VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng

Thứ Hai 16:02 21-04-2025

Kính gửi:  Bộ Tài chính

Trả lời Công văn số 2478/BTC-CST ngày 28/02/2025 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến ban đầu như sau:

  1. Thuế GTGT với tài nguyên, khoáng sản xuất khẩu

Điều 3.23 Dự thảo quy định sản phẩm xuất khẩu là tài nguyên, khoáng sản (TNKS) khai thác chưa chế biến là đối tượng không chịu thuế GTGT. Danh mục các sản phẩm này được quy định tại Phụ lục I Dự thảo. Theo phản ánh của doanh nghiệp, cách thiết kế quy định hiện tại là chưa phù hợp. Danh mục xây dựng theo phương pháp liệt kê mã HS, trong đó một mã HS bao gồm tất cả sản phẩm trong mã đó, mà không phân biệt sản phẩm TNKS thô hay đã chế biến sâu. Quy định như vậy cần cân nhắc ở các vấn đề sau:

– Tăng chi phí kinh doanh cho doanh nghiệp: doanh nghiệp phải ghi nhận toàn bộ thuế GTGT đầu vào thành chi phí kinh doanh, từ đó giảm sức cạnh tranh của sản phẩm xuất khẩu trên thị trường quốc tế, ảnh hưởng đến tình hình kinh doanh và lợi nhuận của doanh nghiệp.

– Ảnh hưởng đến ngành công nghiệp chế biến khoáng sản: doanh nghiệp càng đầu tư nhiều vào chế biến sâu, càng cần công nghệ, máy móc, tài sản cố định thì lượng chi phí thuế GTGT sẽ tăng lên và trở thành rào cản phát triển với doanh nghiệp nói riêng và ngành chế biến TNKS nói chung.

– Không phù hợp với mục tiêu khuyến khích chế biến sâu, thay vào đó lại thúc đẩy xu hướng giảm chế biến sâu, chuyển sang bán nội địa: quy mô các ngành công nghiệp của Việt Nam có thể sử dụng sản phẩm tinh chế cao còn ở mức độ hạn chế nên nhiều sản phẩm chế biến sâu phải tìm đến thị trường xuất khẩu. Sản phẩm xuất khẩu của Việt Nam vốn đã chịu bất lợi về giá thành so với sản phẩm các nước khác, như thuế xuất khẩu cao hơn, nay chịu thêm chi phí thuế GTGT thì sẽ làm tăng giá thành, giảm khả năng cạnh tranh. Trong khi, các sản phẩm tinh chế thấp tiêu thụ trong nước không gặp bất lợi về thuế GTGT (các doanh nghiệp áp dụng thuế GTGT đầu ra 10%, bù trừ thuế GTGT đầu vào với thuế GTGT đầu ra, không phải ghi nhận thuế GTGT vào chi phí). Từ đó, tạo ra sự bất bình đẳng giữa các doanh nghiệp, thúc đẩy doanh nghiệp sản xuất sản phẩm tinh chế thấp hơn để có lợi về mặt thuế.

– Không phù hợp với mục tiêu chính sách ban đầu: quy định này nhằm hạn chế doanh nghiệp xuất khẩu tài nguyên, khoáng sản thô, khuyến khích chế biến sâu trước khi xuất khẩu.

Do vậy, để đảm bảo mục tiêu chính sách, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các nguyên tắc sau:

(1) Không áp dụng với các sản phẩm khác hoặc sản phẩm công nghiệp được xác nhận bởi các cơ quan có thẩm quyền: việc xác nhận của cơ quan có thẩm quyền thể hiện sản phẩm đã trải qua chế biến bằng công nghệ hiện tại để gia tăng giá trị trước khi xuất khẩu với các tiêu chí như chế biên trong dây chuyền sản xuất khép kín ở quy mô công nghiệp; có tính chất lý hoá khác biệt; có giá trị, công năng sử dụng khác.

