Trích ý kiến của ĐBQH Bùi Sỹ Lợi – Tỉnh Thanh Hoá

Thứ Tư 10:08 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Dự thảo luật lần này so với dự thảo luật xin ý kiến tại kỳ họp thứ 9 đã được tiếp thu, chỉnh lý một cách cơ bản về những băn khoăn, vướng mắc của các vị đại biểu Quốc hội.

Có thể nói dự án luật tương đối hoàn thiện và có chất lượng tốt, nhất là các nội dung, chính sách Nhà nước về phát triển dạy nghề, trách nhiệm của các doanh nghiệp về dạy nghề, kiểm định chất lượng, đánh giá và cấp chứng chỉ chức năng nghề quốc gia. Đây là những nội dung rất thiết thực, đáp ứng được đòi hỏi thực tiễn và quá trình hội nhập kinh tế quốc tế. Tôi xin tham gia phát biểu một số ý kiến như sau:

Trước hết, về vấn đề sự khác nhau giữa trung học chuyên nghiệp và trung học nghề. Phó chủ tịch Quốc hội vừa mới giải thích một số ý kiến, nhưng theo chúng tôi hiện nay trong thực tế, trung học chuyên nghiệp và trung học nghề có tỷ trọng dạy lý thuyết và thực hành là khác nhau. Trung học nghề có tỷ trọng thời gian thực hành chiếm tỷ lệ cao hơn. Trung học chuyên nghiệp là viên chức chuyên môn, trong bảng lương chúng ta xếp lương theo bảng lương cán sự. Trung học nghề là công nhân kỹ thuật được xếp bảng lương của công nhân kỹ thuật.

Thứ hai, vì sự cần thiết ban hành Luật Dạy nghề, tôi cơ bản nhất trí với những nội dung nêu trong Tờ trình số 69 của Chính phủ và Báo cáo số 559 của Ủy ban Thường vụ Quốc hội về việc giải trình tiếp thu, chỉnh lý Dự thảo Luật Dạy nghề. Thực tế hiện nay, chúng ta đang thiếu hụt nghiêm trọng đội ngũ nhân lực kỹ thuật trực tiếp trong sản xuất và dịch vụ, đồng thời lại mất cân đối về cơ cấu nguồn nhân lực và ảnh hưởng rất lớn đến quá trình công nghiệp hóa, hiện đại hóa đất nước. Kinh nghiệm của các nước khi tiến hành công nghiệp hóa, hiện đại hóa, cơ cấu nguồn nhân lực hợp lý là 1, 4 và 10, tức là 1 đại học có 4 trung học và 10 công nhân kỹ thuật. Nhưng ở nước ta, tỷ lệ này hiện nay là rất bất cập, tình trạng thừa thày, thiếu thợ là phổ biến, trong khi đó tâm lý xã hội lại nặng về bằng cấp và khoa bảng. Vấn đề hiện nay đáng quan tâm, chúng tôi cho rằng khi Luật Dạy nghề được ban hành và Nhà nước thực hiện thì chúng ta cần chú ý đến vấn đề phân luồng học sinh ngay từ phổ thông cơ sở để chúng ta có một phân luồng sớm, để đào tạo cơ cấu nguồn nhân lực cho hợp lý hơn.

Nếu chúng ta muốn đạt được mục tiêu tăng trưởng GDP bình quân hàng năm từ 7,5 đến 8% theo mục tiêu Đại hội Đảng X đề ra, để đến năm 2020 nước ta cơ bản trở thành một nước công nghiệp theo hướng hiện đại hoá thì đòi hỏi ngay từ bây giờ chúng ta phải đào tạo nâng cao chất lượng nguồn nhân lực, trong đó chúng tôi cho rằng số đông đào tạo là công nhân kỹ thuật. Do đó việc ban hành Luật dạy nghề có ý nghĩa thực tiễn và cấp bách nhằm tạo hành lang pháp lý phát triển nhanh dạy nghề, đáp ứng được yêu cầu nhân lực kỹ thuật cho các khu công nghiệp, khu chế xuất, xuất khẩu lao động có chất lượng cao và người lao động ở nông thôn hộ nghèo, người dân tộc thiểu số, người tàn tật.

