Góp ý của Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính (VAFI)

Thứ Năm 15:21 09-11-2006

            Liên quan đến sự phát triển  thị trường tài chính, thị trường chứng khoán, Hiệp hội các nhà đầu tư tài chính Việt Nam ( VAFI ) xin góp ý về Bản Dự thảo Luật Thuế thu nhập cá nhân như sau :
 
            1. Về Thuế đối với lãi tiền gửi tiết kiệm :
                                          
            1.1. Qui định trong Dự thảo : Thu nhập chịu thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm là phần thu nhập vượt trên 5 triệu đồng một tháng ( 60 triệu đồng một năm ). Để đảm bảo thu thuế đối với thu nhập từ lãi tiền gửi tiết kiệm, biện pháp thực thi mà Ban soạn thảo đưa ra là tổ chức tín dụng mỗi khi trả tiền lãi tiết kiệm đến một mức tiền nhất định thì phải thực hiện khấu trừ tiền thuế để nộp vào ngân sách nhà nước. Cuối năm các cá nhân sẽ kê khai khoản thu nhập này, nếu số tiền khấu trừ lớn hơn số thuế phải nộp thì được hoàn lại số tiền lớn hơn .
 
            1.2. Phân tích những bất cập :
 
            - Ban đầu một số người gửi tiền thuộc diện đóng thuế sẽ  lách Luật để trốn thuế bằng cách chia tổng số tiền gửi  tiết kiệm cho nhiều người thân đứng tên như vợ, (chồng), con, cháu, bố ,mẹ ....và có thể mỗi người thân sẽ gửi tại nhiều ngân hàng khác nhau nhằm mục đích trở thành những đối tượng không thuộc diện nộp thuế. Việc không công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế làm cho nhiều đối tượng thuộc diện chịu thuế bất công và dẫn tới tình trạng phổ biến trốn thuế.
 
            - Trước tình trạng  trên, để tránh thất thu thuế thì cơ quan thuế buộc phải mở rộng diện khấu trừ thuế, có nghĩa là sẽ có hàng triệu người không thuộc diện đóng thuế nhưng buộc phải khấu trừ tiến thuế trước tại tổ chức tín dụng, và cuối năm phải mất nhiều thời gian đến cơ quan thuế để kê khai và nhận tiền hoàn thuế. Cho dù có mở rộng diện kiểm soát thuế thì những đối tượng thuộc diện nộp thuế vẫn lách được Luật để không đóng thuế hoặc giảm đáng kể nghĩa vụ phải đóng, và như vậy số tiền thu được sẽ nhỏ hơn rất nhiều số cần phải thu.
 
            - Nếu   thực hiện phương pháp tính thuế và thu thuế như trong Dự thảo thì biên chế ngành thuế sẽ phải tăng đột biến lên hàng ngàn người, phát sinh chi phí quản lý thuế khổng lỗ trong khi hàng triệu người không thuộc diện nộp thuế sẽ phải rất vất vả để làm thủ tục hoàn thuế. Phương pháp này không đảm bảo tính công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế, tạo sự bất công trong nghĩa vụ nộp thuế và sẽ đẩy người dân vào tình trạng phải nói dối.
 
            - Mức thuế phải đóng như trong Dự thảo dù có được coi là hợp lý thì sẽ không khả thi trong công tác quản lý thuế, sẽ rất phức tạp và tốn kém trong khâu thu thuế và không biết sau này số thuế cần phải thu có bù đắp nổi chi phí quản lý thuế phải bỏ ra hay không ?
 
            1.3. Đề xuất giải pháp của VAFI:
           
            - Quan điểm định hướng : Phương pháp tính thuế, quản lý thuế phải đơn giản với chi phí quản lý thuế nhỏ nhất, đồng thời phải đảm bảo nguyên tắc công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế . Thu thuế từ lãi tiền gửi tiết kiệm không làm ảnh hưởng đến việc huy động vốn của hệ thống ngân hàng, không làm tăng lãi suất huy động và mức lạm phát, đảm bảo người gửi tiền được hưởng phần lãi suất thực.
 
            - Phương pháp : Nếu mức lạm phát trên 5% thì thu 1% trên tổng số  lãi tiền gửi tiết kiệm cho tất cả đối tượng có tiền gửi tiết kiệm. Nếu mức lạm phát dưới 5%, khi đó lãi xuất thực của tiền gửi tiết kiệm tăng lên thì thu 3% trên tổng số  lãi TGTK cho mọi đối tượng. Việc thu thuế được khấu trừ ngay tại tổ chức tín dụng khi người dân lĩnh tiền lãi TK. Mọi tổ chức tín dụng sẽ đóng vai trò làm Đại lý thu thuế cho cơ quan Thuế như cách thức thu thuế đối với người có thu nhập cao tại doanh nghiệp. Với phương pháp này sẽ đảm bảo thu đúng, thu đủ ở tỷ lệ 98% trở lên và sẽ tạo được nguyên tắc công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế cho mọi đối tượng.
 
            - Với phương pháp trên thì có thể có quan điểm cho rằng như vậy với đối tượng người có thu nhập thấp, công chức về hưu...cũng phải đóng thuế và có thể là không công bằng về nghĩa vụ nộp thuế của người có thu nhập cao, những thắc mắc này cần được lý giải như sau :
 
            + Trong tình hình hiện nay và ít nhất 5 năm nữa, mức lạm phát của kinh tế VN khó có thể xuống dưới 5%, như vậy mọi đối tượng gửi tiền tiết kiệm chỉ chịu mức thuế 1% . Đây là 1 mức rất thấp không ảnh hưởng đến đời sống của những người thu nhập thấp cũng như không ảnh hưởng đến lãi xuất huy động của hệ thống ngân hàng. Ví dụ khi gửi tiết kiệm với số tiền từ 100 triệu - 500 triệu đồng, tiền lãi hàng năm nhận được khoảng từ 10 triệu - 50 triệu đồng, vậy số thuế phải đóng trong khoảng từ 100 ngàn - 500 ngàn đồng, rõ ràng đây là 1 khoản tiền rất nhỏ.
 
            + Nghiên cứu thông lệ quốc tế thì người càng có thu nhập cao thì càng phải đóng thuế nhiều. Người có thu nhập cao bị điều chỉnh bởi nhiều sắc thuế khác như đánh vào tiền lương, thu thuế từ sở hữu bất động sản, từ thu nhập chứng khoán....
 
            - Qua nghiên cứu thông lệ quốc tế, VAFI nhận thấy rằng chưa phát hiện nước nào có phương pháp tính thuế như trong Dự thảo. Phương pháp của thế giới đều quy định 1 mức thống nhất cho mọi đối tượng gửi tiền tiết kiệm, thuế xuất cao hay thấp tuỳ thuộc vào sự phát triển kinh tế của mỗi quốc gia. Phương pháp 1% mà VAFI đưa ra có mức thuế xuất thấp nhưng phù hợp với nền kinh tế VN và với phương châm “ góp gió thành bão” thì phương pháp này rõ ràng sẽ thu được rất nhiều thuế so với phương pháp như trong dự thảo, đồng thời đảm bảo tính nghiêm minh của pháp luật trong việc thực thi nghĩa vụ thuế.
 
            2.Về Thuế đối với giao dịch chuyển nhượng bất động sản:      
 
            2.1. Qui định trong Dự thảo :
 
            Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng bất động sản được xác định bằng giá chuyển nhượng bất động sản theo từng lần chuyển nhượng trừ đi giá vốn bất động sản và các chi phí có liên quan. Áp dụng thuế suất 25% trên thu nhập từ chuyển nhượng bất đọng sản. Trường hợp không xác định được thu nhập từ chuyển nhượng bất động sản thì thu nhập tính thuế được xác định bằng một tỷ lệ trên giá chuyển nhượng bất động sản do Chính phủ qui định. Dự kiến tỷ lệ này vào khoảng 8% trên giá chuyển nhượng bất động sản.
 