(2) Không áp dụng với sản phẩm không chịu thuế xuất khẩu theo Phụ lục I Nghị định 26/2023/NĐ-CP: Danh mục tại Dự thảo xây dựng dựa trên cơ sở Phụ lục I Nghị định 26/2023/NĐ-CP về thuế suất thuế xuất khẩu. Trong trường hợp sản phẩm không chịu thuế xuất khẩu (tức không thuộc diện hạn chế, không khuyến khích xuất khẩu), sản phẩm này cũng nên được hưởng chính sách thuế GTGT thông thường.

  1. Thuế suất với dịch vụ xuất khẩu

Điều 6.1.c Dự thảo quy định về thuế suất với dịch vụ xuất khẩu. Tuy nhiên, theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định chưa bao gồm dịch vụ tìm nguồn hàng xuất khẩu cung cấp cho bên nước ngoài. Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung dịch vụ này với các lý do sau:

– Dịch vụ này đủ điều kiện đưa vào danh mục áp dụng thuế GTGT 0%: dịch vụ tìm nguồn hàng xuất khẩu về bản chất là một dịch vụ xuyên biên giới. Trong đó, người sử dụng dịch vụ là thương nhân nước ngoài. Việc tiêu dùng và thanh toán chi phí thực hiện cũng ở nước ngoài. Ví dụ, khi một công ty có trụ sở tại Hoa Kỳ sử dụng dịch vụ tìm nguồn hàng xuất khẩu của một đơn vị ở Việt Nam, thì nơi mà dịch vụ được tiêu dùng và phát sinh lợi ích là tại Hoa Kỳ.

– Dịch vụ này đóng vai trò đặc biệt quan trọng trong việc thúc đẩy xuất khẩu, với vai trò nhằm xúc tiến hoạt động thu mua hàng hóa nguyên liệu để xuất khẩu, giúp doanh nghiệp Việt Nam xuất khẩu hàng hóa ra thế giới.

– Kinh nghiệm các quốc gia khác trong khu vực như Indonesia, Malaysia, và Thái Lan đều  áp dụng thuế suất GTGT 0%

Theo phản ánh của doanh nghiệp, nếu tiếp tục quy định như hiện tại sẽ khiến doanh nghiệp nước ngoài sử dụng dịch vụ này bị đánh thuế hai lần, làm gia tăng chi phí hoạt động kinh doanh tại Việt Nam và giảm động lực mở rộng đầu tư kinh doanh vào thị trường này.

  1. Thuế suất với hàng hoá xuất khẩu vào khu phi thuế quan

Điều 6.1.a Dự thảo quy định việc điều kiện áp dụng thuế suất với hàng hoá xuất khẩu vào khu phi thuế quan. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là chưa rõ ràng và tạo ra nhiều rủi ro cho doanh nghiệp. Cụ thể, quy định định nghĩa hàng hoá xuất khẩu là hàng hoá phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu. Về bản chất, tất cả hàng hoá sử dụng tại doanh nghiệp chế xuất có 100% sản phẩm xuất khẩu đều phục vụ trực tiếp cho sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, được tính là chi phí chi phí hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như cấu thành nên giá của sản phẩm xuất khẩu. Tuy nhiên, quy định như Dự thảo không rõ làm cách nào có thể chứng minh nội dung “phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu”. Thực tế, doanh nghiệp đã phản ánh có tình trạng không thể thực hiện thủ tục hoàn thuế với các hợp đồng này, dẫn đến thiệt hại kinh tế cho doanh nghiệp.

Điều 6.2 Dự thảo đã quy định các thành phần hồ sơ, trong đó yêu cầu có (i) hợp đồng; (ii) chứng từ thanh toán; (iii) tờ khai hải quan. Các thành phần hồ sơ này đã chứng minh hàng hoá, dịch vụ thực tế đã được cung cấp và tiêu dùng trong khu phi thuế quan, và do đó đã chứng minh rằng hàng hoá phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu.

