VCCI_Góp ý Dự thảo Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp

Thứ Năm 15:49 06-02-2025

Kính gửi: Bộ Kế hoạch và Đầu tư

Trả lời Công văn số 64/BKHĐT-QLKTTW của Bộ Kế hoạch và Đầu tư về việc đề nghị góp ý Dự thảo Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi) (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, hiệp hội, có một số ý kiến như sau:

Các đề xuất chính sách trong Dự thảo là nêu bật được các vấn đề vướng mắc, bất cập của Luật Doanh nghiệp 2020. Các giải pháp thực hiện chính sách cơ bản là hợp lý, phù hợp với các kiến nghị của doanh nghiệp. Tuy nhiên, để hoàn thiện, đề nghị Cơ quan soạn thảo cân nhắc, xem xét một số vấn đề sau:

  1. Chính sách 1: Đảm bảo sự thống nhất và đồng bộ của pháp luật

Dự thảo đã đề xuất bổ sung phần giải thích của một số khái niệm “người có liên quan của người quản lý doanh nghiệp”, “quyền chi phối”, “sở hữu gián tiếp”, “sở hữu gián tiếp”; “hồ sơ giả mạo”, “hồ sơ không trung thực, không chính xác”, “kê khai khống vốn điều lệ”. Đề xuất này là phù hợp, vì pháp luật doanh nghiệp hiện hành gặp khá nhiều vướng mắc, lúng túng trong quá trình thực hiện khi các khái niệm này chưa được giải thích một cách rõ ràng.

Tuy vậy, việc dự kiến định nghĩa “quyền chi phối là quyền định đoạt đối với điều lệ hoạt động, việc bổ nhiệm, miễn nhiệm, cách chức các chức danh quản lý chủ chốt, việc tổ chức quản lý và các quyết định quản lý quan trọng khác của doanh nghiệp” còn chưa thực sự rõ ràng. “Chức danh quản lý chủ chốt” chưa làm rõ được chức danh quản lý nào, các quyết định nào là “các quyết định quan trọng khác”. Việc giải thích một khái niệm bằng những khái niệm chưa rõ ràng khác khiến cho chính sách này là chưa rõ ràng. Đề nghị quy định rõ hơn về “quyền chi phối”, có thể tham khảo khái niệm “kiểm soát, chi phối doanh nghiệp” tại Nghị định 35/2020/NĐ-CP.

  1. Chính sách 2: Hoàn thiện khung khổ thể chế gia nhập thị trường và rút khỏi kinh doanh thuận lợi, an toàn, minh bạch

Các quy định về gia nhập thị trường là một trong những điểm sáng của pháp luật về doanh nghiệp trong thời gian qua và cộng đồng doanh nghiệp đánh giá cao về những quy định thuận lợi, có tính cải cách của các quy định này. Vì vậy, doanh nghiệp kỳ vọng các đề xuất sửa đổi Luật Doanh nghiệp vẫn đảm bảo tinh thần tạo thuận lợi cho doanh nghiệp gia nhập hoặc rút lui khỏi thị trường.

 Về cơ bản, các đề xuất liên quan đến chính sách 2 “hoàn thiện khung khổ thể chế gia nhập thị trường và rút khỏi kinh doanh của doanh nghiệp” là phù hợp, tuy vậy vẫn cần cân nhắc, xem xét thêm một số vấn đề sau:

  1. Bổ sung quy định về việc người ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định về việc người ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp có nghĩa vụ thực hiện xác thực điện tử với Cơ quan đăng ký kinh doanh để xác nhận việc ủy quyền thực hiện thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

Đề xuất này đang không rõ thủ tục này là gì? Có phải là thủ tục “xác thực điện tử” quy định tại Điều 3 Nghị định 69/2024/NĐ-CP. Dự thảo cũng đề xuất hợp nhất tài khoản định danh của cá nhân (Vneid) với tài khoản đăng ký kinh doanh để ký số và nộp hồ sơ đăng ký kinh doanh. Nếu đã có bước hợp nhất này thì cần thủ tục “xác thực điện tử” có cần thiết không? Đề nghị giải trình rõ hơn về thủ tục này, và cân nhắc theo hướng bỏ đề xuất này để tạo thuận lợi cho thủ tục đăng ký doanh nghiệp.

