GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ ĐÒI NỢ

Thứ Hai 15:22 19-06-2006

Trong những năm qua, nhiều khách hàng được ngân hàng cho vay vốn để phát triển sản xuất, kinh doanh hoặc tiêu dùng đã không trả được nợ đến hạn. Có nhiều nguyên nhân dẫn đến khách hàng không trả được nợ đến hạn, trong đó có cả nguyên nhân chủ quan và nguyên nhân khách quan. Khi ngân hàng yêu cầu trả nợ đến hạn, một số khách hàng đã cố gắng tìm mọi nguồn vốn và áp dụng các biện pháp cần thiết để trả nợ cho ngân hàng nhằm giảm dư nợ xuống mức thấp nhất có thể. Song bên cạnh đó, có không ít khách hàng có khả năng và điều kiện trả nợ đã cố tình chây ỳ, trốn tránh thực hiện nghĩa vụ trả nợ đến hạn cho ngân hàng. Do đó, ngân hàng đã phải cử cán bộ đến làm việc, đôn đốc và yêu cầu khách hàng trả nợ theo đúng cam kết và thỏa thuận trong hợp đồng tín dụng. Tuy nhiên, do những cán bộ ngân hàng này chưa được đào tạo về nghiệp vụ đòi nợ và thường kiêm nhiệm (không chuyên trách), nên ngân hàng tốn khá nhiều thời gian và chi phí để đòi nợ đối với những khách hàng chây ỳ mà vẫn không mang lại hiệu quả thu nợ cao. Chính vì vậy, việc các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ ra đời theo tinh thần của dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ là cần thiết nhằm hỗ trợ, giúp đỡ các ngân hàng thu nợ, góp phần làm lành mạnh hoá tình hình tài chính của các ngân hàng thương mại hiện nay.
           
Theo đề nghị của Phòng Thương mại và Công nghiệp Việt Nam tại Công văn số 0495/PTM-PC ngày 03/03/2006, sau khi xem xét dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ (sau đây gọi tắt là dự thảo Nghị định), chúng tôi có một số ý kiến như sau:

1.         Điều 3
của dự thảo Nghị định: đề nghị thay từ “người” tại khoản 1 bằng cụm từ “cá nhân” vì khái niệm người trong Bộ luật Dân sự bao gồm cả tổ chức và cá nhân, trong khi cụm từ “tổ chức” đã được nêu tại khoản 1 này.  

2.        Khoản 5 Điều 3 và khoản 2 Điều 4 của dự thảo Nghị định quy định không nhất quán: Khoản 5 Điều 3 quy định “Dịch vụ đòi nợ là việc thực hiện các hoạt động theo ủy quyền của chủ nợ nhằm giúp cho chủ nợ thu hồi nợ” nhưng khoản 2 Điều 4 lại quy định “Hoạt động dịch vụ đòi nợ được thực hiện theo thỏa thuận trên cơ sở hợp đồng được ký kết giữa bên chủ nợ và doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ”. Theo ý kiến của chúng tôi, để bảo đảm sự nhất quán của văn bản quy phạm pháp luật và phù hợp với nội dung công việc đòi nợ giữa chủ nợ với doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ, khoản 5 Điều 3 của dự thảo Nghị định nên được sửa theo hướng phù hợp với khoản 2 Điều 4 của dự thảo Nghị định.

3.         Khoản 3 Điều 4
của dự thảo Nghị định: đề nghị thay cụm từ “thẩm quyền được pháp luật công nhận của chủ nợ” bằng cụm từ “số nợ được thỏa thuận giữa chủ nợ và khách nợ phù hợp với quy định của pháp luật” vì nội dung của hoạt động dịch vụ đòi nợ đã được quy định tại Điều 7 Chương II của dự thảo Nghị định và khoản nợ được thực hiện bởi dịch vụ đòi nợ cũng đã được quy định tại Điều 8 của dự thảo Nghị định.

