Trích ý kiến của ĐBQH Cù Thị Hậu – Tỉnh Phú Thọ

Thứ Tư 23:13 24-05-2006

... Tôi xin đi vào nội dung thứ nhất. Đó là phạm vi điều chỉnh của Luật bảo hiểm xã hội. Ban soạn thảo đã tiếp thu thời gian thực hiện bảo hiểm tự nguyện, bảo hiểm bắt buộc, tôi thấy rằng thời gian tôi tán thành với đề nghị của Ban soạn thảo.

 

Còn thời gian thực hiện bảo hiểm thất nghiệp chúng tôi thấy nếu thực hiện năm 2009 trong lúc chúng ta chưa sửa Điều 17, 42 của Bộ Luật lao động tức chế độ trợ cấp mất việc làm và trợ cấp thôi việc chúng ta chưa thực hiện được, chúng ta chưa thay đổi mà chúng ta thực hiện ngay chế độ bảo hiểm thất nghiệp, tôi thấy nó rất khó. Tức đến năm 2010 chúng ta thực hiện người lao động đóng 8% bảo hiểm xã hội, cứ 2 năm chúng ta đóng 1%. Như vậy người lao động đóng bảo hiểm riêng là 8%, 1% bảo hiểm y tế, 1% bảo hiểm thất nghiệp tôi cho rằng tiền lương của chúng ta giải quyết chưa được nhiều tức lương rất thấp. Do đó nếu tính như thế này rất khó, vì vậy tôi đề nghị các đồng chí như sau:

 

Nếu chúng ta thực hiện ngay bảo hiểm thất nghiệp trong năm 2009 nó chưa đáp ứng được, do đó tôi đề nghị sau năm 2010 thực hiện bảo hiểm thất nghiệp vì chúng ta chưa có kinh nghiệm cũng như chúng ta chưa có thay đổi được Điều 17, Điều 42 về chế độ trợ cấp mất việc và thôi việc cho người lao động. Do đó tôi đề nghị thời gian ở lĩnh vực này là như vậy.

 

Ý kiến thứ hai, Điều 52 tôi tán thành với ý kiến đồng chí Đặng Ngọc Tùng, tức là bỏ phần in đậm của Điều 52 về mức lương nghỉ hưu đối với trường hợp nữ mà đã làm việc quá tuổi 55. Tôi thấy chế độ ưu tiên của Nhà nước chúng ta đối với nữ rất cảm ơn rồi, nhưng chúng ta lại đặt ra trường hợp nếu mà làm việc trên 55 tuổi, mà chúng ta lại tính như nam giới, tôi cho không được.

 

Tôi đề nghị chế độ ưu tiên của Nhà nước chúng ta sẽ cho thực hiện là chúng ta vẫn phụ cấp. Tức là mỗi một năm công tác đối với nữ 3%, nam 2%. Tôi đề nghị tính thời gian từ năm thứ 26 trở đi đối với nữ và năm thứ 31 trở đi đối với nam sẽ được hưởng một tỷ lệ. Ở trong Dự thảo đề nghị phụ cấp 1/2 tháng lương, nhưng tôi đề nghị nâng lên 1 tháng, chứ không phải là nửa tháng và thời gian tính đối với nữ từ năm 26 trở đi, chứ không nên tính như đối với chỗ nam. Tôi nghĩ quy định hưởng 75% tôi cho là hợp lý vì chúng ta cũng phải có chia sẻ và trong quá trình hoạt động nữa, tôi thấy là phù hợp. Nhưng nên ưu tiên đối với nữ ở thời gian chúng ta mỗi năm đóng bảo hiểm xã hội được cộng 3% và tính từ năm thứ 26 trở đi chúng ta sẽ được hưởng phụ cấp mỗi năm 1 tháng lương chứ không phải là 1/2 tháng lương như ở đây đã đề cập.

 

Nội dung thứ ba đó là cách tính mức bình quân tiền lương, tiền công của người lao động có thời gian đóng bảo hiểm xã hội, tôi cho là nên quy định làm hai mức, vì đó là thời gian trước năm 1995 tính bình quân 5 năm cuối cùng. Tôi không tán thành với ý kiến của đồng chí Lê Kim Toàn vừa phát biểu bởi lẽ nếu tính bình quân của ba bậc lương thì thời gian quá dài. Tiền lương của chúng ta rất thấp mà bây giờ lại tính như vậy thì nó nâng lên đến 10 năm, 12 năm như vậy thì rất thiệt thòi cho người lao động trong lúc tiền lương chưa đảm bảo. Do đó tôi đề nghị có hai mức:

Mức thứ nhất là tính bình quân 5 năm.