  1. Bổ sung quy định việc công khai thông tin về hoạt động của doanh nghiệp

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định “doanh nghiệp phải công khai trực tuyến thông tin tình trạng hoạt động trên Hệ thống thông tin quốc gia về đăng ký doanh nghiệp định kỳ vào ngày cuối cùng quý II, quý IV hàng năm”. Đây là quy định mới, bổ sung thêm nghĩa vụ của doanh nghiệp trong việc công khai thông tin. Tuy nhiên, quy định này đang không rõ thông tin doanh nghiệp cần công khai là gì?

Theo quy định tại Luật Doanh nghiệp, doanh nghiệp phải công khai thông tin về ngành nghề đăng ký kinh doanh, Danh sách cổ đông sáng lập; danh sách cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài đối với công ty cổ phần (nếu có) và các thông tin sửa đổi các thông tin này (Điều 32). Trách nhiệm của cơ quan đăng ký kinh doanh cập nhật tình trạng pháp lý của doanh nghiệp trong Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp như “chia công ty” (Điều 198.5); “hợp nhất công ty” (Điều 200.5); “sáp nhật công ty” (Điều 201.4); “chuyển đổi công ty TNHH thành CTCP” (202.3); “chuyển đổi CTCP thành Công ty TNHH một thành viên” (Điều 203.3). Như vậy, với các quy định hiện hành, thông tin về tình trạng hoạt động của doanh nghiệp cơ bản đã được công khai. Do vậy, đề nghị xem xét không bổ sung quy định về công khai thông tin trên để giảm về thủ tục cũng như chi phí tuân thủ cho doanh nghiệp.

  1. Về chia sẻ thông tin giữa các hệ thống dữ liệu thông tin của cơ quan quản lý nhà nước

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định để làm rõ hơn việc kết nối, chia sẻ thông tin của cơ quan chủ quản Cơ sở dữ liệu quốc gia và Cơ sở dữ liệu chuyên ngành với Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp nhằm nâng cao hiệu lực quản lý nhà nước đối với doanh nghiệp, trong đó có thông tin về giấy phép kinh doanh, giấy chứng nhận đủ điều kiện kinh doanh, chứng chỉ hành nghề, …; thông tin về thuế, hóa đơn, báo cáo tài chính của doanh nghiệp, hải quan …

Đề xuất này là hợp lý, tuy nhiên mới chỉ là một chiều từ cơ quan quản lý chuyên ngành đến cơ quan đăng ký kinh doanh mà chưa có chiều ngược lại, cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp chia sẻ cho các cơ quan quản lý chuyên ngành. Hiện nay, các thủ tục cấp phép kinh doanh không còn yêu cầu giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, cơ quan cấp phép sẽ tra cứu trên Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp để lấy thông tin. Vì vậy, việc chia sẻ, kết nối thông tin cần từ hai phía. Do đó, đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định rõ hơn về việc kết nối, chia sẻ thông tin giữa các cơ quan chủ quản của Cơ sở dữ liệu quốc gia, Cơ sở dữ liệu chuyên ngành và Cơ sở dữ liệu quốc gia về đăng ký doanh nghiệp.

  1. Về việc cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định về việc cấm thành lập doanh nghiệp có thời hạn với một số đối tượng vi phạm pháp luật về thuế theo hướng: người thành lập hoặc người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký thì phải hoàn thành nghĩa vụ thuế của doanh nghiệp bị cơ quan thuế thông báo không hoạt động tại địa chỉ đã đăng ký trước khi tham gia thành lập hoặc làm người đại diện theo pháp luật của doanh nghiệp mới.

