Trích ý kiến của ĐBQH Nguyễn Ngọc Trân – Phó Chủ nhiệm Ủy ban Đối ngoại

Thứ Tư 23:20 24-05-2006

Về điểm thứ nhất ở Điều 106 về tổ chức bảo hiểm xã hội thì tôi nhất trí với Khoản 1 tổ chức bảo hiểm xã hội là một tổ chức sự nghiệp có chức năng v.v.... Khoản 2 là cơ cấu tổ chức bảo hiểm xã hội "do Chính phủ quy định" thì có chỗ này tôi đồng tình một nửa, vì nếu do Chính phủ quy định mà không khéo và không rõ thì nó sẽ phình ra, bộ máy của nó sẽ xuống tới tỉnh, huyện v.v... tôi sợ là bộ máy sẽ rất cồng kềnh, do vậy ta nên có giới hạn lại. Giới hạn này có thể nói là cần thiết bởi vì nó liên quan tới Điều 95 về mức chi phí quản lý.

 

Tôi thấy không có đạo lý nào mà chúng ta trích cái này ra để chúng ta trả lương cho người trong bảo hiểm xã hội. Bởi vì quỹ bảo hiểm xã hội như các đồng chí thấy ở Điều 6, một quỹ mà được Nhà nước bảo hộ và nó không bao giờ bị phá sản. Mình đây là một đơn vị sự nghiệp nhưng mình muốn hưởng theo là một doanh nghiệp, doanh nghiệp thì làm ăn có thua, có lỗ, có phá sản. Nhưng một người làm trong quỹ bảo hiểm xã hội này bảo đảm không bao giờ bị phá sản, bảo đảm chúng ta được lương bằng 2-3 lần cộng thêm tiền do lời mà đem lại. Tôi nghĩ như vậy nó sẽ phình bộ máy ra, ai cũng muốn chui vào đây. Cho nên, tôi không thông chỗ này và cách tính này, lô gích này đã được thử cho khoán thu cho ngành thuế và cho hải quan.

 

Bộ trưởng Bộ Tài chính đề nghị với Ủy ban Thường vụ Quốc hội cho kéo dài cơ chế thử này cho thuế và cho hải quan trong nhiệm kỳ 2007-2009, trong 3 năm thời kỳ ổn định thuế. Bởi vì bên thuế, hải quan thì tiền thuế thu được là tiền thuế đó thuộc Nhà nước, thuộc ngân sách Nhà nước, tại sao trích một phần ra trả lương cao hơn cho cán bộ thu thuế. Tại sao thuế hải quan mình thu được là một phần trích trở lại cho cán bộ hải quan.

 

Tôi đề nghị với Quốc hội nên có ý kiến và nên đề nghị với Thường vụ Quốc hội xem lại chuyện khoán quỹ lương trên tiền thu thuế và thu hải quan, nó cùng một cái hệ logic đấy là cái chuyện trả lương của bảo hiểm xã hội mà lấy từ cái mức phụ phí này, cái mức thu phí này, tôi cho không đúng đạo lý, mà chính chỗ này là cái chỗ làm rò rỉ Ngân sách Nhà nước mà hôm trước tôi nói. Mất 3% hay 4%, thật ra tôi sẵn sàng cho thêm, nhưng mà với điều kiện là 3% hay 4% đó để chi cho cái gì. Chị Hằng biết là bảo hiểm xã hội có một nhiệm vụ là phải đào tạo, đào tạo lại cho những người sắp thất nghiệp hay là những người thất nghiệp. Ở Điều 4 các đồng chí có nói cái điểm tôi rất đồng ý, Bảo hiểm xã hội thất nghiệp có các chế độ sau: Trợ cấp thất nghiệp, hỗ trợ học nghề v.v...Hỗ trợ học nghề này bảo hiểm xã hội phải xây dựng trường, phải phối hợp với những đơn vị khác để làm những lớp đào tạo, phối hợp với trung tâm dạy nghề, phối hợp với các trung tâm thường xuyên, Đại học thường xuyên v.v...Nếu mà chi cái phụ phí này cho vấn đề đào tạo cho người lao động, không phải chờ đến thất nghiệp mới đào tạo, mà đào tạo để cho họ có một trình độ không ngừng cao lên. Do đó tăng năng suất lao động và tăng sức cạnh tranh của nền kinh tế. Tôi nói thật, 5% tôi cũng ủng hộ nhưng nếu mà 3% để tăng lương, để mà cho cái lương của người trong bảo hiểm xã hội, tôi thì tôi không có cái gì chống mấy người làm việc trong bảo hiểm xã hội. Đó cũng là những công chức, những viên chức như mình, nhưng mà phải có sự đoàn kết nhất định và cái tiền này chi là phải cho đúng mục đích. Nâng cao trình độ của công nhân, 3 tháng hay là 3 năm hay 2 năm được nghỉ một lần 1 tháng đi học cho nó ra ngô, ra khoai. Cái đó là chuyện nếu cần lấy phí cao hơn, tôi nghĩ cũng được.

