Ý kiến của ĐBQH Nguyễn Văn Tuyết – Tỉnh Yên Bái

Thứ Sáu 14:18 10-11-2006

Kính thưa Quốc hội.

Theo gợi ý của Chủ tọa tôi xin tham gia một số ý kiến sau:

Trước hết tôi xin nhất trí với Tờ trình của Chính phủ về sự cần thiết ban hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. Tuy nhiên đối với nước ta đây là vấn đề mới  có phạm vi điều chỉnh rộng, tuyệt đại bộ phận công dân có thu nhập thấp, sử dụng tiền mặt trong xã hội còn chiếm tỷ trọng rất lớn, còn những đặc điểm khác xa với các nước. Cho nên cần có bước đi phù hợp và chúng ta sau một thời gian sẽ có tổng kết, đánh giá để điều chỉnh, bổ sung.

Về những vấn đề cụ thể, tên gọi của dự án luật, tôi nhất trí với tên gọi là Luật Thuế thu nhập cá nhân, đây cũng là sự vận dụng phù hợp với điều kiện của nước ta và cũng là giai đoạn để cho mọi công dân làm quen với vấn đề này.

Ở đây có một số đại biểu phát biểu là phạm vi điều chỉnh và từ những nội dung quy định Luật Thuế thu nhập cao thì tôi không nhất trí với loại ý kiến này. Vì thực ra như thế này, đến năm 2009, luật này có hiệu lực đi vào thực hiện, như vậy, hiện nay thuế thu nhập cao chúng ta tính ngưỡng là 5 triệu đồng, nhưng đến năm 2009 thì thu nhập ngưỡng 5 triệu có phải là cao hay không, lúc bấy giờ dân có thể bảo 10 triệu mới là thu nhập cao. Cho nên, ở đây tôi thấy một bước chúng ta gọi chung là Luật thuế thu nhập cá nhân như thế là nó hợp lý, tôi nhất trí với tên gọi theo Tờ trình của Chính phủ và Ban soạn thảo.

Về đối tượng nộp thuế, tôi thấy quy định như Dự án luật là đã đầy đủ, đối tượng kê khai và nộp thuế không phân biệt độ tuổi, cứ có thu nhập thuộc diện chịu thuế thu nhập cá nhân và trên ngưỡng tính thuế thì phải kê khai và nộp thuế.

Về đối tượng chịu thuế ở Điều 4, tôi cơ bản nhất trí và quy định 6 nhóm thu nhập thuế, đề nghị Ban soạn thảo nghiên cứu bổ sung những khoản thu nhập bất thường, ngẫu nhiên vào với thuế, như thu được từ vàng, tiền hoặc hiện vật quý vô chủ, hoặc từ thiên nhiên và giao cho Chính phủ quy định cụ thể từng nguồn thu nhập thuế và từng mức, thuế suất của từng trường hợp.

Về thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, tôi nhất trí với các ý kiến phát biểu trước tôi, loại thuế này chưa nên đưa vào diện thuế thu nhập cá nhân, các lý do phân tích thì các đồng chí trước tôi trước tôi cũng đã phân tích nhiều và chúng ta thấy tiền nhàn rỗi đầu tư phát triển chúng ta đang khuyến khích, trong khi đất nước ta cần huy động tối đa nguồn lực của xã hội để đầu tư phát triển kinh tế và kiểm soát lạm phát, nếu quy định có thể diễn ra tình trạng người có tiền gửi tiết kiệm, gửi ít hoặc đẩy mặt bằng lãi suất huy động của các tổ chức tín dụng lên cao và người có tiền gửi có thể chia nhỏ tiền gửi ra để gửi nhiều ngân hàng khác nhau, thì chúng ta không thể kiểm soát được vấn đề này.

Khi không kiểm soát được như vậy chúng ta cũng không có để thu, như vậy chúng ta đặt ra thu làm gì, như vậy nó không khuyến khích được sự phát triển và sản xuất. Trong biểu số 2, tài liệu Ban soạn thảo và Bộ Tài chính có nêu lên, tôi thấy đề nghị các đồng chí nên rà soát lại. Ở đây lý sự Ban soạn thảo muốn đưa việc này vào, nêu lên 90 nước có thu từ tiền gửi tiết kiệm. Nhưng soát lại có đến hơn 30 nước các đồng chí không đưa ra thuế suất cụ thể của các nước là bao nhiêu. Thậm chí có nước đưa ra là họ có thu thức từ tiền gửi tiết kiệm, ví dụ như Hy Lạp, bên không có thu thì cũng vẫn có Hy lạp, thì tính chính xác của thông tin này như thế nào thì đề nghị kiểm tra lại. Ở đây, nói Hy Lạp là nước thu thuế vào tiền gửi tiết kiệm thì có Hy Lạp, bên cạnh đó là các nước không thu thuế vào tiền gửi tiết kiệm cũng vẫn có Hy Lạp.