 

Mức thứ hai là tính bình quân 10 năm như các đồng chí đã phát biểu.

Điều 92 mới có đề cập đến quản lý Quỹ bảo hiểm xã hội ốm đau thai sản, tôi tán thành với Ban soạn thảo là người sử dụng lao động đóng 3% vào quỹ ốm đau, trong đó để 2% lại cho người sử dụng lao động để chi trả kịp thời. Vấn đề này là vấn rất khó khăn trong quá trình thực hiện của những người lao động trong thời gian vừa qua, bảo hiểm cũng đã tiếp thu và cũng đã, đang thực hiện vấn đề này. Tôi rất đồng ý với các dự thảo ở Điều 92.

 

Điểm tiếp nữa là điều kiện hưởng bảo hiểm xã hội một lần, nếu chúng ta quy định phải có ít nhất 5 năm không đóng bảo hiểm xã hội mà có nguyện vọng thì mới được trợ cấp một lần. Tôi nhớ lại thời gian Chính phủ ra Nghị định 01 không cho lĩnh tiền lương mất việc một lần tức là bảo hiểm xã hội một lần thì một loạt công nhân đình công. Do đó tôi nghĩ nếu chờ 5 năm quá lâu và tôi đề nghị tán thành nên để 1 năm, nếu không đóng bảo hiểm xã hội thì người lao động có thể được nhận bảo hiểm xã hội một lần.

 

Điểm tiếp theo là nghỉ dưỡng sức, tôi cho đây là một chế độ phòng, ngừa để làm sao tạo điều kiện cho người lao động có thể phục hồi sức khoẻ. Ban soạn thảo đã đề cập vấn đề này nhưng mới đề cập đối với trường hợp ốm đau, thai sản, tai nạn lao động, bệnh nghề nghiệp mà sức khoẻ vẫn còn yếu thì mới được nghỉ dưỡng sức. Tôi đề nghị bổ sung thêm tức là cả những người lao động sức khoẻ yếu ở tại cơ sở. Có thể không phải người ta bị tai nạn, có thể là sau khi người ta sinh nở chẳng hạn, thì tôi đề nghị nên có một đối tượng nữa là những người sức khoẻ yếu mà được y tế xác nhận. Và nên tính thời gian người ta nghỉ như vậy thì có thể cho người ta hưởng một khoản trợ cấp của bảo hiểm xã hội. Nếu bây giờ nghỉ mà không được một đồng lương nào, tôi thấy rất khó, chắc chẳng ai dám nghỉ cả.

 

Do đó tôi đề nghị nên có thêm đối tượng là lao động sức khoẻ yếu và được hưởng thêm phần trợ cấp ốm đau.

 

Một phần tiếp nữa là về trợ cấp hàng tháng do tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp. Xin báo cáo với các đồng chí là đối với những người làm việc mà là thương binh nếu mất sức lao động 21% trở lên thì đã có sổ được hưởng trợ cấp thương tật hàng tháng, nhưng những người bị tai nạn lao động mà phải mất sức 31% mới được hưởng chế độ trợ cấp hàng tháng,tTôi cho đây là điều bất hợp lý. Vì đối với người thương binh thì mất sức 21% thì được sổ và được nhận hàng tháng, trong khi đó bị tai nạn lao động không ai muốn cả, nhưng lại phải 31% mới được hưởng, do đó tôi đề nghị trợ cấp hàng tháng về tai nạn lao động cũng nên như là thương binh là 21%.

 

Phần thứ 8, vai trò của công đoàn trong Luật bảo hiểm xã hội. Tôi tán thành với ý kiến của đồng chí Đặng Ngọc Tùng, vì nếu mà không bổ sung một phần nữa đó là công đoàn được yêu cầu người sử dụng lao động và tổ chức bảo hiểm xã hội cung cấp thông tin việc đóng bảo hiểm cho người lao động thì công đoàn không thể kiểm tra được vấn đề đó. Do vậy, đã giao nhiệm vụ thì cũng nên tạo điều kiện để có thể làm việc được. Thứ hai nữa là khi người sử dụng lao động không thực hiện đúng các quy định, thì mình có thể đưa ra toà. Về vấn đề này tôi cho là đã vi phạm luật thì có thể đưa ra toà được, kể cả Luật lao động, chứ không phải chỉ mỗi phần bảo hiểm này. Theo tôi những nội dung đấy cần thể hiện cụ thể và trên cơ sở đó thì Công đoàn mới có thể làm được.

Các văn bản liên quan