VCCI_Góp ý Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp

Thứ Sáu 10:41 24-01-2025

Kính gửi: Bộ Quốc phòng

Trả lời Công văn số 5867/BQP-TM của Bộ Quốc phòng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) có một số ý kiến như sau:

  1. Về “tình trạng khẩn cấp”

– Về xác định “tình trạng khẩn cấp”

Khoản 1 Điều 2 Dự thảo đưa ra định nghĩa về tình trạng khẩn cấp là “trạng thái xã hội đặc biệt được thiết lập khi tính mạng của Nhân dân, tài sản của Nhà nước, tổ chức, cá nhân, quốc phòng, an ninh quốc gia tại một hay nhiều địa phương trên cả nước bị đe dọa gây thiệt hại hoặc thiệt hại nghiêm trọng đến mức phải áp dụng biện pháp đặc biệt nhằm kịp thời ngăn chặn và khắc phục hậu quả xảy ra để nhanh chóng ổn định tình hình”. Thay vì liệt kê các tình trạng khẩn cấp, Dự thảo tiếp cận theo hướng xác định nội hàm của tình trạng khẩn cấp. Cách thức quy định này có thể bao quát được các tình trạng khẩn cấp có thể có, nhưng lại đặt ra nguy cơ xác định chưa chính xác về tình trạng khẩn cấp.

Khi xảy ra tình trạng khẩn cấp, Nhà nước sẽ áp dụng các biện pháp quản lý đặc biệt, trong đó có những biện pháp ảnh hưởng trực tiếp đến quyền và lợi ích của cá nhân, tổ chức – những quyền được pháp luật bảo hộ. Vì vậy, xác định các tình trạng khẩn cấp cần thật chính xác và thận trọng để vừa đảm bảo tính ổn định, bảo vệ được tính mạng, sức khỏe, an ninh quốc gia, quốc phòng vừa bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức.

Chương III Dự thảo quy định về các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, trong đó xác định các tình trạng khẩn cấp như: thảm họa (Điều 13); Dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng (Điều 14); tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội (Điều 15); tình trạng khẩn cấp về quốc phòng (Điều 16). Điều này có thể được hiểu, các trường hợp quy định tại từ Điều 14-Điều 16 là tình trạng khẩn cấp. Tuy vậy, Dự thảo không đưa ra định nghĩa về các trường hợp này, ví dụ: khi nào được cho là rơi vào tình trạng “thảm họa”; “dịch bệnh nguy hiểm” là những dịch bệnh như nào? Quy mô như nào được cho là rộng? … Ngoài các tình trạng quy định tại các điều này thì còn có tình trạng khẩn cấp khác không? Ngoài ra, Dự thảo cũng không có quy định nào để xác định khi nào một khu vực hoặc đất nước thuộc trường hợp là tình trạng khẩn cấp.

 Sự thiếu rõ ràng của các khái niệm cũng như tiêu chí để xác định tình trạng khẩn cấp sẽ khiến cho việc xác định chính xác các tình trạng khẩn cấp gặp khó khăn khi triển khai.

Tóm lại, xác định như thế nào được cho là “tình trạng khẩn cấp” rất quan trọng, đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc quy định bên cạnh đưa ra định nghĩa về tình trạng khẩn cấp, cần liệt kê các trường hợp là “tình trạng khẩn cấp”.

– Về trình tự, thủ tục xác định “tình trạng khẩn cấp”

Dự thảo quy định về thẩm quyền đề nghị và ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp, nhưng chưa quy định về trình tự, thủ tục để xác định tình trạng khẩn cấp và công bố, ban bố về tình trạng này. Chẳng hạn, nếu tình trạng khẩn cấp ở một địa phương thì cơ quan nào sẽ xác định và trình lên Thủ tướng Chính phủ để trình Ủy ban Thường vụ Quốc hội? Có cơ quan để xem xét yếu tố khẩn cấp để xác định chính xác địa phương đó rơi vào tình trạng khẩn cấp hay không?

Theo quy định tại Điều 9 Dự thảo, “tình trạng khẩn cấp” chỉ xác định ở một hoặc nhiều địa phương mà không quy định tình trạng khẩn cấp của cả nước.

Đề nghị Ban soạn thảo bổ sung quy định về trình tự, thủ tục đề nghị ban bố, công bố tình trạng khẩn cấp.