Theo quy định tại khoản 25 Điều 4 Luật Doanh nghiệp 2020, “người thành lập doanh nghiệp là cá nhân, tổ chức thành lập hoặc góp vốn để thành lập doanh nghiệp”. Quy định này đang chưa rõ các chủ thể này có bao gồm các thành viên/cổ đông đang sở hữu phần vốn góp/cổ phần trong các doanh nghiệp hay không? Nếu các thành viên hoặc cổ đông sở hữu phần vốn góp/cổ phần được xem là “người thành lập doanh nghiệp” thì phạm vi áp dụng của quy định này quá rộng và bất khả thi, nhất là áp dụng cho công ty đại chúng.

Nếu người thành lập doanh nghiệp là các cổ đông sáng lập, trong trường hợp, sau ba năm đã chuyển nhượng cổ phần cho chủ thể khác, không còn là cổ đông trong công ty cổ phần, nếu chịu sự ràng buộc bởi quy định này là chưa hợp lý.

Việc cấm một số chủ thể thành lập doanh nghiệp là quy định tác động lớn đến gia nhập thị trường của các chủ thể kinh doanh, vì vậy đề nghị rà soát, cân nhắc kỹ càng và thận trọng, tránh đi ngược lại tinh thần khuyến khích khởi nghiệp kinh doanh thông qua việc thành lập doanh nghiệp.

  1. Bổ sung tài liệu chứng minh năng lực góp vốn trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định việc đăng ký thay đổi vốn điều lệ phải kèm theo bản sao giấy tờ chứng minh hoàn tất việc thay đổi vốn điều lệ; bổ sung quy định giao văn bản hướng dẫn Luật quy định chi tiết về vác trường hợp mà thành phần hồ sơ đăng ký doanh nghiệp phải bổ sung giấy tờ chứng minh năng lực góp vốn.

Đây là quy định mới, được hiểu, nhằm hạn chế tình trạng “góp vốn khống”, “tăng vốn ảo”, tuy nhiên quy định này lại gia tăng thêm thủ tục, và có thể là rào cản cho các chủ thể muốn thành lập doanh nghiệp.

Pháp luật về doanh nghiệp hiện hành đang thiết kế theo hướng, tại thời điểm đăng ký kinh doanh, cơ quan đăng ký kinh doanh chỉ ghi nhận những thông tin của doanh nghiệp đăng ký và áp dụng cơ chế quản lý bằng hậu kiểm. Cách thức quản lý này đã tạo điều kiện thuận lợi cho việc gia nhập thị trường. Nếu đề xuất bổ sung thêm yêu cầu phải có tài liệu chứng minh năng lực góp vốn (Dự thảo cũng chưa xác định các loại tài liệu này là gì) có thể khiến cho người thành lập doanh nghiệp phải mất thêm thời gian và chi phí để có được các tài liệu chứng minh. Một số doanh nghiệp cho rằng, đề xuất này sẽ khiến cho thủ tục đăng ký thành lập doanh nghiệp kéo dài và khiến cho việc gia nhập thị trường trở nên kém thuận lợi.

Đây là đề xuất thay đổi về tư duy quản lý về đăng ký kinh doanh và sẽ tác động khá lớn đối với việc gia nhập thị trường, vì vậy cần đánh giá tác động một cách kĩ càng. Trong Báo cáo tác động đánh giá khá mờ nhạt về đề xuất này. Đề nghị cân nhắc lại việc bổ sung quy định và đánh giá tác động kỹ càng hơn đối với đề xuất này.

  1. Về yêu cầu Phiếu lý lịch tư pháp trong hồ sơ đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp “Trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh có yêu cầu, người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp cho Cơ quan đăng ký kinh doanh”. Quy định này là chưa đủ rõ ràng về các trường hợp Cơ quan đăng ký kinh doanh yêu cầu phải nộp Phiếu lý lịch tư pháp và có thể gây khó khăn cho người đăng ký thành lập khi trao quyền quyết định cho cơ quan thực thi.

