Kiến nghị, sửa đổi Dự thảo Nghị quyết sửa đổi, bổ sung một số điều của Hiến pháp năm 2013 (Công văn số 0798/LĐTM-PC ngày 26/5/2025)
Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo và Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP (Công văn số 0805/LĐTM-PC ngày 27/5/2025)
Kính gửi: Bộ Công Thương
Trả lời Công văn số 3527/BCT-XNK ngày 16/05/2025 của Bộ Công Thương về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo và Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:
- Quan điểm tiếp cận
Ngày 04/5/2025, Bộ Chính trị đã ban hành Nghị quyết số 68-NQ/TW về phát triển kinh tế tư nhân, trong đó yêu cầu giảm thiểu sự can thiệp hành chính, xóa bỏ tư duy “không quản được thì cấm” và loại bỏ các rào cản tiếp cận thị trường nhằm bảo đảm môi trường kinh doanh thông thoáng, dễ tuân thủ và chi phí thấp.
Trong bối cảnh đó, việc sửa đổi các quy định về kinh doanh xuất khẩu gạo cần quán triệt tinh thần chỉ đạo của Nghị quyết 68, bảo đảm tạo lập môi trường kinh doanh thuận lợi, cạnh tranh theo cơ chế thị trường và hạn chế tối đa chi phí tuân thủ không cần thiết cho doanh nghiệp.
- Yêu cầu phải sở hữu kho chứa thóc, gạo
Điều 1.1 Dự thảo (sửa đổi Điều 4.2 Nghị định 107/2018/NĐ-CP) quy định thương nhân xuất khẩu gạo phải sở hữu kho chứa thóc, gạo. Như vậy, doanh nghiệp sẽ không được phép thuê kho chứa thóc, gạo như quy định hiện hành. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:
Thứ nhất, mục tiêu chính của điều kiện về kho chứa là nhằm nắm được thông tin về năng lực vận hành của doanh nghiệp, và kho đó được sử dụng để dự trữ thóc gạo. Việc doanh nghiệp sở hữu hay đi thuê đều có thể đạt được mục tiêu này. Do vậy, miễn doanh nghiệp đáp ứng yêu cầu về năng lực, việc thuê hay sở hữu kho là quyền tự do kinh doanh của doanh nghiệp, phù hợp với nguyên tắc của nền kinh tế thị trường.
Cơ quan soạn thảo cho rằng có tình trạng thương nhân thuê kho chứa, cơ sở xay, xát thóc gạo chỉ để đáp ứng điều kiện kinh doanh xuất khẩu gạo, không quan tâm đến duy trì kho chứa. Trường hợp này nằm ở việc không thực hiện đúng điều kiện kinh doanh chứ không phải nằm ở bản thân quy định. Trong trường hợp này, Nhà nước có thể thu hồi giấy phép của doanh nghiệp đó do không đáp ứng điều kiện kinh doanh. Quy định như Dự thảo mang tư duy “không quản được thì cấm” mà Nghị quyết 68/NQ-TW của Bộ Chính trị về phát triển kinh tế tư nhân đã yêu cầu xóa bỏ.
Thứ hai, quy định này gia tăng đáng kể chi phí gia nhập thị trường cho các doanh nghiệp mới và các doanh nghiệp nhỏ. Việc yêu cầu đầu tư xây dựng hoặc mua kho chứa sẽ gây áp lực tài chính lớn, hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa vào thị trường xuất khẩu gạo. Quy định như vậy sẽ hạn chế sự tham gia của các doanh nghiệp nhỏ và vừa. Điều này ảnh hưởng đến tính cạnh tranh trên thị trường xuất khẩu gạo, từ đó ảnh hưởng đến thu nhập của người nông dân, tính bền vững của chuỗi giá trị lúa gạo.
Thứ ba, cơ quan soạn thảo cho rằng thương nhân thuê kho không phải đầu tư chi phí ban đầu xây dựng giúp giá thành cạnh tranh hơn các thương nhân sở hữu kho. Theo phản ánh của doanh nghiệp, nhận định này không đúng. Các thương nhân thuê kho phải chi trả tiền thuê kho – một loại chi phí kinh doanh hợp pháp, và phải tính vào cấu thành giá sản phẩm. Hơn nữa, việc giá thành của doanh nghiệp này cạnh tranh hơn doanh nghiệp khác, nếu không có yếu tố cạnh tranh không lành mạnh, là điều bình thường trong nền kinh tế thị trường mà Nhà nước không nên can thiệp.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Dự trữ tối thiểu với thương nhân mới
Điều 1.7 Dự thảo (sửa đổi Điều 12 Nghị định 107/2018/NĐ-CP) quy định thương nhân mới phải đảm bảo dự trữ tối thiểu 1.250 tấn gạo sau 45 ngày được cấp giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, và duy trì cho đến khi có thành tích xuất khẩu gạo. Quy định này cần xem xét ở các khía cạnh sau:
Thứ nhất, quy định này sẽ gia tăng đáng kể điều kiện gia nhập thị trường với các doanh nghiệp mới. Trong giai đoạn chưa ký được hợp đồng xuất khẩu, yêu cầu phải nhập và dự trữ một lượng lớn gạo sẽ khiến doanh nghiệp phải huy động vốn lớn, chịu chi phí lưu kho, bảo quản, từ đó gia tăng chi phí không cần thiết. Điều này còn chưa kể đến doanh nghiệp dễ bị động trong hoạt động thu mua lúa gạo dữ trữ do khó khăn trong việc xác định thời gian cấp giấy phép.