  1. Tính thống nhất của các quy định tại Dự thảo

Mặc dù, các biện pháp áp dụng trong tình trạng khẩn cấp, có sự khác biệt so với trạng thái thông thường, nhưng các quy định này liên quan đến nhiều lĩnh vực khác nhau vì vậy cần phải xem xét trong hệ thống pháp luật liên quan để đảm bảo tính thống nhất.

Một số điều khoản tại Dự thảo cần được cân nhắc, xem xét để đảm bảo tính thống nhất trong hệ thống pháp luật:

  1. Chấm dứt hiệu lực của các văn bản pháp luật về tổ chức thi hành Nghị quyết, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp (Điều 12)

Khoản 1 Điều 12 Dự thảo quy định “các văn bản pháp luật về tổ chức thi hành Nghị quyết, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp sẽ hết hiệu lực thi hành kể từ thời điểm Nghị quyết, Lệnh bãi bỏ tình trạng khẩn cấp có hiệu lực, trừ trường hợp Nghị quyết, Lệnh bãi bỏ tình trạng khẩn cấp có quy định khác”.

Việc hết hiệu lực thi hành của một văn bản quy phạm pháp luật được điều chỉnh bởi Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật, vì vậy quy định này tại Dự thảo cần dẫn chiếu tới Luật Ban hành văn bản quy phạm pháp luật và điều chỉnh theo hướng, cần ban hành văn bản quy phạm pháp luật hủy bỏ các văn bản quy phạm pháp luật tổ chức thi hành Nghị quyết, Lệnh công bố tình trạng khẩn cấp trừ trường hợp các văn bản quy phạm pháp luật đó có quy định về thời hạn phát sinh hiệu lực.

  1. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng (Điều 14)

Điểm c khoản 1 Điều 14 Dựt hảo quy định một trong các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp khi có dịch bệnh nguy hiểm lây lan trên quy mô rộng là “quản lý đặc biệt về giá đối với lương thực, thực phẩm, thuốc phòng bệnh chữa bệnh và một số hàng hóa thiết yếu khác”. Không rõ “quản lý đặc biệt về giá” là những biện pháp quản lý gì. Trong pháp luật về giá không có quy định về các biện pháp quản lý đặc biệt về giá. Trong tình trạng khẩn cấp, Luật Giá quy định các biện pháp quản lý được áp dụng là “bình ổn giá”, “kiểm tra yếu tố hình thành giá”.

Để đảm bảo tính rõ ràng và thống nhất giữa các văn bản, đề nghị Ban soạn thảo hoặc quy định rõ các biện pháp quản lý đặc biệt về giá hoặc dẫn chiếu tới các biện pháp quản lý về giá theo quy định pháp luật về giá.

  1. Các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội (Điều 15)

Một trong các biện pháp được áp dụng trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội là tổ chức các Đội tuần tra đặc biệt thuộc các lực lượng Công an, Quân đôi và Dân quân tự vệ. Trong khi làm nhiệm vụ, Đội trưởng Đội tuần tra đặc biệt có quyền ra lệnh bắt ngay hoặc khám người, khám nơi ở, phương tiện, đồ vật của người có hành vi gây nguy hại cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội, người vi phạm các quy định về cấm đi lại và người có hành vi cản trở hoặc chống lại người thi hành nhiệm vụ trong tình trạng khẩn cấp (điểm đ khoản 2 Điều 15).

“Đối với người bị bắt theo lệnh của Đội trưởng Đội tuần tra đặc biệt, chậm nhất sau bốn mươi tám giờ phải được xử lý theo thẩm quyền; trường hợp vượt quá thẩm quyền, phải hoàn chỉnh hồ sơ, giao cơ quan chức năng xử lý” (khoản 2 Điều 29 Dự thảo).

Điều 10 Bộ luật tố tụng hình sự quy định “mọi người có quyền bất khả xâm phạm về thân thể. Không ai bị bắt nếu không có quyết định của Tòa án, quyết định hoặc phê chuẩn của Viện Kiểm sát, trừ trường hợp phạm tội quả tang. Việc giữ người trong trường hợp khẩn cấp, việc bắt, tạm giữ, tạm giam người phải theo quy định của Bộ luật này.”. Bộ luật tố tụng hình sự cũng quy định cụ thể các cơ quan tiến hành tố tụng, thẩm quyền bắt giữ người, tạm giữ người.

Việc Dự thảo quy định về Đội tuần tra đặc biệt và thẩm quyền bắt giữ người, khám người, khám nơi ở cần phải được xem xét về tính tương thích đối với Bộ luật tố tụng hình sự. Để đảm bảo tính thống nhất, đề nghị Ban soạn thảo rà soát lại các quy định tại Dự thảo liên quan đến việc bắt giữ người, khám người, khám nơi ở … và điều chỉnh theo quy định của pháp luật về tố tụng hình sự.

