VCCI_Công văn số 0690/LĐTM-PC ngày 14/5/2025 về việc góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 1 mục II Phụ lục XII của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn

Thứ Tư 10:44 14-05-2025

Kính gửi: Bộ Nông nghiệp và Môi trường

Trả lời Công văn số 1322/BNNMT-CNTY của Bộ Nông nghiệp và Môi trường về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 1 mục II Phụ lục XII của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có một số ý kiến ban đầu như sau:

Một trong những mục tiêu của Dự thảo là sửa đổi các quy định nhằm tạo điều kiện thuận lợi, giảm chi phí thực hiện thủ tục hành chính cho tổ chức, cá nhân. Về cơ bản, Dự thảo đã sửa đổi các quy định theo hướng cắt giảm chi phí cho doanh nghiệp. Tuy vậy, để đạt được mục tiêu vừa tạo thuận lợi cho doanh nghiệp vừa đảm bảo phòng chống dịch bệnh, vệ sinh an toàn thực phẩm, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Về việc lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm đối với nhóm động vật có nguy cơ cao (Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 1.a mục II Phụ lục XII Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT)

Dự thảo đã có sự điều chỉnh đối với việc lấy mẫu đối với chỉ tiêu Salmonella, E.coli theo đó:

– Lấy mẫu 03 lô hàng liên tiếp (của cùng một chủ hàng và cùng một quốc gia, vùng lãnh thổ) để kiểm tra, xét nghiệm. Nếu kết quả đạt, cứ 03 lô hàng tiếp theo chỉ lấy mẫu của 01 lô hàng ngẫu nhiên để kiểm tra xét nghiệm. Trường hợp phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu thì áp dụng lấy mẫu của 03 lô hàng liên tiếp tiếp theo để kiểm tra, xét nghiệm.

– Cơ quan kiểm dịch động vật cửa khẩu lấy mẫu tại cửa khẩu, kiểm tra thực trạng hàng hóa, cấp Giấy chứng nhận vận chuyển để chủ hàng vận chuyển về kho theo đề nghị của chủ hàng (kho phải đủ điều kiện để bảo quản hàng hóa)

– Trường hợp hàng hóa là sản phẩm động vật không thể lấy mẫu tại cửa khẩu thì cơ quan kiểm dịch cửa khẩu thực hiện lấy mẫu kiểm dịch tại kho bảo quản.

Quy định trên cần được làm rõ ở các điểm sau:

– Về kho bảo quản của chủ hàng: so với quy định hiện hành, Dự thảo đã sửa đổi từ “kho phải đủ điều kiện vệ sinh thú y” thành “kho phải đủ điều kiện để bảo quản hàng hóa”. Quy định tại Dự thảo đang chưa rõ như thế nào được cho là đủ điều kiện để bảo quản hàng hóa? Quy định tại văn bản nào? Việc thiếu rõ ràng trong quy định có thể khiến cho chủ hàng chịu rủi ro pháp lý bởi sự thiếu thống nhất trong cách hiểu giữa chủ hàng và cơ quan thực thi. Đề nghị quy định rõ hơn về kho bảo quản hoặc dẫn chiếu tới văn bản quy định về vấn đề này.

– Trường hợp phát hiện lô hàng không đạt yêu cầu, thì áp dụng lấy mẫu 03 lô hàng liên tiếp tiếp theo. Quy định này chưa rõ về 03 lô hàng liên tiếp tiếp theo có cùng chủ hàng và cùng một quốc gia, vùng lãnh thổ không? Đề nghị quy định rõ về vấn đề này.

– Quy định “trường hợp hàng hóa là sản phẩm động vật không thể lấy mẫu tại cửa khẩu” chưa rõ việc “không thể lấy mẫu” là do cơ quan quản lý hay do doanh nghiệp? Trường hợp nào được cho là không thể lấy mẫu tại cửa khẩu? Trong trường hợp, lấy mẫu tại kho bảo quản có thể đảm bảo được điều kiện kiểm tra, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc cho phép việc lấy mẫu tại kho bảo quản của doanh nghiệp cho tất cả các trường hợp để tạo thuận lợi cho doanh nghiệp.

  1. Về việc lấy mẫu để kiểm tra, xét nghiệm đối với nhóm động vật có nguy cơ thấp (Điều 1 Dự thảo sửa đổi khoản 1.b mục II Phụ lục XII Thông tư 25/2016/TT-BNNPTNT)

So với quy định hiện hành, Dự thảo đã có điều chỉnh đối với tính chất của lô hàng được lấy mẫu.

Các thông tư hiện hành quy định “cứ 05 lô hàng lấy mẫu của 01 lô hàng ngẫu nhiên để kiểm tra, xét nghiệm”. Dự thảo đề xuất sửa đổi “cứ 05 lô hàng liên tiếp (của cùng một chủ hàng và cùng một quốc gia, vùng lãnh thổ) lấy mẫu của 01 lô hàng ngẫu nhiên để kiểm tra, xét nghiệm”.

Theo quy định hiện hành, 05 lô hàng có thể đến từ các quốc gia, vùng lãnh thổ khác nhau và chỉ cần lấy mẫu 01 lô hàng ngẫu nhiên. Trong khi quy định tại Dự thảo lại phân loại lô hàng theo quốc gia, vùng lãnh thổ và trong 05 lô hàng liên tiếp cùng của quốc gia, vùng lãnh thổ mới lấy 01 lô hàng ngẫu nhiên. Như vậy, so với quy định hiện hành, quy định tại Dự thảo sẽ làm cho gia tăng số mẫu được lấy. Điều này là gia tăng chi phí cho doanh nghiệp, trong khi đây lại là nhóm có nguy cơ thấp. Điều này là đi ngược lại mục tiêu khi xây dựng quy định này. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc giữ nguyên như quy định hiện hành đối với nhóm sản phẩm động vật có nguy cơ thấp.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Thông tư sửa đổi, bổ sung khoản 1 mục II Phụ lục XII của Thông tư số 25/2016/TT-BNNPTNT quy định về kiểm dịch động vật, sản phẩm động vật trên cạn. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.