Mặt khác, hiện nay hệ thống thông tin cơ quan nhà nước có thể chia sẻ cho nhau, các thông tin về lý lịch tư pháp cần thiết kế để cơ quan nhà nước có thể truy cập và xem xét, không cần thiết phải yêu cầu người đăng ký thành lập doanh nghiệp phải cung cấp.

Tờ trình có phản ánh về vướng mắc này, tuy nhiên trong đề xuất chính sách lại không đề cập đến giải quyết. Trong phản ánh trước đây của VCCI, các doanh nghiệp đề nghị bỏ điểm e khoản 2 Điều 17 Luật Doanh nghiệp. Đề nghị cân nhắc, xem xét bỏ quy định này.

  1. Bổ sung trường hợp thu hồi chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Dự thảo đề xuất bổ sung quy định về thu hồi giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đối với trường hợp doanh nghiệp ngừng hoạt động kinh doanh 01 năm mà không thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và cơ quan thuế.

Theo quy định hiện hành, việc tạm ngừng hoạt động kinh doanh không phải thông báo với cơ quan thuế. Doanh nghiệp thông báo với cơ quan đăng ký kinh doanh và tình trạng doanh nghiệp được cập nhật trên Hệ thống Đăng ký kinh doanh quốc gia. Mặt khác, việc kết nối thông tin, giữa các cơ quan quản lý cần có sự trao đổi, chia sẻ thông tin với nhau, tránh việc yêu cầu doanh nghiệp phải thực hiện thêm thủ tục.

Vì vậy, đề nghị bỏ đề xuất bổ sung nội dung “không thông báo với cơ quan thuế”.

  1. Về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh

 Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 202 về tạm ngừng, đình chỉ hoạt động, chấm dứt kinh doanh theo hướng: bổ sung quy định đối với trường hợp tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư khi tạm ngừng kinh doanh của doanh nghiệp thực hiện dự án đầu tư khi tạm ngừng dự án đầu tư phù hợp với pháp luật đầu tư. Nội dung đang chưa rõ hướng sửa của đề xuất là gì?

Trên thực tế, một doanh nghiệp có thể thực hiện nhiều dự án đầu tư, nếu dừng một dự án đầu tư không có nghĩa là doanh nghiệp sẽ tạm ngừng kinh doanh.

Để đảm bảo tính minh bạch, rõ ràng, đề nghị làm rõ hơn đề xuất này.

  1. Thời điểm có hiệu lực của những thay đổi trên Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp

Theo quy định tại khoản 2 Điều 30 Luật Doanh nghiệp “Doanh nghiệp chịu trách nhiệm đăng ký thay đổi nội dung Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày có thay đổi.”. Luật Doanh nghiệp không quy định rõ về ngày có hiệu lực của những thay đổi này: là ngày ban hành các quyết định của doanh nghiệp? Ngày ghi nhận sự thay đổi trong các quyết định của doanh nghiệp hay là ngày cơ quan đăng ký kinh doanh cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp?

Điều này dẫn tới khó khăn cho doanh nghiệp trong việc thực hiện các giao dịch như giao kết hợp đồng, sử dụng tài khoản ngân hàng trong khoảng thời gian doanh nghiệp đã có các văn bản nội bộ ghi nhận người đại diện theo pháp luật mới, nhưng chưa hoàn thành thủ tục đăng ký thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp, chưa được cấp giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp mới. Đồng thời, cũng gây lúng túng cho chính cơ quan quản lý nhà nước trong quá trình triển khai thực hiện các quy định liên quan (ví dụ trường hợp áp dụng quy định tại Điều 30, 31 Luật Doanh nghiệp khi xác định thời điểm thay đổi người đại diện theo pháp luật tính từ ngày doanh nghiệp bổ nhiệm hay là ngày cấp lại Giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp, …). Vướng mắc này đã được phản ánh trong Tờ trình, tuy nhiên tại Chính sách đề xuất lại chưa đưa ra hướng giải quyết.

Đề nghị bổ sung hướng giải quyết cho trường hợp trên.