Do vậy, để tạo môi trường kinh doanh thuận lợi, an toàn cho doanh nghiệp, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định theo hướng việc đáp ứng các thành phần hồ sơ tại Điều 6.2 được coi là hàng hoá trực tiếp phục vụ cho hoạt động sản xuất xuất khẩu tại Điều 6.1.

  1. Thuế suất với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu vào khu phi thuế quan

Điều 6.1.b Dự thảo quy định về việc áp dụng mức thuế suất 0% đối với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu như dịch vụ cung cấp trực tiếp cho tổ chức ở khu phi thuế quan và được tiêu dùng trong khu phi thuế quan phục vụ trực tiếp cho hoạt động sản xuất xuất khẩu. Theo phản ánh của doanh nghiệp chế xuất, quy định này chưa bao gồm nhiều loại dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp sản xuất sản phẩm xuất khẩu, cụ thể như sau:

– Trong quá trình sản xuất, tất cả hàng hoá, dịch vụ được sử dụng tại doanh nghiệp chế xuất có 100% sản phẩm xuất khẩu đều phục vụ trực tiếp cho sản xuất, gia công hàng xuất khẩu, được tính là chi phí chi phí hợp lệ khi tính thuế thu nhập doanh nghiệp cũng như cấu thành nên giá của sản phẩm xuất khẩu. Các dịch vụ này bao gồm dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, sửa chữa máy móc, thiết bị, khuôn mẫu, bảo trì phần mềm, dịch vụ về đại lý hải quan, kiểm toán, tư vấn, đào tạo, tuyển dụng… Đây đều là những dịch vụ thiết yếu và cơ bản để đảm bảo quy trình sản xuất, vận hành được diễn ra.

– Theo thông lệ quốc tế về áp dụng thuế giá trị gia tăng, mặc dù các nước không có cơ chế riêng cho doanh nghiệp chế xuất nhưng các chi phí của hàng hóa, dịch vụ cấu thành nên giá thành của sản phẩm đều được doanh nghiệp tự kê khai trên phần mềm và được khấu trừ thuế GTGT. Một số quốc gia Đông Nam Á như Thái Lan hoặc Philippines không áp dụng thuế GTGT đối với hàng hóa, dịch vụ cung cấp cho các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan hoặc nếu áp dụng thì sẽ được hoàn lại. Cụ thể, Thái Lan áp dụng thuế suất 7% đối với các dịch vụ xuất khẩu cung cấp cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan như sửa chữa máy móc, thiết bị, đồ dùng; bảo trì, bảo dưỡng thiết bị, máy móc, dịch vụ vệ sinh, bảo vệ, bảo hiểm, dịch vụ đào tạo, dịch vụ thuê kho. Tuy nhiên, khoản thuế này sẽ được hoàn lại cho doanh nghiệp. Một số dịch vụ khác thì áp dụng thuế suất 0% hoặc miễn trừ như chi phí chuyển phát bưu chính, xe đưa đón công nhân viên, dịch vụ vân tải hàng hóa, linh kiện từ các nhà cung cấp tới các doanh nghiệp trong khu phi thuế quan hoặc ngược lại. Philippines áp dụng thuế suất 0% với hầu hết các dịch vụ cung cấp cho doanh nghiệp trong khu phi thuế quan. Chỉ 1 số dịch vụ như vệ sinh, bảo vệ sẽ chịu mức thuế 12%, tuy nhiên mức này chỉ áp dụng trên 2% chi phí quản lý của công ty dịch vụ, còn 98% còn lại tương đương chi phí chi trả lương, phúc lợi lao động vẫn được áp dụng thuế suất 0%.