Cho nên, ở đây đề nghị Ban soạn thảo các đồng chí nên rà soát lại. Như vậy xem tính chính xác, tất nhiên tất cả những tài liệu này chúng ta chỉ để tham khảo, chứ không phải các nước làm như thế nào chúng ta làm thế, phải căn cứ vào điều kiện thực tế của đất nước chúng ta để chúng ta đưa ra cho nó phù hợp, đấy là điều hết sức quan trọng, tôi xin đề nghị như vậy.
Về thu nhập từ thừa kế và quà tặng thì cần phân định rõ trường hợp quà tặng bằng hiện vật chỉ dùng cho sinh hoạt hoặc đầu tư cho sản xuất kinh doanh, trường hợp thừa kế quà tặng là nhà ở, đất ở, nhưng thuộc diện thừa kế quà tặng, người nhận chưa có đất ở, hoặc nhà ở, số diện tích bình quân đầu người thấp hơn so với quy định thì ở đây chúng ta không nên đưa vào để thu thuế này. Chỉ có quy định khi thừa kế quà tặng là hiện vật phát sinh lợi ích kinh tế và có thu nhập như bán, thu lãi, cổ tức thì mới coi là thu nhập chịu thuế thì vấn đề này cũng cần có phân định rõ. Về đối tượng không thuộc diện chịu thuế Điều 5, tôi đề nghị bổ sung thêm thu nhập từ tiền lãi, tiền gửi tiết kiệm không thuộc diện chịu thuế vào điều này. Nếu Điều 4, chúng ta quy định không đưa vào thì ở diện không chịu thuế ở Điều 5 thì chúng ta cũng nên bổ sung cái này.
Về giảm trừ gia cảnh, Điều 19, tôi  nhất trí với quy định thu thuế thu nhập cá nhân phần vượt ngưỡng thu nhập chịu thuế, tôi nhất trí với phương án mức khởi điểm là 5 triệu, giảm trừ gia cảnh cho cá nhân, mức giảm trừ cho mỗi người phụ thuộc là 2 triệu đồng, mức khởi điểm này kế thừa này khởi điểm của Pháp lệnh thuế thu nhập cao, ở đây, theo tôi như vậy nó cũng hợp lý.

Tuy nhiên, tính ngưỡng thu nhập chịu thuế cũng như tính luật này có hiệu lực từ 1/1/2009 cần làm rõ từ nay đến năm 2009 thì thu nhập danh nghĩa tăng bao nhiêu và giá cả hàng tiêu tăng dùng bao nhiêu, để lúc đó thu nhập thực tế cao hơn hay thấp hơn năm 2006, đây là vấn đề cũng hết sức cần tính toán, Ban soạn thảo và Uỷ ban Kinh tế ngân sách có đưa ra hai mức để chúng ta thảo luận là 4 triệu và 5 triệu là ngưỡng để chịu thuế, tức là sau cái đó thì chịu thuế. Như vậy chúng ta tính toán một cách kỹ lại, biết đâu nó lại là 6 triệu thì sao, cho nên ở đây nên có tính toán rất là cụ thể về vấn đề này, để tính ngưỡng cho nó hợp lý để làm sao tiền thu nhập thực tế nó phải cao hơn năm 2006 và năm 2009 như vậy.

Ý kiến cuối cùng tôi muốn tham gia là về điều kiện thi hành Luật Thuế thu nhập cá nhân. Để luật có tính khả thi cao thì điều quan trọng nhất là Nhà nước phải có nhiều biện pháp để quản lý được nguồn thu nhập cá nhân chặt chẽ hơn và đảm bảo sự công bằng hạn chế gian lận, trốn thuế như tổ chức kiểm soát chặt chẽ việc cấp mã số thuế, mở rộng thanh toán không dùng tiền mặt trong nền kinh tế. Như hiện nay chúng ta thanh toán chủ yếu là bằng tiền mặt thì rất là khó kiểm soát về thu nhập của cá nhân. Cho nên là tôi xin có ý kiến như vậy. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan