GÓP Ý CHUNG

Thứ Hai 16:24 22-05-2006
GÓP Ý MỘT SỐ VẤN ĐỀ TRONG DỰ THẢO BỘ LUẬT TỐ TỤNG DÂN SỰ

Dự thảo BLTTDS đang được các giới , các cấp , các tổ chức tiến hành việc lấy ý kiến nhằm tạo cơ sở cho các cơ quan xây dựng pháp luật tiếp tục chỉnh lý và trình Quốc hội thông qua tại kỳ họp thứ 5 sắp tới .Trong phạm vi bài viết này chúng tôi xin đề cập một số vấn đề lớn đang có nhiều ý kiến khác nhau trong Dự thảo bộ luật Tố tụng Dân sự.

1)-Về thuật ngữ “ vụ án dân sự “ :

Trong Điều 33 khoản 1 của dự thảo BLTTDS có một điểm không được bảo đảm về mặt thuật ngữ như sau :
TAND huyện . . . . . . . . . .thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm những “ vụ án dân sự “ sau đây :
Điểm a) Những vụ án dân sự , hôn nhân, gia đình . . . . . . . . . .
Điểm cool.gif Những vụ án kinh tế . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Điểm c) Những vụ án lao động . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . . .
Quy định trên được hiểu là : Vụ án dân sự bao gồm vụ án dân sự, vụ án hôn nhân và gia đình, vụ án kinh tế, vụ án lao động. Về mặt logic hình thức như vậy là chưa chặt chẽ (a bao gồm a,b,c,d...).
Nên chăng bỏ cụm từ dân sự trong phần đầu ( . . . . có thẩm quyền giải quyết theo trình tự sơ thẩm những “ vụ án “ sau đây: ) thì ổn hơn về mặt thuật ngữ .

2)- Về chuyển vụ án cho tòa án khác ,giải quyết tranh chấp về thẩm quyền :

Điều 37. Chuyển vụ án cho Tòa án khác, giải quyết tranh chấp về thẩm quyền
1. Trong trường hợp thấy vụ án đã thụ lý không thuộc thẩm quyền của mình thì Tòa án đã thụ lý vụ án xóa sổ thụ lý và ra quyết định chuyển hồ sơ vụ án cho Tòa án có thẩm quyền. Quyết định này phải được gửi cho đương sự, cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan.
Đương sự, cá nhân, tổ chức có quyền lợi, nghĩa vụ liên quan có quyền khiếu nại quyết định này trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được quyết định. Trong thời hạn ba ngày làm việc, kể từ ngày nhận được khiếu nại, Chánh án Tòa án đã ra quyết định chuyển vụ án phải giải quyết khiếu nại.
Trong khoản 1 hoàn toàn không có quy định về thời hạn mà Tòa án phải chuyển vụ án cho Tòa án khác giải quyết khi không thuộc thẩm quyền điều này sẽ dẫn đến sự tùy tiện chuyển sớm hay chuyển muộn tùy thuộc vào cán bộ thụ lý hậu quả dẫn đến là làm chậm đi tiến độ giải quyết vụ án do vậy theo chúng tôi cần quy định một thời hạn cụ thể phải chuyển chậm nhất là “ 15 ngày “ kể từ ngày thụ lý vụ án.
Song song đó thời hạn khiếu nại quyết định này là 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận được quyết định theo chúng tôi là không ổn bỡi lẻ với khoản thời gian 03 ngày thì người khiếu nại không có đủ lượng thời gian để làm các thủ tục khiếu nại mà theo chúng tôi tối thiểu phải cho đương sự thời hạn khiếu nại là “ là 15 ngày “kể từ ngày nhận được quyết định

3)-Về Quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn :

Theo quy định tại Khoản 2 Điều 58 Dự thảo/BLTTDS thì
“ Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện”
Quy định như vậy là bất hợp lý vì trên thực tế có rất nhiều nguyên nhân khách quan có thể xảy ra làm cho nguyên đơn không thể có mặt theo giấy triệu tập. Hậu quả pháp lý của quy định trên sẽ dẫn đến việc Tòa án đình chỉ việc giải quyết vụ án và nguyên đơn sẽ mất đi toàn bộ số tiền tạm ứng án phí đã nộp cho Tòa án ( Điều 10 /NĐ 70/NĐ-CP), mặc dù việc vắng mặt hòan tòan nằm ngòai ý muốn của nguyên đơn.
Theo quy định của pháp luật hiện hành thì vấn đề trên được quy định như sau :
Khoản 3 Điều 46/ PLTTGQCVADS về đình chỉ giải quyết vụ án thì
“Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng”
Khoản 1 điểm c Điều 39/ PLTTGQCVAKT về đình chỉ giải quyết vụ án thì
“Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt”
Khoản 1 điểm c Điều 41/ PLTTGQCTCLĐ về đình chỉ giải quyết vụ án thì
“ Nguyên đơn đã được triệu tập hợp lệ đến lần thứ hai mà vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng”
Ngay trong 03 văn bản pháp lệnh thủ tục giải quyết các vụ án dân sự, kinh tế, lao động thì đã có hai Pháp lệnh có quy định cụm từ “không có lý do chính đáng” nhằm dự liệu trường hợp bất khả kháng đối với nguyên đơn.
Do vậy theo chúng tôi cần thiết phải sửa lại là: “Nguyên đơn được toà án triệu tập hợp đến lần thứ 2 vẫn vắng mặt không có lý do chính đáng thì bị coi là từ bỏ việc khởi kiện”.

4)- Về thẩm quyền của TAND cấp Huyện :

Dự thảo BLTTDS không xem giá trị tranh chấp là tiêu chí phân định thẩm quyền theo cấp của TAND trong việc giải quyết các tranh chấp kinh tế. Theo đó, Dự thảo lấy nội dung hoạt động, đối tượng của hợp đồng và sự phức tạp của vụ tranh chấp làm tiêu chí phân định thẩm quyền giữa Toà án các cấp. Do vậy trong thời gian tới đây thẩm quyền của TAND cấp huyện sẽ rất rộng.
Theo pháp luật hiện hành thì thẩm quyền xét xử của TAND cấp Huyện đối với các vụ án kinh tế chỉ giới hạn ở những tranh chấp hợp đồng kinh tế có giá trị tranh chấp không vượt quá 50 triệu đồng và chỉ được giải quyết các tranh chấp không có yếu tố nước ngoài, còn theo dự thảo BLTTDS thì thẩm quyền giải quyết tranh chấp kinh tế của TAND cấp huyện không còn giới hạn ở giá trị tranh chấp nữa và được mở rộng sang các tranh chấp có yếu tố nước ngoài. Trao đổi về vấn đề này có nhiều ý kiến khác nhau :

4.1 Về việc giao cho Tòa án cấp huyện thẩm quyền xét xử một số vụ án kinh tế không giới hạn giá trị tranh chấp
Có ý kiến tán thành, không giới hạn giá trị tranh chấp , lại có ý kiến chỉ nên giao cho TAND cấp huyện thẩm quyền giải quyết các vụ án kinh tế mà có giá trị tranh chấp từ 500 triệu đồng trở xuống và cho rằng lực lượng cán bộ tòa án cấp huyện thiếu với thực trạng trình độ chuyên môn nghiệp vụ thấp như hiện nay, khó có thể đảm bảo tốt chất lượng xét xử các vụ án kinh tế.
Theo chúng tôi là không nên giới hạn giá trị tranh chấp bỡi lẻ có những vụ tranh chấp rất cao nhưng nội dung rất đơn giản và có đầy đủ các chứng cứ để giải quyết song song đó cơ sở để phân định thẩm quyền của TAND cấp huyện và TAND cấp tỉnh là nội dung và đối tượng của các vụ tranh chấp mà phạm vi phân định thẩm quyền cho TAND cấp huyện (từ điểm a đến điểm i Điều 29)là vừa phải, không phức tạp còn những vụ án có tính chất phức tạp (từ điểm k đến điểm o Điều 29) đã được phân định thuộc thẩm quyền của TAND cấp tỉnh.
Song song đó theo dự thảo tại điều 34 về thẩm quyền của TAND cấp tỉnh có quy định TAND cấp tỉnh có thể lấy lên để giải quyết bất kỳ vụ án nào thuộc thẩm quyền của TAND cấp huyện nên những vụ án nào phức tạp TAND cấp huyện đều có thể chuyển giao để TAND cấp tỉnh lấy lên để giải quyết
Nên việc không giới hạn giá trị tranh chấp của các vụ án kinh tế đối với thẩm quyền xét xử của TAND cấp huyện là hợp lý và việc mạnh dạn phân cấp này nhằm tạo điều kiện cho TAND cấp huyện phấn đấu nâng cao chất lượng hoạt động xét xử và tăng cường cơ sở vật chất phục vụ cho việc xét xử, từng bước thực hiện tốt chức năng xét xử sơ thẩm cũng như hạn chế việc đẩy án xét xử sơ thẩm về cho TAND cấp tỉnh để TAND cấp tỉnh tập trung nhiều hơn cho việc xét xử phúc thẩm cũng như tập trung xem xét các bản án quyết định đã có hiệu lực pháp luật theo trình tự thủ tục đặc biệt đó là giám đốc thẩm và tái thẩm.

