Trích ý kiến của ĐBQH Trần Thị Hoa Ry – Tỉnh Bạc Liêu

Thứ Tư 10:10 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội.
Cơ bản tôi nhất trí với việc giải trình, tiếp thu của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội đối với Dự thảo Luật Dạy nghề. Vì Dự thảo trình Quốc hội cho ý kiến lần này cũng đã chỉnh sửa, tiếp thu nhiều nội dung của các vị đại biểu Quốc hội đóng góp. Bản thân tôi cũng xin đóng góp vào hai vấn đề còn rất băn khoăn để Uỷ ban Thường vụ Quốc hội, cũng như Ban soạn thảo tiếp tục cân nhắc trình Quốc hội xem xét, thông qua tại kỳ họp này.

Vấn đề thứ nhất, quản lý Nhà nước về dạy nghề. Đây là vấn đề được các vị đại biểu Quốc hội cho ý kiến rất nhiều tại kỳ họp thứ 9 vừa qua, để làm sao cho Chính phủ có sự thống nhất quản lý Nhà nước về dạy nghề, chứ không nên phân thành hai mảng do hai Bộ quản lý như hiện nay, làm cho các cơ sở gặp rất nhiều khó khăn. Vấn đề đặt ra là trong Luật quy định cần có một cơ quan thống nhất quản lý Nhà nước về dạy nghề chứ không phải là không quy định cụ thể cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề. Chính vì vậy mà tôi không đồng tình với quy định trong dự thảo, tức là không quy định cụ thể cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề, mà quy định Chính phủ thống nhất quản lý Nhà nước về dạy nghề, để nhằm tạo điều kiện thuận lợi cho việc điều hành của Chính phủ.

Tôi không nghĩ như vậy, tôi cho rằng quy định như thế này chẳng khác nào chúng ta đẩy cho Chính phủ quyết định một vấn đề mà Quốc hội cảm thấy hơi bí, chứ không phải tạo điều kiện thuận lợi. Chính trong tình hình hiện nay tuy có quy định cụ thể các cơ quan chủ quản chịu sự quản lý thống nhất của Chính phủ nhưng đã xảy ra biết bao nhiêu điều phức tạp chồng chéo, phát sinh trong các vấn đề quản lý Nhà nước về dạy nghề đã kéo dài trong nhiều năm mà chúng ta không tháo gỡ được, gây khó khăn không đáng có cho người học nghề, cơ sở đào tạo nghề và các trường dạy nghề vì phải chịu sự quản lý của nhiều đầu mối.

Chính vì vậy tôi đề nghị Ban soạn thảo cần có sự lý giải cụ thể hơn. Nếu quy định thống nhất quản lý Nhà nước về dạy nghề về một Bộ chủ quản thì có những ưu khuyết điểm gì? Tại sao không thực hiện được mà phải để Chính phủ cân nhắc vào điều kiện thực tế, để các đại biểu cân nhắc tiếp trước khi thông qua Dự án luật này. Cũng liên quan đến vấn đề này, tôi rất mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho các cơ quan chức năng tiến hành xin ý kiến thăm dò các vị đại biểu Quốc hội trước khi biểu quyết thông qua. Vấn đề thứ hai, về mối quan hệ giữa cơ sở đào tạo, cơ quan quản lý Nhà nước và người sử dụng lao động.

Hay nói cách khác là mối quan hệ giữa cung và cầu, trong dự thảo luật tuy đã được đề cập nhưng còn khá mờ nhạt, chưa đầy đủ và không thấy rõ được trách nhiệm liên kết, phối hợp thực hiện giữa các cơ sở đào tạo và cơ sở sử dụng lao động có trách nhiệm thực hiện đào tạo nghề như thế nào để việc đào tạo gắn với nhu cầu sử dụng lao động. Tránh tình trạng như hiện nay là nhiều người học xong không có việc làm, có việc làm nhưng lại làm trái nghề, hoặc được cơ sở sử dụng lao động thu nhận vào lao động rồi, có chứng chỉ hẳn hoi nhưng người sử dụng lao động lại đào tạo lại mới sử dụng được. Tôi cho rằng tất cả những vấn đề này người học nghề là người hứng chịu những vấn đề bất lợi do từ việc quản lý của chúng ta không thống nhất, do việc xây dựng kế hoạch, quy hoạch, chính sách phát triển dạy nghề không gắn với nhu cầu sử dụng lao động, nên vừa gây lãng phí ngân sách của Nhà nước cho việc đào tạo, vừa tốn kém và kéo dài thời gian của người học, nhưng hiệu quả rất thấp. Tôi đề nghị Ban soạn thảo cần thiết kế thêm một điều quy định về trách nhiệm phối hợp cơ sở đào tạo với cơ sở sử dụng lao động, cũng như trách nhiệm với cơ quan chủ quản đối với vấn đề này trong việc xây dựng và tổ chức thực hiện chiến lược quy hoạch, kế hoạch, đào tạo nghề phải gắn với nhu cầu thực tế của xã hội. Trên đây là 2 ý kiến đóng góp của tôi, rất mong Ủy ban Thường vụ Quốc hội cũng như Ban soạn thảo cân nhắc.

Các văn bản liên quan