GÓP Ý DỰ THẢO NGHỊ ĐỊNH VỀ KINH DOANH DỊCH VỤ THU HỒI NỢ

Thứ Hai 15:06 19-06-2006

I- Đối tưọng điều chỉnh và phạm vi điều chỉnh (Điều 1 dự thảo Nghị định):
- Theo quy định tại Điều 1 dự thảo Nghị định thì: Đối tượng điều chỉnh của Nghị định (NĐ) này là các tổ chức, cá nhân có tham gia vào hoạt động dịch vụ đòi nợ ở Việt nam. Như vậy ở đây đã bao gồm cả phạm vi điều chỉnh - do đó việc quy định phạm vi điều chỉnh tại Điều 2 là thừa, không cần thiết.

-  “cá nhân” có tham gia vào hoạt động dịch vụ thu hồi nợ được quy định tại NĐ là ai? Là khách nợ, chủ nợ hay người trực tiếp thực hiện dịch vụ thu hồi nợ? Nếu là “khách nợ” thì trong NĐ không hề có một điều khoản nào nào điều chỉnh? Nếu là “chủ nợ” thì mâu thuẫn với khoản 1 Điều 4 NĐ quy định về nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ là “…chỉ được thực hiện bởi doanh nghiệp  được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ”.

II- Giả thích từ ngữ (Điều 3 NĐ):

- Việc NĐ dùng khái niệm “Khách nợ” là không phản ánh đúng bản chất của quan hệ vay nợ, quan hệ giữa ngưòi có quyền và người có nghĩa vụ được quy định trong BLDS. Ở đây phải dùng khái niệm “người có nghĩa vụ trả nợ”.
Chủ nợ: Theo giải thích của NĐ thì chỉ những tổ chức, cá nhân có quyền sở hữu đối với nợ thì gọi là chủ nợ. Vậy những cá nhân, tổ chức không có quyền sở hữu đối với nợ nhưng được chủ sở hưu (hoặc các chủ sở hữu) uỷ quyền thông qua hợp đồng uỷ quyền đòi nợ có được coi là chủ nợ và những người này có được nhân danh chủ nợ (hoặc các chủ nợ) ký kết hợp đồng dịch vụ với doanh nghiệp hoạt động dịch vụ thu hồi nợ để thu hồi nợ?

III- Về nguyên tắc hoạt động dịch vụ đòi nợ (Điều 4 NĐ):

Theo quy định tại khoản 1 Điều 4 NĐ thì chỉ những doanh nghiệp được phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ mới đựoc thực hiện hoạt động dịch vụ đòi nợ? Nội dung quy định này là không phù hợp với thực tiễn của hoạt động dịch vụ thu hồi nợ, bởi lẽ, hoạt động dịch vụ thu hồi nợ là một hoạt động mang tính pháp lý đặc thù, đòi hỏi người thực hiện phải có sự hiểu biết về pháp luật và từ trtước đến nay các Văn phòng luật sư vẫn thực hiện việc tư vấn và trực tiếp tham gia việc thu hồi nợ theo yêu cầu của khách hàng (theo uỷ quyền). Nếu NĐ này có hiệu lực thì các Văn phòng luật sư có tiếp tục được thực hiện dịch vụ này? hay muốn thực hiện phải xin phép của Bộ tài chính? Khi đó rõ ràng, chức năng tư vấn pháp lý và thực hiện các dịch vụ pháp lý liên quan đến thu hồi nợ của các Văn phòng luật sư không được thực hiện - Điều này là trái với quy định về chức năng nhiệm vu cũng như phạm vi hành nghề của các Văn phòng luật sư đã được quy định tại Pháp lệnh luật sư năm 2001.

IV- Quản lý Nhà nước về hoạt động dịch vụ đòi nợ (Điều5 NĐ):

Theo quy định tại khoản 2 Điều 5 NĐ thì Cơ quan có thẩm quyền cấp, thu hồi giấy phép kinh doanh dịch vụ đòi nợ là Bộ tài chính. Nội dung quy định này là sự bó hẹp và gây khó khăn không những cho những người muốn thành lập doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ mà còn gây khó khăn cho chính Cơ quan cấp giấy phép trong quá trình cấp phép và quản lý hoạt động của doanh nghiệp. Quy định này cũng đồng nghĩa với việc  Bộ tài chính đựơc quy định về điều kiện kinh doanh… tức là phát sinh thêm một loại giấy phép con - điều này trái với tinh thần của Luật doanh nghiệp 2005 (có hiệu lực từ ngày 1/7/2006), khoản 5 Điều 7 Luật doanh nghiệp quy định “ Bộ, cơ quan ngang Bộ… không được quy định về ngành, nghề kinh doanh có điều kiện và điều kiện kinh doanh”

V- Các khoản nợ được thực hiện bởi dịch vụ đòi nợ (Điều 8 NĐ)