            2.2. Phân tích những bất cập:
 
            - Trên thực tế thì rất khó xác định được giá mua, giá bán bất động sản tại hàng vạn địa điểm mua bán và với nhiều thời điểm khác nhau. Càng khó khăn hơn khi xác định tính pháp lý đầy đủ của tập hợp chi phí mua bán và như vậy xảy ra các tình huống :
 
            + Người ta có thể khai không đúng giá mua, giá bán, từ đó tạo bất công trong kê khai tính thuế. Ngay cả với nhiều đối tượng trưng thực, khi người ta kê khai trung thực giá mua, giá bán và những chi phí mua bán thì những kê khai đó không đảm bảo tính pháp lý đầy đủ cho cơ quan thuế.
 
            + Về lý thuyết thì mức thuế suất 25% là quá cao đối với những đối tượng mua bán nhà đất không vì mục tiêu kinh doanh, mà chỉ với mục đích chuyển đổi chỗ ở hoặc cải thiện chỗ ở.
 
            + Mức thuế cao sẽ làm phát triển các giao dịch ngầm mà không phải đóng thuế.
 
            - Người ta có thể lách Luật để không phải chịu thuế suất 25%. Có khả năng sẽ không tính được thuế từ chênh lệch mua bán nhà đất và cơ quan Thuế phải chuyển sang cách tính thuế khoán ( tỷ lệ % nhân với giá chuyển nhượng nhà đất do địa phương ban hành ). Như vậy có thể phương pháp tính thuế theo chênh lệch giá mua giá bán sẽ không tồn tại trên thực tế.
 
            - Người ta có thể vẫn đầu cơ vào đất nhằm mục đích cho thuê nhà ở hoặc hưởng chênh lệch lớn khi mức thuế khoán là quá nhỏ. Nguy cơ bùng phát cơn sốt bất động sản lần thứ ba vẫn có thể xảy ra và như vậy là chính sách thuế về bất động sản là chưa đạt yêu cầu. Yêu cầu đặt ra là phải đảm bảo kiểm soát được giá đất, giá nhà để đảm bảo mục tiêu là phát triển kinh tế, phát triển đô thị và giao thông. Nếu không kiểm soát được giá nhà đất thì nguồn thu ngân sách sẽ giảm nhiều ( khi sốt bất động sản, cơ quan thuế sẽ thu được nguồn thuế tăng đột biến nhưng ngân sách nhà nuớc sẽ phải chi số tiền khổng lỗ cho việc đền bù giải phóng mặt bằng để làm đường giao thông, phát triển đô thị....)
           
            2.3. Đề xuất giải pháp của VAFI:   
 
            - Quan điểm định hướng : Cần tổng kết lại chính sách đất đai hiện hành, đánh giá sâu sắc tác động của hai cơn sốt bất động sản ở giai đoạn 1990 -1992; 1999-2002; Rõ ràng là chúng ta chưa có công cụ hữu hiệu để kiểm soát thị trường bất động sản. Chính sách về thuế chuyển nhượng bất động sản như trong Dự thảo thực ra không có gì mới, vẫn theo cách làm như cũ là áp dụng các sắc thuế khoán ( Điểm mới hơn trước là đánh thuế trên giá mua giá bán song thực tế không thể áp dụng được).
 
            - Kinh nghiệm thế giới chỉ ra rằng cần phải điều tiết nguồn vốn chảy vào thị trường bất động sản bằng sắc thuế tài sản. Không để nguồn vốn nhàn rỗi trở thành nguồn vốn đầu cơ vào thị trường bất động sản mà cần khuyến khích hướng vào thị trường tài chính, thị trường chứng khoán để bơm vốn cho sự phát triển doanh nghiệp, trong đó có cả doanh nghiệp kinh doanh bất động sản.
 
            - Cần áp dụng thuế tài sản đối với những đối tượng sở hữu nhiều đất ở mức độ hợp lý nhằm đảm bảo cho thị trường bất động sản phát triển lành mạnh, đồng thời cũng là phương thức điều tiết đối với những đối tượng có thu nhập cao. Đưa sắc thuế này vào Luật Thuế thu nhập cá nhân để làm cho những đối tượng thu nhập thấp, thu nhập trung bình, thu nhập khá cảm thấy sự công bằng trong nghĩa vụ nộp thuế cho mọi đối tượng.
 