Để tạo điều kiện thuận lợi cho quá trình sản xuất hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các dịch vụ sau vào diện được áp dụng thuế suất 0%: dịch vụ vệ sinh, dịch vụ bảo vệ, dịch vụ sửa chữa máy móc, thiết bị, khuôn mẫu, dịch vụ bảo trì phần mềm, dịch vụ đại lý hải quan, dịch vụ kiểm toán, tư vấn, dịch vụ đào tạo, dịch vụ tuyển dụng công nhân viên, dịch vụ thuê máy móc, thiết bị, dịch vụ bảo hiểm…

  1. Điều kiện của cơ sở kinh doanh dịch vụ xuất khẩu

Điều 6.1 Dự thảo quy định cơ sở kinh doanh dịch vụ xuất khẩu phải có tài liệu chứng minh dịch vụ thực hiện ở ngoài Việt Nam. Quy định này cần xem xét ở các điểm sau:

– Quy định này không phù hợp với Luật GTGT. Luật Thuế GTGT chỉ yêu cầu về (i) đối tượng thực hiện ở ngoài Việt Nam; (ii) tiêu dùng ngoài Việt Nam mà không có yêu cầu về điều kiện thực hiện dịch vụ như tại Dự thảo.

– Quy định này là không hợp lý. Theo xu hướng chuỗi cung ứng toàn cầu, các tập đoàn lập trung tâm dịch vụ chuyên nghiệp tại một quốc gia để phục vụ hoạt động nội bộ tại các quốc gia khác. Quy định như vậy sẽ khiến chi phí đặt trụ sở tại Việt Nam tăng cao, làm mất lợi thế cạnh tranh và từ đó khiến doanh nghiệp chuyển trụ sở dịch vụ sang nước khác.

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Thuế GTGT với sản phẩm nông nghiệp

Điều 3.1 Dự thảo quy định sản phẩm nông nghiệp chưa chế biến hoặc sơ chế chỉ thuộc đối tượng không chịu thuế GTGT. Quy định này chưa rõ ở điểm một số sản phẩm có hình thức bảo quản khác có thuộc phạm vi này không, cụ thể (i) đóng gói chân không, bảo quản trong khí trơ; (ii) chiếu xạ, tiệt trùng, xử lý nhiệt độ thấp để bảo quản; (iii) bảo quản bằng phương pháp sinh học, không thay đổi bản chất sản phẩm. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các hình thức này.

  1. Giá tính thuế GTGT với hàng khuyến mại

Điều 4.3.b Dự thảo quy định về giá tính thuế với hàng hoá khuyến mại. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng về cách tính giá trị hàng hoá khuyến mại đi kèm sản phẩm chính, nếu giá trị hàng tặng kèm được xác định riêng trên hoá đơn (chẳng hạn mua 1 tặng 1 sản phẩm khác). Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định làm rõ nội dung này theo hướng cho phép tính thuế GTGT với hàng hoá tặng kèm nếu có giá trị riêng.

  1. Giá tính thuế bất động sản

Điều 4.8 Dự thảo quy định giá tính thuế với quyền sử dụng đất là tiền sử dụng đất, tiền thuê đất đã nộp ngân sách nhà nước. Tuy nhiên, quy định này chưa rõ ràng ở điểm trong trường hợp chuyển nhượng từng phần dự án, giá tính thuế GTGT được xác định như thế nào? Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung hướng dẫn về cách tính giá đất với dự án chia nhỏ thành nhiều giai đoạn.

  1. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào với chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt

Điều 10.2 Dự thảo quy định điều kiện được khấu trừ thuế GTGT đầu vào là “phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt đối với hàng hoá, dịch vụ mua vào (bao gồm cả hàng hoá nhập khẩu) từ 05 triệu đồng trở lên đã bao gồm thuế giá trị gia tăng”. Quy định này gây khó khăn cho doanh nghiệp đặc biệt đối với các giao dịch mua bán nhỏ lẻ hoặc tiền thưởng, tiền hỗ trợ trực tiếp cho người lao động.

