VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định sửa đổi, bổ sung một số điều của các Nghị định quy định chi tiết một số điều và biện pháp thi hành của Luật Đấu thầu
VCCI_Góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp
Kính gửi: Bộ Quốc phòng
Trả lời Công văn số 4673/BQP-CNQP ngày 30/10/2024 của Bộ Quốc phòng về việc đề nghị góp ý Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp (sau đây gọi tắt là Dự thảo), Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam (VCCI), trên cơ sở ý kiến của doanh nghiệp, có ý kiến như sau:
- Trình tự, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động
Điều 16.1 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh của cơ sở huy động. Tuy nhiên, quy định này dường như chưa thống nhất với pháp luật đấu thầu. Các lĩnh vực tại Điều 16.1 Dự thảo sẽ lựa chọn nhà thầu theo hình thức chỉ định thầu, trong khi pháp luật đấu thầu (Điều 43 Luật Đấu thầu, Điều 76-78 Nghị định 24/2024/NĐ-CP) đã quy định cụ thể về quy trình chỉ định thầu. Cần lưu ý rằng, quy trình chỉ định thầu tại Dự thảo vẫn cần tuân thủ theo pháp luật đấu thầu vì Điều 3.2 Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp chỉ cho phép ưu tiên áp dụng Luật này về vấn đề hình thức lựa chọn nhà thầu (quy định tại điều 19 Luật), đồng nghĩa với việc các vấn đề khác về chỉ định thầu (quy trình, thủ tục, phương pháp đánh giá) vẫn cần tuân thủ theo pháp luật đấu thầu. Do đó, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này và áp dụng dẫn chiếu theo pháp luật đấu thầu.
- Điều kiện chung với cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh
Điều 4 Dự thảo quy định các điều kiện chung áp dụng với cơ sở huy động tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh. Tuy nhiên, các quy định này còn chung chung và chưa rõ ràng, như không rõ (i) cơ sở vật chất, nhân sự, trang thiết bị như nào là phù hợp; (ii) yêu cầu nào về hệ thống tổ chức quản lý; (iii) trình độ, kinh nghiệm như nào là phù hợp; (iv) thế nào là có năng lực tài chính. Ngoài ra, các nội dung này thực tế đã được quy định cụ thể, chi tiết ở các điều 5 – 15 Dự thảo, đi kèm với đó yêu cầu về các hồ sơ chứng minh. Khi đó, quy định tại Điều 4 dường như là không cần thiết vì đã có các quy định chi tiết cho từng lĩnh vực. Do vậy, đề nghị cơ quan soạn thảo bỏ quy định này.
- Điều kiện cụ thể với cơ sở huy động
Điều 5 – 15 Dự thảo quy định về điều kiện cụ thể với cơ sở huy động trong từng lĩnh vực. Đề nghị cơ quan soạn thảo cân nhắc một số điểm sau:
Thứ nhất, quy định cần đảm bảo thống nhất giữa các điều kiện và hồ sơ chứng minh điều kiện. Ví dụ, Điều 7 Dự thảo quy định về điều kiện với cơ sở cung cấp dịch vụ đào tạo, bồi dưỡng nguồn nhân lực không có yêu cầu về điều kiện tài chính, nhưng hồ sơ chứng minh lại yêu cầu báo cáo tài chính năm đã kiểm toán.
Thứ hai, quy định cần đảm bảo phù hợp với pháp luật liên quan. Ví dụ, Điều 15.1.a Dự thảo quy định điều kiện của cơ sở tham gia dự trữ, bảo quản vật tư cho sản xuất quốc phòng, an ninh là tổ chức, doanh nghiệp được giao chức năng dữ trữ theo pháp luật dữ trữ quốc gia. Tuy nhiên, theo Luật Đấu thầu 2023, hoạt động thuê bảo quản hàng dữ trữ quốc gia sẽ thực hiện đấu thầu, do đó hoạt động này thực hiện dưới hình thức hợp đồng, thay vì giao chức năng.
- Thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng
Điều 31 Dự thảo quy định điều kiện để trở thành thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Đề nghị cơ quan soạn thảo làm rõ một số nội dung sau:
– Điều kiện “đáp ứng điều kiện tham gia hoạt động công nghiệp quốc phòng, an ninh theo quy định tại Chương II Nghị định”: Quy định này được hiểu là doanh nghiệp phải được chọn là cơ sở huy động hay chỉ cần đáp ứng các điều kiện tại chương II Nghị định? Lý do là vì có nhiều doanh nghiệp có thể đáp ứng các điều kiện trên, nhưng các hình thức lựa chọn với cơ sở huy động lại chỉ xác định trước một nhà thầu (thông qua giao nhiệm vụ, đặt hàng, chỉ định thầu). Vậy doanh nghiệp khác đáp ứng điều kiện tại Chương II, mà không được lựa chọn thì có được cân nhắc tham gia tổ hợp công nghiệp quốc phòng không?
– Điều kiện “Có đủ năng lực để ký kết hợp đồng, liên doanh, liên kết”: thế nào được coi là có đủ năng lực?
Điều 32 Dự thảo quy định về trình tự, thủ tục công nhận thành phần khác của tổ hợp công nghiệp quốc phòng. Tuy nhiên, quy định chưa rõ ràng về trình tự, thủ tục, thời gian của các bước thực hiện. Ví dụ, sau khi doanh nghiệp nộp đơn tham gia tổ hợp, thời hạn hạt nhân tổ hợp công nghiệp quốc phòng thực hiện thẩm định, đánh giá là bao lâu? Sau khi thẩm định, thời hạn để hạt nhân tổ hợp nộp đề nghị lên Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là bao lâu? Thời hạn phê duyệt của Bộ trưởng Bộ Quốc phòng là bao lâu? Đề nghị cơ quan soạn thảo bổ sung các trình tự, thủ tục, thời gian để đảm bảo tuân thủ quy định về kiểm soát thủ tục hành chính theo Nghị định 63/2010/NĐ-CP.
Trên đây là một số ý kiến của Liên đoàn Thương mại và Công nghiệp Việt Nam về Dự thảo Nghị định quy định chi tiết một số điều của Luật Công nghiệp quốc phòng, an ninh và động viên công nghiệp. Rất mong cơ quan soạn thảo cân nhắc để chỉnh sửa, hoàn thiện Dự thảo này.
Trân trọng cảm ơn sự hợp tác của Quý Cơ quan./.