Trích ý kiến của ĐBQH Huỳnh Thành Lập – Thành phố Hồ Chí Minh

Thứ Tư 09:25 16-08-2006

Kính thưa các đồng chí.
Tôi cho rằng ý kiến tiếp thu, giải trình và chỉnh lý của Uỷ ban Thường vụ Quốc hội rất rõ ràng, tôi xin bày tỏ sự đồng tình.
Phải nói rằng hiện nay nhu cầu của xã hội rất cần nhiều luật. Luật dạy nghề ra đời sẽ giúp cho lòng mong đợi của người dân. Tôi nhớ luật này trong đầu nhiệm kỳ không có, trong mấy kỳ họp giữa kỳ có đề nghị bổ sung được các vị đại biểu Quốc hội chấp thuận và sự tích cực của cơ quan soạn thảo, của Bộ Lao động, Thương binh và Xã hội thì đến giờ này tôi thấy nó ra hình dáng và có thể được chấp thuận. Hiện nay có thể nói rằng nhu cầu học nghề của xã hội rất cao và nhu cầu của các doanh nghiệp cần người lao động đã được qua đào tạo nghề rất nhiều. Có lúc nhiều doanh nghiệp của thành phố cần người lao động qua đào tạo nghề của các trường nghề, thì không đủ để cung cấp cho họ và các nghề được đào tạo phải nói là các em, các cháu đã được đào tạo đến các doanh nghiệp được nhận ngay. Các nghề từ nghề hàn, gọt, bào, phay, các loại nghề thông thường nhất các doanh nghiệp người ta rất cần. Ngay may công nghiệp cũng rất cần, có lúc mình đáp ứng không kịp. Nhưng cái khó hiện nay trước hết là cơ sở vật chất, trang thiết bị dạy nghề cũ kỹ theo không kịp, chúng ta cố gắng đầu tư, nhưng chưa đáp ứng được. Do đó tôi đề nghị ở Điều 7 về chính sách Nhà nước, về phát triển dạy nghề, ở Khoản 2 có nói: Đầu tư trọng điểm... Nhưng trước hết tôi đề nghị để đổi mới nội dung chương trình và phương pháp dạy nghề, tôi thấy nên ưu tiên. Đầu tiên là đầu tư trọng tâm, trọng điểm, phải đổi mới trang thiết bị dạy nghề, phải nâng cái đó lên hàng đầu.
Tôi nói thế này để hình dung chỗ phổ thông có ngày chúng ta nói phân ban, đổi mới, cải cách rất mệt. Ở luật này tôi kiến nghị Thường vụ xem xét nên nghiên cứu chỗ này để chúng ta thấy rõ cái mà xã hội đang yêu cầu, xã hội không bảo mình phải đổi chương trình, không bảo mình phải đổi phương pháp dạy, không có máy móc hiện đại thì làm sao dạy cho tốt được. Tôi muốn kiến nghị chỗ đó.
Tôi đồng tình thiết kế ở Khoản 4, Điều 7 chính sách nhà nước về phát triển dạy nghề, đó là Nhà nước có chính sách hỗ trợ các đối tượng được hưởng chính sách, người có công, quân nhân xuất ngũ học nghề, người tàn tật, các hộ nông nghiệp bị thu hồi đất canh tác và các đối tượng khác để họ khi có nghề rồi thì tự tạo việc làm. Người dân đọc đoạn này người ta cũng hài lòng.
Tôi đồng tình về trình độ dạy nghề ở Điều 6. Đại biểu Nguyễn Đình Lộc nói chữ Hán, chữ hoa gì đó, nhưng thôi chữ gì cũng được miễn là đáp ứng được lòng mong đợi của cử tri là được rồi. Hiện giờ trình độ nghề có 3 trình độ: sơ cấp, trung cấp, cao đẳng. Hiện nay người ta cũng mong đợi con em người ta, người lao động cũng muốn xác định vị trí của họ trong xã hội bằng cách nhà nước thừa nhận cấp bậc đào tạo, cấp bậc tay nghề của họ. Tôi thấy mình thiết kế như vậy là thỏa đáng, sau đó thực tiễn cần gì thì Quốc hội khóa sau sẽ điều chỉnh sửa lại. Bây giờ lo làm để đáp ứng lòng mong đợi của người dân, để người ta yên tâm cho con người ta vào học, để người ta thấy cũng có học, có đẳng cấp, có học vị v.v...
Điều hết sức mong đợi, đó là Điều 8 về liên thông trong đào tạo. Tôi nghĩ trong dự thảo thể hiện rõ được liên thông là mong đợi, bởi vì vừa qua con em không đủ khả năng vào đại học cũng ép vào đại học, bảo ở lại thi vào nghề thì nó tắc đường đi, không có liên thông gì hết. Chúng ta thiết kế liên thông này đáp ứng được lòng của người dân, đáp ứng được sự phân luồng. Nói phân luồng mình nói vậy thôi, chứ mình không có cách thiết kế cho phân luồng, hậu phân luồng này người ta không tin đâu. Do đó thiết kế này tôi thấy thỏa đáng.
Khoản 4, Điều 8 tôi nhớ trình trong kỳ họp thứ 9 không phải nói câu văn như thế này: Bộ trưởng Bộ Giáo dục chủ trì. Tôi nhớ là không phải, đề nghị sửa lại chỗ này để thể hiện sự chủ động là: Bộ trưởng Bộ Lao động Thương binh và xã hội quy định việc thực hiện liên thông sau khi có sự thống nhất với Bộ Giáo dục đào tạo, đó là sự chủ động, thống nhất như thế nào, vì hai bộ đều là thành viên của Chính phủ, tôi đề nghị cái này mới thể hiện được sự chủ động của ngành quản lý nhà nước về lĩnh vực này.
Về quản lý nhà nước về dạy nghề ở Điều 84, các lý lẽ trong giải trình, tôi đồng tình, tôi thêm một ý nữa là thực tế vừa qua Bộ làm tốt, ở tại Thành phố Hồ Chí Minh việc quản lý dạy nghề của ngành lao động, thương binh và xã hội rất tốt. Hiện nay các cơ sở, các trường dạy nghề đều ăn nên làm ra, số tuyển năm nào cũng cao, số ra trường đều có việc làm, các trường liên doanh, liên kết với các doanh nghiệp, đào tạo theo địa chỉ, cho nên để cho ngành Lao động, thương bình và xã hội quản lý là phù hợp.
Về từ "modul", tôi đề nghị nếu cố gắng sửa được thì sửa, như chị Hoài Thu có nói nếu thay từ "modul" bằng "học phần" cho dễ, chứ nghe khó quá, có nhiều từ rất khó, nói là nó sẽ quen, nhưng thực ra tôi ở thành phố nhiều năm nhưng ít nghe nói từ này. Cuối cùng tôi thấy luật này thể hiện tốt ở chỗ không đợi Chính phủ hướng dẫn nhiều, Điều 92 giao hướng dẫn thi hành chỉ có mấy điều thôi, như đại biểu Nguyễn Mạnh Cường đã nói, ví dụ chỉ có chính sách cho giáo viên, quỹ hỗ trợ học nghề, thanh tra học nghề, dạy nghề và xử lý vi phạm, mấy điều này do Chính phủ hướng dẫn, còn lại là đi vào thực hiện được, cho nên tôi rất đồng tình với cách thể hiện như thế này ở Điều 92.

Các văn bản liên quan