4.         Khoản 4 Điều 5
của dự thảo Nghị định quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong trường hợp doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm quy định của Nghị định này là chưa đủ vì Nghị định này có những quy định chưa được quy định cụ thể, nên cần có văn bản hướng dẫn của Bộ Tài chính. Thêm nữa, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ còn được hoạt động theo giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ do Bộ Tài chính cấp. Do vậy, đề nghị sửa khoản 4 Điều 5 của dự thảo Nghị định như sau: “ Xử phạm vi phạm hành chính đối với …….. vi phạm giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Nghị định này và các văn bản pháp luật có liên quan khác”. 

5.         Điều 6
của dự thảo Nghị định không nên để ở phần quy định chung - Chương I mà nên đưa vào Chương II của dự thảo Nghị định vì Điều này quy định về nghĩa vụ nộp thuế, chế độ kế toán, báo cáo của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chứ không phải nguyên tắc chung về dịch vụ đòi nợ. Hơn nữa, nếu để nghĩa vụ nộp thuế của doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ ở phần quy định chung này, thì nghĩa vụ nộp thuế của chủ nợ cũng phải được quy định tại phần quy định chung (Chương I) của dự thảo Nghị định.

6.         Điều 7
của dự thảo Nghị định: Để tránh lặp lại quy định ngay tại một điều của văn bản quy phạm pháp luật, chúng tôi đề nghị sửa đổi, bổ sung đoạn thứ nhất như sau: “Hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ được thực hiện theo Nghị định này gồm có:
a)      Đại diện chủ nợ yêu cầu khách nợ ……..
b)     Đại diện chủ nợ làm việc với …..   ”.
Điểm b Điều 7 của dự thảo Nghị định: đề nghị thay cụm từ “nhằm làm cho chủ nợ thu hồi được nợ” bằng cụm từ “để bảo đảm cho chủ nợ thu hồi được nợ”. 

7.         Điều 8
của dự thảo Nghị định: đề nghị Ban soạn thảo xem xét những khoản nợ phát sinh từ các giao dịch kinh tế trước ngày 01/01/2006 (ngày có hiệu lực của Bộ luật Dân sự 2005 và là ngày hết hiệu lực của Pháp lệnh hợp đồng kinh tế) có thuộc phạm vi thực hiện của dịch vụ đòi nợ theo Nghị định này hay không. Thực tế, hầu hết các khoản nợ phát sinh giữa ngân hàng với khách hàng (doanh nghiệp) đều được thực hiện trên cơ sở các hợp đồng kinh tế. Do đó, nếu các khoản nợ phát sinh từ các giao dịch kinh tế không thuộc phạm vi thực hiện của dịch vụ đòi nợ theo Nghị định này, thì các ngân hàng vẫn phải tiếp tục tự thực hiện đòi nợ đối với khách hàng như những năm qua. Vì vậy, sự ra đời của các doanh nghiệp hoạt động kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo Nghị định này sẽ không giúp được các ngân hàng thương mại thu hồi nợ từ những khách hàng vay là tổ chức kinh tế.
           
Gạch đầu dòng cuối cùng của Điều 8 là chưa phù hợp với quy định của Hiến pháp và pháp luật có liên quan vì nợ đã được Tòa án tuyên án nhưng bản án, quyết định của Tòa án chưa có hiệu lực, thì nợ vẫn chưa thể thu hồi thông qua việc thi hành bản án, quyết định đó. Do vậy, đề nghị sửa đổi gạch đầu dòng cuối cùng Điều 8 của dự thảo Nghị định như sau: “Nợ đã được tuyên bằng bản án, quyết định có hiệu lực của Tòa án và chuyển cho cơ quan thi hành án để xử lý”.  

