Ý kiến của ĐBQH Vũ Ngọc Cừ – Tỉnh Lao Cai

Thứ Sáu 14:16 10-11-2006
Kính thưa Quốc hội.

Tôi xin tham gia thảo luận một số vấn đề về Luật thuế thu nhập cá nhân như sau:

Một là về tên gọi, tôi thấy với các nội dung điều chỉnh như trong dự thảo luật nên lấy tên gọi là Luật thuế thu nhập đối với người có thu nhập cao, vì nếu gọi là Luật thuế thu nhập cá nhân thì người ta có thể hiểu là bất kể một ai đã có thu nhập là phải chịu thuế thì nó không đúng với các quy định ở trong luật.

Thứ hai, về đối tượng chịu thuế. Theo ý kiến cá nhân thì tôi đề nghị không nên đưa lãi tiền gửi tiết kiệm vào đối tượng chịu thuế vì mấy lý do sau:

Thứ nhất, tiền gửi tiết kiệm không phải mục đích chủ yếu là sinh lợi, mà chủ yếu là cất giữ và dành cho mai sau.

Thứ hai, nếu chúng ta quy định lãi tiền gửi tiết kiệm phải chịu thuế thì nó giảm số lượng người gửi tiền tiết kiệm.

Thứ ba, như Tờ trình của Chính phủ người mà có khoảng 700 triệu gửi tiền tiết kiệm thì mới thuộc diện chịu thuế, như thế, ta thấy rất khó quản lý, người ta có thể chia ra làm nhiều sổ để người ta gửi, chứ không ai người ta gửi vào một sổ 700 triệu.

Vấn đề thứ tư, với mức 700 triệu mới phải chịu thuế thì số thu cũng không lớn, cho nên từ 4 lý do như trên, ý kiến cá nhân tôi đối tượng chịu thuế không nên đưa lãi tiền gửi tiết kiệm vào.
Vấn đề thứ ba, đối tượng không thuộc diện chịu thuế quy định tại Điều 5, tôi xin đề nghị thêm 2 ý kiến như sau:

Thứ nhất, đối với các khoản phụ cấp thì ngoài các khoản phụ cấp đã được nêu ở Điều 5, tôi đề nghị đưa thêm 2 khoản phụ cấp nữa, đó là phụ cấp khu vực và phụ cấp thu hút. Phụ cấp khu vực thực ra là những người công tác ở những vùng có khí hậu xấu, có điều kiện khó khăn, mới được Nhà nước quy định cho hưởng phụ cấp khu vực. Bây  giờ lại đưa phụ cấp khu vực này vào, tính chất của nó na ná như phụ cấp độc hại, nguy hiểm, lại đưa phụ cấp khu vực này vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân tôi nghĩ không hợp lý. Cũng tương tự như vậy, đối với phụ cấp thu hút, thu hút cán bộ về công tác ở những vùng sâu, vùng xa, vùng khó khăn, tạo điều kiện cho người ta về đây, bây giờ mình lại đưa cái này vào để tính thu nhập, tính thuộc diện đối tượng chịu thuế về thu nhập cá nhân, tôi nghĩ không hợp lý. Đấy là ý thứ nhất.

Ý thứ hai, về thu nhập từ các khoản thu nhập khác, tôi đề nghị nên đưa thêm việc người nông dân người ta nhận khoán bảo vệ rừng, cũng không nên đưa vào diện chịu thuế thu nhập cá nhân. Trong Dự thảo luật có quy định người trồng rừng là được miễn. Tôi nghĩ người trồng rừng thu nhập về trồng rừng cũng không đưa vào diện chịu thuế. Thế thì người nhận khoán bảo vệ rừng hiện nay chúng ta đang triển khai chương trình, có thể nói có nhiều hộ nông dân nhận khoán, bảo vệ rất nhiều. Bây giờ nếu chúng ta lại đưa, khoản này vào về mặt tính chất, cũng như trồng rừng thôi, thì tại sao lại không trừ khoản này ra. Tôi đề nghị thêm vấn đề thứ hai ở đối tượng không diện thuộc diện chịu thuế như vậy.

Ý thứ ba, về giảm trừ gia cảnh, như trong báo cáo của Uỷ ban kinh tế ngân sách nói có hai phương án, nhưng thực ra trong Tờ trình của Chính phủ trong Dự thảo luật chỉ có nêu  một phương án là 4 triệu cho cá nhân và 1,6 triệu cho đối tượng ăn theo. Chứ không có phương án thứ hai là 5 triệu và 2 triệu. Suy nghĩ cá nhân của tôi thì tôi thấy rằng nên theo phương án thứ hai, tức là miễn trừ gia cảnh ở mức cho cá nhân là 5 triệu và mức người ăn theo là 2 triệu. Nhưng tôi cũng băn khoăn một vấn đề là quy định thì như vậy, nhưng cái luật này, như ý kiến của Phó Chủ tịch vừa nêu thì chúng ta thấy dự kiến có khả năng 2009 mới có thể có hiệu lực. Vậy thì từ nay tới thời điểm đó thì mức trượt giá đi đến đâu. Bây giờ là 5 triệu, nhưng tới năm 2009 thì với mức trượt giá và giá trị thực tế của 5 triệu còn như bây giờ nữa không? Ý cuối cùng, tôi nghĩ, luật này, theo tôi nghĩ là không cần phải nghị định. Cũng như ý kiến của đồng chí Phượng ở Tây Ninh đã nêu, tức là nghị định thì Chính phủ đã chuẩn bị, nhưng cũng là 4 chương, 33 điều. Đọc kỹ tôi chỉ thấy Điều 6 là về miễn thuế, giảm thuế có khác đi một chút và Chính phủ thì thay là Bộ tài chính, cũng khác đi một chút. Còn lại lại là hoàn toàn chung cả tên chương, tên điều, số lượng chương, số lượng điều. Cho nên tôi nghĩ luật này không cần phải có nghị định nữa, mà đây là luật chi tiết và chúng ta thấy rằng khi có hiệu lực chúng ta có thể thi hành được ngay. Còn có thể có những vấn đề cụ thể thì Bộ Tài chính có thông tư hướng dẫn một cách cụ thể về cách tính thuế như thế nào đó thôi, chứ không cần thiết phải có Nghị định của Chính phủ. Tôi xin tham gia một số ý kiến như vậy, xin hết.

Các văn bản liên quan