4.2-Về việc giao thẩm quyền cho Tòa án cấp huyện giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài
Có ý kiến tán thành và có ý kiến khác đề nghị giữ nguyên như quy định của pháp luật hiện hành, không phân thẩm quyền cho TAND cấp Huyện mà nên quy định giao cho Tòa án cấp tỉnh giải quyết theo thủ tục sơ thẩm tất cả các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài.
Theo chúng tôi thì không nên giao thầm quyền giải quyết các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài cho TAND cấp huyện bỡi các lẻ sau :
Thứ nhất :các loại vụ việc có yếu tố nước ngoài thường phức tạp và đòi hỏi Thẩm phán phải nắm vững pháp luật không những của nước ta mà còn cả pháp luật nước ngoài, phải am hiểu pháp luật quốc tế, điều ước quốc tế mà nhà nước ta đã ký kết hoặc tham gia, trong nhiều trường hợp phải sử dụng phiên dịch trong quá trình xét xử. Do đó, nếu giao cho Tòa án cấp huyện xét xử sẽ gặp nhiều khó khăn trong quá trình giải quyết vụ án
Thứ hai : như đã trình bày ở trên, việc giao cho TAND cấp huyện xét xử các vụ án kinh tế mà không giới hạn giá trị tranh chấp sẽ nâng khối lượng án xét xử của TAND cấp Huyện tăng nhiều so với trước đây, song song đó vào ngày 01/07/2004, những TAND cấp Huyện có đầy đủ các điều kiện sẽ mở rộng xét xử những vụ án hình sự về những tội phạm rất nghiêm trọng có mức án tù cao nhất là 15 năm (Khoản 1 điều 170/BLTTHS) và đến ngày 01/07/2009 ( theo quy định tại điểm 3 / NQ số 24/2003/QH11 V/v thi hành BLTTHS ) thì tất cả TAND cấp Huyện phải đồng loạt thực hiện việc xét xử trên. Điều này sẽ dẫn đến việc quá tải tại TAND cấp Huyện.
Thứ ba : việc thực hiện các biện pháp ngăn chặn có yếu tố nước ngoài như đình chỉ xuất cảnh, phong tỏa tài khoản của người nước ngoài,.. trước đây do TAND cấp tỉnh thực hiện nếu nay giao cho TAND cấp huyện thì TAND cấp Huyện sẽ rất lúng túng.
Từ những phân tích trên, theo chúng tôi, không nên giao thẩm quyền xét xử các vụ án dân sự có yếu tố nước ngoài cho TAND cấp Huyện.

5)-Về thu thập chứng cứ trong tố tụng dân sự :

Theo dự thảo tại điều điều 84 về việc Thu thập chứng cứ quy định trường hợp đương sự không thể tự mình thu thập được chứng cứ và có yêu cầu thì Thẩm phán có thể tiến hành một hoặc một số biện pháp để thu thập chứng cứ
Có ý kiến tán thành và ý kiến khác không tán thành, đề nghị không nên quy định giao cho Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ nhằm bảo đảm tính khách quan trong việc giải quyết vụ án.
Theo chúng tôi không nên quy định giao cho Tòa án tiến hành thu thập chứng cứ và bổ sung một nội dung mới : nên chăng thành lập ra một cơ quan chuyên trách thu thập chứng cứ nhằm hổ trợ hoạt động xét xử của Tòa án và có như thế mới giảm tải cho các thẩm phán cũng như đảm bảo tính khách quan của thẩm phán trong quá trình giải quyết vụ việc. Đó là hoạt động của tổ chức thừa phát lại trước đây.
Thừa phát lại không thuộc biên chế nhà nước nhưng được nhà nước giao cho thực hiện công việc của nhà nước và khi thực hiện nhiệm vụ thừa phát lại lại nhân danh nhà nước và hoạt động chủ yếu của Thừa phát lại là lập các vi bằng ( biên bản ) và cơ quan tòa án chỉ thừa nhận chứng cứ của Thừa phát lại trong hoạt động xét xử dân sự, nhiệm vụ thừa phát lại bao gồm : tống đạt các trát của Tòa ; thực hiện việc thi hành án tự nguyện của các bên ; lập biên bản chứng nhận các hành vi, các giao dịch và kể cả các di chúc tại nhà.
Nếu chế định “Thừa phát lại” nay gọi là “Thừa hành viên” được ban hành thì việc xác lập nguồn chứng cứ sẽ được các thừa hành viên thực hiện. Khi đó chứng cứ trong vụ án dân sự sẽ được thừa hành viên hỗ trợ cho Tòa trong việc giải quyết các vụ án dân sự .

6)-Về nghĩa vụ chứng minh trong tố tụng dân sự :

Điều 78 khoản 1 quy định “Đương sự có yêu cầu Tòa án bảo vệ quyền, lợi ích hợp pháp của mình phải chứng minh yêu cầu đó là có căn cứ pháp luật và phải đưa ra chứng cứ để chứng minh”
Nhưng khoản 2,3,4 lại quy định bị đơn phản đối yêu cầu của nguyên đơn phải chứng minh sự phản đối đó là có căn cứ; các cá nhân , tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích chung phải chứng minh cho việc khởi kiện, yêu cầu của mình là có căn cứ; tương tự Viện kiểm sát khi khởi tố vụ án dân sự cũng phải chứng minh cho việc khởi tố, yêu cầu đó là có căn cứ. Như vậy đã có sự không đồng nhất trong việc quy định về quyền và nghĩa vụ tố tụng của các bên, vì rõ ràng “có căn cứ pháp luật” và “có căn cứ” là hoàn toàn khác nhau.
Chúng tôi cho rằng quy định bị đơn khi phản đối yêu cầu của nguyên đơn phải chứng minh sự phản đối đó là “có căn cứ” là hợp lý ( khoản 2 điều 78 ) bởi vì các căn cứ bên bị đơn đưa ra không nhất thiết phải là các căn cứ pháp lý mà là bất cứ các căn cứ nào có thể thuyết phục được Hội đồng xét xử và chỉ cần được Hội đồng xét xử chấp nhận là được.
Nhưng quy định các cá nhân , tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích chung phải chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ, ( khoản 3 điều 78 ) cũng như Viện kiểm sát khi khởi tố vụ án dân sự phải chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ ( khoản 4 điều 78 ) là không hợp lý bởi vì quyền và nghĩa vụ của các cá nhân và tổ chức khởi kiện để bảo vệ lợi ích chung cũng giống như quyền và nghĩa vụ của nguyên đơn khi đề nghị với Tòa án phải là phải chứng minh yêu cầu của mình có căn cứ pháp luật chứ không chỉ có căn cứ là được chấp nhận và tương tự như thế, Viện kiểm sát khi khởi tố vụ án dân sự cũng phải chứng minh yêu cầu của mình là có căn cứ pháp luật chứ không chỉ có căn cứ là đủ.
Chúng tôi cho rằng cần phải quy định thống nhất tại khoản 3 và 4 của điều 78 là “có căn cứ pháp luật”. Có như thế mới đảm bảo về mặt kỹ thuật lập pháp (sự đồng nhất) cũng như đảm bảo sự bình đẳng giữa các chủ thể tham gia tố tụng.