8.         Điều 9 của dự thảo Nghị định

            - Khoản 2: đề nghị bổ sung vào cuối câu cụm từ “(nếu có)” vì theo quy định của pháp luật về bảo đảm tiền vay và quy chế cho vay của tổ chức tín dụng đối với khách hàng, thì nguyên tắc cho vay có bảo đảm bằng tài sản không còn mang tính bắt buộc nữa. Cho nên, có một số khách hàng được vay vốn ngân hàng không có bảo đảm bằng tài sản. Vì vậy, có những khoản nợ có tài sản bảo đảm kèm theo nhưng cũng có những khoản nợ không có tài sản bảo đảm kèm theo.
            - Khoản 7: đề nghị sửa đổi “Hình thức thanh toán” bằng “Phương thức thanh toán” cho phù hợp với quy định của pháp luật. Chẳng hạn như phương thức thanh toán bằng tiền mặt và phương thức thanh toán không bằng tiền mặt (chuyển khoản, séc .v.v…).

9.         Điều 10 của dự thảo Nghị định

            - Khoản 1 điểm a: đề nghị sửa đoạn cuối câu thành “…để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các công việc theo thỏa thuận trong hợp đồng” vì mục đích của việc chủ nợ cung cấp thông tin, tài liệu và phương tiện …cho doanh nghiệp là để doanh nghiệp thực hiện công việc đòi nợ được thỏa thuận trong hợp đồng giữa hai bên chứ không phải để doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện các công việc khác vì lợi ích của mình.
            Khoản 1 điểm b: để cho dễ hiểu và rõ nghĩa, chúng tôi đề nghị sửa đổi như sau: “Chịu trách nhiệm trước pháp luật về các cam kết của mình mà theo đó doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện trong phạm vi ….”
            - Khoản 2, điểm a: đề nghị sửa đổi như sau “Yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ ……. thực hiện các hoạt động đòi nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng đã được ký kết giữa hai bên”.
            Khoản 2 điểm b: đề nghị sửa đổi như sau “Yêu cầu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ giao lại tiền, tài sản, lợi ích ………… theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng”.
            Khoản 2 điểm c: đề nghị sửa đổi như sau “Được bồi thường thiệt hại nếu doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vi phạm những nội dung cam kết trong hợp đồng đã ký kết giữa hai bên và gây thiệt hại cho chủ nợ”.

10.       Điều 11 của dự thảo Nghị định

            - Khoản 1 điểm a: đề nghị sửa đổi như sau “Thực hiện đúng các hoạt động đòi nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng đã ký kết ……. Không được giao hoặc uỷ quyền lại cho người ngoài doanh nghiệp ….”.
            Khoản 1 điểm b: đề nghị thay cụm từ “sau khi kết thúc hợp đồng” bằng cụm từ “theo thỏa thuận trong hợp đồng” vì có những phương tiện, tài liệu mà chủ nợ giao cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ để thực hiện dịch vụ đòi nợ phải được giao trước khi kết thức hợp đồng (xong việc) chứ không nhất thiết vào thời điểm kết thúc hợp đồng. Chẳng hạn như chủ nợ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ mượn ô tô để đi đòi nợ, thì sau khi kết thúc chuyến đi đòi nợ, cho dù có thu được một phần, toàn bộ hay không thu được nợ, doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ đều phải có trách nhiệm trả lại xe ô tô theo thỏa thuận.
            Khoản 1 điểm d: đề nghị sửa đổi như sau “Giao lại cho chủ nợ …. tiền, các tài sản và lợi ích thu được từ khoản nợ theo thỏa thuận trong hợp đồng”.
            Khoản 1 điểm đ: đề nghị sửa đổi như sau “Bồi thường ……. và tiền, tài sản, lợi ích  ….. hoặc vi phạm hợp đồng đã ký với chủ nợ và gây thiệt hại cho chủ nợ”.
            Khoản 1 điểm e: đề nghị thay cụm từ “vượt quá mức” bằng cụm từ “vượt quá phạm vi” cho phù hợp với quy định của pháp luật.
            - Khoản 2 điểm c: đề nghị sửa đổi như sau “Không chịu trách nhiệm đối với chủ nợ về những vấn đề phát sinh từ việc thực hiện các cam kết trong phạm vi được chủ nợ ủy quyền” vì quy định như dự thảo Nghị định sẽ khó phân biệt: doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ hay chủ nợ cam kết. Sửa lại như vậy sẽ khắc phục được hạn chế đó và tạo điều kiện cho người thực hiện hiểu được: doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ thực hiện dịch vụ đòi nợ trên cơ sở các cam kết của chủ nợ.    