            - Ngoài sắc thuế tài sản, chúng ta cần áp dụng chung thuế khoán cho mọi đối tượng có giao dịch chuyển nhượng bất động sản :
 
            + Đó là các sắc thuế chuyển quyền sử dụng đất, thuế chuyển nhượng nhà đất...với mức thuế suất hợp lý.
 
            + Về giá chuyển nhượng, cần rút kinh nghiệm về nhược  điểm hiện nay là vẫn căn cứ theo giá kê khai. Để đảm bảo nguyên tắc công bằng cho mọi đối tượng nộp thuế thì các địa phương cần xây dựng lại các biểu giá cho gần với giá thị trường và lấy biểu giá này làm căn cứ duy nhất để tính thuế.
 
            3. Về thuế cổ tức ( lợi tức cổ phần, lợi tức góp vốn):
 
            - Qui định trong Dự thảo : Thu nhập từ lợi tức cổ phần, từ việc góp vốn chịu thuế suất 5%.
 
            - Về bản chất thì thuế cổ tức cũng là 1 dạng của thuế thu nhập doanh nghiệp, tuy nhiên Ban soạn thảo chưa giải thích rõ lý do đưa ra sẵc thuế cổ tức và làm cho nhiều người hiểu rằng thuế thu nhập doanh nghiệp sẽ tăng lên ( trong khi Luật Thuế thu nhập doanh nghiệp mới đây đã giảm thuế thu nhập doanh nghiệp từ 32% xuống 28%) .
 
            - Kinh nghiệm quốc tế đều nói rõ rằng đưa ra Thuế cổ tức là nhằm mục đích giảm thuế thu nhập doanh nghiệp, đồng thời việc áp dụng thuế cổ tức nhằm không khuyến khích doanh nghiệp chia cổ tức bằng tiền mặt ở mức cao, Thuế cổ tức sẽ hướng doanh nghiệp chia cổ tức tiền mặt ở mức hợp lý, hướng doanh nghiệp tích luỹ lợi nhuận sau thuế để tái đầu tư mở rộng sản xuất nhằm tạo sự phát triển bền vững đối với doanh nghiệp đồng thời là biện pháp để nuôi dưỡng nguồn thu.
 
            - VAFI ủng hộ mức thuế xuất 5% trên cơ sở khi áp dụng sắc thuế này vào năm 2009 ngành Thuế cần hoàn thiện về Luật thuế thu nhập doanh nghiệp, trong đó cần đưa nhiều loại chi phí lớn như tiền thưởng, tiền quảng cáo vượt 10%, tiền thu lao hội đồng quản trị, ban kiểm soát, tiền đóng góp xã hội .... vào chi phí tính thuế.
 
            4. Về thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn ( chuyển nhượng cổ phiếu): 
 
            4.1. Qui định trong Dự thảo :
 
            - Thuế suất 25% áp dụng đối với thu nhập từ chuyển nhượng vốn, chuyển nhượng chứng khoán. Việc áp dụng mức thu này thấp hơn so với mức đang áp dụng đối với chuyển nhượng vốn của doanh nghiệp ( TS 28%). Riêng thu nhập từ chuyển nhượng chứng khoán áp dụng thuế suất 25% trên thu nhập cả năm, tạm thu theo tỷ lệ trên giá chuyển nhượng do Chính phủ qui định, quyết toán cuối năm ( dự kiến tỷ lệ này khoảng 0,1% ).
 
            - Thu nhập chịu thuế từ chuyển nhượng vốn được xác định bằng giá bán trừ đi giá mua các loại chứng khoán, giấy chứng nhận các hình thức đầu tư vốn khác và các khoản chi phí có liên quan đến việc tạo ra thu nhập từ hoạt động chuyển nhượng vốn.
 