Có 3 nội dung đặt ra:
- Nợ không phát sinh trong giao dịch dân sự là gì?
- Thế nào là khoản nợ không có đủ giấy tờ pháp lý? Giấy tờ pháp lý ở đây là những loại giấy tờ gì? Ai là người đánh giá các loại giấy tờ này có tính pháp lý?
- Nợ đang tranh chấp: cần phải hiểu nợ đang tranh chấp ở đây như thế nào? tranh chấp giữa chủ nợ và người có nghĩa vh trả nợ hay tranh chấp giữa người có nghĩa vụ trả nợ với người thứ ba, thứ tư… nào đó. Và tranh chấp này là tranh chấp chưa được đưa ra cơ quan có thẩm quyền giải quyết hay là chỉ những tranh chấp đã được đưa ra cơ quan có thẩm quyền  thụ lý để giải quyết?.

VI- Hợp đồng dịch vụ đòi nợ ( Điều 9 NĐ).

Theo tinh thần của một số quy định tại Nghị định này (không có điều khoản cụ thể) thì để thực hiện dịch vụ thu hồi nợ thì ngoài Hợp đồng dịch vụ đòi nợ thì Doanh nghiệp thu hồi nợ và chủ nợ phải có Hợp đồng uỷ quyền thu hồi nợ.
Trong đó Hợp đồng dịch vụ thu hồi nợ nhằm xác định quyền hạn trách nhiệm của chủ nợ đối với Doanh nghiệp, còn Hợp đồng uỷ quyền là để doanh nghiệp nhân danh chủ nợ thực hiện các hoạt động thu hồi nợ (Điều 7 NĐ). Điều này là phù hợp với quy định của BLDS về uỷ quyền. Tuy nhiên tại Điều 8 của NĐ lại chỉ quy định về Hợp đồng dịch vụ đòi nợ và trong nội dung của hợp đồng này bao gồm luôn cả việc uỷ quyền của chủ nợ cho doanh nghiệp kinh doanh dịch vụ đòi nợ? điều này là trái với quy định của BLDS về uỷ quyền. Theo quy định của BLDS thì việc uỷ quyền này phải làm thành văn bản và nếu pháp luật có quy định thì phải có xác nhận của cơ quan có thẩm quyền hoặc công chứng, chứng thực.

VII- Điều kiện đối với người quản trị, điều hành doanh nghiệp và người đứng đầu chi nhánh:

Cần phải hiểu “người có trình độ chuyên môn về pháp luật hoặc tài chính” là như thế nào/ hay nói cách khác, một người như thế nào thì được coi là người có trình độ chuyên môn về pháp luật hoặc tài chính? Liệu một người không có bằng cấp chuyên ngành về luật  hoặc tài chính nhưng đã tham gia các hoạt động liên quan đến tư vấn pháp luật, tài chính thì có được coi là người có đủ trình độ chuyên môn?

VIII- Điều kiện cấp giấy phép (Điều 18 NĐ)

Không hiểu nhà làm luật căn cứ vào đâu để đưa ra mức vốn điều lệ là không thấp hơn 5 tỷ đồng? Cũng biết rằng, việc nhà làm luật quy định như vậy là nhằm hạn chế những rủi ro cho khách hàng, nhưng vô hình chung việc quy định mức vốn điều lệ này là hoàn toàn không khả thi và trái với Luật Doanh nghiệp vì  theo quy định của Luật Doanh nghiệp thì mức vốn điều lệ là do doanh nghiệp tự khai, tự chịu trách nhiệm còn Nhà nước không kiểm tra khi thành lập doanh nghiệp. Chỉ có vốn pháp định thì buộc phải có. Như vậy, với quy định này chẳng lẽ Bộ Tài chính lại đi kiểm tra vốn điều lệ của doanh nghiệp?
Bên cạnh đó, việc quy định mức vốn điều lệ là không phù hợp với thực tiễn của nền kinh tế còn nhỏ lẻ của Việt Nam, hạn chế khả năng kinh doanh và hoạt động của những doanh nghiệp muốn làm ăn chân chính.

IX- Đề nghị:

Việc ban hành văn bản phát luật để điều chỉnh hoạt động kinh doanh dịch vụ thu hồi nợ là cần thiết. Tuy nhiên, không thể vì một lý do nào đó để cản trở các hoạt động kinh doanh hợp pháp của các cá nhân, tổ chức đã, đang và sẽ kinh doanh trong lĩnh vực này. Qua nghiên cứu một sô nội dung của dự thảo NĐ, với tư cách là các luật sư và là những người đã trực tiếp tham gia vào một số hoạt động dịch vụ thu hồi nợ, chúng tôi thấy rằng có nhiều quy định điều chỉnh về hoạt động kinh doanh thu hồi nợ là không khả thi và không phù hợp với thực tiễn. Các quy định này đẫ đi ngược lại tinh thần của Luật Doanh nghiệp và một số văn bản pháp luật khác. 

 

Các văn bản liên quan