11.       Điều 12 của dự thảo Nghị định

            - Điểm a: đề nghị thay cụm từ “những người, tổ chức khác có liên quan” bằng cụm từ “những cá nhân, tổ chức khác liên quan” vì từ khái niệm “người” theo quy định của Bộ luật Dân sự đã được giải thích ở trên.
            - Điểm c: đề nghị sửa đổi như sau “Sử dụng các thông tin có được từ dịch vụ đòi nợ nhưng bất lợi cho chủ nợ và khách nợ để phục vụ cho mục đích khác........”. 

12.       Điểm a khoản 1 Điều 13
của dự thảo Nghị định sẽ không phù hợp với quy định của Bộ luật Lao động vì sau hai lần ký hợp đồng lao động có xác định thời hạn (điểm a, c khoản 1 Điều 27 của Bộ luật Lao động), người sử dụng lao động phải ký hợp đồng lao động không xác định thời hạn với người lao động. Do vậy, đề nghị sửa đổi điểm a khoản 1 Điều 13 của dự thảo Nghị định như sau: “Đang làm việc cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn hoặc hợp đồng lao động có xác định thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng”.

13.       Điều 14 và Điều 15
của dự thảo Nghị định: đề nghị thay cụm từ “người đứng đầu chi nhánh” bằng cụm từ “Giám đốc chi nhánh” vì theo quy định hiện hành của pháp luật, thì người đứng đầu chi nhánh đương nhiên là Giám đốc chi nhánh.
            Khoản 1 Điều 14 của dự thảo Nghị định: đề nghị sửa thành “Có năng lực hành vi dân sự đầy đủ” vì Bộ luật Dân sự của nước ta chỉ quy định điều kiện có năng lực hành vi dân sự đầy đủ của cá nhân chứ không quy định hành vi dân sự đầy đủ của cá nhân.

14.       Điều 18
của dự thảo Nghị định quy định về số vốn điều lệ tối thiểu của doanh nghiệp bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ và doanh nghiệp được thành lập mới để kinh doanh dịch vụ đòi nợ là chưa hợp lý, không bảo đảm sự bình đẳng giữa các doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ. Theo ý kiến của chúng tôi, doanh nghiệp có nhu cầu bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ phải có vốn điều lệ cao hơn so với vốn điều lệ của doanh nghiệp được thành lập mới để kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì doanh nghiệp tại khoản 1 Điều 18 của dự thảo Nghị định (bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ) không chỉ kinh doanh dịch vụ đòi nợ mà còn kinh doanh dịch vụ nhiều ngành nghề khác nữa, trong khi doanh nghiệp tại khoản 2 Điều 18 của dự thảo Nghị định (doanh nghiệp được thành lập mới) chỉ đơn thuần kinh doanh dịch vụ đòi nợ.  
            Điểm c khoản 1 Điều 18 và gạch đầu dòng thứ 2 điểm b khoản 2 Điều 18 của dự thảo Nghị định đề nghị bổ sung cụm từ “chưa từng vi phạm các hành vi bị nghiêm cấm được quy định tại Nghị định này”. Quy định này sẽ bảo đảm cho điều kiện của người quản trị, điều hành tại Điều 18 này nhất quán với quy định về điều kiện của người quản trị, điều hành doanh nghiệp tại Điều 14 của dự thảo Nghị định.