7. Về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời :

Việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện trong một số trường hợp là cần thiết nhằm bảo toàn chứng cứ và ngăn chặn kịp thời những hành vi vi phạm pháp luật, đáp ứng đòi hỏi của cuộc sống và thông lệ quốc tế.
Để hạn chế tối đa thiệt hại có thể phát sinh cho các bên đương sự khi áp dụng biện pháp này, trong dự thảo BLTTDS đã quy định chặt chẽ về các trường hợp cần thiết, điều kiện, thủ tục áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện và trách nhiệm của người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời để vừa bảo hộ kịp thời quyền và lợi ích hợp pháp của người có yêu cầu, đồng thời hạn chế được việc lạm dụng quyền yêu cầu từ phía người có yêu cầu gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba.
Do đó, việc quy định về việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời trước khi khởi kiện trong những trường hợp cần thiết như trong dự thảo là hợp lý nhưng còn nhiều ý kiến khác nhau, trong đó bao gồm :

7.1-Về trách nhiệm bồi thường do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng:
Theo dự thảo tại điều 99/BLTTDS thì trách nhiệm do áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng được quy định như sau :
1. Người yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm trước pháp luật về yêu cầu của mình. Trong trường hợp yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng và gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì phải bồi thường.
2. Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà gây thiệt hại cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời hoặc cho người thứ ba thì Tòa án phải bồi thường nếu thuộc một trong các trường hợp sau đây:
a) Tòa án tự mình áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời;
cool.gif Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời khác với biện pháp khẩn cấp tạm thời mà cá nhân, tổ chức có yêu cầu hoặc kiến nghị của Viện kiểm sát;
c) Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời vượt quá yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của cá nhân, tổ chức hoặc kiến nghị của Viện kiểm sát.
3. Viện kiểm sát kiến nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải chịu trách nhiệm về kiến nghị của mình.

Có ý kiến tán thành hoàn toàn như quy định trong dự thảo , có ý kiến lại đề nghị bổ sung trách nhiệm liên đới của Tòa án với người yêu cầu khi ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời không đúng ; lại có ý kiến phải cụ thể hóa việc bồi thường đó cho thẩm phán giải quyết vụ việc - người tự mình ra quyết định áp dụng các biện pháp khẩn cấp tạm thời, chứ không thể quy định một cách chung chung là toà án và việc quy định Thẩm phán thụ lý vụ việc phải có trách nhiệm bồi thường sẽ là điều kiện ràng buộc người Thẩm phán thụ lý vụ việc phải thận trọng hơn, kỹ lưỡng hơn khi quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và cũng có ý kiến là phải bổ sung phần trách nhiệm bồi thường đối với Viện kiểm sát nếu Viện kiểm sát là cơ quan kiến nghị Tòa án ra quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và kiến nghị đó sai, gây thiệt hại cho đương sự (điều 117/DT.BLTTDS)
Theo chúng tôi dự thảo quy định điều 99 như trong dự thảo là hợp lý bởi lẻ luật đã dự liệu và phân định ra hai trường hợp thẩm phán xem xét quyết định cho áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời, đó là :
Thứ nhất, theo yêu cầu của đương sự và trong trường hợp này luật đã dự liệu người yêu cầu phải chịu trách nhiệm bồi thường thiệt hại và dĩ nhiên để đảm bảo sự bồi thường thiệt hại ( nếu có ) thì người yêu cầu phải ký quỹ một khoản tiền tương ứng với giá trị yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời (khoản 1 điều 99/DT/BLTTDS )
Thứ hai, thẩm phán tự mình xem xét cho áp dụng theo quy định tại khoản 2 điều 99/DT/BLTTDS
Nếu ở trường hợp thứ nhất mà buộc Thẩm phán phải liên đới chịu trách nhiệm thì áp lực công việc của Thẩm phán quá nặng và ngược lại người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời sẽ không thấy trách nhiệm của mình khi yêu cầu Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Việc cụ thể hóa trách nhiệm bồi thường thiệt hại do áp dụng các biện pháp tạm thời không đúng cho Thẩm phán theo tôi là không cần thiết bởi lẽ, nếu Thẩm phán làm sai và gây ra thiệt hại sẽ có các văn bản điều chỉnh tương ứng đối với trách nhiệm Thẩm phán là một công chức và việc quy định trách nhiệm bồi thường là Tòa án thì hợp lý hơn vì khi đó các Chánh án TAND các cấp sẽ quan tâm và có trách nhiệm nhiều hơn đối với hoạt động áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời của các Thẩm phán.
Việc quy định bổ sung phần chịu trách nhiệm của Viện kiểm sát trong trường hợp Viện kiểm sát là cơ quan kiến nghị Tòa án áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hợp lý vì có như thế mới nâng cao được trách nhiệm của các cá nhân và tổ chức khi đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.