Vấn đề thứ hai, quy định người tự học đã được tích luỹ kiến thức kỹ năng thực hành và các chương trình đào tạo trong qúa trình làm việc có đủ điều kiện thì được đăng ký kiểm tra thi để lấy chứng chỉ nghề hoặc bằng nghề được quy định tại Điều 16, Điều 23 và Điều 30 trong dự thảo luật, chúng tôi cho là một quy định mở có lợi cho người lao động và khuyến khích cho họ phấn đấu vươn lên để nâng cao tay nghề. Nhưng nếu chúng ta chỉ quy định chung có đủ điều kiện để được dự thi tôi cho rằng khó khả thi. Vì vậy trong dự thảo luật cần phải làm rõ thêm về thủ tục và điều kiện để được dự thi, tránh sự vướng mắc khi tổ chức thực hiện hoặc có thể giao cho Chính phủ quy định chi tiết hơn Điều 16, Điều 23 và Điều 30.

Vấn đề thứ ba về quản lý Nhà nước về dạy nghề, hiện nay có nhiều ý kiến các đại biểu phát biểu cũng đã rất khác nhau. Nhưng tôi được biết tại Kỳ họp thứ 9 và Hội nghị đại biểu Quốc hội chuyên trách chúng ta đều thống nhất quy định cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề là Bộ Lao động thương binh và xã hội. Nhưng Dự thảo lần này lại chưa quy định cụ thể cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề và Báo cáo của Ủy ban thẩm tra đưa ra 4 loại ý kiến khác nhau. Vấn đề này tôi xin có ý kiến như sau:

Theo quy định tại Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và theo tiền lệ của các luật Quốc hội vừa mới thông qua tại Kỳ họp thứ 9 thì tất cả các luật chúng ta thông qua đều chỉ rõ Bộ, ngành chủ thể để chịu trách nhiệm trước Chính phủ quản lý Nhà nước cho từng lĩnh vực hoặc là các dự án luật trình ngay Quốc hội thông qua lần này. Trong Kỳ họp này cũng đã chỉ rõ tên từng cơ quan chịu trách nhiệm trước Chính phủ về quản lý Nhà nước. Ngay trong Điều 8 Dự thảo Luật Dạy nghề đã quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Giáo dục và Đào tạo và Điều 69 quy định cụ thể trách nhiệm của Bộ Xây dựng. Như vậy ngay trong một luật cũng thiếu sự thống nhất, có điều quy định cụ thể, có điều lại không quy định cụ thể. Phải chẳng đây là kỹ thuật làm luật hay là có sự tùy tiện chăng? Hiện nay Chính phủ đang giao quản lý Nhà nước về dạy nghề cho Bộ Lao động, thương binh và xã hội theo quy định tại Nghị định 29 ngày 31-3-2003 của Chính phủ và ngoài Nghị định 75/CP quy định chi tiết hướng dẫn thi hành Luật Giáo dục, Chính phủ vẫn giao cho Bộ Lao động thương binh và xã hội quản lý Nhà nước về dạy nghề, như đại biểu Hưng vừa phát biểu. Tháng 3 năm 2006, tại Nghị định số 31/CP của Chính phủ quy định chức năng, nhiệm vụ, cơ cấu tổ chức của Thanh tra lao động thương binh và xã hội đã quy định rất cụ thể: tổ chức Thanh tra lao động thương binh và xã hội có Thanh tra của Tổng cục Dạy nghề từ Bộ Lao động thương binh và Xã hội đến các Sở Lao động thương binh và xã hội. Đặc biệt, tại Tờ trình số 69 của Chính phủ cũng phân công Bộ Lao động thương binh và xã hội là cơ quan quản lý Nhà nước về dạy nghề. Theo chúng tôi được biết việc phân công cho Bộ, ngành cơ quan nào là do Chính phủ quy định, Chính phủ có Tờ trình đề nghị phân công cho Bộ Lao động thương binh và xã hội quản lý về công tác dạy nghề. Trong thực tế 23 năm quản lý về công tác dạy nghề vừa qua, chúng tôi thấy rằng nhân dân và các cơ sở dạy nghề cũng đồng tình đánh giá rằng chất lượng dạy nghề của chúng ta đang được khôi phục, đang được phát triển. Tôi cho rằng việc phân công cho Bộ Lao động thương binh và xã hội tiếp tục quản lý về công tác dạy nghề là phù hợp, khi chúng ta thấy điều kiện cần thiết của bộ nào thì Chính phủ phân công là điều hiển nhiên và đó là trách nhiệm của Chính phủ.

Các văn bản liên quan