nhưng không tránh khỏi hạn chế. Bên cạnh đó, chúng ta đều biết ở các nước phát triển, Luật thuế TNCN được ban hành và bất kể ai có thu nhập cũng đều phải nộp thuế. Người dân ở đây đã quá quen với khái niệm thu nhập sau thuế. Khi xin việc, người ta thường thương lượng một mức lương sau khi đã trừ đi thuế và phí bảo hiểm. Cơ quan thu thuế trước khi thu nhập còn lại đến tay người lao động. Tuy nhiên tâm lý này vẫn còn rất “xa lạ” đối với người dân Việt Nam. Hiện nay, số thu thuế TNCN ở Việt Nam phụ thuộc rất nhiều vào người nước ngoài đang sống và làm việc tại Việt Nam (chiếm tới 2/3 số thu thuế TNCN). Vì vậy, việc thiết kế Luật thuế TNCN đòi hỏi phải có sự sáng tạo, không những có sự học hỏi kinh nghiệm của các nước trong lĩnh vực này mà còn phải phù hợp với đặc điểm tình hình kinh tế, xã hội và tâm lý của người Việt Nam.

-             Về đối tượng nộp thuế: Pháp lệnh thuế thu nhập cao qui định là công dân Việt Nam và người nước ngoài cư trú tại Việt Nam. Nhưng trên thực tế khi công dân Việt Nam đi công tác, lao động ở nước ngoài thì lại rất khó thu thuế vì cơ quan thuế không quản được. Pháp lệnh đã phân biệt đối tượng nộp thuế là người Việt Nam với nhau và giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Theo đó, tiêu chí “quốc tịch” được áp dụng đối với người Việt Nam, còn tiêu chí “cư trú” lại áp dụng đối với người nước ngoài. Mặt khác, việc áp dụng hai biểu thuế luỹ tiến từng phần khác nhau với những mức khởi điểm chịu thuế không giống nhau đã dẫn đến sự phân biệt đối xử giữa người Việt Nam và người nước ngoài. Trong khi đó, các nước trên thế giới (Trung Quốc, Hàn Quốc, Thái Lan, Nga…) đều qui định dựa trên sự phân biệt giữa đối tượng cư trú và không cư trú. Người có nghĩa vụ nộp thuế thu nhập bao gồm các cá nhân, không phân biệt quốc tịch, ngành nghề kinh doanh, nguồn phát sinh thu nhập. Phạm vi của Luật thuế áp dụng đối với người làm công ăn lương, người hành nghề độc lập, cá nhân có thu nhập từ bản quyền, thu nhập từ tài sản cho thuê, đầu tư vốn…. Trong khi đó, ở Việt Nam hiện nay cá nhân đang kinh doanh nộp thuế theo Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, cá nhân làm công ăn lương đang nộp thuế theo Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, cá nhân có thu nhập từ việc chuyển quyền sử dụng đất đang nộp thuế theo Luật thuế chuyển quyền sử dụng đất. Điều này thật bất hợp lý, bởi lẽ cá nhân kinh doanh về bản chất không phải là doanh nghiệp nhưng lại bị áp thuế như doanh nghiệp và ở mức tương đối cao (thuế suất 28%). Do vậy, đã không đảm bảo sự công bằng giữa các đối tượng nộp thuế. Thêm nữa, sự điều chỉnh pháp luật càng tản mạn bao nhiêu thì vấn đề quản lý thu thuế lại càng khó bấy nhiêu. Bên cạnh đó, hầu hết các nước trên thế giới đều áp dụng chung một biểu thuế và có mức “giảm trừ gia cảnh” cho các đối tượng là người phụ thuộc của người nộp thuế. Vì vậy, Dự Luật thuế TNCN hiện nay cũng được xây dựng theo hướng xác định đối tượng nộp thuế TNCN theo tiêu thức cư trú, không dựa vào sự phân biệt quốc tịch. Theo đó, cá nhân không cư trú tại Việt Nam chỉ phải nộp thuế trên nguồn thu nhập có được tại Việt Nam, còn cá nhân là đối tượng cư trú phải thực hiện nộp thuế trên toàn bộ thu nhập kiếm được ở trong nước và ngoài nước. Việc xác định cá nhân cư trú ở Việt nam khi họ thoả mãn một trong hai điều kiện sau:i) Có mặt tại Việt Nam từ 183 ngày trở lên trong năm dương lịch;ii) Có nơi ở thường xuyên tại Việt Nam. Điều này là phù hợp với thông lệ quốc tế[3]. Ngoài ra, Dự Luật thuế TNCN mở rộng đối tượng nộp thuế, không chỉ bao gồm những người làm công ăn lương, mà cả các cá nhân hành nghề độc lập, các cá nhân hoạt động kinh doanh (đang nộp thuế thu nhập doanh nghiệp). Điều này là hợp lý, tuy nhiên việc thực thi Luật sẽ khó khăn. Nếu không quản lý tốt, sẽ dẫn đến tình trạng thất thu từ các cá nhân kinh doanh (vì họ thường không kê khai đúng thu nhập) và tạo ra sự bất bình đẳng giữa người làm công ăn lương và người làm kinh tế hộ.
 