 

Còn đạo lý chỗ này tôi đề nghị các đồng chí phải xem lại trong Ban soạn thảo, Uỷ ban Thường vụ Quốc hội phải xem lại, tôi nghĩ xem lại luôn vấn đề khoản thu trong ngành thuế và trong ngành hải quan, xã hội, cử tri có thể nói người ta đặt dấu hỏi đối với những cán bộ thuế, hải quan và bảo hiểm xã hội.

 

Sang phần thứ hai, quyền và nghĩa vụ của người lao động, người sử dụng lao động và quỹ bảo hiểm xã hội. Như tôi nói khi nãy, các đồng chí nêu trong quỹ bảo hiểm xã hội là phải lo cho người khi họ thất nghiệp, nhưng tôi không thấy chỗ nào có một tổ chức lập ra để giới thiệu công ăn, việc làm, lo cho người lao động trước khi họ thất nghiệp để nâng cao trình độ của họ và chị Hằng là người soạn thảo Bộ Luật Dạy nghề, tôi hân hạnh được chị hỏi ý kiến, tôi có góp ý, người ta phối hợp với nhau rất nhịp nhàng giữa quỹ bảo hiểm xã hội và dạy nghề của người ta, để không ngừng nâng cao, chúng ta nói xã hội học tập suốt đời, nhưng không biết chỗ nào học tập và ai lo chuyện học tập này, chúng ta nói đạo lý rất giỏi nhưng vô thực hành chúng ta không có cơ chế để làm, chúng ta không có biện pháp làm. Cho nên tôi đề nghị trong Chương II - Nghĩa vụ của quỹ bảo hiểm xã hội, trách nhiệm của bảo hiểm xã hội là phải tổ chức mạng lưới các trường, phối hợp với trung tâm dạy học thường xuyên, phối hợp với trung tâm dạy nghề và phối hợp với Phòng thương mại và công nghiệp của các tỉnh. Bởi vì phát triển công nghiệp của các tỉnh là do công nhân người ta làm mà Phòng thương mại và công nghiệp có trách nhiệm cùng với quỹ bảo hiểm xã hội, cùng với Bộ lao động thường binh, xã hội tổ chức vấn đề dạy nghề. Tôi nghĩ như vậy thì mới khép kín vấn đề này lại. Còn người lao động khi thất nghiệp, người ta giới thiệu cho anh 1 lần, giới thiệu cho anh 2 lần, nếu 2 lần mà anh không nhận thì tôi giảm tiền anh được quyền hưởng, còn nếu anh không nhận lần thứ 3 thì anh mất hết cả và không được nhận tiền trợ cấp gì nữa. Ta phải làm cụ thể hoá vấn đề này.

 

Ý cuối cùng là vấn đề trốn không đóng bảo hiểm xã hội, gây thất thoát cho quỹ bảo hiểm xã hội. Tôi đề nghị, mỗi người sử dụng lao động phải có một tài khoản ở ngân hàng. Hàng tháng, tiền bảo hiểm xã hội của những người lao động mà người sử dụng lao động đó phải trả qua ngân hàng. Nếu mà trễ thì quỹ bảo hiểm xã hội được quyền yêu cầu ngân hàng trích từ tài khoản của họ đưa vào tài khoản của bảo hiểm xã hội. Như vậy là không thể nào tránh được và nếu anh không làm nữa là tôi khóa tài khoản đó lại, tất nhiên chỗ này phải phối hợp với chỗ anh Lê Đức Thúy. Hệ thống ngân hàng từ lâu rồi chúng ta nói là phải đi vào sử dụng phổ biến tài khoản. Mỗi người sử dụng lao động phải có một tài khoản và hàng tháng họ nhận tiền trả cho người lao động, trừ 5% cộng thêm 15% của họ. Như vậy là phải trả bằng tài khoản. Nếu mà chậm thì quỹ bảo hiểm xã hội được quyền yêu cầu ngân hàng trừ vào trong tài khoản của họ. Đến khi nếu họ không làm nữa, chây lỳ nữa thì Điều 138 là xử lý vi phạm như các đồng chí nói trong này.

Tôi nghĩ như vậy mới chặt chẽ, như vậy mới có nguồn chứ còn tình trạng trốn thuế như hiện nay, rồi với 3% để mà tăng lương, để mà nâng mức lương, đồng chí Tào Hữu Phùng nói 25 năm mới phá sản, tôi không biết có thể phá sản trước nữa.

Các văn bản liên quan