Trích góp ý của ĐB Đỗ Ngọc Quang – ĐB QH Tỉnh Bắc Ninh

Thứ Tư 13:55 09-08-2006

Kính thưa Hội nghị,
Trước tiên tôi thấy bản dự thảo này chuẩn bị rất tốt, tốt hơn lần trước rất nhiều những ý kiến đã tham gia lần trước. Tôi chỉ có một số ý kiến sau đây liên quan đến dịch vụ chuyển giao công nghệ:

Trong Điều 32 có quy định là điều kiện của tổ chức, cá nhân thực hiện chuyển giao công nghệ ở Khoản 2 quy định là điều kiện đối với cá nhân tham gia thực hiện dịch vụ chuyển giao công nghệ, giữa điều kiện này với Điều 33, trong Điều 33 quy định điều kiện đối với giám định viên công nghệ, trong Khoản 2 quy định không được rõ. Trong khi đó, điều kiện đối với giám định viên công nghệ, tôi lấy ví dụ như là phải có trình độ đại học chuyên môn phù hợp với lĩnh vực và công nghệ yêu cầu giám định, có thời gian trong làm việc như dự thảo quy định là 3 năm trong lĩnh vực công nghệ cần giám định, thì Khoản 2, Điều 32 chi quy định có năng lực hành vi dân sự. Tôi đề nghị là quy định rõ hơn đối với cá nhân ở đây vì cá nhân ở đây đương nhiên là phải đủ tiêu chuẩn của một giám định viên. Đó là ý kiến thứ nhất.

Ý kiến thứ hai liên quan đến Điều 33, trong Điểm b của Khoản 1 quy định có ít nhất 3 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ tiền giám định. Theo Pháp lệnh về giám định, quy định là 5 năm đối với giám định viên tư pháp, Pháp lệnh về giám định viên tư pháp, trong này cũng là giám định viên công nghệ. Theo tôi nghĩ, trong này chỉ quy định 3 năm thôi, đã quy định giám định viên nói chung là 5 năm. Tôi đề nghị sửa Điểm b này là có ít nhất 5 năm làm việc trong lĩnh vực công nghệ tiền giám định để nó phù hợp với Pháp lệnh giám định nói chung. Đấy là ý kiến thứ hai.

Ý kiến thứ ba, liên quan đến Điều 41, Điều 41 quy định về giám định công nghệ theo yêu cầu của cơ quan Nhà nước. Ở đây cơ quan Nhà nước tôi thấy rằng việc chuyển giao công nghệ không phù hợp với giấy chứng nhận đăng ký hợp đồng chuyển giao công nghệ thì cơ quan Nhà nước, ở đây cơ quan Nhà nước yêu cầu giám định bắt buộc đối với công nghệ được chuyển giao, tức là chủ thể yêu cầu ở đây là cơ quan Nhà nước.

Trong Điều 36 quy định giữa hai bên chuyển giao công nghệ có vấn đề hoặc nghi ngờ về chất lượng thì giám định lại, chi phí giám định ở đây là bên yêu cầu giám định chịu chi phí. Vậy trong Điều 41 này cơ quan Nhà nước yêu cầu bắt buộc giám định, thì chi phí giám định ở đây là ai chịu? cơ quan Nhà nước chịu không? Nếu như cơ quan Nhà nước chịu ở đây, cho phù hợp với Điều 36 này thì chúng ta cũng nên quy định rõ trách nhiệm của cơ quan Nhà nước, cơ quan Nhà nước đứng ra yêu cầu giám định, phải chịu chi phí giám định này. Đấy là ý kiến thứ ba.

Ý kiến thứ tư liên quan đến Điều 39, giám định pháp lý, giám định công nghệ đối với các bên trong hợp đồng chuyển giao công nghệ. Giữa hai bên có tranh chấp đối với chất lượng giám định thì đề nghị giám định lại lần một. Nhưng hai bên vẫn tranh chấp, vẫn không đồng ý với giám định lần 1, vẫn chưa công nhận chất lượng giám định ở đây thì giám định lại lần 2. Trong Điểm b, Khoản 3 có quy định kết quả giám định lần 2 có giá trị pháp lý đối với tất cả các bên.
Nhưng trong thực tế, có trường hợp 1 trong 2 bên này không chấp nhận giám định lần 2, thì chúng ta có giám định tiếp khi các bên này có đề nghị giám định lại lần 3 hay không. Trong trường hợp giám định lại mãi, mà các bên không chấp nhận kết quả giám định này, thì các bên có quyền đề nghị Toà án tham gia giải quyết về chất lượng của chuyển giao công nghệ hay không, nếu ta quy định rằng nếu các bên có tranh chấp thì có thể đề nghị Toà án giải quyết.

Tôi đề nghị ghi rõ trong trường hợp các bên chuyển giao công nghệ không chấp nhận về chất lượng chuyển giao công nghệ này thì có quyền đề nghị Tòa án giải quyết. Đấy là những vấn đề liên quan đến dịch vụ chuyển giao công nghệ. Xin cảm ơn.

Các văn bản liên quan