Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Lân Dũng – Tỉnh Đăk Nông

Thứ Tư 10:06 25-10-2006

Kính thưa Quốc hội.

Dự luật về Luật Dạy nghề được xã hội hết sức quan tâm, bởi vì hàng năm có khoảng 40% thanh niên bước vào tuổi lao động mà chưa được đào tạo nghề, trong khi cả nước chỉ có 1.688 cơ sở dạy nghề. Trước khi tham dự Quốc hội kỳ này, tôi gặp rất nhiều các nhà giáo và những người quan tâm đến Bộ luật này, tỏ những ý băn khoăn về Bộ luật. Tôi xin phản ảnh với Quốc hội về những băn khoăn đó.

Sau khi có Bộ luật này thì bậc Trung cấp chuyên nghiệp có cần một Bộ luật khác nữa không, trường trung cấp chuyên nghiệp và trường cao đẳng lẽ nào chịu sự điều chỉnh cùng một lúc của 2 luật. Có nên xem xét sáp nhập hai hệ thống dạy nghề và đào tạo trung cấp chuyên nghiệp với nhau hay không và khi đó thì Bộ nào quản lý. Nếu Bộ Giáo dục và Đào tạo bận quá rồi thì giao cả hai sang Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội quản lý có được không? Nên chăng xây dựng một Luật giáo dục nghề nghiệp dùng chung cho hai hệ thống nói trên. Học 4 năm có nghĩa là các trường dạy nghề phải dạy thêm văn hoá, điều đó có làm phình to thêm hay không số giáo viên và cán bộ quản lý. Bao giờ làm xong chương trình khung cho hệ trung cấp dạy nghề và cao đẳng dạy nghề, chúng ta biết rằng hiện nay Bộ Giáo dục đào tạo còn nợ 60 chương trình trong số 150 chương trình cho các ngành đào tạo. Điều đó cho thấy việc xây dựng các chương trình khung đòi hỏi rất nhiều thời gian và khá vất vả, liệu Bộ Lao động thương binh và xã hội có hoàn thành được chương trình khung trước khi tuyển sinh sắp tới hay không. Cần quy định hợp đồng nghề cho mọi trường hợp ghi trong luật hay không, nghề đã đóng học phí rồi, chương trình học đã được thẩm định rồi tại sao cần quy định hợp đồng nghề, chuyện liên thông xem ra không dễ dàng gì, ví dụ nghề tiện, nghề xây dựng, nghề nấu ăn, nghề sửa xe, nghề may thì liên thông những trường nào, cần xem lại nhiều mục xem có trái với Luật Giáo dục hay không, nếu trái thì theo luật nào, Luật Giáo dục có phải là luật khung có giá trị cao hơn Luật Dạy nghề hay không? Sơ cấp nghề rất khác nhau về thời gian học và trình độ người học, làm sao có thể xác định được một chuẩn chung, có nên đưa dịch vụ tư vấn dạy nghề vào luật này hay không, nên làm rõ sự khác giữa chương trình dạy nghề trung cấp và cao đẳng với chương trình dạy nghề của các trường trung cấp chuyên nghiệp, các trường cao đẳng hiện nay ở Bộ Giáo dục đào tạo.

Việc liên thông giữa các trường dạy nghề và các trường do Bộ Giáo dục đào tạo đang quản lý là rất khó khả thi. Một bên tính chuyên ngành rất hẹp, một bên tính chuyên ngành rất rộng. Vì vậy, rất là khó liên thông với nhau. Nên rút kinh nghiệm sự việc xảy ra ở SITC khi xây dựng nội dung Luật Dạy nghề để tránh hiện tượng tiêu cực sẽ xảy ra. Cần xem xét việc trả lương theo thang lương 7 bậc với thang lương Trung cấp nghề, Cao đẳng nghề liệu có khó cho doanh nghiệp sử dụng lao động hay không? Trước khi thông qua luật nên cho Quốc hội biết rõ hiệu quả của việc sử dụng ngân sách 121 triệu đô la của Dự án ADB cho phát triển giáo dục kỹ thuật và dạy nghề. Sẽ khó thu hút học viên học nghề nếu thời gian học nghề kéo dài từ 3 đến 4 năm, ai lo công tác dạy nghề cho thanh niên nông thôn chiếm tỷ lệ rất cao trong đa số hiện nay.