  1. Thông báo thay đổi nội dung đăng ký doanh nghiệp

Điểm b khoản 1 Điều 31 Luật Doanh nghiệp quy định về trách nhiệm của doanh nghiệp phải thông báo với Cơ quan đăng ký kinh doanh khi nội dung đăng ký kinh doanh có sự thay đổi về danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài. Tuy nhiên, Điều 23 về nội dung giấy đề nghị đăng ký doanh nghiệp cũng như Điều 28 về nội dung giấy chứng nhận đăng ký doanh nghiệp đều không quy định về danh sách cổ đông sáng lập và cổ đông là nhà đầu tư nước ngoài mà chỉ quy định về họ tên, địa chỉ liên lạc, quốc tịch, số giấy tờ pháp lý của cá nhân đối với người đại diện theo pháp luật của công ty cổ phần. Điều này là chưa thống nhất giữa các nội dung các giấy tờ cung cấp và yêu cầu cung cấp thông tin. Đề nghị xem xét điều chỉnh lại để đảm bảo tính thống nhất.

  1. Chính sách 3: Hoàn thiện quy định pháp luật về quản trị doanh nghiệp
  2. Về người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH một hoặc hai thành viên là tổ chức

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung khoản 6 Điều 12 Luật Doanh nghiệp để quy định rõ về người đại diện theo pháp luật của công ty TNHH chỉ có hai thành viên. Tuy nhiên, Dự thảo mới chỉ đề cập đến công ty TNHH có hai thành viên là cá nhân hoặc hai thành viên là tổ chức, chưa đề xuất giải quyết cho trường hợp công ty TNHH có một thành viên là cá nhân, một thành viên là tổ chức. Điều này có thể khiến việc triển khai trên thực tế gặp khó khăn, vì vậy đề nghị bổ sung hướng giải quyết cho trường hợp công ty TNHH hai thành viên có một thành viên là cá nhân, một thành viên là tổ chức.

  1. Về ký biên bản họp trực tuyến

Luật Doanh nghiệp 2020 có các quy định thành viên hội đồng thành viên/cổ đông được coi là tham dự và biểu quyết tại cuộc họp trong trường hợp tham dự và biểu quyết thông qua cuộc họp trực tuyến (khoản 4 Điều 59 và khoản 3 Điều 144). Tuy nhiên, trên thực tế, có nhiều trường hợp tòa án hay trọng tài thương mại không công nhận các biên bản họp mà chủ tịch và thư ký ký kết sau khi tham dự cuộc họp trực tuyến từ các quốc gia khác nhau.

Đề xuất bổ sung quy định hướng dẫn cụ thể về việc lập và ký biên bản họp của đại hội đồng cổ đông, hội đồng thành viên, hội đồng quản trị trong trường hợp họp trực tuyến.

  1. Về việc thông qua nghị quyết hội đồng thành viên

Khoản 5, 6 Điều 80 Luật Doanh nghiệp quy định:

“5. Cuộc họp Hội đồng thành viên được tiến hành khi có ít nhất hai phần ba tổng số thành viên Hội đồng thành viên dự họp. Trường hợp Điều lệ công ty không có quy định khác thì mỗi thành viên Hội đồng thành viên có một phiếu biểu quyết có giá trị như nhau. Hội đồng thành viên có thể thông qua nghị quyết, quyết định theo hình thức lấy ý kiến bằng văn bản.

  1. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên được thông qua khi có trên 50% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu trên 50% tổng số phiếu biểu quyết tán thành. Việc sửa đổi, bổ sung Điều lệ công ty, tổ chức lại công ty, chuyển nhượng một phần hoặc toàn bộ vốn điều lệ của công ty phải được ít nhất 75% số thành viên dự họp tán thành hoặc số thành viên dự họp sở hữu từ 75% tổng số phiếu biểu quyết trở lên tán thành. Nghị quyết, quyết định của Hội đồng thành viên có hiệu lực kể từ ngày được thông qua hoặc từ ngày ghi tại nghị quyết, quyết định đó, trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác.