7.2-Về việc có nên hay không nên quy định việc người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải ký quỹ một số tiền tương ứng với giá trị đề nghị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời ( điều 121 /DT.BLTTDS)
Theo dự thảo tại điều 121/BLTTDS thì việc buộc thực hiện biên pháp bảo đảm được quy định như sau :
1. Người yêu cầu Tòa án áp dụng một trong các biện pháp khẩn cấp tạm thời quy định tại các khoản 6, 7, 8, 10 và 11 éiều 101 của Bộ luật này phải gửi một khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền do Tòa án ấn định nhưng không quá nghĩa vụ tài sản mà người có nghĩa vụ phải thực hiện để bảo vệ lợi ích cho người bị áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời và ngăn ngừa sự lạm dụng quyền yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời từ phía người có quyền yêu cầu.
2. Khoản tiền hoặc kim khí quý, đá quý hoặc các giấy tờ trị giá được bằng tiền phải gửi vào tài khoản phong tỏa tại ngân hàng trong thời hạn do Tòa án ấn định.

Có ý kiến tán thành với dự thảo tại điều 121; có ký kiến cho rằng không nên đưa ra quy định buộc người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời phải thực hiện việc ký quỹ để đảm bảo cho việc thực hiện yêu cầu của mình. Vì quy định như vậy sẽ có tình trạng những người nghèo khó không có điều kiện thực hiện việc ký quỹ và do đó sẽ không được xem xét cho áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời . Điều này có thể sẽ gây thiệt hại đến lợi ích hợp pháp của người có quyền. Quan trọng hơn là điều này tạo ra sự bất bình đẳng trong việc thực hiện các quyền tố tụng của các chủ thể tham gia tố tụng : cũng có ý kiến nên bổ sung quy định nếu toà án không áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời mà gây ra thiệt hại đối với người yêu cầu áp dụng thì tòa án cũng phải có trách nhiệm đối với người yêu cầu vì nếu không quy định như vậy sẽ dẫn đến trường hợp toà án không muốn thực hiện áp dụng biện pháp ngăn chặn để né tránh trách nhiệm.
Theo chúng tôi hoàn toàn tán thành dự thảo quy định tại điều 121/BLTTDS bởi những lẽ sau :
Thứ nhất : quy định ký quỹ đối với người có yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời là hợp lý, nhằm tránh tình trạng lạm dụng việc yêu cầu và để đảm bảo việc bồi thường thiệt hại do yêu cầu sai.
Thứ hai : theo dự thảo, tại điều 99 cũng đã dự liệu 02 trường hợp : một là, áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời theo yêu cầu của đương sự; hai là, Thẩm phán tự mình quyết định áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời .Trường hợp người yêu cầu không có điều kiện ký quỹ thì thuộc trường hợp thứ hai Thẩm phán sẽ cân nhắc quyết định việc áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời.
Về ý kiến đề nghị nên bổ sung quy định trường hợp toà án không áp dụng biện pháp khẩn cấp mà gây ra thiệt hại đối với người yêu cầu áp dụng thì toà cũng phải có trách nhiệm đối với người yêu cầu, theo tôi là không cần thiết bỡi vì, trong quá trình thực hiện công vụ của mình, nếu Thẩm phán gây thiệt hại người yêu cầu áp dụng biện pháp khẩn cấp tạm thời thì Thẩm phán vẫn phải chịu trách nhiệm (như trường hợp cán bộ công chức gây thiệt hại cho công dân) nếu thiệt hại đó là có thật và do vậy không cần quy định bổ sung .

