Trích ý kiến của ĐBQH Hà Thị Hoa – Tỉnh Thái Bình

Thứ Tư 09:51 25-10-2006

Tại kỳ họp thứ 9 vừa qua Dự thảo Luật Dạy nghề đã được thảo luận lấy ý kiến của các vị đại biểu Quốc hội ngày 6/6, đến nay Dự thảo Luật Dạy nghề đã được Bộ Lao động thương binh và Xã hội hoàn chỉnh lần cuối cùng và trình Ủy ban Văn hóa giáo dục thanh, thiếu niên và nhi đồng trình Quốc hội để thông qua lần này.

Đọc dự thảo luật tôi thấy luật đã rút gọn lại chỉ còn 11 chương và 92 điều. Theo như Báo cáo tiếp thu giải trình của Ủy ban văn hóa, giáo dục, thanh thiếu niên nhi đồng thấy nhiều ý kiến quan trọng, tôi muốn nhấn mạnh là quan trọng theo ý kiến đóng góp của các vị đại biểu Quốc hội chuyên trách trong dự thảo đã được tiếp thu sửa đổi để hoàn thiện Dự thảo Luật Dạy nghề, tôi cho đó là điều hết sức đáng mừng.

Tuy nhiên, với nhận thức cá nhân của mình và qua tiếp xúc với nhiều các nhà nghiên cứu chiến lược về giáo dục, các cử tri ở đây tôi được tiếp xúc chủ yếu các cử tri là giáo viên trực tiếp dạy nghề của trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và đặc biệt là các nhà quản lý, các hiệu trưởng của các trường trung học chuyên nghiệp, cao đẳng thuộc hệ thống giáo dục quốc dân hiện nay, họ đều thống nhất băn khoăn đó là:

Thứ nhất, về quản lý Nhà nước về dạy nghề và trung học chuyên nghiệp có khác gì nhau? Hai khái niệm này một chút nữa tôi cũng đề nghị Ủy ban văn hóa giáo, dục thanh thiếu niên và nhi đồng và Ban soạn thảo giải thích để cho đại biểu thấu hiểu vấn đề này. Hai khái niệm này rất nhiều các cử tri còn băn khoăn, thậm chí các hiệu trưởng một số trường dạy nghề của các trường của Thành phố Hồ Chí Minh. Họ nói hai hàm nghĩa này còn rất băn khoăn và chưa hiểu.

Thứ hai là liên thông trong đào tạo nghề, nếu như Luật dạy nghề ra đời thì liên thông sẽ hết sức bế tắc. Đương nhiên như thế thì quản lý sẽ chồng chéo, trong luật lần này chưa đưa rõ cơ quan nào sẽ quản lý, giải trình tiếp thu của Uỷ ban ở trang đầu mấy dòng cuối có ghi như thế này: Luật Dạy nghề để điều chỉnh lĩnh vực giáo dục nghề còn các lĩnh vực giáo dục khác, ở đây tôi hiểu là lĩnh vực khác trong đó có trung học chuyên nghiệp sẽ điều chỉnh ở các văn bản khác. Như vậy rõ ràng phải tiếp tục chuẩn bị có một luật chuyên ngành nữa đó là Luật trung học chuyên nghiệp.

Tôi xin được hỏi Ban soạn thảo và Uỷ ban Văn hoá giáo dục thanh thiếu niên, giải trình cho Quốc hội xem tại sao lại không đưa trung học chuyên nghiệp vào trong luật này. Tôi nghĩ nếu đưa vào thì sẽ bớt gây tốn kém tiền của của Nhà nước và chúng ta sẽ không phải xây dựng một luật nữa. Mà thực tế bản chất dạy nghề và trung học chuyên nghiệp như nhau và cao đẳng nghề cũng như cao đẳng, hệ thống quốc dân của chúng ta hiện nay là cùng một bản chất của nó như một.

