VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của Nghị định số 98/2021/NĐ-CP về quản lý thiết bị y tế đã được sửa đổi, bổ sung một số điều theo Nghị định số 07/2023/NĐ-CP
VCCI_Góp ý Dự thảo Thông tư quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Kính gửi: Bộ Tài chính
Ngày 12/12/2024, Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI) nhận được Công văn số 13543/BTC-TCDT ngày 11/12/2024 của Bộ Tài chính về việc đề nghị góp ý Dự thảo Thông tư quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia (sau đây gọi tắt là Dự thảo) với thời hạn góp ý là trước ngày 20/12/2024. Do thời hạn gấp, VCCI có ý kiến ban đầu như sau:
- Điều kiện thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Điều 4.3 Dự thảo quy định các điều kiện mà tổ chức, doanh nghiệp phải đáp ứng để được lựa chọn thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Quy định này cần được xem xét ở các điểm sau đây:
Thứ nhất, quy định này chưa rõ ràng. Các điều kiện quy định tại Dự thảo hiện khá chung chung, chưa có cơ sở xác định cụ thể, chính xác, ví dụ: (i) thế nào được xem là thuận tiện cho công tác bảo quản, xuất, nhập?; (ii) tiêu chí nào để xác định là có đủ năng lực, điều kiện thực hiện công tác luân phiên đổi hàng hay không?; (iii) phương tiện, trang thiết bị như thế nào được coi là phù hợp?; (iv) công nghệ nào được xem là công nghệ bảo quản phù hợp, tỷ lệ hao hụt như nào được xem là thấp?
Thứ hai, việc quy định các tiêu chí này trong Dự thảo là chưa phù hợp. Việc lựa chọn tổ chức, doanh nghiệp thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia sẽ thực hiện theo hình thức đấu thầu theo pháp luật đấu thầu. Khi đó, tiêu chí lựa chọn sẽ được quy định cụ thể trong từng hồ sơ thầu, hồ sơ yêu cầu do chủ đầu tư phê duyệt cụ thể với mỗi gói thầu. Các tiêu chí trong hồ sơ thầu sẽ đảm bảo tính chi tiết, cụ thể theo đặc điểm từng mặt hàng, từng vùng miền. Do đó, việc quy định tiêu chí trong Dự thảo này là trùng lặp, không cần thiết trong khi lại chưa rõ ràng, minh bạch như đã phân tích ở trên.
Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này. Các chủ đầu tư có thể căn cứ quy định tại Điều 51, 52, 53, 61, 62 Luật Dữ trữ quốc gia để xây dựng tiêu chí trong hồ sơ thầu.
- Nghĩa vụ của doanh nghiệp nhận thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia
Điều 7 Dự thảo quy định các nghĩa vụ của doanh nghiệp nhận thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Các quy định này được xây dựng dựa trên các quy định về nguyên tắc nhập, xuất hàng (Điều 33), nguyên tắc bảo quản (Điều 51) tại Luật Dữ trữ quốc gia. Việc xác định cụ thể nghĩa vụ của doanh nghiệp là cần thiết, tuy nhiên, việc quy định trong Dự thảo dường như là chưa cần thiết vì các trách nhiệm này sẽ được xác định cụ thể trong hợp đồng giữa chủ đầu tư và doanh nghiệp. Việc quy định trong hợp đồng có điểm ưu thế là nội dung quy định sẽ chi tiết hơn, phù hợp với đặc điểm từng mặt hàng, chẳng hạn: mức giảm chất lượng mà doanh nghiệp có trách nhiệm phục hồi; biện pháp phục hồi; thời gian báo cáo cấp có thẩm quyền xuất bán để hạn chế thiệt hại… Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc bỏ quy định này tại Dự thảo. Việc quy định cụ thể trách nhiệm sẽ căn cứ vào các quy định tại Luật Dữ trự quốc gia.
Trên đây là một số ý kiến ban đầu của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Thông tư quy định về thuê bảo quản hàng dự trữ quốc gia. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này. Đồng thời, VCCI sẽ chuyển đến Quý Cơ quan các góp ý của doanh nghiệp/ hiệp hội (nếu nhận được sau này).
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.