8.)-Về sự có mặt của Viện kiểm sát :

Nội dung quy định tại điều 208 dự thảo BLTTDS mâu thuẫn với Điều 21 Luật tổ chức VKSND :
Khoản 3 điều 21 Luật Tổ chức VKSND quy định : “ VKSND tham gia các phiên Tòa và phát biểu quan điểm của Viện kiểm sát nhân dân về việc giải quyết vụ án “
Điều 208/DT.BLTTDS quy định như sau :
1)- Viện kiểm sát cùng cấp có nhiệm vụ tham gia phiên tòa xét xử vụ án mà Viện kiểm sát khởi tố. Đối với những vụ án khác, Viện kiểm sát có thể tham nếu xét thấy cần thiết. Trong trường hợp cần thiết có thể có Kiểm sát viên dự khuyết.
2)- Trong trường hợp phải có Kiểm sát viên tham gia phiên tòa mà Kiểm sát viên vắng mặt hoặc bị thay đổi và không có kiểm sát viên dự khuyết để thay thế thì HĐXX quyết định hoãn phiên tòa và thông báo ngay cho Viện kiểm sát cùng cấp biết.
Theo chúng tôi những phiên tòa mà kiểm sát viên phải tham gia là : những vụ án hình sự mà Viện kiểm sát nhân dân giữ quyền công tố ; những vụ án dân sự mà do chính viện kiểm sát khởi tố hoặc kháng nghị thì kiểm sát viên phải tham dự phiên tòa còn những vụ án dân sự khác thì không nhất thiết quy định kiểm sát viên phải tham gia để tạo điều kiện cho các đương sự tự định đoạt các quyền nghĩa vụ của mình.

Nhưng việc có mặt của Kiểm sát viên tại phiên tòa được áp dụng theo BLTTDS hay Luật tổ chức VKSND đều phải được quy định rỏ ràng và thống nhất, nếu áp dụng BLTTDS thì phải xem xét sửa đổi Luật tổ chức VKSND và nguợc lại để có sự thống nhất pháp luật.

9)-Phần thi hành bản án quyết định của Tòa án :

Phần thứ bảy về thi hành bản án,quyết định của Tòa án của dự thảo BLTTS có quy định 15 điều nhưng nội dung trong dự thảo hoàn toàn không điều chỉnh hết những nội dung liên quan đến việc thi hành bản án,quyết định của Tòa án và có sự khập khểnh so với những nội dung quy định tại Pháp lệnh thi hành án dân sự chuẩn bị có hiệu lực pháp luật vào ngày 01/07/2004 tới đây.
Trên thực tế vấn đề thi hành bản án quyết định của Tòa án nhất là các bản án quyết định dân sự hết sức phức tạp và bị sự can thiệp của quá nhiều cơ quan nhất là cơ quan nên theo chúng tôi nên có quy định bổ sung :
“ nghiêm cấm sự can thiệp tạm dừng thi hành bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật khi không có cơ sở xem xét theo các trình tự thủ tục giám đốc hoặc tái thẩm “ và “ nghiêm cấm sự can thiệp buộc thi hành nội dung trái với nội dung bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật “
Có như thế mới hạn chế bớt được sự can thiệp của một số cá nhân tổ chức đối với hoạt động thi hành bản án quyết định của Tòa án đã có hiệu lực pháp luật và đẩy mạnh được tiến trình cải cách tư pháp hiện nay.


Luật sư Phan Thông Anh
Giám đốc Công ty luật hợp danh Việt Nam
Trọng tài viên Trung tâm Trọng tài Quốc tế Việt Nam

Các văn bản liên quan