            4.2. Phân tích bất cập:
 
            - Không thể tạo ra đầy đủ cơ sở pháp lý để xác định giá mua, giá bán, chi phí mua bán đối với những loại cổ phiếu không niêm yết trên thị trường chứng khoán. Giao dịch của những loại cổ phiếu này là giao dịch trao tay và với giấy tờ viết tay, không thông qua tổ chức trung gian nào. Nhà đầu tư có kê khai đầy đủ thì không thể làm căn cứ cho cơ quan thuế được ( cá nhân kinh doanh chứ không phải doanh nghiệp). Nếu những qui định này trở thành hiện thực thì trên thực tế cũng không áp dụng được. Cơ quan thuế địa phương không thể biết từng cá nhân đang kinh doanh loại chứng khoán gì và ở đâu. Nếu có biết thì cũng không có căn cứ pháp lý để tính thuế.
 
            - Đối với những cổ phiếu niêm yết trên thị trường chứng khoán thì thông qua công ty chứng khoán, cơ quan thuế có thể biết được giá mua giá bán chứng khoán của từng loại cá nhân, nhưng có những tồn tại sau đây không thể xác định được :
 
            + Nhiều khoản chi phí kinh doanh chứng khoán lớn không nằm trong sổ sách của công ty chứng khoán như chi phí vay vốn, chi phí mua thông tin, chi phí đi lại, chi phí tiền lương ( Kinh doanh chứng khoán đang trở thành nghề chính và nghề phụ của nhiều nhà đầu tư).
 
            + Không thể xác định được chi phí dự phòng giảm giá chứng khoán như doanh nghiệp;
 
            + Không thể tính được các khoản lỗ khi kinh doanh chứng khoán niêm yết và chưa niêm yết.
 
            + Các khoản chi phí giao dịch chứng khoán, phí lưu ký chứng khoán sẽ tăng lên hoặc sẽ phát sinh ( hiện nay nhà nước còn đang bao cấp ngân sách cho hoạt động của các Trung tâm giao dịch Chứng khoán và Trung tâm lưu ký).
 
            - Với phương pháp như trong Dự thảo đưa ra thì chỉ xác định được chênh lệch giá mua giá bán đối với chứng khoán niêm yết mà không thể xác định được chi phí mua bán, không thể bao hàm các giao dịch lỗ. Ngay cả khi giá bán lớn hơn giá mua từ 10%- 30% thì chưa chắc giao dịch này có lời ( không tính các giao dịch chứng khoán khác) vì chi phí rất cao ( lãi vay ngân hàng phải trả, vay càng dầi thì lãi vay càng lớn).
 
            - Từ sự phân tích trên thì phương pháp tính như trong Dự thảo là không khả thi, là không phù hợp với thông lệ quốc tế. Nếu áp dụng như trong Dự thảo thì nhà đầu tư cá nhân phải chịu mức thuế từ 40% cho đến mức lỗ cũng phải đóng thuế ( Ví dụ trong năm 1 nhà đầu tư cá nhân tiến hành 10 giao dịch, có 2 giao dịch có lãi , còn lại lỗ, nếu số lãi không bù đắp số lỗ thì nhà đầu tư vẫn phải đóng thuế).
 
            4.3. Đề xuất của VAFI:
 
            - Những nền kinh tế tiên tiến trên thế giới như Anh, Mỹ, Úc....họ có áp dụng thuế Capital gain tax áp dụng cho những giao dịch chuyển nhượng chứng khoán. Những nước này đã thiết lập được thanh toán qua ngân hàng là chủ yếu, đồng thời thị trường chứng khoán , thị trường giao dịch cổ phiếu chưa niêm yết đã phát triển lâu đời, Qua các định chế ngân hàng tài chính cùng với công nghệ thông tin phát triẻn họ có thể kiểm soát được những giao dịch kinh doanh cá nhân như giao dịch bất động sản, chứng khoán, các khoản thu nhập khác....Việc áp dụng thuế thu nhập cá nhân đòi hỏi  công dân phải có báo cáo thuế hàng năm ( gần như 1 báo cáo tài chính doanh nghiệp), trên cơ sở đó họ tính toán được các khoản chi phí lớn ( nhưng không phải tuyệt đối) và hàng năm họ có thể tính được ở mức tương đối Capital gain tax. Vì Thuế chứng khoán là 1 đặc thù và không thể bao hàm hết các mức chi phí nên không thể ở mức như các doanh nghiệp được. Thông thường Capital Gain Tax chỉ được thiết kế phổ biến ở mức từ 3% - 15%- Tuỳ thuộc vào sự phát triển của nền kinh tế.
 