15.       Điều 19 của dự thảo Nghị định

            - Điểm b khoản 1: đề nghị sửa đổi như sau “Điều lệ doanh nghiệp đã được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ” nhằm phân biệt với điều lệ của doanh nghiệp chưa được bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ. 
            - Điểm c khoản 1: đề nghị bổ sung vào cuối câu đoạn “đã được cấp có thẩm quyền phê duyệt theo quy định của pháp luật” vì hiện nay có một số doanh nghiệp tự lập báo cáo tài chính nhưng chưa được cấp có thẩm quyền nào xem xét, phê duyệt. Cho nên, số liệu trong các báo cáo tài chính này chưa đủ tin cậy để đánh giá khả năng và tình hình tài chính của doanh nghiệp. Trong khi pháp luật đã quy định rõ các báo cáo tài chính này phải được cấp có thẩm quyền phê duyệt (thậm chí còn phải được kiểm toán nữa). Chẳng hạn như báo cáo tài chính của doanh nghiệp nhà nước có hội đồng quản trị phải được hội đồng quản trị phê duyệt (quy định của Luật Doanh nghiệp Nhà nước năm 2003 và Nghị định số 199/2004/NĐ-CP ngày 03/12/2004 của Chính phủ), báo cáo tài chính của công ty TNHH từ hai thành viên trở lên phải được hội đồng thành viên phê duyệt (quy định của Luật Doanh nghiệp năm 1999).

16.       Điều 20
của dự thảo Nghị định: đề nghị sửa đổi đoạn thứ hai như sau “Trong thời hạn 60 ngày kể từ ngày nhận đủ hồ sơ hợp lệ được quy định tại Điều 19 của Nghị định này .......” vì có những trường hợp hồ sơ đầy đủ theo quy định nhưng lại chưa hợp lệ, thì trong trường hợp này, thời hạn 60 ngày vẫn chưa được tính. Chẳng hạn, hồ sơ đã có lý lịch và văn bằng của cá nhân là thành viên sáng lập nhưng lý lịch chưa có xác nhận của chính quyền địa phương và bản sao văn bằng chưa có công chứng hoặc chứng nhận/chứng thực của cơ quan có thẩm quyền. 
            Để thuận tiện cho các tổ chức, cá nhân thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ hoặc bổ sung ngành nghề kinh doanh dịch vụ đòi nợ, Ban soạn thảo nên cân nhắc đến phương án “có nhiều cơ quan được cấp giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ” chứ không chỉ có Bộ Tài chính như quy định tại Điều 20 của dự thảo Nghị định. Phương án này có thể thực hiện thông qua việc Bộ Tài chính phân cấp cho sở tài chính tại các địa phương.

17.       Điều 21
của dự thảo Nghị định: đề nghị quy định rõ mức phí phải nộp khi làm thủ tục xin giấy phép kinh doanh dịch vị đòi nợ để hạn chế việc dẫn chiếu đến nhiều văn bản khác. Hơn nữa, đối tượng nộp phí quy định tại Điều 21 này không phải doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ vì lúc này doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ chưa được thành lập mà là tổ chức, cá nhân có nhu cầu thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới là người có nghĩa vụ nộp phí, lệ phí.

18.       Điều 23
của dự thảo Nghị định: đề nghị bổ sung thêm trường hợp dẫn đến giấy phép kinh doanh hết hiệu lực “Hợp nhất doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ với doanh nghiệp khác”.
            Ngoài ra, đề nghị Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ quy định rõ tổ chức, cá nhân có nhu cầu cung cấp dịch vụ đòi nợ được phép thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ dưới hình thức nào: doanh nghiệp tư nhân, công ty hợp danh, công ty cổ phần, công ty trách nhiệm hữu hạn 1 thành viên hay từ 2 thành viên trở lên, doanh nghiệp nhà nước ....
            Trên đây là một số ý kiến của chúng tôi đối với dự thảo Nghị định về kinh doanh dịch vụ đòi nợ để Ban soạn thảo tham khảo.

Các văn bản liên quan