Thứ hai, cơ quan soạn thảo cho rằng chỉ khi thương nhân ký hợp đồng xuất khẩu mới thu mua có thể dẫn đến tình trạng cạnh tranh để mua hàng, ảnh hưởng đến giá gạo nội địa. Tuy nhiên, quy định chỉ áp dụng với thương nhân mới nên tác động đến thị trường là không đáng kể.
Thứ ba, cơ quan soạn thảo cho rằng vào thời điểm thu hoạch, thương nhân chưa tổ chức thu mua do chưa ký kết hợp đồng với đối tác, ảnh hưởng đến lợi nhuận của người nông dân. Không rõ tình trạng này tồn tại chỉ ở các thương nhân mới hay phần lớn các thương nhân xuất khẩu gạo. Nếu chỉ xuất hiện ở các thương nhân mới thì tình trạng này không đáng ngại do tỷ lệ không lớn, người nông dân vẫn có thể bán cho các thương nhân khác. Nếu xuất hiện ở phần lớn thương nhân, quy định này không giải quyết được vấn đề.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này
- Trường hợp thu hồi giấy phép xuất khẩu gạo
Điều 1.4 Dự thảo (bổ sung Điều 8.1.i) bổ sung thu hồi giấy phép trong trường hợp Bộ không nhận báo cáo về duy trì mức dự trữ lưu thông sau 45 ngày kể từ khi có văn bản đôn đốc. Việc cơ quan quản lý yêu cầu doanh nghiệp cung cấp số liệu để phục vụ việc điều hành là hoàn toàn thỏa đáng và cần thiết. Tuy nhiên, việc thu hồi giấy phép khi doanh nghiệp không báo cáo là quá nặng so với tính chất của hành vi vi phạm. Về bản chất, hành vi này là hành vi vi phạm hành chính, và do đó chỉ nên xử phạt vi phạm hành chính, trong trường hợp cần thiết có thể sử dụng mức phạt cao. Việc thu hồi giấy phép chỉ nên áp dụng với các trường hợp không đáp ứng điều kiện kinh doanh, do đó không còn đủ tư cách thực hiện kinh doanh.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo thay đổi quy định này.
Tương tự, quy định về không thực hiện điều chỉnh giấy phép khi có sự thay đổi về nội dung.
- Cấm ủy thác xuất khẩu
Điều 1.1 Nghị định 01/2025/NĐ-CP cấm doanh nghiệp chưa có giấy phép ủy thác xuất khẩu cho doanh nghiệp đã có giấy phép. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này đã làm giảm cơ hội kinh doanh của nhiều doanh nghiệp. Chẳng hạn, nhiều doanh nghiệp có năng lực sản xuất ra gạo đạt tiêu chuẩn nhưng chưa có điều kiện xin cấp giấy phép vì điều kiện kinh doanh tương đối cao. Có trường hợp, doanh nghiệp còn phải tính đến phương án “đẩy” khách hàng sang mua gạo của các thị trường lân cận có điều kiện kinh doanh xuất khẩu thông thoáng hơn như Campuchia, Thái Lan,[1] từ đó ảnh hưởng đến hoạt động xuất khẩu gạo Việt Nam. Thậm chí, nhiều doanh nghiệp có nguy cơ đóng cửa.
Trong khi đó, việc ủy thác xuất khẩu lại hoàn toàn phù hợp với Luật Thương mại và các văn bản hướng dẫn thi hành vì sản phẩm gạo không thuộc danh mục hàng hóa cấm xuất, tạm ngừng xuất khẩu.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bãi bỏ quy định này.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP về kinh doanh xuất khẩu gạo và Nghị định 01/2025/NĐ-CP sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định 107/2018/NĐ-CP. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.
[1] https://thesaigontimes.vn/bit-cua-uy-thac-doanh-nghiep-viet-tinh-ban-gao-campuchia-thai-lan/