Theo đó, các doanh nghiệp thường có chế độ ưu đãi, phúc lợi cho người lao động như hỗ trợ chi phí ăn uống, đi lại, chi phí công tác. Trong các trường hợp này, người lao động sẽ ứng trước tiền mặt để thanh toán hoặc thanh toán trước và chuyển lại hoá đơn chứng từ về cho doanh nghiệp để thanh toán sau cho người lao động. Doanh nghiệp cũng thực hiện thưởng những khoản tiền mặt khích lệ cho nhóm người lao động khi đạt hiệu quả công việc tốt, người lao động sẽ tự phân chia khoản tiền thưởng này. Vì vậy, việc đảm bảo các giao dịch trên 05 triệu đồng đều có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt là không khả thi.

Bên cạnh đó, quy định hiện hành đặt ra mức 20 triệu đồng trở lên phải có chứng từ thanh toán không bằng tiền mặt cho các hàng hoá, dịch vụ mua vào. Theo phản ánh, doanh nghiệp không phát sinh nhiều khó khăn, vướng mắc khi áp dụng quy định trên. Vì vậy, để tạo điều kiện thuận lợi cho doanh nghiệp khi thực hiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào, đề nghị cơ quan soạn thảo giữ nguyên quy định ngưỡng thanh toán không dùng tiền mặt là trên 20 triệu đồng.

  1. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào với trường hợp thanh toán bù trừ

Điều 10.2.b1 Dự thảo quy định về khấu trừ thuế GTGT trong trường hợp thanh toán bù trừ, theo đó đối với trường hợp bù trừ công nợ qua bên thứ ba phải có biên bản bù trừ công nợ của ba (3) bên làm căn cứ khấu trừ thuế. Quy định cần xem xét ở các điểm sau:

– Không có định nghĩa rõ ràng về cụm từ “công nợ”. Pháp luật kế toán chỉ có định nghĩa về “khoản phải thu” và “khoản phải trả” trên báo cáo tài chính. Việc thể hiện khái niệm không có trong quy định có thể gây ra cách hiểu khác nhau giữa cơ quan thuế và người nộp thuế;

– Yêu cầu biên bản 3 bên là chưa phù hợp. Mục 5 Chương XV Bộ luật Dân sự quy định về chuyển giao quyền yêu cầu thực hiện nghĩa vụ và chuyển giao nghĩa vụ trong hợp đồng. Theo đó không phải tất cả trường hợp phải có sự đồng ý của cả 3 bên trong một văn bản. Do vậy, để thống nhất với Bộ luật dân sự và đảm bảo sự linh hoạt, chỉ cần quy định chỉ cần có tài liệu thể hiện sự đồng ý giữa 2 bên tại các văn bản khác nhau cho quan hệ bù trừ. Chứng từ thanh toán qua ngân hàng từ bên thứ 3 cho bên bán được xem như là sự đồng thuận và là chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để khấu trừ thuế. 

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo sửa đổi theo hướng ““Trường hợp bù trừ các khoản phải thu và phải trả qua bên thứ ba phải có sự đồng ý của các bên theo quy định của bộ luật dân sự, biên bản bù trừ các khoản phải thu, phải trả của các bên liên quan làm căn cứ khấu trừ thuế; đối với bên thực hiện thanh toán cuối cùng cho người bán phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt để làm căn cứ khấu trừ thuế.”

Góp ý tương tự với Điều 10.2.b2; Điều 10.3.a; Điều 10.4.k4, k5, k11 Dự thảo.