            - Từ trước tới nay Hồng Kong, Singapore không áp dụng thuế chuyển nhượng chứng khoán và Hồng kong, Singapore đã trở thành trung tâm tài chính lớn nhất của Châu Á ( Ban soạn thảo nên đi khảo sát Hồng kong, Singapore).
 
            - Trước khủng hoàng tài chính Châu Á , Thái Lan có áp dụng Capital gain tax ở mức 5%, Indonexia áp dụng thuế khoán 0.1%, sau khủng hoảng cho đến nay thì không áp dụng và TTCK của Thái lan, Indonexia phục hồi và phát triển mạnh mẽ hơn trước mặc dù còn gặp bất ổn về chính trị.
 
            - Có thành viên trong Ban soạn thảo đã nhận ra được những bất cập nêu trên và có quan điểm là áp dụng thuế khoán cho mọi cá nhân ở mức thuế suất 0,1% trên giá trị chuyển nhượng. Tuy nhiên phương pháp thuế khoán này cũng không khả thi vì :
 
            + Không thể xác định được giá chuyển nhượng của cổ phiếu chưa niêm yết nên không có cơ sở tính thuế;
 
            + Những giao dịch lỗ của chứng khoán niêm yết cũng phải chịu thuế;
 
            + Mức thuế khoán 0,1% đối với giao dịch cổ phiếu niêm yết là rất cao đối với những cá nhân chuyên kinh doanh mua đi bán lại chứng khoán hàng ngày. Kinh nghiệm phát triển của TTCK các nước cho thấy, việc mua đi bán lại chứng khoán hàng ngày đóng vai trò rất quan trọng cho sự phát triển TTCK, nó tạo lên tính sôi động và thanh khoản của thị trường chứng khoán , làm tăng khối lượng giao dịch hàng ngày và từ đó giúp cho doanh nghiệp có nhiều điều kiện huy động vốn với giá rẻ. Nếu áp thuế khoán, TTCK sẽ trở nên buồn tẻ, trầm lắng, không sôi động và tất yếu cổ phiếu sẽ kém thanh khoản,, doanh nghiệp sẽ không gặp thuận lợi khi huy động vốn.
 
            - Tất cả các nước trên thế giới đều coi kinh doanh chứng khoán là đầy rủi ro và  mạo hiểm, tuy nhiên nguồn vốn rủi ro này được bơm vào doanh nghiệp sẽ làm gia tăng các nguồn thuế cho ngân sách quốc gia. Có thể nói đầu tư chứng khoán là 1 phương tiện vô hình để gia tăng nguồn thuế cho nhà nước, cho nên chính sách thuế với đầu tư chứng khoán phải được coi là đặc thù.
 
            - TTCK của ta hiện nhỏ nhất trên thế giới, với chỉ có trên 100.000 người chơi chứng khoán, nếu so với các nước trong khu vực , tỷ lệ dân số chơi chứng khoán chiếm từ 5%-60%, vì vậy nhà nước cần có nhiều chính sách hợp lý để gia tăng số người chơi chứng khoán.
 
            - Từ sự phân tích trên, VAFI đề nghị không áp dụng phương pháp tính thuế đối với các giao dịch chuyển nhượng chứng khoán như qui định trong Dự thảo. Chỉ áp dụng phương pháp Capital Gain Tax ( như các nước phát triển ) khi TTCK nước ta phát triển và khi hướng được nền kinh tế ít dùng tiền mặt, mọi giao dịch của cá nhân phải qua hệ thống ngân hàng. Khi TTCKVN phát triển ở giai đoạn có 2 triệu người đầu tư chứng khoán thì sẽ xem xét điều chỉnh tăng thuế cổ túc lên ở mức hợp lý phù hợp với hoàn cảnh thực tiễn.
 
            Trên đây là góp ý của VAFI, kính mong các cơ quan hữu quan xem xét..
 
            Xin chân thành cảm ơn./.

Các văn bản liên quan