-             Về thu nhập chịu thuế, không chịu thuế:

+ Xoá bỏ qui định về thu nhập thường xuyên và không thường xuyên: Pháp lệnh thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao phân biệt mức nộp thuế đối với thu nhập thường xuyên và không thường xuyên. Tuy nhiên, ranh giới để phân biệt ở đây rất mờ nhạt và dẫn đến những khó khăn nhất định trong công tác quản lý thuế. Ngoài ra, mức thuế suất áp dụng đối với hai loại thu nhập này lại khác nhau (đối với thu nhập không thường xuyên: 5% trên tổng thu nhập đối với thu nhập về chuyển giao công nghệ trên 15 triệu đồng/1 lần; 10% trên tổng thu nhập đối với thu nhập về trúng thưởng xổ số trên 15 triệu đồng/1 lần; đối với thu nhập thường xuyên lại theo biểu thuế luỹ tiến từng phần 0%, 10%, 20%, 30%, 40%). Thuế đối với thu nhập thường xuyên được tạm nộp hàng tháng và được quyết toán vào cuối năm, trong khi đó đối với thu nhập không thường xuyên phải nộp ngay khi nhận thu nhập và cuối năm không được quyết toán. Điều này dẫn đến sự mất công bằng trong điều tiết thu nhập và có thể dẫn đến hiện tượng trốn thuế. Do vậy, trong Dự Luật không nên đưa vào tiêu chí thu nhập thường xuyên và không thường xuyên để xác định thu nhập chịu thuế.

