Trích ý kiến của ĐBQH Ngô Sỹ Hưởng – Tỉnh Thái Nguyên

Thứ Tư 10:11 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội,

Qua xem xét dự thảo luật, tôi thấy nếu Quốc hội xem xét thông qua đây là một vấn đề hết sức quan trọng vì nó tạo ra nguồn nhân lực trong tương lai, đáp ứng cho sự nghiệp công nghiệp hoá, hiện đại hoá, góp phần bổ sung lực lượng công nhân lao động để xây dựng giai cấp công nhân Việt Nam xứng đáng với đội tiên phong mà thực hiện sự đổi mới của Đảng.
Về cơ bản tôi nhất trí, tôi xin đi vào một số vấn đề cụ thể như sau:

Trước hết, các điều luật trong quy định về các chính sách của Nhà nước về dạy nghề trong luật, tôi đề nghị các Điều 53, 54, 62, 65, 66, 67, 70, 71, 72 đưa về chương chung là chính sách của Nhà nước về dạy nghề, cho nó gọn.

Vấn đề thứ 2, về Điều 6: Trình độ đào tạo trong dạy nghề. Tôi đề nghị bỏ "đào tạo trong" đi mà "các trình độ dạy nghề". Dạy nghề có 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng, đấy là Khoản 1.

Khoản 2 là hình thức dạy nghề gồm dạy nghề chính quy và dạy nghề thường xuyên.
Khoản 4, dòng cuối là người tàn tật, khuyết tật, trẻ em mồ côi, không nơi nương tựa. Tôi đề nghị bỏ chữ "trẻ em" mà "người chưa thành niên", nó hợp lý hơn.

Điều 11, thời gian học nghề trình độ sơ cấp, qua tiếp xúc với các trường trung học, dạy nghề ở địa bàn thì anh em tham gia như thế này: Dạy nghề trình độ sơ cấp không nên quy định 1 tháng hay dưới 1 năm. Tôi đề nghị dạy nghề trình độ sơ cấp thời gian đào tạo 9 tháng để tránh vận dụng tuỳ tiện trong các trường và đối với người có trình độ học vấn sức khoẻ phù hợp.

Điều 15, Khoản 3 doanh nghiệp hợp tác xã, đây là vấn đề hết sức mở rộng trong luật, tôi rất đồng tình và hoan nghênh cho cả các trường trung cấp chuyên nghiệp, cao đẳng và đại học, các cơ sở doanh nghiệp. Nhưng quy định cơ quan có thẩm quyền cho phép thành lập cơ sở dạy nghề thì chưa có. Vì vậy, tôi đề nghị thêm một Khoản 4: Cơ quan Nhà nước có thẩm quyền cho phép cơ sở dạy nghề quy định về điều kiện dạy nghề, trình độ thủ tục đăng ký hoạt động trong lĩnh vực dạy nghề, cho nó chặt chẽ hơn.

Điều 25, thời gian học nghề trình độ cao đẳng, tôi đề nghị thời gian quy định đào tạo 36 tháng, chứ không nói 3 năm, tránh tuỳ tiện. Quy định như dự thảo là không chặt chẽ dễ bị vận dụng tuỳ tiện. Còn dạy nghề đào tạo trung cấp thì 24 tháng đối với người có bằng trung cấp nghề cùng ngành nghề đào tạo, ghi rõ là 24 tháng.

Điều 34 về Tuyển sinh học nghề, tôi đề nghị Khoản 1, Khoản 2, Khoản 3 là quy định quá nhiều hình thức tuyển. Tôi đề nghị thống nhất một hình thức là phải thi tuyển, tức là phải thi tuyển để đảm bảo chất lượng trong đào tạo dạy nghề, hạn chế khó khăn, phức tạp và tiêu cực trong việc tuyển sinh. Cho nên vấn đề này tôi đề nghị là phải thi tuyển, vào học Sơ cấp cũng thi tuyển, Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề phải thi tuyển, tránh khó khăn cho các đơn vị, các trường và tránh tiêu cực.

Ở Điều 38 về Thi, kiểm tra, ở Khoản 2 có đề cập tới là thi học sinh giỏi nghề quốc gia và giỏi nghề quốc tế thì tôi đề nghị bổ sung như thế này, đề nghị bổ sung là: thi học sinh giỏi nghề cấp trường, cấp tỉnh, cấp quốc gia và quốc tế cho nó hợp pháp và hợp lý hơn, vì là có thi học sinh giỏi nghề ở cấp trường, mới chọn được học sinh giỏi nghề cấp trường thi cấp tỉnh và mới chọn được ra học sinh giỏi nghề để thi cấp quốc gia và chọn đi thi quốc tế, như vừa qua bộ Lao động các đồng chí đã làm.

Về thời gian đình chỉ hoạt động dạy nghề ở Điều 42, tôi đề nghị thay từ "đình chỉ", vì đình chỉ là sự chấm dứt một vụ việc. Trong khi đó tại Khoản 3 của điều này vẫn quy định thời hạn đình chỉ ở Điểm a và Điểm b, cho nên là nó không thích hợp. Điểm a, có quy định là 24 tháng, Điểm b là 12 tháng, cho nên tạm đình chỉ thôi. Vấn đề cuối cùng là quản lý Nhà nước, trong dự thảo luật tôi thấy nhiều ý kiến phát biểu, nhưng tôi cho Điều 84 như thế là hết sức hợp lý, Chính phủ quản lý dạy nghề và phân công như thế nào do Chính phủ vì Luật Tổ chức Chính phủ các đồng chí cũng đã đề cập. Tôi nhận thức hiện nay các đồng chí nói "thừa thày thiếu thợ" nhưng tôi lại cho rằng "thừa thợ bậc thấp, thiếu thợ bậc cao". Các doanh nghiệp yêu cầu thợ bậc cao, chứ còn bậc 2, bậc 3 ra không làm được, khó khăn, cho nên các trường hiện nay đang đào tạo bậc 3, nhưng tới phải đào tạo bậc 4, bậc 5, tay nghề cao mới tự chủ được, chứ còn bậc 2 ra không thể làm được. Hầu hết các trường vừa qua tuy đào tạo từ bậc 3 trở lên, nhưng chưa có trường nào đào tạo bậc 4, bậc 5. Cho nên cũng cần mở rộng cái đó để cho các trường chủ động.

Các văn bản liên quan