Quy định về các tỷ lệ như trên mâu thuẫn với khoản 3 và 4 Điều 14 Luật Doanh nghiệp, theo đó, mỗi người đại diện theo ủy quyền (đồng thời là thành viên Hội đồng thành viên) được đại diện phần vốn góp của chủ sở hữu theo một tỷ lệ cụ thể. Điều này có nghĩa số lượng thành viên tối thiểu tham dự cuộc họp và tỷ lệ biểu quyết của Hội đồng thành viên phải được tính theo tỷ lệ phần vốn góp của những người đại diện theo ủy quyền.

Dự thảo đã đề xuất sửa đổi về việc thông qua nghị quyết hội đồng thành viên quy định tại Điều 80 “theo các trường hợp tính theo số lượng thành viên và theo tỷ lệ phần vốn góp được ủy quyền”. Đề nghị sửa đổi theo hướng số lượng thành viên tối thiểu tham dự cuộc họp và tỷ lệ biểu quyết của Hội đồng thành viên được tính theo tỷ lệ phần vốn góp của những người đại diện theo ủy quyền.

  1. Nhiệm kỳ của những người quản lý

Luật Doanh nghiệp 2020 chỉ quy định rằng khi tất cả thành viên Hội đồng quản trị cùng kết thúc nhiệm kỳ, các thành viên này sẽ tiếp tục giữ vai trò trong Hội đồng quản trị cho đến khi có người mới được bầu thay thế và đảm nhận công việc. Tuy nhiên, đối với trường hợp người quản lý hoặc thành viên Ban kiểm soát hết nhiệm kỳ mà chưa được bổ nhiệm lại hoặc chưa có người khác thay thế lại chưa đưa ra quy định rõ ràng liệu họ có tiếp tục được thực hiện quyền và nghĩa vụ của mình hay không. Sự thiếu sót này tạo ra khoảng trống pháp lý, khiến công ty gặp khó khăn trong việc xác định trách nhiệm, quyền hạn và quyền lợi của người quản lý hoặc thành viên Ban kiểm soát trong thời gian chuyển tiếp.

Dự thảo đã sửa đổi, bổ sung về trường hợp trên đối với Giám đốc công ty TNHH một thành viên khi kết thúc nhiệm kỳ nhưng chưa sửa đổi, bổ sung các trường hợp khác. Đề nghị sửa đổi, bổ sung quy định chi tiết đối với các trường hợp khác để làm rõ quyền và nghĩa vụ của những người này sau khi hết nhiệm kỳ.

  1. Hợp đồng, giao dịch của công ty với những người có liên quan

– Điểm a khoản 1 Điều 86 Luật Doanh nghiệp quy định các hợp đồng giữa công ty TNHH MTV và chủ sở hữu công ty (hoặc người có liên quan của chủ sở hữu công ty) phải được chấp thuận bởi hội đồng thành viên/chủ tịch, tổng giám đốc và kiểm soát viên. Quy định này hoàn toàn chưa hợp lý, bởi việc chấp thuận nhằm đảm bảo lợi ích của công ty TNHH MTV không bị ảnh hưởng tiêu cực, không mâu thuẫn lợi ích với bên giao dịch. Tuy nhiên, chủ sở hữu và công ty về cơ bản là có lợi ích song trùng, không  thể có vấn đề mâu thuẫn lợi ích giữa chủ sơ hữu công ty TNHH MTV và chính công ty đó. Những người có quyền chấp thuận lại hoàn toàn do chủ sở hữu có toàn quyền bổ nhiệm và chỉ đạo, nên việc chấp thuận là ít ý nghĩa.

Trong khi đó, trên thực tế, các công ty TNHH MTV luôn có rất nhiều giao dịch với chủ sở hữu, hoặc các công ty con khác của chủ sở hữu (là người có liên quan), nên quy định chấp thuận này khiến cho việc thực hiện khá phiền phức và một số công ty không thực hiện chấp thuận dẫn đến hệ quả giao dịch bị coi là vô hiệu. Đề nghị bỏ quy định tại điểm a khoản 1 Điều 86 Luật Doanh nghiệp.