Thứ hai, hoạt động nghề của các trường trung học hiện nay thì ở tại các Điều 15, Điều 22, Điều 29 quy định cơ sở dạy nghề của các cấp trình độ dạy nghề bao gồm cả những hệ thống trung học chuyên nghiệp, cơ sở giáo dục đại học và các cơ sở giáo dục khác có đăng ký dạy nghề. Tôi cũng xin nhấn mạnh ở trong bản giải trình của Uỷ ban ghi là: Có đăng ký dạy nghề. Quy định như vậy nhằm huy động các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân nếu có đủ điều kiện thì tham gia dạy nghề. Nhưng thực tế bao nhiêu năm nay thì các trường thuộc hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta, trung học chuyên nghiệp, cao đẳng nghề và đại học trong đó đều có đào tạo nghề. Nhưng bây giờ lại có đăng ký dạy nghề, thế là đương nhiên các trường đang thuộc hệ thống giáo dục quốc dân đã được tồn tại và đóng góp rất lớn cho sự phát triển của xã hội thì bây giờ thuộc Bộ Giáo dục và Đào tạo, nếu xét thấy mình đủ đăng ký dạy nghề lại đăng ký với Bộ Lao động Thương binh và Xã hội, nếu nay mai Chính phủ sẽ giao Bộ Lao động Thương binh và Xã hội quản lý thì lại đề nghị Bộ Lao động Thương binh và Xã hội cho phép đào tạo nghề. Tôi thấy rất mâu thuẫn ở đây đương nhiên từ trước đến nay họ đã đào tạo và đào tạo rất tốt, thì bây giờ lại quay trở lại đăng ký lại. Tôi xin được giải trình vấn đề này. Trong khi đó ở đất nước ta hiện nay có 300 trường trung học chuyên nghiệp, gần 200 trường trung học, cao đẳng và đại học đang đào tạo trung học chuyên nghiệp, nửa triệu học sinh và 14.000 giáo viên vẫn hiển nhiên đang đào tạo nghề và đang tồn tại đóng góp rất lớn cho sự phát triển giáo dục nói riêng và đào tạo cho đất nước nói chung.

Trở lại những quy định ở Điều 15, 22, 29 của dự thảo thì luật đã gây thêm những khó khăn trong thực thi cho các cơ sở đào tạo phải chịu sự rắc rối, chồng chéo do 2 Bộ quản lý. Nếu trong tương lai Chính phủ không phân như thế nào đó để làm sao 1 Bộ quản lý, thì ở đây có rất nhiều các ý kiến của các đại biểu đề nghị đưa về Bộ Giáo dục và Đào tạo quản lý cho hệ thống thống nhất, tránh bị chồng chéo. Đương nhiên nếu không thực hiện thì về các văn bản, các quy định, các tờ trình, đặc biệt là 2 Bộ, Bộ Lao động Thương binh và Xã hội đều xây dựng chương trình, tôi rất lo lắng như thế. Nay mai 2 Bộ cũng xây dựng chương trình, 2 Bộ cùng làm sách giáo khoa, cùng thi, cùng tuyển sinh, cùng cấp bằng. Hai Bộ trưởng cấp bằng, nếu như phân luồng cho các trường, các cơ sở không tốt thì hai Bộ cùng cấp bằng như vậy sẽ phình ra về hệ thống máy tổ chức và cồng kềnh trong công tác quản lý, đặc biệt là cải cách hành chính đi ngược với quan điểm của Đảng.

Thứ ba là quản lý Nhà nước và dạy nghề, theo quy định của pháp luật thì việc phân công quản lý ngành và lĩnh vực thuộc thẩm quyền của Chính phủ. Đã 8 năm nay sự chia cắt trong quản lý Nhà nước về đào tạo nghề và trung học chuyên nghiệp ảnh hưởng rất lớn đến sự phát triển hệ thống giáo dục quốc dân của chúng ta, và phân luồng giáo dục bị ách tắc, đó là do hai Bộ quản lý. Tôi thấy rằng trình như trên là đúng với thực tiễn, nếu như Chính phủ giải trình được và giải quyết được cái mâu thuẫn trong 8 năm qua, đưa cái dạy nghề về Bộ Giáo dục và Đào tạo và được thể hiện ở trong Luật thì sẽ giải quyết được hệ thống giáo dục của chúng ta không bị cắt khúc. Như vậy thì sẽ có một Bộ tuyển sinh, một Bộ xây dựng chương trình, một Bộ cấp bằng tốt nghiệp và một Bộ quản lý về giáo dục, rõ ràng như vậy thì sẽ chất lượng hơn.

Kính thưa các vị đại biểu Quốc hội Trên thế giới việc phân công quản lý ngành lĩnh vực nói chung và quản lý lĩnh vực dạy nghề nói riêng ở các nước tuy là không giống nhau, tuy nhiên trên thế giới cũng không có nước nào lại có hai Bộ quản lý như chúng ta, cũng không xảy ra hai hệ thống cao đẳng, hai tên gọi: cao đẳng nghề và cao đẳng chung cho trung học chuyên nghiệp và trung học nghề v.v ... Ở bên cạnh chúng ta là Trung Quốc có dân số đông nhất, Trung Quốc một đất nước có dân số đông nhất thế giới, diện tích cũng rất lớn và đã có một nền giáo dục vững mạnh, có lẽ chúng ta cũng cần phải khai thác những kinh nghiệm trong giáo dục đào tạo của Trung Quốc để học tập tốt hơn.

Các văn bản liên quan