+ Mở rộng diện thu nhập chịu thuế, thu hẹp diện thu nhập không chịu thuế và miễn, giảm thuế : hiện nay ở hầu hết các nước đều có xu hướng này và chia ra thành các nhóm thu nhập phải chịu thuế, ví dụ như ở Trung Quốc có 11 nhóm: thu nhập từ tiền lương, tiền công, bao gồm cả phụ cấp, tiền thưởng; thu nhập từ hoạt động kinh doanh của các cơ sở tự kinh doanh; thu nhập từ việc quản lý doanh nghiệp hay tổ chức theo hợp đồng; tiền thù lao đối với các dịch vụ lao động; thu nhập tiền thù lao tác giả; thu nhập từ bản quyền; tiền lãi cổ tức, tiền thưởng; thu nhập từ cho thuê tài sản; thu nhập từ chuyển nhượng tài sản; thu nhập không thường xuyên; một số khoản khác theo qui định của Bộ Tài chính và Hội đồng Nhà nước.  Dự Luật thuế TNCN ở Việt Nam lần này qui định 6 khoản thu nhập chịu thuế, trong đó có các khoản mới so với Pháp lệnh như: thu nhập từ đầu tư vốn, bao gồm lãi cho vay, lãi trái phiếu, lợi tức cổ phần, lợi tức từ các hình thức góp vốn khác; thu nhập từ chuyển nhượng vốn; từ chuyển nhượng bất động sản; thu nhập từ thừa kế, quà tặng. Tuy nhiên, việc đánh thuế vào lãi tiền gửi tiết kiệm là phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng lại sẽ ảnh hưởng tới hoạt động gửi tiền của người dân, tới kết quả kinh doanh của ngân hàng, sự phát triển của thị trường vốn và khó thực hiện đối với cơ quan thuế. Người dân Việt Nam thường gửi tiền vào ngân hàng với mục đích phòng ngừa lúc ốm đau, bệnh tật, tuổi già, mục tiêu lợi nhuận rất ít. Trong khi đó, ở nước ngoài, do tổ chức an sinh xã hội tốt, lương hưu đủ sống nên gửi tiền ở ngân hàng là một hoạt động đầu tư. Thêm vào đó, do yếu tố tâm lý người gửi tiền không muốn công khai thông tin về tiền gửi, về thu nhập của mình, nên dễ dẫn đến tình trạng người gửi tiền hoặc là trốn thuế bằng cách chia nhỏ khoản tiền gửi và nhờ người khác đứng tên, gây khó khăn trong việc quản lý tài sản của người gửi tiền, hoặc là đầu tư vào các hoạt động kinh doanh bất động sản, chứng khoán….có độ rủi ro rất cao, trong khi đó sự hiểu biết của họ trong lĩnh vực này là rất hạn chế. Ngoài ra, với tốc độ lạm phát như ở Việt Nam hiện nay thì việc đánh thuế vào lãi tiền gửi danh nghĩa sẽ rất bất lợi cho người gửi tiền. Họ hầu như không nhận được một khoản lợi nhuận nào.  Bên cạnh đó, cũng cần nhấn mạnh rằng, việc quản lý thu thuế này rất khó, phải áp dụng cơ chế khấu trừ tại nguồn. Nhưng thử hỏi nếu như các ngân hàng vì mục đích kinh doanh kiếm lợi  của mình mà sẵn sàng “bưng bít” thông tin về tiền gửi của khách hàng, không cộng tác với cơ quan thuế thì việc thu thuế cũng khó thực hiện được. Vậy việc thu thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm ảnh hưởng tới nhiều chủ thể trong xã hội và tác động đến sự phát triển của nền kinh tế, đòi hỏi phải có lộ trình để đưa khoản thu nhập này vào diện chịu thuế. Việc này chỉ thực hiện khi đáp ứng các điều kiện cần và đủ: mức thu nhập của người dân tăng lên đáng kể khiến các khoản tiền gửi khó có thể được chia nhỏ để tránh thuế; có hệ thống kiểm soát hữu hiệu các thông tin về tiền gửi tại ngân hàng, tổ chức khác có nhận tiền gửi.

Đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, Dự luật thuế TNCN nên tính tới trường hợp khi chuyển nhượng vốn bị lỗ. Bởi lẽ hoạt động kinh doanh luôn tiềm ẩn rủi ro, kinh doanh thua lỗ là điều khó tránh khỏi. Do vậy, nếu hoạt động chuyển nhượng vốn mà có lãi thì đánh thuế, còn nếu lỗ thì cũng nên có những qui định để bảo vệ quyền lợi của người kinh doanh. Ví dụ, ở Mỹ, trong năm một cá nhân có các hoạt động chuyển nhượng vốn có lãi và bị lỗ thì số lỗ đó sẽ được bù vào số lãi thu được khi tính thu nhập chịu thuế đối với hoạt động chuyển nhượng vốn. Nếu số lỗ vượt quá số lãi trong năm thì phần vượt này được coi như là một khoản khấu trừ thuế đối với thu nhập thông thường khác khi tính thuế nhưng không được quá 3.000 USD/năm. Nếu sau khi khấu trừ mà số lỗ đó vẫn còn thì cá nhân được chuyển số lỗ đó sang năm tiếp theo.

Ngoài ra, mức thuế suất đối với hoạt động chuyển nhượng vốn (trong đó có chuyển nhượng chứng khoán) hiện nay theo Dự Thảo luật thuế TNCN là chưa hợp lý: 25%, không bảo đảm được sự bình đẳng giữa các nhà đầu tư và không khuyến khích được các nhà đầu tư chứng khoán tham gia thị trường. Việc kiểm soát các giao dịch chuyển nhượng chứng khoán trên thị trường phi tập trung là rất khó (vì được thực hiện có thể không qua trung gian – công ty chứng khoán), trong khi đó các giao dịch này lại rất phổ biến hiện nay. Nếu đánh thuế vào lọai thu nhập này thì Nhà nước chỉ có thể kiểm soát được thu nhập của các nhà đầu tư giao dịch chứng khoán của các công ty đã niêm yết, dẫn tới sự không công bằg trong việc nộp thuế giữa các nhà đầu tư. Ngoài ra, thị trường chứng khoán ở Việt Nam mới “định hình”, chưa phát triển, hoạt động theo những qui luật riêng có của mình,  và kinh doanh chứng khoán gắn với độ rủi ro lớn, việc thu lãi là khó,  nếu mức thuế suất cao sẽ không khuyến khích được nhà đầu tư nhỏ lẻ tham gia thị trường. Vì vậy, cần cân nhắc một mức thuế suất hợp lý hơn. Thuế suất hợp lý sẽ tạo tâm lý người dân “thoả mái” khi đóng thuế.