– Khoản 3 Điều 86 Luật Doanh nghiệp quy định “Trừ trường hợp Điều lệ công ty có quy định khác, thành viên Hội đồng thành viên hoặc Chủ tịch công ty, Giám đốc hoặc Tổng giám đốc và Kiểm soát viên phải quyết định việc chấp thuận hợp đồng, giao dịch trong thời hạn 10 ngày kể từ ngày nhận được thông báo theo nguyên tắc đa số, mỗi người có một phiếu biểu quyết; người có liên quan đến các bên không có quyền biểu quyết.”. Thời hạn 10 ngày là quá dài, trong khi đây là các hoạt động kinh doanh cần phải có quyết định nhanh, đề nghị rút ngắn thời gian còn 3-5 ngày.

  1. Chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung Điều 167 Luật Doanh nghiệp, tuy nhiên chưa sửa đổi, bổ sung quy định liên quan đến nguyên tắc chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan.

Khoản 2, 4 Điều 167 Luật Doanh nghiệp quy định về nguyên tắc chấp thuận hợp đồng, giao dịch giữa công ty với người có liên quan. Luật Doanh nghiệp chưa quy định rõ trong trường hợp tất cả các thành viên Hội đồng quản trị đều là người có liên quan đến hợp đồng, giao dịch hoặc chỉ có một thành viên được quyền biểu quyết hoặc số lượng người biểu quyết là số chẵn và có ý kiến đồng ý và không đồng ý bằng nhau thì giải quyết như thế nào? Đề nghị bổ sung quy định giải quyết cho trường hợp này.

  1. Trình tự, thủ tục mời họp, triệu tập trong trường hợp đặc biệt

Khoản 4 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020 quy định về việc Chủ tịch Hội đồng thành viên không thực hiện được nhiệm vụ của mình (ví dụ: chết, mất tích, bị tạm giam, đang chấp hành hình phạt tù, …) thì một trong số các thành viên Hội đồng thành viên triệu tập họp các thành viên còn lại bầu một người trong số các thành viên tạm thời làm Chủ tịch Hội đồng thành viên. Tuy nhiên, Luật Doanh nghiệp 2020 chưa có quy định về việc triệu tập họp hội đồng thành viên khi xảy ra một trong số các trường hợp đặc biệt nêu trên. Điều này dẫn đến việc trên thực tế, các doanh nghiệp vẫn phải thực hiện theo quy trình, trình tự mời họp và triệu tập họp hội đồng thành viên theo các Điều 57, 58 của Luật Doanh nghiệp 2020, dẫn đến việc tốn thời gian, không đáp ứng được nhu cầu cấp thiết của doanh nghiệp trước tình thế Chủ tịch Hội đồng thành viên đã không còn thực hiện được nhiệm vụ của mình và cần có người thay thế.

Đề nghị bổ sung quy định về trình tự, thủ tục mời họp, triệu tập họp hội đồng thành viên rút gọn đối với các trường hợp đặc biệt tại khoản 4 Điều 56 Luật Doanh nghiệp 2020.

  1. Xác định tư cách thành viên/cổ đông

Theo quy định hiện hành, việc công nhận/xác định tư cách cổ đông/thành viên căn cứ vào thời điểm các thông tin của họ được ghi nhận tại Sổ Đăng ký cổ đông hoặc Sổ Đăng ký thành viên. Luật Doanh nghiệp cũng chưa có quy định để xử lý tư cách cổ đông/thành viên trong một số tình huống sau:

– Công ty không lập sổ đăng ký cổ đông/số đăng ký thành viên

– Công ty lập sổ đăng ký cổ đông/sổ đăng ký thành viên nhưng không đầy đủ thông tin của cổ đông hoặc không được cập nhật kịp thời khi có sự thay đổi.