Tôi kính mời Bộ trưởng Bộ Lao động thương binh và Xã hội, Bộ trưởng Bộ Giáo dục đi thăm hai Trung tâm dạy nghề cho thanh niên nông thôn ở Yên Phú, Yên Môn, Ninh Bình và ở Sơn La. Tại đây nông dân chỉ học có 5 ngày và đảm bảo là không nghèo nữa, vì học xong, làm một sản phẩm mà doanh nghiệp đứng ra thu mua lại sản phẩm, như vậy không phải cho cần câu, không phải cho con cá mà mua lại cả cá.

Chúng ta biết rằng năng lực cạnh tranh của Việt Nam rất thấp so với mặt bằng chung của thế giới. Quốc hội Hoa Kỳ đã thông qua 13 kỹ năng cơ bản của người lao động trong thời đại mới. Trong số 200.000 sinh viên tốt nghiệp đại học, cao đẳng nước ta hàng năm, chỉ có 40% tìm được việc làm, số đó thường phải được doanh nghiệp đào tạo lại, nguyên do là ngoài phần kiến thức ra phần kỹ năng thường rất kém.

Ví dụ, sinh viên ngành Môi trường không biết gì về kỹ thuật sử lý rác, sử lý nước thải, liệu các trường dạy nghề có lập lại tình trạng này hay không, chỉ học lý thuyết mà không có tay nghề vững vàng, ai kiểm tra chất lượng nghề của các trường đó, tình hình tuyển sinh Trung cấp nghề niên học 2005-2006 tại Thành phố Hồ Chí Minh cho thấy nhiều trường có tỷ lệ tuyển được so với chỉ tiêu là rất thấp, hơn nữa tỷ lệ học sinh bỏ học ngay từ năm đầu đến 30-40%, liệu các trường dạy nghề có bị lặp lại tình trạng này hay không? Khảo sát tại Thành Phố Hồ Chí Minh cho thấy 95% học sinh tốt nghiệp trung học cơ sở có nguyện vọng học lên trung học phổ thông, không muốn đi học nghề. Cần khảo sát tình hình chung cả nước, phải có sách lược tuyên truyền để phân luồng học sinh ngay sau khi tốt nghiệp trung học cơ sở, trung học phổ thông. Cần quy định rõ khối lượng kiến thức các môn văn hoá cho hệ trung cấp nghề, sao cho có kiến thức cơ bản, không thua kém nhiều so với cấp trung học phổ thông. Cần làm rõ trung cấp nghề khác thế nào với chương trình đào tạo công nhân kỹ thuật trước đây. Hiện nay có 212 trường đại học, cao đẳng, trung học chuyên nghiệp có tham gia dạy nghề, khoảng 50% các trường trung cấp chuyên nghiệp có quy mô đào tạo nghề chiếm 50-70%. Vậy Luật Dạy nghề có bao quát chung cho các loại hình đào tạo này hay không? Cán bộ quản lý dạy nghề các Sở Lao động Thương binh và Xã hội rất khó ngồi lại với các cán bộ quản lý các trường trung cấp chuyên nghiệp ở các Sở giáo dục và đào tạo, làm sao hợp tác được với nhau thông qua các quy định của luật. Ta muốn tăng sức mạnh cho giáo dục nghề nghiệp cần thống nhất lực lượng của 2 hệ thống này do 2 Bộ quản lý khác nhau và nên làm rõ ngay trong kỳ họp Quốc hội lần này. Vị trí các làng nghề đã phát huy tác dụng rất rõ rệt, nằm ở đâu trong Luật Dạy nghề? Nên hạn chế việc chi tiền từ ngân sách, mà tăng cường huy động tiền từ doanh nghiệp và từ học viên dạy nghề. Cấp nào kiểm định chương trình và sách giáo khoa dạy nghề? Đừng lâm vào tình trạng thay đổi thường xuyên sách giáo khoa như bên ngành giáo dục và đào tạo. Hiệu trưởng trường cao đẳng nghề nhất thiết đòi hỏi có trình độ thạc sỹ trở lên liệu có hiện thực hay không trong tình hình thực tế hiện nay, những chuyên gia có tay nghề cao, có khả năng giảng dạy lâu năm có nhất thiết phải kiếm thêm một mảnh bằng thạc sỹ hay không? Luật càng cụ thể càng đỡ phải ban hành thêm nhiều văn bản dưới luật.

Các văn bản liên quan