Về các khoản thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản: nên có sự phân biệt đối với hai trường hợp: chuyển nhượng vì mục đích thương mại và không vì mục đích thương mại. Nếu chuyển nhượng không vì mục đích thương mại thì không nên đánh thuế, ví dụ chuyển đổi nhà đất khi chuyển công tác đến địa phương khác. Còn chuyển đổi vì mục đích lợi nhuận thì mới nên đánh thuế. Có như vậy mới đảm bảo được công bằng trong điều tiết thu nhập.

Vậy việc mở rộng đối tượng chịu thuế TNCN trong bối cảnh hiện nay ở Việt nam là cần thiết, nhằm đảm bảo sự công bằng trong việc thực hiện nghĩa vụ thuế của người dân. Tuy nhiên, cần qui định một cách hợp lý và phải có lộ trình nhất định để thực thi các qui định đó.

- Về  chi phí được trừ và giảm trừ gia cảnh khi tính thu nhập chịu thuế:

Thuế TNCN là một loại thuế trực thu, vì vậy Luật thuế TNCN được xây dựng dựa trên khả năng của người nộp thuế nhưng phải tính tới cả hoàn cảnh cá nhân (gia cảnh). Từ trước đến nay pháp luật thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam chưa có các qui định về giảm trừ gia cảnh, điều này làm giảm tính công bằng của thuế trực thu. Thuế TNCN ra đời là để điều tiết thu nhập giữa những người có thu nhập cao với những người có thu nhập thấp, qua đó thực hiện công bằng xã hội, làm giảm sự chênh lệch giàu nghèo ở mức độ nhất định trong xã hội. Ngoài ra, thuế TNCN cũng phải tính đến các chi phí mà các cá nhân bỏ ra để họ có được thu nhập. Xét về mặt nguyên tắc, bất cứ thu nhập nào hình thành cũng dựa trên những chi phí nhất định. Chi phí để tạo ra thu nhập khác với khoản giảm trừ gia cảnh. Tuy nhiên, pháp luật Việt Nam hiện hành về thuế TNCN không tính tới những chi phí này mà qui định theo phương pháp “khoán trọn gói” cả chi phí và giảm trừ gia cảnh và đưa ra một mức khởi điểm chịu thuế nhất định. Điều này dẫn tới sự không công bằng giữa những người nộp thuế có mức thu nhập như nhau nhưng số lượng người phụ thuộc lại khác nhau. Vì vậy, Dự luật thuế TNCN nên có qui định về giảm trừ chi phí và gia cảnh theo hướng sau:

+ Đối với việc giảm trừ chi phí cho hoạt động kinh doanh: cần lưu ý hai vấn đề: thứ nhất nếu cá nhân kinh doanh thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hoá đơn chứng từ thì các chi phí cần thiết sẽ được giảm trừ dựa trên cơ sở các giấy tờ này. Thứ hai, nếu cá nhân kinh doanh chưa thực hiện đầy đủ chế độ kế toán hoá đơn, chứng từ thì phải thực hiện khoán chi phí trên cơ sở doanh thu.