Việc thiếu vắng quy định xử lý cho các trường hợp trên, dẫn đến các tranh chấp giữa công ty với cổ đông/thành viên và/hoặc giữa cổ đông/thành viên với nhau liên quan đến quyền sở hữu cổ phần và tư cách cổ đông, từ đó, ảnh hưởng đến quyền, lợi ích của các cổ đông/thành viên và hoạt động ổn định của doanh nghiệp.

Trên thực tế, khi giải quyết tranh chấp liên quan đến xác định tư cách cổ đông, có trường hợp tòa án đã chấp nhận tư cách cổ đông khi đã thanh toán tiền mua cổ phần mặc dù chưa được ghi nhận trong Sổ Đăng ký cổ đông dựa trên những bằng chứng như cổ đông đã thanh toán tiền mua cổ phần, công ty đã có báo cáo tài chính ghi nhận phần thanh toán tiền mua cổ phần, đã ghi nhận cổ đông được quyền nhận cổ tức. Việc công ty không lập sổ đăng ký cổ đông hay chậm trễ trong việc cập nhật sổ đăng ký cổ đông là trách nhiệm của công ty, không ảnh hưởng đến tư cách và quyền của cổ đông.

Đề nghị xem xét lại quy định về thời điểm xác định tư cách cổ đông/thành viên phù hợp với quy định tại pháp luật dân sự về thời điểm phát sinh quyền sở hữu.

  1. Chính sách 4: thực hiện cam kết quốc tế về phòng, chống rửa tiền
  2. Lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp

Dự thảo đề xuất sửa đổi, bổ sung quy định doanh nghiệp phải lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi của doanh nghiệp tại trụ sở chính hoặc địa điểm khác được quy định trong Điều lệ công ty. Thông tin về tất cả các chủ sở hữu hưởng lợi phải được lưu giữ trong suốt quá trình hoạt động và ít nhất 05 năm sau ngày doanh nghiệp giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động.

Đề nghị bổ sung nội dung xác định cơ chế để doanh nghiệp lưu giữ thông tin về chủ sở hữu hưởng lợi sau khi doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động. Chủ thể nào có quyền quản lý thông tin sau khi doanh nghiệp đã giải thể, phá sản, chấm dứt hoạt động?

  1. Chính sách 5: Hình thành cơ sở pháp lý cho hoạt động của cá nhân kinh doanh (thương nhân thể nhân)

Dự thảo đề xuất quy định tại Luật Doanh nghiệp về chủ thể kinh doanh là cá nhân bao gồm: doanh nghiệp tư nhân, hộ kinh doanh và cá nhân kinh doanh. Đây là đề xuất thay đổi khá lớn về chủ thể kinh doanh là cá nhân, vì vậy cần thiết phải đánh giá đầy đủ, dầy dặn hơn về tính cần thiết, hợp lý khi bổ sung các chủ thể này vào Luật Doanh nghiệp – văn bản chủ yếu điều chỉnh tổ chức hoạt động của tổ chức là doanh nghiệp. Trước đây, có nhiều ý kiến về việc xây dựng một luật riêng về cá nhân kinh doanh (hộ kinh doanh) để tương xứng với vị thế, tầm quan trọng, vai trò của các chủ thể này trong nền kinh tế. Việc chỉ đề xuất một số nguyên tắc chung và trao quyền cho Chính phủ quy định về đăng ký và hoạt động của hộ kinh doanh, cá nhân kinh doanh dường như chưa đánh giá đúng vai trò của các chủ thể kinh doanh này.

Trong trường hợp cần thiết phải quy định hoạt động của cá nhân kinh doanh trong Luật Doanh nghiệp, đề nghị bổ sung thêm nội dung về tính cần thiết và các nội dung cơ bản dự kiến sẽ quy định về chủ thể này để hình dung được chính sách quản lý được thiết kế cho chủ thể này.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Hồ sơ Đề nghị xây dựng Luật Doanh nghiệp (sửa đổi). Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.