Ý kiến của ĐBQH Triệu Thị Bình – Tỉnh Yên Bái

Thứ Sáu 09:42 10-11-2006
Kính thưa Chủ toạ kỳ họp

Kính thưa Quốc hội

Qua nghiên cứu Tờ trình và Báo cáo thẩm tra về dự án Luật phòng, chống bạo lực gia đình. Tôi xin tham gia một số ý kiến theo sự gợi ý của Đoàn thư ký kỳ họp, trước hết tôi nhất trí với sự cần thiết phải ban hành Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình. Việc ban hành Luật này sẽ góp phần quan trọng vào việc nâng cao nhận thức trách nhiệm cũng như thái độ ứng xử của mỗi cá nhân, mỗi gia đình trong cộng đồng dân cư và cơ quan Nhà nước, tổ chức xã hội góp phần bảo vệ hạnh phúc, sự phát triển lành mạnh của mỗi gia đình.

Về tên gọi của Luật, tôi nhất trí với tên gọi là Luật phòng, chống bạo lực trong gia đình. Tên gọi như vậy tôi thấy đơn giản và dễ hiểu.

Về tính khả thi của một số điều Luật tôi thấy còn băn khoăn. Ví dụ như có một số điều quy định mới như các hành vi bạo lực trong gia đình, các biện pháp liên quan như việc cấm tiếp xúc với nạn nhân giáo dục tại cộng đồng, các nguồn lực đảm bảo cho việc thực hiện cả về tài chính, địa chỉ tin cậy sự chăm sóc của cộng đồng v.v... Tôi thấy như vậy cái được xây dựng chưa xuất phát từ tình hình, điều kiện kinh tế - xã hội, cũng như phong tục, tập quán, tâm lý của người Việt Nam chúng ta. Cho nên tôi thấy tính khả thi không cao, thậm chí quy định như vậy lại làm tăng thêm mâu thuẫn gia đình, không có tác dụng cho việc hàn gắn mối quan hệ giữa các thành viên trong gia đình.

Ở Điều 18, quy định cấm người có hành vi bạo lực gia đình tiếp xúc với nạn nhân bạo lực gia đình, theo quyết định của Chủ tịch Uỷ ban nhân dân cấp xã. Theo tôi, nên bỏ điều này, vì nó sẽ không có tính khả thi khi luật có hiệu lực.

Về đối tượng áp dụng, quy định ở Điều 1, Điều 41 và Điều 42. Tôi tán thành với đối tượng áp dụng được quy định như trong dự thảo luật, quy định như vậy, sẽ không bỏ lọt được đối tượng. Trên thực tế, chúng ta còn thấy với nhiều lý do khác nhau, cũng còn nhiều nam, nữ không đăng ký kết hôn, hoặc không tổ chức cưới, nhưng vẫn sống chung với nhau như vợ chồng, tình trạng này còn khá phổ biến ở những vùng có điều kiện kinh tế - xã hội khó khăn, ở những vùng miền núi, vùng sâu, vùng xa, hoặc ở những vùng đồng bào dân tộc ít người. Cũng có những trường hợp tuy đã lý hôn, song vẫn sống chung với nhau như vợ chồng mà không đăng ký kết hôn lại. Tất nhiên việc quy định này nó chỉ là vấn đề áp dụng luật, chứ không có nghĩa là Nhà nước chúng ta thừa nhận tình trạng hôn nhân này.

Về hành vi bạo lực trong gia đình ở Điều 3. Tôi cũng cơ bản nhất trí với việc quy định cụ thể các hành vi bạo lực trong gia đình tại điều này. Quy định như vậy nó bảo đảm được tính minh bạch, thuận tiện khi áp dụng, nhất là đối với công tác tuyên truyền, giáo dục và xử lý người có hành vi bạo lực gia đình. Xu hướng chung hiện nay chúng ta cũng muốn xây dựng những điều luật cụ thể để giảm bớt những nghị định hướng dẫn của Chính phủ.

Tại Điều 3, Khoản 5 quy định về hành vi cưỡng bức quan hệ tình dục và có hành vi khác xâm phạm đến đời sống tình dục. Khoản này tôi đề nghị bỏ, vì hành vi này trên thực tế có xảy ra, nhưng nó lại được coi là chuyện riêng và là điều tế nhị trong mỗi gia đình. Do đó tổ chức và người có trách nhiệm cũng không thể biết được để xem xét, xử lý. Hơn nữa, cũng rất khó thu thập chứng cứ để xác định 1 người có hành vi bạo lực tình dục trong gia đình. Cho nên tôi đề nghị bỏ khoản này.

Về cơ sở hỗ trợ nạn nhân của bạo lực gia đình, cơ sở tư vấn phòng, chống bạo lực gia đình ở Điều 26. Theo tôi cần làm rõ ngay trong luật về địa vị pháp lý cũng như phạm vi, hình thức tổ chức, nội dung hoạt động, quyền và nghĩa vụ của các cơ quan này. Luật cần quy định luôn tổ chức, cá nhân nào với điều kiện nào thì được thành lập cơ sở hỗ trợ, cơ sở tư vấn. Cũng cần cân nhắc kỹ quy định Nhà nước khuyến khích và tạo điều kiện cho các tổ chức tôn giáo tham gia thành lập các cơ sở này. Bên cạnh đó làm rõ cơ sở nào thì Nhà nước hỗ trợ kinh phí, cơ sở nào thì không được hỗ trợ từ ngân sách Nhà nước để đảm bảo tính công khai, minh bạch trong tổ chức thực hiện.Ý kiến cuối cùng, về cơ quan quản lý Nhà nước về phòng, chống bạo lực gia đình. Tôi đề nghị quy định cụ thể trong luật về cơ quan giúp Chính phủ thực hiện quản lý Nhà nước về lĩnh vực này đó là Ủy ban dân số gia đình và trẻ em. Xin hết.

Các văn bản liên quan