  1. Các quy định bảo đảm quyền lợi của cá nhân, tổ chức

Theo quy định tại Dự thảo, trong trường hợp tình trạng khẩn cấp, Nhà nước sẽ áp dụng một số biện pháp quản lý can thiệp trực tiếp vào quyền kinh doanh, quyền sở hữu của doanh nghiệp. Tuy nhiên, Dự thảo lại không quy định đủ rõ về việc đảm bảo quyền lợi của các doanh nghiệp khi bị áp dụng các biện pháp quản lý trên.

  • Can thiệp về quyền tự chủ kinh doanh của doanh nghiệp

Trong tình trạng khẩn cấp khi có thảm họa, cơ quan nhà nước có thể “yêu cầu các doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất sang hàng hóa cần thiết ứng phó thảm họa” (điểm d khoản 1 Điều 13). Tuy nhiên, Dự thảo không quy định rõ, yêu cầu doanh nghiệp chuyển đổi sản xuất hàng hóa cần thiết cho ứng phó thảm họa theo cơ chế nào (Nhà nước đặt hàng hay là yêu cầu doanh nghiệp chuyển đổi hàng hóa để cung cấp ra thị trường như hoạt động kinh doanh? Nhà nước có biện pháp hỗ trợ hoặc kiểm soát gì đối với hoạt động sản xuất này hay không?). Đề nghị Ban soạn thảo quy định rõ ràng hơn đối với biện pháp này để đảm bảo thuận lợi trong quá trình triển khai.

  • Can thiện về quyền sở hữu tài sản của cá nhân, tổ chức

Trong tình trạng khẩn cấp về an ninh quốc gia và trật tự, an toàn xã hội, cơ quan có thẩm quyền sẽ “tịch thu hoặc đóng băng tài sản của các cá nhân, tổ chức liên quan có thể gây nguy hại cho an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội”. Trường hợp này, cá nhân, tổ chức mới chỉ “có thể” gây nguy hại cho an ninh quốc gia, trật tự, an toàn xã hội đã bị tịch thu hoặc đóng băng tài sản. Đề nghị xem xét lại bởi vì đây là yếu tố chưa chắc chắn để khẳng định cá nhân, tổ chức gây nguy hại cho an ninh quốc gia, trật tự an toàn xã hội hay không.

Mặt khác, hiện nay, biện pháp tịch thu tài sản đang được điều chỉnh bởi pháp luật về tố tụng hình sự, pháp luật về xử lý vi phạm hành chính và việc tịch thu tài sản của tổ chức, cá nhân phải thực hiện quy trình theo quy định. Quy định tại Dự thảo đang chưa rõ về quy trình, thủ tục để tịch thu hoặc đóng băng tài sản của cá nhân, tổ chức. Điều này có thể tạo ra nguy cơ bị lạm dụng và ảnh hưởng trực tiếp đến quyền tài sản của cá nhân, tổ chức.

Để đảm bảo tính thống nhất và tính hợp lý, đề nghị Ban soạn thảo điều chỉnh quy định theo hướng tịch thu tài sản của cá nhân, tổ chức gây nguy hại cho an ninh quốc gia và trật tự an toàn xã hội (tức là bỏ từ “có thể”). Dẫn chiếu trình tự, thủ tục tịch thu tài sản theo quy định của pháp luật tố tụng hình sự hoặc xử lý hành chính hoặc quy định rõ ràng về trình tự, thủ tục tịch thu tài sản trong trường hợp cần thiết phải quy định riêng đối với tình trạng khẩn cấp.

  1. Hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trong tình trạng khẩn cấp

Điều 20 Dự thảo quy định về việc cứu trợ, hỗ trợ các đối tượng bị ảnh hưởng trong tình trạng khẩn cấp, trong đó:

Hỗ trợ trung hạn: “đối tượng được hỗ trợ trung hạn bao gồm tổ chức, cá nhân sản xuất nông nghiệp bị thiệt hại; cơ quan nhà nước, đơn vị lực lượng vũ trang; đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp có công trình quy định tại điểm a khoản này” (điểm a khoản 2 Điều 20). Hỗ trợ dài hạn đối với “tổ chức, cá nhân, cơ quan nhà nước, đơn vị sự nghiệp và doanh nghiệp hoạt động công ích bị thiệt hại” (điểm b khoản 3 Điều 20). Hỗ trợ dài hạn được thực hiện tiếp theo hỗ trợ trung hạn, hỗ trợ trung hạn được thực hiện tiếp theo cứu trợ khẩn cấp.