+ Đối với việc giảm trừ cho thu nhập từ tiền lương, tiền công: nên xuất phát từ mặt bằng thu nhập thực tế và yêu cầu công bằng xã hội. Ngoài ra, mức giảm trừ chung nên  ở mức đảm bảo chi phí cần thiết để tái sản xuất sức lao động và nên xác định sao cho chỉ điều tiết vào những người có mức thu nhập từ trung bình trở lên trong xã hội. Điều này có nghĩa là: giảm trừ gia cảnh phải giải quyết được vấn đề: những người có thu nhập thấp sau khi trừ đi thì không phải nộp thuế, người có thu nhập cao phải nộp nhiều hơn, người có thu nhập bằng nhau nhưng có gia cảnh khác nhau thì mức nộp khác nhau. Hiện nay, Dự luật Thuế TNCN qui định mức giảm trừ gia cảnh gồm hai phần: phần đối với cá nhân người nộp thuế (mức giảm trừ là 4 triệu đồng/tháng), phần đối với những người phụ thuộc - những người mà người nộp thuế có trách nhiệm nuôi dưỡng (40% đối với người phụ thuộc). Tổng số giảm trừ đối với người phụ thuộc cho một đối tượng nộp thuế không quá 10 triệu đồng/1 tháng. Ngoài ra, các khoản đóng bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế, bảo hiểm nghề nghiệp cũng được trừ trước khi xác định thu nhập chịu thuế. Qui định trong dự Luật trên là hoàn toàn hợp lý, phù hợp với mục tiêu mở rộng đối tượng nộp thuế, đảm bảo được tính công bằng trong nghĩa vụ thuế và phù hợp với thông lệ quốc tế (ví dụ như ở Hàn Quốc, Thái Lan, Trung Quốc mức giảm trừ gia cảnh đối với người phụ thuộc dao động từ 10%-50% …. ).
                                          
Vậy từ những phân tích trên có thể thấy rằng, Luật thuế thu nhập cá nhân ở Việt Nam được xây dựng phải dựa trên các nguyên tắc nhất định, phù hợp với thông lệ quốc tế nhưng phải tính tới các yếu tố đặc thù về kinh tế, xã hội, tâm lý và con người Việt Nam. Thông qua luật này, tất cả những ai có thu nhập đều thuộc đối tượng nộp thuế nhưng có phải nộp thuế hay không lại là vấn đề khác. Điều này có nghĩa là mọi công dân phải có nghĩa vụ nộp thuế, còn việc có phải nộp hay không lại phụ thuộc vào chính sách của Nhà nước đối với loại thuế đó trong từng thời kỳ. Việc ban hành Luật thuế TNCN không những nhằm hoàn thiện hệ thống pháp luật thuế để đáp ứng yêu cầu phát triển kinh tế -xã hội và hội nhập kinh tế quôc tế trong thời gian tới, mà còn góp phần tăng cường công tác kiểm soát, phân phối thu nhập và điều tiết vĩ mô nền kinh tế - xã hội, bảo đảm tính ổn định và nguồn lực cho ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, việc thực thi Luật Thuế TNCN trên thực tế là rất khó. Người dân sẽ chấp hành đóng thuế với đòi hỏi công việc đó được thực hiện công bằng, minh bạch, dễ tính toán, sao cho mọi người có thể tự tính được số tiền thuế mà mình phải nộp, điều này cũng nhằm hạn chế tiêu cực của cán bộ thuế. Một đạo luật rối rắm, khó hiểu, có nhiều cách vận dụng thì đó chính là kẽ hở sinh ra tham nhũng và việc thực thi luật thất bại, không đi vào cuộc sống. Kết quả là thất thu ngân sách và để lại nhiều hậu quả tiêu cực, gây nhiều bức xúc và không đảm bảo công bằng xã hội. Người dân sẽ vui vẻ nộp thuế khi chính những đồng tiền đóng thuế quay lại phục vụ cuộc sống của họ và để người dân được hưởng cuộc sống “tốt hơn” hôm nay./.
 


[1] Xem: “Sự cần thiết và mục tiêu, yêu cầu xây dựng Luật Thuế thu nhập cá nhân” - Tạp chí: Tài chính, tr. 5, tháng 10/2006.

[2] PGS.TS. Quách Đức Pháp - Dự thảo Luật thuế TNCN: Những điểm mới và những nội dung quan trọng - Tạp chí Tài chính, 10/2006 tr. 9; Roger Gordon – Tax Structures in Developing countries: Many Puzzles and Possible Explanation - 2004

[3] Ở Thái Lan, đối tượng cư trú là các cá nhân lưu trú hoặc có mặt tại Thái Lan trong một khoảng thời gian hay nhiều khoảng thời gian gộp lại từ 180 ngày trở lên trong năm dương lịch; Luật của Inđônêxia qui định một cá nhân là đối tượng cư trú nếu sống hoặc có mặt tại Inđônêxia trên 183 ngày tính cho thời kỳ 12 tháng hoặc trong năm tính thuế hoặc cá nhân đó đến Inđônêxia với mục đích để lưu trú.

Các văn bản liên quan