  1. Điều kiện khấu trừ thuế GTGT đầu vào với hàng hoá, dịch vụ xuất khẩu

Điều 10.3 Dự thảo quy định nếu thanh toán chậm trả, doanh nghiệp phải có thoả thuận ghi trong hợp đồng xuất khẩu đến thời hạn phải thanh toán, đến thời hạn thanh toán cơ sở kinh doanh phải có chứng từ thanh toán không dùng tiền mặt.  Mục tiêu chính của hoàn thuế GTGT xuất khẩu chính là hoàn lại khoản tiền thuế GTGT đầu vào phát sinh tại Việt Nam đối với hàng hóa được xuất khẩu sẽ tiêu dùng ngoài Việt Nam. Dự thảo yêu cầu chứng từ thanh toán là phù hợp, tuy nhiên, quy định về thời điểm của chứng từ thanh toán chưa phù hợp vì:

– Giao dịch thực tế vẫn phát sinh dù bên mua thanh toán sau thời hạn hợp đồng. Khi đó, doanh nghiệp vẫn cần nhận lại số thuế GTGT đầu vào;

– Thời điểm thanh toán nằm ngoài tầm kiểm soát của doanh nghiệp xuất khẩu: bên mua có thể chậm trả so với thời hạn vì nhiều lý do, kể cả hợp đồng quy định chặt chẽ. Thậm chí, trong trường hợp đối tác biết cơ quan thuế tại Việt Nam yêu cầu điều khoản thanh toán phải cập nhật theo thực tế là điều kiện để hoàn thuế, đối tác có thể tạo áp lực hoặc yêu cầu bất lợi, từ đó gây khó khăn cho các doanh nghiệp Việt Nam

Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Điều kiện hoàn thuế giá trị gia tăng

Điều 11 Dự thảo quy định người mua chỉ được hoàn thuế GTGT khi người bán đã nộp thuế GTGT. Theo phản ánh của doanh nghiệp, quy định này là không phù hợp. Hiện nay, người mua trả tiền thuế GTGT cho người bán. Nhận số tiền này, người bán có trách nhiệm và chủ động nộp số thuế này vào ngân sách nhà nước. Người mua không có công cụ hay quyền hạn gì để can thiệp, quản lý việc nộp thuế của người bán. Quy định như hiện tại sẽ khiến người mua chịu toàn bộ rủi ro không được hoàn thuế, trong khi không phải do lỗi của bên bán. Trong các bên, chỉ có cơ quan thuế mới có đầy đủ các công cụ cho việc quản lý, gồm hệ thống thuế để tiếp nhận kịp thời thông tin khai, nộp thuế của bên bán; đình chỉ hóa đơn, yêu cầu ngân hàng cưỡng chế thuế, yêu cầu hải quan phối hợp cấm người nợ thuế xuất cảnh để truy thu thuế. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.

  1. Hoàn thuế GTGT với dự án đầu tư

Điều 11.2.a Dự thảo quy định doanh nghiệp chỉ được hoàn thuế GTGT áp dụng cho từng giai đoạn của dự án đầu tư. Tuy nhiên, việc xác định giai đoạn đầu tư đã hoàn thành chưa rõ ràng, có thể gây vướng mắc khi doanh nghiệp nộp hồ sơ hoàn thuế, chẳng hạn nếu một phần hạng mục của dự án hoàn thành nhưng chưa có doanh thu thì doanh nghiệp có được hoàn thuế hay không. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung quy định cụ thể về cách xác định giai đoạn đầu tư đã hoàn thành, có thể dựa trên các căn cứ sau:

– Có quyết định phê duyệt quyết toán giai đoạn đầu tư hoặc hạng mục đầu tư đã hoàn thành.

– Có chứng từ thanh toán đầy đủ cho các chi phí đầu tư liên quan đến giai đoạn đầu tư đó.

– Có biên bản nghiệm thu, bàn giao hạng mục đầu tư phục vụ sản xuất, kinh doanh nhưng chưa phát sinh doanh thu (ví dụ: dự án năng lượng tái tạo, nhà máy mới).

– Có cam kết từ doanh nghiệp về việc đưa hạng mục vào vận hành trong thời gian nhất định.

Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết thi hành một số điều của Luật Thuế giá trị gia tăng (GTGT). Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.