Việc phân chia các đợt hỗ trợ trung hạn, dài hạn sẽ khiến cho các biện pháp cứu trợ trở nên khó áp dụng vì không rõ thời điểm nào kết thúc hỗ trợ trung hạn để bắt đầu hỗ trợ dài hạn. Về mặt nguyên tắc, khi tình trạng khẩn cấp xảy ra, sẽ thực hiện biện pháp cứu trợ để giải quyết các tình trạng khẩn cấp. Khi tình trạng khẩn cấp qua đi, các biện pháp hỗ trợ sẽ thực hiện trên cơ sở nguồn lực và các đối tượng bị thiệt hại. Vì vậy, cần xem lại tính cần thiết trong phân chia hỗ trợ trung hạn hay dài hạn.

Mặt khác, trên thực tế doanh nghiệp trong nhiều ngành, lĩnh vực bị thiệt hại không chỉ trong lĩnh vực nông nghiệp hay doanh nghiệp hoạt động công ích. Việc bị giới hạn doanh nghiệp trong hai lĩnh vực này là chưa bao quát được hết những đối tượng bị thiệt hại, trong bối cảnh doanh nghiệp nước ta chủ yếu là doanh nghiệp nhỏ, siêu nhỏ, dễ bị tổn thương trong các tình trạng khẩn cấp.

Đề nghị Ban soạn thảo cân nhắc sửa đổi quy định về hỗ trợ là các đối tượng bị ảnh hưởng trong tình trạng khẩn cấp theo hướng các doanh nghiệp bị ảnh hưởng, thiệt hại trong tình trạng khẩn cấp ở các ngành lĩnh vực, tùy thuộc vào nguồn lực sẽ xác định về mức, loại hỗ trợ.

  1. Các chính sách, biện pháp hỗ trợ

Khoản 2 Điều 22 Dự thảo quy định về các chính sách, biện pháp đầu tư kinh doanh, trong đó:

  • Cắt giảm thủ tục hành chính trong xuất nhập khẩu, bảo đảm thông quan kịp thời; rút ngắn thời gian xét hoàn thuế, xét duyệt hồ sơ vay vốn; cắt giảm các quy định, điều kiện, thủ tục gây khó khăn, cản trở hoạt động sản xuất kinh doanh; đơn giản hoá, cắt giảm thủ tục hành chính đối với việc cấp giấy phép hoạt động, giấy phép đầu tư, thủ tục thành lập, sáp nhập, tổ chức lại, thủ tục mở rộng hoạt động sản xuất, kinh doanh; hỗ trợ, cho phép hoãn, gia hạn thời gian thực hiện thủ tục phá sản;
  • Đẩy nhanh tiến độ thực hiện, giải ngân vốn đầu tư và cải thiện môi trường kinh doanh; đẩy mạnh và đa dạng hóa thị trường xuất khẩu; đẩy mạnh xúc tiến thương mại, tìm kiếm thị trường mới trong nước; có cơ chế khuyến khích sản xuất linh kiện, sản phẩm trung gian trong nước thay thế nhập khẩu; chấn chỉnh, xử lý nghiêm các hành vi lợi dụng, lạm dụng chính sách ứng phó thảm họa để gây khó khăn cho doanh nghiệp.

Đây là các biện pháp, chính sách cần xây dựng áp dụng cả trong trường hợp bình thường để thúc đẩy môi trường đầu tư kinh doanh thuận lợi, dường như không có tính chất chính sách, biện pháp hỗ trợ.

Đối với nội dung “hỗ trợ, cho phép hoãn, gia hạn thời gian thực hiện thủ tục phá sản” cần xem xét lại. Bởi vì, việc kéo dài thời gian thực hiện thủ tục phá sản không phải là hỗ trợ cho doanh nghiệp, trên thực tế thủ tục phá sản kéo dài là một trong những bất cập cần được sửa đổi, khắc phục trong lĩnh vực phá sản.

Đề nghị Ban soạn thảo bỏ quy định tại khoản 2 Điều 22 Dự thảo.

Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam đối với Dự thảo Luật Tình trạng khẩn cấp. Rất mong quý Cơ quan cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện.

Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của quý Cơ quan.

Các văn bản liên quan